Kỷ niệm về Lưu Trọng Lư
Vũ Đình Phòng
Phần Một
Cái gì đã khiến hai chúng tôi thấy muốn gần nhau, bất kể lúc nào? Ngay chính bản thân tôi, nhiều lúc suy ngẫm cũng thấy lạ, và bất ngờ… Cái gì “chung” làm tôi với ông thân nhau được nhỉ?
Biết mối quan hệ gắn bó và mối tình “tri kỷ” ấy, vợ tôi nhiều lần nhắc: “Anh còn nợ một bài viết về anh Lư đấy!” Bà ấy thấy tôi viết về Hoài Thanh, về Tô Hoài, về Bửu Tiến … và nhiều người khác, mà mãi vấn chưa thấy tôi cho ra bài nào về người “thân thiết, tri kỷ” nhất trên đời. Thật ra tôi đã thử viết, nhưng lần nào viết được vài dòng cũng tắc tị… Tôi có cái tật cố hữu rất đáng ghét ấy. Nhớ lại cái lần viết bài “Kỷ niệm về Hoài Thanh” cũng hơi giống hoàn cảnh này và những cái khác tôi đã viết dường như cũng trong điều kiện ấy.
Thử nhớ lại: chiều hôm ấy, có dịp gặp và trao đổi công việc với Phan Hồng Giang, anh bảo tôi: “Sắp đến 100 năm ngày sinh ông cụ, Hội định tổ chức một cuộc họp long trọng và nghe những bài tham luận về ông cụ. Anh sống gần ông cụ nhiều, anh nên viết một bài.” Tôi từ chối ngay lập tức, vì biết mình không viết nổi. Hồng Giang cũng không nài thêm. Ai ngờ tối hôm ấy, lúc đã lên giường sắp sửa ngủ, trong đầu tôi bỗng lóe lên một cảm giác. Thế là tôi vùng dậy, bật đèn, ngồi vào bàn, gõ chiếc máy chữ cũ kỹ liên tục cho đến gần sáng. Hôm sau, thức dậy, tôi vội đọc lại một lần cho yên tâm, thấy “cũng tạm được” nên quyết định cứ đưa Giang xem thử, nếu được thì tốt, không thì bỏ, vì nghĩ dù sao Hoài Thanh và tôi cũng có nhiều “kỷ niệm” và hình như ông cũng mến tôi. Nếu không viết thì rõ ràng có lỗi, còn nếu viết dở thì chẳng sao.
Anh tiến sĩ văn học ngồi đọc một mạch, xong, ngẩng đầu lên nhìn tôi: “Tốt quá! Tôi đã nhận được hơn chục bài tham luận về ông cụ, nhưng chưa thấy bài nào sánh được với bài của anh! Anh viết hay quá, vượt lên tất cả…Hay nhất trong tất cả những bài tôi đã nhận được…” Một tuần sau, anh gặp tôi, nói: “Ông anh tôi lại không thích, lạ thật…” Nhưng tôi hiểu ngay nguyên nhân. Ông anh Giang chờ đợi những bài nói về cống hiến của cụ thân sinh của họ đối với dân tộc, với nền văn hóa - văn nghệ nước nhà, về giá trị văn chương của cây bút xuất sắc, trong khi bài của tôi lại toàn nói về mối quan hệ tình cảm riêng tư… Vả lại ông anh của Giang không quen biết tôi mấy nên hiểu tôi theo cách anh đánh giá mọi người khác. Trong khi ấy Giang lại hiểu khá rõ về “bản chất ít lộ ra ngoài” của tôi… và đánh giá cao con người tôi. Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy chỉ những người tiếp xúc gần gụi và trong một thời gian dài mới “thông cảm” được với tôi.
Bài viết về Tô Hoài cũng rơi vào trường hợp gần tương tự. Và hình như mọi cái tôi viết đều có một nét giống nhau: người ta gọi là “cảm hứng”, nhưng tôi thấy hai chữ ấy mơ hồ thế nào ấy. Rồi ý tưởng, lập trường… Ôi trăm thứ “bà Dằn”. Riêng đối với tôi những thứ ấy là tự nó toát ra. Tôi cho rằng quan trọng nhất là “thành thật”, không dối trá, không “cố” đề cao ai mà cũng không “cố” hạ thấp ai. Và muốn nói lên được điều mình muốn nói thì phải tìm ra được “giọng điệu” thích hợp. Hầu hết những gì tôi viết ra được đều nhờ thấy ra được “giọng điệu” thích hợp. Chưa “thấy” hoặc chưa tìm ra nó thì tôi chịu, chi cắn bút mà không ra chữ nghĩa gì hết, hoặc viết ra rồi đọc lại, thấy “dở òm”, “nhạt thếch”.
Điều này tôi đọc thấy trong kinh nghiệm của Antonov, nhà văn xô-viết chuyên viết truyện ngắn và nổi tiếng về thể loại ấy… Tôi rất tâm đắc cái “lời khuyên bạn trẻ mới vào nghề” ấy của Antonov, thấy nó hoàn toàn thích hợp với kiểu cách sống và tính chất tư duy, viết lách của tôi. GIỌNG ĐIỆU! Đúng rồi: GIỌNG ĐIỆU!
Lần viết về Hoài Thanh, tôi phát hiện ra được “giọng điệu thích hợp” vào cái buổi tối hôm ấy, nhưng viết vể Lưu Trọng Lư thì mỗi lúc tôi lại áp dụng một kiểu giọng điệu, và tất cả đều thất bại. có nghĩa chưa tìm ra được “đúng” cái “giọng điệu” thích hợp cần thiết ấy. Kết quả là cái món nợ “với anh Lư” mà vợ tôi bao nhiêu lần nhắc nhở, thúc giục, vẫn còn treo đấy!
May thay, sáng nay lúc ngồi uống tách cà phê, hít hơi thuốc lá, phả khói lên trần, tôi chợt tìm thấy hướng “trả” cái món nợ mà bản thân tôi rất hiểu, và đã bao nhiêu lần ngồi vào bàn, cầm hút, hý hoáy rồi đánh chịu… đau đớn buông bút…
Tức là tôi chưa tìm ra “đúng” cái giọng điệu thích hợp! Nguyên nhân chính là tôi vẫn còn cảm thấy chưa hiểu được tại sao hai anh em quý nhau, thân nhau đến thế… Đành tạm gác lại “món nợ” kia. Và nếu hôm nay tôi thành công, viết ra được thì may quá, bởi tôi đã ngoài tám mươi tuổi, chẳng còn sống được bao năm nữa, chưa kể mắt cứ mờ dần, tay cứ run dần, trí nhớ cứ mai một dần… Mà nếu nhắm mắt xuôi tay, về với đất, vẫn chưa trả được “món nợ” kia thì tôi sẽ hối tiếc biết bao.
Thấy tôi trì hoãn mãi, vợ tôi cho là tôi “lười”. Khốn nỗi bà ấy đâu hiểu chỗ yếu của chồng…Tuy nhiên ngồi gõ bàn phím tôi vẫn hồ nghi, đã tìm ra “giọng điệu” thích hợp chưa - cái giọng điệu có thể nói lên được bản chất của vấn đề, cái lõi của tình bạn hiếm có kia không? Thôi thì cứ viết may ra lần này thành thì tốt, không thành thì đành thở dài, đứng dậy và để nguyên cái món nợ kia trong tim…
*
Tôi thử nhớ lại lần đầu tiếp xúc với ông Lư.
Lúc ấy tôi đã về công tác ở Vụ Nghệ thuật (thuộc bộ Văn hóa) được hơn một tháng, đã nhìn thấy anh vài lần ngoài sân ngôi nhà 23 Ngô Thời Nhậm, nhưng hoàn toàn chưa hiểu gì về con người gầy gò xương xẩu, với cặp mắt lơ đãng ấy, mặc dù biết anh trong ban lãnh đạo Vụ, cùng với Hoài Thanh và Lưu Hữu Phước… Thế rồi tối hôm ấy, anh bước vào phòng của tôi. Anh không chào hỏi gì cả, bước thẳng đến chiếc giường cá nhân của tôi, kéo chiếc gối đệm sau lưng, rồi ngả người lên bức tường phía sau, chìa ra một tờ giấy, một mảnh giấy thì đúng hơn.
- Mình vừa viết xong, cậu đọc thử…
Tôi đỡ tờ giấy, đọc những hàng chữ, nét bút cứng cỏi nhưng nguệch ngoạc, các hàng xiên chéo, nghiêng ngả, nhiều chỗ gạch xóa… trong lòng hơi bất ngờ và cũng ngỡ ngàng. Đọc xong, tôi trả lại anh, không biết nói gì, vì tôi thấy mấy câu thơ không có gì đặc biệt, nhất là tôi không giỏi về nhận xét, đánh giá thơ. Sau đấy tôi không nhớ mấy câu thơ ấy như thế nào nữa. Anh đỡ tờ giấy, lơ đãng đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ lần đầu tiên anh bước vào, rồi từ từ đứng dậy, lê đôi dép mỏng, chân thấp chân cao bước ra, không nói thêm một câu nào.
Tôi bàng hoàng, không còn biết nghĩ ra sao nữa. Anh là Vụ Phó, là lãnh đạo, mà không hề hỏi tôi, một nhân viên dưới quyền, quê quán ở đâu… bố mẹ làm gì, có mấy anh chị em… như hầu hết (có lẽ tất cả) những “cấp trên” của tôi trước đây, trong quân ngũ cũng như ngoài cơ quan dân sự, nơi tôi đã công tác sau khi chuyển ngành, đã hỏi khi lần đầu tiếp xúc.
[1] Cuốn “Tìm hiểu nghẹ thuật viết kịch” Nhà XB Văn hóa. Lúc ấy tôi lấy tên là Nguyễn Nam.
[2] XUÂN VĨ DẠ. Khi Đoàn Kim Phụng chuyền thành Cải lương, đổi tên là “HUẾ MÙA XUÂN”
[3] Lời một bài thơ giếu của Sóng Hồng (Trường Chinh)
[4] Bạn nào muốn biết rõ xin đọc blog của tôi “Tôi viết kịch về Bác Hồ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét