Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

(2) Kỷ niệm về Lưu Trọng Lư

Kỷ niệm về Lưu Trọng Lư
Vũ Đình Phòng

Phần 2
Hôm sau, gặp tôi ngoài sân Vụ Nghệ thuật, anh không nhắc gì đến chuyện tối qua. Rồi sau đấy vài ba ngày, nhìn thấy tôi dưới sân, anh hỏi: “Bận gì không? Đi với mình xuống Khu Văn Công được chứ?” Tôi đáp: ”Vâng”, ” rồi vội lên phòng, mặc quần áo, chạy xuống sân. Chiếc xe “command-car” đã nổ máy ầm ĩ. Anh bảo tôi lên xe rồi bước vào theo. Khoảng nửa giờ sau, xe rẽ vào Khu Văn Công, lúc ấy còn là những dẫy nhà mái tranh làm tạm.
Anh xuống xe. Tôi ngoan ngoãn theo sau. Từ lúc ấy đến lúc ra về, tôi cứ theo anh như cái bóng. Anh gặp và làm việc với ban phụ trách các đội văn công (lúc ấy mới gọi là “đội” và tất cả nằm trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung Ương: Đội Ca Múa, Đội Tuồng Khu Năm, Đội Ca kịch Trị-Thiên… Còn mấy “đội” nữa không đóng trong khu văn công mà ở trung tâm thành phố: Đội Kịch Bắc, Đội Kịch Nam Bộ, Đội Xiếc, Đội Cải lương Khu Bốn, Đội Cải lương Nam Bộ… vv…)
“Khu Văn công” chiếm một khuôn viên khá lớn trong Quận Cầu Giấy. Mỗi “đội” văn công sử dụng một hoặc hai dẫy nhà tạm bợ bằng tre lá. Mỗi dãy cách nhau một khoảng vừa đủ để diễn viên có thể tập thể dục buổi sáng và tụ tập ca hát, trò chuyện, giải trí buổi tối.  Sau này người ta xây Khu Văn Công bề thế, bằng bê tông kiên cố ở Mai Dịch, cũng vẫn thuộc Quận Cầu Giấy, cách nơi cũ vài Km. Các nghệ sĩ chuyển lên đấy. Ở thì lịch sự và tiện nghị hơn nhưng thiếu đi chất “thơ” mộc mạc lúc trước. Tôi nghĩ thế có “hâm” không nhỉ?
Tôi có cảm giác Anh Lư muốn tôi đi cùng để tôi làm quen với các đội. Cứ sau vài ngày, anh lại xuống Khu Văn công và lần nào cũng rủ tôi đi. Tôi chỉ theo sau và nghe anh bàn công việc với mọi người. Tôi thấy rõ ai cũng mến phục anh, phụ trách đội cũng như các diễn viên. Thì ra trong Ban phụ trách Vụ Nghệ thuật anh được giao chuyên trách khối văn công.  Sau mấy lần theo chân anh xuống Khu Văn công, tôi bắt đầu cảm thấy anh “thích” tôi, thấy tôi có gì đấy gần gụi chất con người của anh, không “léo nhéo” làm phiền anh.
Và do đấy, anh thích đi cùng với tôi dường như đến bất cứ đâu, nhà một diễn viên, một người quen, thậm chí đến bạn (Anh Hoài Thanh chẳng hạn), có khi đến nhà một cán bộ cấp cao, bộ trưởng hoặc ai khác. Tôi thấy ở anh Lư thêm một nét tôi cho là hiếm thấy ở hầu hết mọi người, và tôi rất quý, là thái độ bình đẳng với bất cứ ai. Chênh lệch tuổi tác, khác biệt nghề nghiệp, vị trí trong xã hội đối với anh hoàn toàn vô nghĩa. Càng tiếp xúc về sau, tôi càng thấy đặc điểm này của anh. Hình như chính vì thế, nhiều người lấy làm lạ, nhất là những “cấp dưới” của anh.
Tôi chợt nghĩ, rất có thể ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên anh Lư đã thấy mến tôi, hoặc nói theo kiểu anh Xuân Diệu, là “phải lòng” tôi. Có lẽ vì anh thấy tôi ít nói và không “ra cái vẻ” gì hết, nhất là không “tỏ ra” ta đây hiểu biết, xem mấy câu thơ của anh mà không khen, không chê, cũng không “phát biểu” gì. Đọc xong, chỉ lẳng lặng trả lại. Bản thân tôi cũng ngày càng mến anh vì thấy anh không cần biết lai lịch tôi, mà đối xử với tôi theo cách đúng như tôi lúc này… cũng không có ý định “dạy dỗ” hay “khuyên bảo” nhằm “thay đổi” tôi. Rõ ràng anh tôn trọng tôi mặc dù chưa biết tôi là người thế nào, quê quán, xuất thân, cha mẹ làm gì… Và anh “chấp nhận” tôi đúng như tôi đang hiện hữu. Các cán bộ khác, lãnh đạo vụ hoặc Trưởng phó phòng cũng tôn trọng tôi, nhưng không ai có được thái độ đối với tôi “hoàn toàn” binh đẳng như Anh.
Thì ngay tôi cũng có quan tâm quê quán anh đâu?… Mãi rất lâu sau này, tình cờ đọc bài giới thiệu của Hoàng Trung Thông, tôi mới biết quê anh ở Cao Lao Hạ, thuộc tỉnh Quảng Bình. Hơn mười năm sau, trong những chuyến “đi thực tế chiến trường Khu Bốn” có một lần xe command-car ghé vào đấy. Hôm ấy có chị Lư cùng đi, chị ghé vào tai tôi, khẽ bảo: “Quê anh Lư đấy!” tôi mới biết và cũng ít quan tâm… Và hình như cũng chỉ ghé một lần, rất có thể do ý muốn của chị, bởi sau đấy không lần nào tôi thấy anh ghé vào nữa, mặc dù chúng tôi đi đi về về khu vực ấy hàng chục lượt trong mấy năm “chống chiến tranh phá hoại của Mỹ”…
Còn quê tôi, anh cũng không cần biết. Riêng một lần trên đường từ Lạng Sơn về, xe chạy đến Đáp Cầu, tôi nói “Quê tôi đây”, anh chỉ nghe, không nói gì, cũng không tỏ thái độ ra sao. Xe không đỗ lại, mà chạy thẳng đến Đình Bảng, để ghé thăm đạo diễn Trần Hoạt nghe nói đang ốm, nằm ở quê.
Cứ đà ấy, hai anh em ngày càng thân thiết nhau hơn. Phải chăng vì ở bên nhau, cả hai đều cảm thấy thoải mái, và an toàn, nhất là thấy “người kia” không vì lấy lòng mình mà giả dối.
*
Thế rồi một dịp khiến hai anh em gần gụi nhau thêm, mà thêm nhiều, rất nhiều nữa. Đấy là khi hai anh em cùng nhau đi một chuyến dài ngày.
Chẳng là khi ấy (đầu năm 1959), Bộ Văn hóa yêu cầu Vụ Nghệ thuật lựa một tốp diễn viên ca và múa xuất sắc nhất để tham gia vào Đoàn Đại biểu nước ta đi dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới (Festival) lần thứ VII ở thành phố Vienne (Thủ đô Áo- Tháng Tám 1959). Lãnh đạo Vụ yêu cầu tôi xuống ăn ở với tốp nghệ sĩ ấy mấy ngày để chuẩn bị cùng đi với họ. Đột nhiên lại có lệnh cử tôi lên đường trước, cùng với anh Trần Bảng (đạo diễn kiêm biên kịch Chèo) dự cuộc Gặp gỡ Đạo diễn Sân khấu các nước XHCN, do Hội Sân khấu Toàn Nga (Всеросское Театральное Общество) đăng cai và tổ chức ở Moskva vào Tháng Năm. Nghĩa là tôi sẽ đi dự nó trước khi đi cùng Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên khoảng hai tháng.
Trước hôm tôi đi, chị Lư bảo tôi: “Anh sang sau, nhưng chị vẫn giao anh trước cho chú trông nom. Anh sẽ mang cái va-li to. Sang đấy, gặp anh, chú bỏ tất cả đồ đạc của chú vào vẫn vừa. Hai anh em mang chung một va-li cho gọn… Tính anh chú lơ đễnh lắm, chú phải trông nom cẩn thận thay chị. Tóm lại, chị giao anh cho chú đấy. Lỡ làm sao chị cứ chú chị bắt đền!”
Liên Xô lúc ấy đang “hoàng kim” và thời kỳ ấy được mệnh danh là “Băng tan”. Khrushov đã loại bỏ những cấm đoán vô lý thời Stalin, nhiều tù nhân chính trị được tha, dân chúng được “cởi trói”, mức sống tăng vọt, các cửa hàng ở những thành phố nước Nga tràn ngập hàng hóa. Dân chúng ai cũng hồ hởi… Giới trí thức được phát huy tài năng… xuất hiện nhiều công trình văn hóa – nghệ thuật (đặc biệt là Điện ảnh) và khoa học (đặc biệt là khoa học vũ trụ) vượt bậc. Nhiều trí thức được “cởi trói” (thật sự) đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp quý báu.
Gây ấn tượng với tôi nhiều nhất là bài tham luận của nhà văn Leonid Leonov tại Đại hội Nhà Văn Xô-viết (thứ mấy tôi không nhớ, chỉ biết là đại hội đầu tiên sau khi “tan băng”). Ông nhận định, nguyên nhân của tình trạng văn học xô-viết thấp kém là do “chúng ta đã tạo cho công chúng một cách thưởng thức phi nghệ thuật¸” Cái câu “cách thưởng thức nghệ thuật phi nghệ thuật” dường như là ý chính của toàn bài tham luận của nhà văn lúc ấy được coi là lớn nhất nước Nga. Ý tưởng ấy có giá trị phát hiện lớn ở chỗ, không phải nhà văn viết kém mà vì nhà nước đã tạo cho công chúng một cách đánh giá “phi nghệ thuật”. Tôi quý cách nhìn ấy của Leonov; và sau này, nó giúp tôi lý giải hiện tượng kỳ quái là những thứ tôi “làm ra” (kịch bản hoặc công trình đạo diễn) của tôi bị công chúng chia ra hai cách đánh giá trái ngược.
Có kịch bản khi đưa ra đọc cho các “chuyên gia” văn học nghệ thuật, bị phê “nhạt thếch”, rồi “Anh Phòng viết sách dạy người ta viết kịch” mà anh viết không theo trong ấy chút nào…[1] Trong khi ấy một số (may thay) lại đánh giá hết sức cao…
Cuộc Gặp gỡ Đạo diễn Sân khấu các nước XHCN diễn ra tưng bừng và thân ái nhưng chỉ trong hai tuần lễ và ở hai thành phố lớn: Moskva và Leningrad (bây giờ lấy lại tên cũ là Saint-Petersburg), đồng thời  vui vẻ và bổ ích vô cùng. Anh Trần Bảng và tôi có dịp tìm hiểu nền sân khấu xô-viết và làm quen với đồng nghiệp từ nhiều quốc gia… Và qua đấy cũng hiểu được tình hình của mỗi nước XHCN cũng như những vấn đề đặt ra cho từng nước về cách thức phát triển nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.
Hai tuần trôi qua nhanh hơn chúng tôi tưởng. Tôi được nghe nhiều câu chuyện kỳ lạ. Thí dụ ở Nam Tư, khi Hồng quân mới giải phóng Nam Tư, mỗi người lính Hồng quân được coi là “anh hùng”, được tiếp đãi quá với sự nồng nhiệt. Nhiều gia đình đem những thứ quý giá nhất trong nhà ấn vào tay họ, thậm chí còn bảo phụ nữ trong nhà ngủ với họ, để tỏ lòng biết ơn. Nam Tư gửi hàng ngàn thanh nên ưu tú sang Liên Xô học và khi về nước họ đều được trọng dụng. Thế rồi đột nhiên tình hình xoay chuyển 180 độ. Khi Stalin khai trừ ĐCS Nam Tư ra khỏi Quốc tế CS vì tội “phản bội”, thì số thanh niên đã sang học tập hoặc thực tập trong các cơ quan liền bị bắt, giam lại. Đến gần đây, khi Khrusov nối lại quan hệ giữa hai Đảng thì số người ấy được thả ra. Tuy nhiên cho đến hôm nay, cuộc đàm phán chưa kết thúc nên chưa biết họ có được yên ổn không, hay lại bị bắt giam…
Một chuyện nữa cũng hết sức thú vị là chị phiên dịch cho chúng tôi (là công dân nước Cộng hòa XHCN Moldavie, cũng thuộc Liên bang Xô-viết nhưng chị nói tiếng Pháp rất giỏi vì tiếng Moldavie chính là tiếng Rumania, rất giống tiếng Pháp – cùng gốc Latinh) Đến lúc thân tình, chị kể là đang rất lo vì mấy tháng nay không nhận được thư của “anh”. Hai người yêu nhau trong thời gian anh được phong trào “26-7” cử sang làm đại diện bên cạnh Chính phủ Liên Xô, chính thời gian này chị quen rồi hai người yêu nhau. Chinh do tác động của ĐCS Liên Xô mà Raun quyết định thành lập Đảng Cộng Sản Cuba. Lúc ở Liên Xô anh lấy bí danh là Raphael… Chị phiên dịch lo vì nghe tin ở Cuba đang có nhiều chuyện rắc rối… Hai chúng tôi (Trần Bảng và tôi) rất thương chị và cố an ủi. Sau này, có dịp trở lại Liên Xô, tôi có ý tìm chị, và theo địa chỉ chị ghi sẵn cho tôi, thì khi tôi đến đươc trả lời, chị không còn ở đấy nữa, và nghe đâu chị đã sang Cuba… Tôi thỉnh thoảng nhớ đến chị và thầm nghĩ, không biết chị còn sống không, và sang đấy chị có lấy anh Raun không, tóm lại bây giờ chị ra sao…
Hôm dự bữa tiệc chia tay giữa các đại  biểu đến dự “Cuộc Gặp Gỡ” ở Khách sạn của Hội B.T.O. bên cạnh Quảng trường Pushkin, kết thúc hội nghị, tôi chợt nhớ đến câu hát thuở nhỏ: “Cuộc vui ngắn chửa tầy gang…”. Hai chúng tôi đã xong việc, nhưng  chưa thấy tăm hơi Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên của ta đâu.
Tiễn anh Trần Bảng ở ga Yaroslav về, tôi trả phòng ở Khách sạn Ukraine, chuyển sang ở khách sạn Sentralnaya, một khách sạn cổ kính từ thời Nga Hoàng, các phòng sơn son thếp vàng, buồng tắm lát đá hoa cương, kiểu dành cho các Công tước, Hầu tước… nói chung là giới quý tộc thời xưa. Khách sạn này nằm gần đúng Trung tâm thành phố, trên Đại lộ Gorki (nay lấy lại tên cũ là Tverskoy) giữa Quảng trường Puskin và Quảng trường Đỏ.
Vì giá phòng ở đây rất đắt, mà tôi chỉ ngồi chờ, nên một tuần sau, Bộ Văn hóa Liên Xô đề nghị với Đại sứ ta chuyển tôi về sống tại Nhà khách của Sứ quán trên phố bờ sông Moskva. (Tại đây tôi có diễm phúc được gặp và làm quen lần đầu với hai anh Đặng Thái Mai và Hà Huy Giáp, sang Moskva họp gì đấy.) Tôi sử dụng gần hai tháng chờ đợi, để lang thang, tìm hiểu sinh hoạt và tâm tính của người Nga. Rồi phong tục, tập quán và tính cách khá độc đáo của “Người Nga”.
Cuối tháng bảy (năm 1959) nhận được tin Đại sứ quán báo, tôi xách toàn bộ hành lý ra ga Yaroslav, định để nhập vào đoàn tham dự Festival rồi đi luôn cùng Đoàn. Không ngờ vừa nhìn thấy tôi, anh Lư đã hoảng hốt nói ngay: “Chết rồi, quên chưa đăng ký vé đi Budapest cho cậu Phòng…” Rồi lập tức dẫn tôi đến gặp Trưởng Đoàn của ta là Hoàng Minh Chính. Anh Chính bèn viết thư cho Đại sứ quán ta tại Moskva nhờ mua vé ngay chuyến tầu sau cho tôi đi Budapest, địa điểm tập kết của các đoàn đại biểu thanh niên và sinh viên khối XHCN để cùng kéo nhau sang Vienne, lần đầu tiên tổ chức ở một nước không thuộc “phe” XHCN.
Thế là hôm sau tôi lên xe lửa, các toa trang hoàng long trọng, cờ hoa rực rỡ, nhưng rất vắng khách vì đây là chuyến “vét”, chỉ có những đại biểu do bận chưa kịp theo đoàn chính, đa số là của mấy nước châu Á: Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên.
Mấy ngày sau, tôi đến Budapest và bắt đầu nhập đoàn. Tại đây, tôi làm theo lời dặn của chị Lư: cho toàn bộ quần áo của tôi vào chiếc va-li da to tướng của anh Lư… rồi xách.
Xong một tuần tưng bừng và bận rộn đến mức quay như chong chóng trong Liên hoan ở Vienne, đoàn quay về Budapest và chia tay mỗi đoàn về nước mình. Tại đây tôi gặp Trần Văn Khê, vừa từ Paris sang để gặp các diễn viên ca múa ta. Anh đem theo đủ thứ máy móc: máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim, … để chụp và ghi làm tư liệu sau này viết sách giới thiệu nghệ thuật âm nhạc và dân gian Việt Nam ra thế giới. Sau này về Việt Nam, khi anh từ Paris sang, tôi có giúp anh sưu tầm thêm tư liệu về nghệ thuật dân gian nước ta, đặc biệt là nghệ thuật múa rối. Xung quanh chuyện này đã xảy ra một sự việc không vui. Anh Khê viết về múa rối ở VN, sách được xuất bản ở Pháp, rồi được hoan nghênh. Thật ra tư liệu trong ấy là của anh Nguyễn Huy Hồng, sau đấy được Nhà Xuất bản Văn hóa của ta in. Tôi đưa anh Khê đọc, tưởng chỉ để anh tham khảo, ai ngờ anh bê nguyên si, rồi dịch sang tiếng Pháp, và đem công bố lấy tên anh! Anh Hồng (sau này là Chủ tịch Hội Múa rối VN trong Liển đoàn Múa rối quốc tế) kêu với tôi, tôi chứng nhận và cuối cùng anh Khê đã phải nhận lỗi “đạo văn” và trao lại tiền nhuận bút cho tác giả đích thực!
Đoàn Đại biểu Thanh niên và Sinh viên về nước, riêng tốp văn công tách ra, ở lại Budapest để nhận thêm một số diễn viên người dân tộc miền núi vừa mới sang, lập  thành một Đoàn có bề thế một chút, cho ra dáng một “Đoàn Ca Múa” để đi biểu diễn “hữu nghị” độc lập ở lần lượt tám quốc gia “bạn” ở Đông Âu (Hung, Tiệp, Đông Đức, Ba Lan, Bungari, Rumani, Anbani)… và Liên Xô.
Trước đấy do chỉ là một “tốp nghệ sĩ”, nên  Lưu Trọng Lư làm Trưởng, và phó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Nay thành “Đoàn”, được bổ sung thêm anh Chu Đình Xương, Vụ phó Vụ Đối ngoại của Bộ Văn hóa, làm Phó đoàn (Trưởng vẫn là anh Lư). Đoàn đi lần lượt đủ tám nước, mỗi nước dừng lại từ 15 đến 20 ngày để tổ chức những buổi biểu diễn ca múa nhạc ở các địa phương. Chuyến đi hết sức thú vị, vì đến thành phố nào của mỗi nước cũng được “bạn” tiếp đãi chu đáo và tổ chức cho tham quan danh lam thắng cảnh cũng như những công trình lớn của mỗi nước.
Trong chuyến đi khá dài ngày này, tôi thường xuyên ở bên cạnh anh Lư, cả lúc biểu diễn, hoặc tham quan, lẫn những lúc đi dạo, lang thang trên đường phố tại những địa điểm khác nhau. Đồng thời nhờ đó, hai chúng tôi cũng biết thêm nhiều về tình hình xã hội, chính trị của mỗi nước, tuy cùng là XHCN nhưng rất khác nhau. Đồng thời, càng đi hai anh em càng gần nhau, hiểu nhau và quý nhau hơn.
Rất nhiều chuyện lý thú chúng tôi gặp trên đường. Thí dụ hôm hai anh em ngồi uống cà-phê ở một quán nhỏ trên hè phố Budapest, với một người bạn Hung. Anh bạn này trỏ lên chiếc cột đèn gần đấy: “Năm kia, dân sục vào các nhà, tìm xem ai là đảng viên cộng sản bèn lập tức trói lại treo cổ lên cái cột đèn kia!” Tôi chợt nhớ vụ Imre Nadje, một chính khách khi lên nắm quyền năm 1956 đã âm mưu xóa bỏ CNXH, nhưng sau đấy bị Liên Xô “mời” sang “thăm” Moskva rồi quản thúc luôn… để xóa phong trào, sau đấy vận động để Hung có ban lãnh đạo mới “ngoan ngoãn”, tuyệt đối tuân theo “gậy chỉ huy” của Điện Kremli…
Còn nhiều thí dụ nữa khiến hai chúng tôi thấy “tan băng” chỉ nhất thời, “chữa cháy” chứ chưa chắc đã thật sự…
Hoặc một hôm ở Ba Lan, tôi rủ anh Lư bỏ một cuộc tham quan nhà máy, để đi thăm thú vùng nông thôn. Ra khỏi thành phố Krakov (kinh đô cổ của Ba Lan thời quân chủ, giống như Huế ở ta), xe chở hai chúng tôi chạy ra cánh đồng khá xa, nơi những cánh rừng “rất châu Âu” nối tiếp nhau chạy dài hai bên đường. Chợt gặp một ông già đang chở cỏ khô. Anh Lư bảo lái xe đỗ lại, hai anh em chúng tôi ra ngoài, bắt chuyện với ông già kia. Ông ta kể: “Các nông trường giải tán hết cả rồi, bây giờ “tự do”. Nông  trường là trò dớ dẩn của bọn Nga… Dân Nga hèn, chính phủ bảo gì cũng phải chịu, chứ dân Ba Lan chúng tôi thì không chịu đâu…”
Còn rất nhiều chuyện lý thú khác nữa. Nếu cứ ngoan ngoãn tuân theo ý “bạn” (ban đón tiếp của nước sở tại) tham quan hết nhà máy này đến công trình khác, dù hiện đại đến mấy cũng làm sao hiểu được tính cách người dân địa phương và tình hình thật ở mỗi nơi… Tôi nhận thấy anh Lư rất thích những cuộc dạo chơi như thế và lần nào anh cũng tỏ ra thích thú… Tôi thầm nghĩ “hóa ra anh ấy cũng có máu “giang hồ” và giống mình hơn mình tưởng…”
Trong chuyến đi này của Đoàn Ca Múa Việt Nam, tôi làm nhiệm vụ “tiền trạm” nghiã là đến trước từng địa điểm, chuẩn bị sân khấu để tối đoàn biểu diễn. Công việc ấy khiến tôi có thêm nhiều điều kiện thuận tiện để gần gũi anh Lư, và tất nhiên cả hai anh Thương và Xương, rồi các diễn viên.. Nhưng tôi hợp tính và thân nhất với các nhạc công thuộc tổ nhạc, đặc biệt rất thân với Chỉ huy Dàn nhạc – anh Trịnh Kính … một người có cái tai kỳ lạ và thành thạo mọi nhạc cụ, nhưng sau chỉ vì phát hiện ra “lý lịch” là đã chơi nhạc trong dàn nhạc của quân đội Pháp nên bị loại và sau đấy cuộc đời khốn khổ…
Anh Lư và tôi rất hợp tính, nên khi có điều kiện, sẵn sàng bỏ một buổi tham quan để đi dạo ngoài thiên nhiên, nếm phong vị nông thôn châu Âu. Anh Xương (vốn là anh em họ với tôi ở quê) luôn nhắc: “Rủ tớ cùng đi với nhé!” Nhưng anh rất bận, vì là phụ trách công tác chính trị của Đoàn, và cũng không hợp tính nhiều với anh Lư và tôi. Cũng nhờ thế anh Lư và tôi càng có nhiều dịp đi với nhau, trò chuyện, để hiểu nhau và quý nhau hơn…
Cuối tháng Mười Hai năm 1959, Đoàn đi thăm hữu nghị các nước XHCN ở Đông Âu xong, đang biểu diễn ở Liên Xô thì nhận được lệnh từ trong nước, của Bộ Văn hóa ta, là đi thăm Hữu nghị thêm hai quốc gia “trung lập” là Ấn Độ và Miến Điện. Tại đây chúng tôi thấy thành phố New Delhi dán rất nhiều áp-phích chống Trung Quốc, và nghe nói chiến sự giữa hai nước lớn nhất châu Á đang diễn ra tại biên giới. Đoàn được thăm mộ Gandhi, tiếp kiến thân tình với hai Cố Thủ tướng Nehru và Unu. Tôi nhớ mãi một câu trong nhiều “tâm sự” của Nerhu: “Tôi làm thủ tướng từ những ngày độc lập đầu tiên, vậy mà cho đến nay tôi vẫn cảm thấy chưa hiểu rõ người Ấn Độ… “
Khi đoàn đến biểu diễn ở “điạ phương”, thú vị nhât là hôm ở Lucknow, tôi rủ anh Lư lang thang ra phố và thấy rõ Thủ tướng Nehru quả là tinh và có trách nhiệm “hiểu dân” và chân thành lo “cải thiện” cuộc sống cho dân.
Cũng tại Ấn Độ tôi may mắn được gặp, làm quen và làm việc với anh Nguyễn Cơ Thạch lúc ấy là Đại sứ và anh Đinh Nho Liêm lúc ấy là Tổng lãnh sự ta ở New Delhi. Thú vị cái lần tôi đang trông coi phu phen chuyển dụng cụ âm nhạc và đạo cụ biểu diễn từ khoang máy bay ra tại sân bay New Delhi thì một nhà sư mặc áo nâu dài, đi chân đất đến, hỏi xem tôi có cần giúp gì không. Nhà sư nói tiếng Việt, nhưng bằng thứ tiếng Việt cổ, hết “huynh”, “túc hạ” lại “đệ”, “đa tạ”… khiến cuối cùng tôi phải đề nghị anh nói bằng tiếng Anh. Nhà sư này cho biết sắp tốt nghiệp học viện quốc tế Phật Giáo ở Nêpan và sẽ về nước… Sau này tôi không gặp lại hoặc nghe thấy tin tức gì của ông nữa… Rất có thể ông trong số mấy nhà hoạt động Phật giáo nổi tiếng thường dùng họ “Thích”, nhưng tôi không biết trong số ấy ai đúng là vị sư tôi gặp ở sân bay New Delhi.
Để chuẩn bị đi hai nước (chưa phải XHCN) nên cấp trên điều thêm anh Nguyễn Đức Quỳ, lúc ấy là Vụ trưởng Đối ngoại thì phải, một cán bộ ngoại giao có tiếng của Đảng từ hồi bí mật, sau này làm Thứ trưởng Bộ Văn Hóa sang làm Trưởng Đoàn, còn anh Chu Đính Xương về nước.
Tháng Giêng năm 1960 đoàn đáp máy bay từ Rangoon đến Côn Minh, rồi đáp xe lửa từ Côn Minh (lúc ấy Côn Minh thiếu điện trầm trọng. Các khu chia nhau sử dụng lượng điện cung cấp quá ít. Ban đêm đứng nhìn qua cửa sổ khách sạn,thấy toàn thành phố tối om, chỉ một khu có đèn sáng. Lát sau lại đến lượt khu khác…
Về đến Hà Nôi, Đoàn giải tán. Anh Lư và tôi quay về Vụ Nghệ thuật tiếp tục làm công việc như cũ.
Thế rồi đến một hôm… Tối hôm ấy, do muốn nghe lại nhạc Traikovsky, tôi mò đến Nhà hát Lớn, nơi Nhà hát Giao hưởng Hợp Xướng đang công diễn vở opera “Evgueni Oneghin”. Vào cổng sau (cổng diễn viên) rồi bước lên thang gác tôi chợt nhìn thấy anh Lư. Anh không ngồi trong phòng khán giả để xem mà đang bước chầm chậm ngoài hành lang mờ tối, dáng suy nghĩ. Thấy tôi, anh ngạc nhiên hỏi:
- Chưa xem “Oneghin” à?
- Tôi xem rồi, tối nay đến chỉ để xem lại.
Tôi thấy vẻ mặt anh cau lại, dáng như băn khoăn điều gì đấy. Anh bảo:
 - Xem một lần là đủ. Đi dạo một chút đi! Trời nóng quá!
 - Vâng.
Hai anh em xuống thang gác, ra ngoài. Tôi linh cảm thấy anh muốn nói với tôi điều gì nhưng còn ngập ngừng. Trong lúc đi dạo, hai anh em cũng trò chuyện nhưng chuệch choạc. Chợt anh dừng lại:
 - Cho cậu xem cái này, để nghe cậu ý kiến ra sao.
Lúc này đêm đã rất khuya. May còn một hàng nước bên hè với ngọn đèn leo lét. Mấy chiếc ghế dài trơ trụi, không còn khách.
Anh Lư lấy trong túi áo ra một chiếc phong bì dầy, đưa tôi.
Ngoài bì đề tên nữ diễn viên Đ.L. lúc ấy đang rất nổi tiếng, và tôi biết, từ lâu anh Lư đã đặc biệt mến cô ấy.  Anh vốn là người có tính rất quý bất cứ ai có tài và có sắc, và tôi chứng kiến nhiều lần anh quá thân tình với một nữ diễn viên nào đấy, gây dư luận không tốt. Gần đây anh tỏ ra rất mến Đ.L., một nữ diễn viên có thể nói là hiếm thấy, cả tài và sắc đều vượt trội. Ngay bản thân tôi cũng phải thừa nhận Đ.L. đẹp một cách sắc sảo, đa tình, chưa kể cô yêu nghề đến mức không ai bằng, không ngại tập luyện khổ công cho thuần thục cả những động tác khó khăn, oái oăm nhất của nghệ thuật biểu diễn Tuồng Cổ, không tiếc công sức.  Tuồng Cổ là môn nghệ thuật cực kỳ tinh tế, mỗi cử chỉ động tác, tư thế rất nhỏ đều mang ý nghĩa nhất định. Nhờ thế, cô biểu diễn có sức hút đặc biệt quyến rũ và hết sức thuyết phục.
Tôi ngồi xuống ghế dài của quán nước, mở phong bì ra thấy một tập khá dầy. Đọc chưa xong trang đầu, tôi đã đưa ra trên ngọn đèn dầu leo lét, định đốt.
Anh Lư vội giật lấy.
Tôi nói luôn:
- Anh phải đốt ngay! Anh phải nhớ là mấy thằng viết kịch trẻ chúng tôi đang dựa vào anh đấy. Anh mà gặp chuyện gì thì…
Anh Lư im lặng.
Tôi không buông:
- Chuyện này mà lộ ra thì chị Mừng đau khổ lắm. Rồi các cháu nữa… Không! Anh phải đốt đi! Đốt ngay đêm nay… Chưa đốt mà còn chần chừ, để nó trong túi thì còn...
Anh Lư lặng lẽ nhét chiếc phong bì và mấy trang viết vào túi, đứng lên:
- Về thôi.
Sau đấy anh lảng sang chuyện khác. Tôi không tha:
- Anh phải đốt cái ấy ngay bây giờ. Trước mặt tôi. Chứ lúc khác anh lại không đủ gan…
Anh im lặng. Cảm thấy không thể “ép” anh được, tôi đành đứng dậy đi theo. Từ đấy về đến nhà anh ở 66 ter Nguyễn Thái Học, không ai nói với ai câu nào.
Và lạ chưa? Trong lòng tôi bỗng bùng lên một niềm thương xót vô hạn. “Yêu” đâu phải tội lỗi? Tất cả chỉ vì cái quy tắc luân lý khốn kiếp kia. Phải “chung thủy”. Tất cả chỉ vì hai chữ “phản bội”… Nhưng thế nào là phản bội? Hai chữ nghe khắc nghiệt quá mức! Rồi “Lương tâm”! Tôi chợt nhớ đến kịch bản Henry IV của Shakespeare, trong một lớp quần chúng có hai tên lính quèn trò chuyện.
Một tên hỏi: “Đố mày biết tao căm thù nhất cái gì? “ - “Không biết. Cái gì?” – “Lương tâm!” - “Sao mày căm thù nó? Mà lại căm thù nhất?”- “Vì nó làm tao tai hại đủ đường. Mày biết không, bên cạnh nhà tao có con vợ thằng hàng xóm đẹp như tiên nga giáng thế. Thằng chồng thì vừa xấu, gù lưng lại ác, suốt ngày phang vợ… Con vợ thích tao lắm, cứ kiếm cớ đụng chạm vào người tao, khêu gợi, nhưng cái Lương Tâm khốn kiếp kia nó lại ngăn tao: “Ấy, ấy, không được!” Thế là tao đành nhịn, ai ngờ con bé tưởng tao khinh nó, chê nó, đâm thù tao… gây đủ thứ chuyện. Đấy là một chuyện, chứ còn nhiều chuyện khác nữa. Ngay mới hôm vừa rồi, tao nhặt được chiếc túi của ai đánh rơi trên đường. Mở ra toàn tiền vàng chói lòa. Đang tính trên đường về nhà mua cho vợ con vài cái bánh mì kẹp thức ăn, kẻo mấy mẹ con nhịn đói gần tuần nay rồi. Nhưng cái Lương Tâm khốn kiếp kia lại ngăn: “Ấy, ấy, không được. Cuả người ta phải trả lại cho người ta” Thế là tao đành cất công tìm đến cái lão bá tước chủ cái bọc tiền ấy, mà lão ta giầu nứt đố đổ vách… lão đánh rơi rồi quên luôn, có coi cái bọc tiền vàng ấy là cái ra gì đâu!”
Chúng ta còn bị đắm chìm, còn phải ngụp lặn trong cái tập quán gọi là đạo đức cộng đồng ấy, chưa thoát ra được để sống độc lập, tự do, để phát huy óc sáng tạo cá nhân. Mà gia đình cũng là một thứ cộng đồng, tuy nhỏ nhưng sức mạnh lại rất lớn… Anh Lư là một trong những người cổ vũ hăng hái nhất cho phong trào Thơ Mới. Mà thơ mới đâu chỉ phá các kiểu thơ Đường Luật cố hủ, theo cách hình thức, mà là phá hủy tận gốc kiểu nghĩ xưa cũ, đang kìm hãm sáng tạo! Cái quan trọng nhất của Thơ Mới, tôi nhớ Anh Hoài Thanh đã nhận định, là gì? Trong kiệt tác “THI NHÂN VIỆT NAM”. Hoài Thanh viết, đại ý: Thơ Mới quan niệm Thi nhân, từ chỗ nhân danh “chúng ta” đã chuyển sang nhân danh “tôi”, (hoặc “ta” nhưng số ít)… Trước đây nhà thơ nhân danh cộng đồng lớn hoặc nhỏ, bây giờ nhân danh bản thân mình… Thế mà tối nay tôi nỡ yêu cầu anh Lư, nhà thơ mới kiệt xuất, phải gạt đi tình cảm riêng chỉ “vì” quyền lợi của mấy thằng viết trẻ chúng tôi -cũng là một kiểu cộng đồng- ư? Bỗng tôi thấy đăng đắng trong lòng… Nhưng cũng không thể để chị Lư và đám nhỏ khổ! Ôi, khốn khổ cái xứ sở nước mình! Còn đắm chìm trong cách nghĩ “cộng đồng” kìm hãm tự do sáng tạo của từng cá nhân đến tận bao giờ?
Đến bao giờ con người mới được giải thoát khỏi gông cùm của đủ loại “cộng đồng”? Cái phong trào Thơ Mới và tư tưởng tự do kia vừa mới nhen nhóm lên đã bị dập tắt phũ phàng, chính là do những kẻ nhân danh nó -cái gọi là “cộng đồng” ấy! Nào gia đình, gia tộc, dòng họ, xóm làng, huyện “ta”, tỉnh “ta”, miền chúng ta… Rồi “Tổ Quốc”, rồi “Giai cấp”, rồi cái chữ “Tập thể”, “Quần chúng” mơ hồ nào ấy. Và nhân danh trăm thứ bà Dằn khác để bóp nghẹt tự do sáng tạo của từng con người… Ôi, đến bao giờ cá nhân mới được sống theo ý mình, được tự do phát huy tài năng? Đến bao giờ mới không kẻ nào, tổ chức nào, đoàn thể nào được phép ép buộc phải nghĩ theo kiểu khác? Buồn quá đi mất thôi.
Lên đến nhà, nhìn thấy tôi, chị Lư nói:
“Hai anh em ghé chơi đâu hay mải nói chuyện gì mà về muộn thế? Chú Phòng còn thảnh thơi, chưa  vợ con, ngủ lại đây luôn, khuya rồi. Sáng mai hãy về”. Nói rồi, chị vén cái màn chăng dưới sàn nhà lát đá hoa lên, đẩy hai ba đứa trẻ đang ngủ say vào, chừa ra một khoảng nhỏ vừa đủ để tôi nằm.: “Chú nằm tạm…”
Tôi chui vào màn, đặt lưng mà đầu óc cứ nghĩ lung tung, và thấy thương ông anh quá. Nhưng biết làm sao được? Thì ngay anh Hoài Thanh… Hôm tôi than phiền mỗi khi phải phát biểu, không được nói ra điều mình suy nghĩ thật lòng, Hoài Thanh đã đáp lại “Có gì lạ? Đến như mình, đường đường một Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật chứ có ít đâu, mà khi phát biểu cũng có được nói ra ý nghĩ thật của mình đâu?” Nghĩa là phải nói theo ý ai? Chà, buồn quá! Tôi nhè nhẹ ngồi dậy chui ra khỏi màn…
“Sao? Chúng nó đạp phải không? Thôi được, chú về nhà ngủ cho thảnh thơi, mai Chủ Nhật, mấy giờ dậy cũng được.”
Tôi khe khẽ mặc quần áo, chào hai anh chị rồi xuống thang gác… Hà Nội đêm khuya thanh vắng đến kỳ lạ.
*
Lúc ấy quan hệ giữa nước ta với Liên Xô rất khăng khít. Các ngành nghệ thuật đua nhau mời chuyên gia Liên Xô hoặc Trung Hoa đến giúp đỡ. Riêng về Sân khấu… Lúc ấy anh Lê Liêm làm Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa lại là người rất “mê” Liên Xô (sau này mỗi lần sang đấy, anh thưởng bảo tôi dẫn đi chơi. Còn nhớ một lần vào Điện Kremli, anh vào tòa nhà chính, nhìn những cụm đèn treo bằng pha lê, những tác phẩm nghệ thuật trên tường, lẩm bẩm: “Đẹp quá! Mình cũng làm được chứ, phải không cậu?...”
Do Bộ Văn hóa ta đề nghị giúp đỡ, Bộ Văn hóa Liên Xô cử Nghệ sĩ Đạo diễn Vassiliev sang mở lớp huấn luyện cho nghệ sĩ sân khấu ta (đạo diễn và diễn viên các Đoàn, và dựng tiết mục “Lu-ba” làm chất liệu thực hành phục vụ học tập. Trong quá trình làm việc, ông chuyên gia (đã có tuổi, lịch lãm và giầu kinh nghiệm thực tế, am hiểu cuộc sống (rất tiếc ông không phải đảng viên CS nên không tìm được tiếng nói chung với Giám đốc Nhà hát kịch lúc ấy). Ông Vasiliev đặc biệt quý tài năng và tâm hồn hai anh Lưu Trọng Lư  và Bửu Tiến. Ba mươi Tết năm ấy, anh Bửu Tiến rủ hai ông bà Vassiliev ra Hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa. Tôi đề nghị rủ thêm anh chị Lư, vì hai ông bà chuyên gia kia cũng rất quý anh Lư, thậm chí còn đề nghị Bộ Văn hóa ta, khi thành lập Nhà Hát Kịch “chính quy”, cử Lưu Trọng Lư làm Giám đốc. Vì, như ông nói, người lãnh đạo sân khấu trước hết phải là người am hiểu văn chương, nếu là nhà văn hoặc nhà thơ tên tuổi thì còn gì quý bằng. Cái chức Vụ trưởng hay Vụ phó sao vinh quang bằng chức Giám độc một nhà hát có uy tín…
Anh Bửu Tiến tán thành. Thế là anh chị Lư, anh chị Bửu Tiến, vợ chồng Vassiliev và tôi (lúc ấy còn độc thân) lững thững ra Bờ Hồ xem dân Thủ đô đón Giao thừa ở đến Ngọc Sơn và Tháp Rùa. Cuộc đi chơi đêm Giao thừa năm ấy càng khiến hai ông bà chuyên gia quý anh chị Lư thêm rất nhiều.
Năm sau, ông Vassiliev phải đưa vợ về Moskva chữa bệnh hiểm nghèo, Bộ Văn hóa Liên Xô cử một đạo diễn trẻ sang làm tiếp công việc huấn luyện, đấy là Monakhov – ông này khá trẻ, đâ có vợ nhưng chị ấy bận công tác nên không đi theo chồng được. Lúc đầu Monakhov lấy tôi làm trợ lý, rồi khi thấy tên tôi trong danh sách những người được “tiêu chuẩn” đi học nước ngoài, ông bèn đề nghị nếu cho tôi sang Liên Xô học thì nên cho học Khoa Đạo diễn ở Trường Đại học Sân khấu Moskva. Bộ Văn hóa đồng ý. (Sau này Vụ Tổ chức Bộ định gạt tên tôi, anh Lê Liêm biết tin đã phải đích thân yêu cầu giữ quyết định cũ, thậm chí còn “bảo lĩnh” cho tôi…)
Vì tôi đã biết tiếng Nga khá tốt nên ông Monakhov đề nghị tôi được miễn sinh hoạt tập trung ở lớp “chuyên tu” để học tiếng. mà tiếp tục làm trợ lý đạo diễn tiết mục “Câu chuyện Iêc-cút” cho đến ngày lên đường mới sang Gia Lâm, đến Trường Chuyên tu nhận Hộ chiếu, va-li, áo quần…
Vài tháng sau tôi đến địa điểm tập trung những sinh viên đi học nước ngoài rồi lên tầu.
Trong suốt bốn năm Đại học tại Moskva, tôi không viết lá thư nào cho anh Lư và anh cũng không gửi lá thư nào cho tôi. Đơn giản cả hai đều hiểu, nói với nhau trực tiếp thì được, vì tùy theo cảm hứng tức thời, chứ viết thư thì… Tôi rất hiểu điều ấy. Rồi tôi nhận được tin bạn bè trong nước cho biết anh bị bảo vệ bắt quả tang dưới vệ đê Hồ Tây cùng cô diễn viên Đ. L. kia. Và bị kỷ luật, rất có thể sẽ không làm lãnh đạo nữa… Tôi choáng váng nhưng thầm nghĩ, chuyện ấy khó thể không xảy ra. Trong lịch sử, chuyện chết vì tình đâu có hiếm?
Lúc gần học xong, sắp sửa về nước thì tôi nhận được thư của anh Lư. Tôi ngạc nhiên, mở ra thì chí có một mảnh giấy chép một bài thơ mà anh ghi trên đầu mấy chữ nguệch ngoạc: “Để Phòng đọc”. Mảnh giấy tôi vẫn giữ. Và mấy câu thơ nay tôi đã thuộc lòng:
            “Em đến cùng anh
                      Như vì sao đêm nọ
                      Lướt qua song cửa sổ
                     Buông lạnh ánh sao xanh
                     Em đến tận lòng anh
            Từ buổi đó
                      Em nói những gì
          \           Anh không nhớ rõ
                                 Chỉ biết lúc ra đi
                                 Trên tay áo còn ghi
                                 Ngấn vàng đôi giọt lệ…
 Bài thơ còn dài, nhưng tạm dẫn thế thôi. Bài thơ tôi cho là tuyệt hay. Sau này tôi đem ra khoe với mấy bạn thân và hầu như bạn nào cũng yêu cầu tôi đọc lại thật chậm để họ chép. Đến khi thấy tuyển tập thơ của anh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, không có bài này, mà tôi cho là một trong những bài hay nhất của anh, và bộc lộ đúng “chất mơ mộng và chân thành kiểu Lưu Trọng Lư”, tôi vội đạp xe về nhà lấy đưa anh. Anh cầm đọc và lúc ấy mới chợt nhớ ra…. Tính anh như thế đấy, làm thơ đâu để nổi tiếng, để “đươc khen”! Chẳng thế, nhà giáo kiêm phê bình văn học Hoài Thanh có lần nhận xét, “Lưu Trọng Lư là nhà thơ ít thuộc thơ của mình nhất”. Chị Lư phải mất rất nhiều công thu thập những mẩu “viết theo hứng” của anh, nhiều khi chỉ là mảnh báo xé ra từ tờ báo nào đấy.
Bài thơ làm tôi nghĩ đến nhà thơ Nga Essenin: mỗi bài là một cảm súc nảy sinh bất chợt, được tác giả ghi lại. Chính vì thế mỗi bài của Essenin không được ông đặt tên, sau này để gọi, người ta lấy mấy từ đầu tiên làm tên bài… Thí dụ một bài của ông tôi rất thích “Tôi chẳng tiếc, chẳng rên rỉ, khóc lóc./ Trái tim đã một khi nhuốm lạnh/ Đâu còn rộn rã đập như xưa/…Và bãi rộng với mầu xanh dương liễu/. Đâu còn quyến rũ gót chân chơn…vv...” được độc giả và người hâm mộ ông đặt tên là bài “Tôi chẳng tiếc”.
 Thơ anh Lư có lẽ bị anh đặt tên vì độc già ở ta chưa quen với cách làm thơ và cách tự động đặt tên kiểu kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét