Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

(3) Kinh nghiệm câu cá của người Tây Nam Bộ xưa

Kinh nghiệm câu cá của người miền Tây Nam Bộ xưa
Vùng sông rạch nước ngọt, còn có nhiều cá chạch. Có hai loại cá chạch là cá chạch cơm và cá chạch lấu. Cá chạch cơm bụng trắng, thân nhỏ, con lớn nhất bằng ngón chân cái, dài cỡ gang tay. Cá chạch lấu khá lớn, thân mình có bông rằn ri, dài cỡ 3-4 “tấc”, có con dài 5 “tấc”, cân nặng từ 500gram trở lên. Cả hai loại cá chạch này đều rất béo, nhất là cá chạch lấu. Cá chạnh nướng, kho cà ri hoặc kho nghệ là món ngon trong các bữa cơm gia đình ở miền thôn dã.
Cá he nghệ
Vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch, dân quê thường bắt cá chạch cơm bằng bàn cào. Bàn cào được làm bằng sắt, tra vào cán tầm vông dài. Người cầm cào đưa bàn cào ra xa, ghì mạnh tay cho bàn cào bấu sâu xuống đất bùn, giữ cho bàn cào ở tư thế đó rồi kéo mạnh hướng vào trong chỗ đang đứng. Bàn cào bấu sâu như vậy để khi gặp phải cá chạch lẫn trong bùn sẽ bị mắc vào các răng sắt của bàn cào, người ta chỉ cần gỡ cá bỏ vào xuồng. Một con nước ròng, dùng bàn cào có khi được nửa thùng thiếc cá chạch hoặc nhiều hơn.

Cá chạch cơm được bắt bằng cách đặt lọp vào mùa nước lên trên các cánh đồng. Đặt lọp khá công phu nhưng cũng nhàn hạ. Dân quê cứ xế chiều là lo làm mồi. Mồi thì chỉ có cám rang thật thơm hoặc cua đồng tách ra rồi trộn với xác mắm cá linh, vò với đất sét. Cá chạch rất thích món mồi này. Về sau, người ta còn thêm đại hồi, tiểu hồi trộn chung với cám rang, xác mắm, cua, trùn… Chuẩn bị mồi xong, đến chiều muộn thì bắt đầu đưa lọp xuống xuồng. Họ chèo xuồng đến vạt đất nào muốn đặt lọp, rồi rời xuồng, lội xuống nước và kéo xuồng theo. Họ vừa dắt xuồng vừa lấy bàn chân dọn nền lọp bằng cách chà cho nền lọp trũng xuống một chút, sau đó lấy lọp đặt xuống chỗ nền vừa mới chà xong, cắm một cái cây ghìm cho lọp không trôi. Trở miệng lọp xuôi theo dòng nước chảy để mồi đặt trong lọp trôi theo nước đưa mùi thơm đi xa. Cá bắt được mùi sẽ lội ngược nước tìm miệng lọp chui vào. Người đặt lọp không quên gom cỏ hoặc lúa làm thành cái gù nhằm làm dấu để khi dỡ lọp không bị bỏ sót, nếu không làm dấu như vậy lọp dễ bị lạc vì mỗi người có đến vài trăm lọp.

Sang tháng Tư, tháng Năm âm lịch, dân ruộng chuyển sang bắt cá chạch cơm bằng cách buộc một chùm lá chuối khô để xúc cá chạch. Họ cũng xúc cá chạch dọc theo các dề lục bình trôi trên các kênh, rạch vào mùa nước cỏ lúc cá ra sông tháng mười một, tháng chạp.

Bắt cá chạch lấu thì có hai cách, đó là đặt rù hay câu bằng cần. Tháng nước giựt người ta câu cá chạch lấu bằng mồi tép. Cá chạch lấu thích dựa vào các gốc cây lớn như cây gáo, cây bảy thưa, cây bần, dân quê neo xuồng cặp theo các gốc cây này. Họ móc mồi tép vào lưỡi câu. Dùng chì neo cách lưỡi câu chừng vài ba “tấc” để cho lưỡi mau chìm xuống nước và không bị trôi. Cá chạch lấu rất dạn ăn, hễ gặp mồi là lao tới ăn câu liền. Cá chạch lấu cũng rất khỏe nên khi chúng bị mắc lưỡi, nếu giật chậm một chút là chúng có thể kéo dây chạy vào gốc cây rất khó bắt lại.

Bắt cá chạch bằng cách đặt rù (hay còn gọi đặt lu, đặt khạp, đặt bộng), hoặc kéo bò là gọi theo các vật dụng dùng để bắt cá chạch. Dân quê chỉ đặt rù hoặc kéo bò bắt đầu từ tháng nước giựt đến hết tháng tư âm lịch, vì thời gian này mưa nhiều và liên miên, cá bỏ sông về đồng nên dùng phương pháp “rù” sẽ không có cá. Dùng “rù” bắt cá chạch lấu cũng bắt được cá rô biển, cá trê, cá lóc vì các loài cá này thích ở nơi có nhiều chà, có thể chúng cảm thấy những cái rù này “êm” quá nên vào “chơi” cho vui. Ngày xưa, nhiều cá nên mỗi ngày người ta dỡ rù một lần, nhưng chắc nhất là cách hai ba ngày dỡ một lần vì rù êm, ít ai động đậy, cá dạn sẽ vô trú ẩn nhiều hơn.

Cá Chạch lấu

Cá linh vùng sông nước Cửu Long như miệt Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cao Lãnh có hai loại: cá linh ống và cá linh rìa. Cá linh ống có thân hình ống tròn, vảy nhuyễn. Cá linh rìa thì thân hình hơi giẹp, hai bên hông có lằn vảy màu sậm đen. Nói đến cá linh nghĩa là nhắc đến cá linh ống vì loại này chiếm phần lớn trong các bầy cá linh; cá linh rìa có số lượng ít hơn. Cả hai giống cá này khi còn nhỏ chỉ lớn bằng đầu đũa ăn, nên được gọi bằng tên chung là cá linh non. Chúng có thói quen sống thành đàn, ăn rong ngầm dưới mặt nước. Chính vì thế dân quê mới tìm cách bắt cá linh bằng đăng, đó, giăng lưới, đặt dớn, đóng đáy giữa sông lớn, lưới gạt, vó cất…Vì cá linh cũng như cá sặt, có miệng rất nhỏ, ít ăn câu nên không ai đi câu hai loại cá này.

Cá Linh ống

Cá he có đuôi và kỳ màu đỏ. Khi cá he lớn, ngoài đuôi và kỳ màu đỏ chúng còn có mang và vảy ửng vàng nên dân quê thường gọi là cá he nghệ. Cá he nghệ ở các kênh, rạch miền Tây cũng nhiều nhưng so với các loại cá khác thì không đáng kể.

Ở các khu vực sông Cái như sông Tiền Giang, Hậu Giang, người ta thường chất từng bó chà ở những khúc sông không sâu lắm. Bằng kinh nghiệm, họ biết cá he thích trú ẩn trong những nhánh tre bó lại thành từng bó, to bằng một vòng ôm nên mới bó nhánh tre để dụ cá he vào ở. Mỗi tháng hoặc hai tháng họ dỡ chà một lần, tùy theo nơi cá nhiều hay ít. Cá he nghệ thích ăn cám rang, hột trái ké, dây cứt quạ, lúa rang. Người ta thường dùng những loại mồi vừa kể để câu cá he. Ở các vùng như Tân Châu, Châu Đốc, cá he được nuôi trong các bè nổi trên sông, mồi cho cá he ăn ngoài cám rang, các chủ bè còn cho ăn bí rợ, cà chua hoặc các loại rau cải vụn bán ở các chợ. Riêng các vùng Lấp Vò, Sa Đéc, cá he được nuôi chung với các loại cá trắng khác như cá mè vinh, cá dảnh, cá éc, cá hô trong các ao hồ trong vườn. Mồi cho cá he và các loại cá này là cơm nguội trộn với cám rang. Mùa tháng ba, tháng tư có chuột đồng thì ruột chuột, da chuột làm mồi cho cá trong ao hồ rất tốt. Những tháng mưa hoặc tháng nước lên có nhiều cua ốc, người ta bằm cua ốc cho cá ăn cho cá mau lớn.

Ở sông rạch vùng Long Xuyên-Châu Đốc vào tháng nước giựt còn có loại cá heovới hai ngạnh rất sắc nằm ở hai bên mang. Thân cá có da láng, ửng vàng cùng vằn ngang màu đen, rất béo. Loại cá này phần nhiều bắt được bằng cách đóng đáy giữa sông hoặc dùng vó gạt. Các cách bắt cá khác như câu, lưới, kể cả vó cất, đặt dớn cũng chỉ bắt một số ít chứ không nhiều bằng hai cách vó gạt hay đóng đáy giữa sông, vì loại cá này cũng hiếm so với các loài cá khác trong vùng nước ngọt. Thêm vào đó, cá heo có đặc tính đi ngầm dưới nước và thích ăn rong nên bắt chúng bằng cách câu hoặc giăng lưới không hiệu quả lắm. Cá heo chế biến ngon nhất là kho tiêu.

Cá heo nước ngọt vùng Long Xuyên- Châu Đốc

Riêng về cá bống cũng có nhiều loại như cá bống mọi, cá bống trứng, cá bống cát, cá bống mú hay còn gọi là cá bóng tượng. Cá bống mọi thân nhỏ bằng ngón tay, con lớn nhất bằng ngón tay cái, dài chừng 4-5 “phân”, có vảy màu sậm. Cá bống trứng cũng nhỏ như cá bống mọi nhưng bụng nhạt màu hơn, có cặp trứng bên trong ửng vàng lộ ra bên ngoài. Cá bống cát mình dài có vảy thưa và thịt hơi trong. Cá bống mú (còn gọi cá mú hay cá bống tượng) là loại cá bống lớn, mình ngắn, trên mình vảy có bông hoa rất đặc biệt và là loài cá ngon trong các loài cá sông.

Cá bống tượng

Cá dảnh là loại cá trắng rất có tiếng trong các loài cá trắng vùng nước ngọt. Ngày trước lúc cá tôm vùng nước ngọt còn nhiều, cá dảnh câu được có con lớn bằng cái dĩa bàn. Cá dảnh có hình dạng hơi giẹp, vảy nhuyễn, nhiều xương nạng còn gọi là xương hom, lúc còn nhỏ thịt ít nhưng cá lớn có con nặng cả ki-lo-gram. Món cá dảnh nướng là món ăn rất ngon. Cũng như nhiều loại cá trắng khác, tuy là cá sông nhưng tới mùa nước lên cá dảnh cũng sống trên đồng và ưa cư ngụ ở những nơi có nhiều rong đuôi chồn hay mã đề.

Chúng rất thích ăn những loài rong ấy cũng như thích ăn lúa hột rang cho vàng hoặc dây cứt quạ. Biết được sở thích ấy nên dân quê thường nhử cá bằng cách rang lúa hoặc cắt dây cứt quạ, bó lại thành chum rồi đem buộc ở nơi đóng chà, cá sẽ tụ lại rút, tỉa là cứt quạ.

Cá dảnh

Cá mè vinh có những đặc tính giống như cá dảnh nhưng cá mè vinh vảy lớn hơn, thân cá dầy hơn và cũng có nhiều xương nạng. Kỳ cá dảnh màu trắng nhưng kỳ cá mè vinh màu hơi sậm hơn và ửng đỏ. Cá mè vinh càng lớn thì vảy càng đậm, khi chúng bơi lội dưới nước, lớp vảy lấp lánh trong nước như hột cườm chiếu sáng nên dân ruộng gọi cá mè vinh lớn lá cá mè vinh cườm, có con lớn gần bằng cái dĩa bàn. Giặng lưới vào mùa nước lên sẽ bắt được hai loại cá mè vinh và cá dảnh, đây cũng là cách thông dụng nhất nơi đồng ruộng. Các phương pháp khác như chất chà, vải chài, đóng đáy, vó cất, vó gạt cũng là những cách bắt cá dảnh, cá mè vinh mà dân quê thường áp dụng. Ai thích câu thì câu chúng bằng mồi rong đuôi chồn hoặc lá cứt quạ vào tháng cá ra sông.
Cá mè vinh

Sông nước miền Tây còn có loại cá lưỡi trâu cũng không kém phần hấp dẫn. Cá lưỡi trâu có vảy màu vàng nhạt ở trên lưng, vảy ở bụng màu trắng. Đóng đáy và vó gạt là hai cách bắt cá lưỡi trâu rất hữu hiệu được người xưa hay áp dụng. Ngoài ra còn có các cách bắt khác như câu, chài hoặc giăng lưới nhưng không được nhiều cá. Cá lưỡi trâu không được nhiều như các giống cá khác.

Cá lưỡi trâu

Cư ngụ ở các sông rạch nước ngọt có hai loại cá rô là cá rô biển và cá rô đồng. Cá rô biển ở sông nhiều, nhất là vào mùa nước giựt, chúng thường hay dựa theo các gốc cây lớn. Kỳ trên và kỳ dưới của cá rô biển đều rất sắc nhưng chúng không dùng để đâm kẻ thù, có thể nói cá rô biển thuộc loại cá rất hiền. Cá rô biển nhỏ bằng hai ba ngón tay trở xuống có tên là cá rô biển dăm, ngược lại với cá rô biển lớn cỡ bằng bàn tay hoặc có con lớn bằng cái dĩa bàn thì được gọi là cá rô biển bà. Cá rô biển dăm thường được làm mắm hoặc làm khô. Cá rô biển bà đem chiên chấm nước mắm gừng là ngon hết sẩy. 

Tùy theo mùa mà dân quê có cách bắt cá rô biển khác nhau. Tháng mười một, tháng chạp âm lịch là lúc cá dại, người ta đi đâm cá bằng chĩa xà di hoặc câu cá bằng mồi tép. Nhưng đến tháng giêng, tháng hai thì họ đặt rù, kéo bò. Cá rô biển thích dựa gốc cây, dựa chà nên chất chà cũng là cách bắt cá rô biển rất hữu hiệu. Tháng nước giựt gần khô đồng thì cá rô biển dính lưới giăng trên đồng rất nhiều, đây cũng là dấu hiệu đồng ruộng gần cạn nước . Điều đó cho thấy cá rô biển là loại cá ra sông sau cùng khi nước giựt.

Cá rô đồng

Cá rô đồngnhư tên gọi là loại cá đồng để phân biệt với cá rô biển ở sông nhiều hơn. Khi nhỏ cá rô đồng có tên là cá rô cam tích hoặc cá rô non. Sở dĩ người dân quê gọi loại cá rô này như vậy là vì chúng tuy là cá nhỏ nhưng rất ham ăn nên cái bụng no tròn giống như trẻ nhỏ bị bệnh cam tích với cái bụng lớn. Ngoài ra, theo cách bắt cá rô mà người ta còn đặt thêm nhiều tên gọi khác nữa như cá câu thì có tên là cá rô câu, cá lưới lại có tên cá rô lưới. Gọi cá rô câu thì gồm có cá lớn, cá nhỏ lẫn lộn, nhưng gọi cá rô lưới nghĩa là cá cùng một cỡ với nhau, chẳng hạn lưới năm phân thì cá rô dính lưới có bề ngang đồng đều cỡ từ năm phân trở lên vì cá rô nhỏ hơn năm phân sẽ bị lọt lưới. Cá rô lớn sống lâu năm trong các đìa, bàu, lung, vũng có con gần bằng cẳng tay được dân quê gọi là cá rô mề. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét