Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Tỷ giá: Nên thuận theo thị trường!

Đây là một bài viết xuất sắc của TS Ngọc. Đáng tiếc là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có những chuyên gia như anh Ngọc hoặc nếu có thì tiếng nói của họ không có giá trị đối với những quan chức cao cấp như Thống đốc Bình. Từ năm 1998 đến nay, đã nhiều lần tôi phát biểu tốc độ chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường của Ngân hàng Nhà nước là kém nhất so với tất cả các bộ, ngành khác. Có thể nói Ngân hàng Nhà nước hầu như không có chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá; hoàn toàn thụ động trước các biến động của thị trường và không dự báo được thị trường. Mục tiêu tối hậu của các chính sách tiền tệ và tỷ giá thì loạn xạ, mục tiêu trung gian còn loạn hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng không có các công cụ của kinh tế thị trường để thực thi chính sách mà chủ yếu dùng biện pháp hành chính và sử dụng các ngân hàng thương mại quốc doanh để đè nén thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng không xác định được cơ chế truyền tải của các chính sách sẽ thực hiện nên hiệu quả của chúng vô cùng thấp kém, đã thậm chí gây ra nhiều cuộc khủng hoảng tiền tệ, lạm phát, đến mức từ ngày nắm quyền, Thống đốc Bình quyết định cứ thắt chặt tiền tệ và tỷ giá, ngồi im nhắm mắt bịt tai nhất định không làm gì (ví dụ điển hình là kiên quyết không phá giá, thậm chí tuyên bố trước cả năm cho dân yên tâm đừng lo và đừng cựa quậy làm khổ Ngân hàng Nhà nước) trước một thế giới đầy biến động.
Tỷ giá: Nên thuận theo thị trường!
TS Phan Minh Ngọc - Sau nhiều năm trồi sụt mạnh, tỷ giá VND đã hưởng một thời kỳ vài năm tương đối ít biến động cho đến nửa đầu năm trước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì coi sự bình ổn tương đối này của tỷ giá là thành tích của mình, chủ yếu nhờ vào những tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2-3% trong năm.
Thực ra, mấy năm trước là thời kỳ có thể nói là khá “thiên thời địa lợi” cho NHNN. Thứ nhất, lạm phát ở Việt Nam sau nhiều năm như con ngựa bất kham, là hậu quả của chiến lược tăng trưởng dựa vào mở rộng mạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, đã bị kìm chân, và đã giảm từ mức 2 con số xuống còn 1 con số, chủ yếu nhờ sự thay đổi trong chiến lược của chính phủ, chuyển từ ưu tiên tăng trưởng cao sang ưu tiên ổn định vĩ mô. Lạm phát giảm đã làm giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá VND.

Thứ hai, đồng USD đã suy yếu đáng kể so với các bản tệ chính trên thế giới, trong khi lãi suất của Mỹ xuống mức gần 0 đã làm giới đầu tư mang USD đi tìm những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, để đầu tư hưởng lãi suất cao hơn. Điều này là nguyên nhân quan trọng để NHNN vừa có điều kiện mua bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối, vừa không phải vất vả chống đỡ cho VND như trước, khi cung USD luôn thiếu hụt.

Chưa kể đến việc tiếp tục siết chặt các quy định về quản lý ngoại hối (để hạn chế thị trường tự do, hạn chế cầu USD của nền kinh tế), chỉ với 2 yếu tố thuận lợi trên đã giúp NHNN “ghi điểm” với bàn dân thiên hạ khi cả năm có khi chỉ phải điều chỉnh tỷ giá 1 lần ở mức nhỏ. Thậm chí nhiều người còn hối hận vì đã trót không tin vào lời cam kết (không phá giá) của NHNN để phải chịu thiệt hại, ví dụ, do “ôm” vào USD thay vì gửi tiết kiệm bằng VND.

Nhưng tình hình đã có những thay đổi căn bản kể từ giữa năm 2014 đến nay. Đầu tiên là Mỹ rục rịch chuẩn bị cho việc nâng lãi suất USD khi bắt đầu thấy có những dấu hiệu tích cực trong sự phục hồi của nền kinh tế nước này. Mặc dù mới chỉ là “rập rình” tăng lãi suất USD mà mãi vẫn chưa kết được thời điểm thực hiện, nhưng việc này của Mỹ đã lập tức tạo ra những đợt sóng bán tháo tài sản và chuyển vốn sang USD hoặc vào các tài sản niêm yết bằng USD. Hậu quả là sự mất giá mạnh của hàng loạt bản tệ trên thế giới và trong khu vực so với USD. Hậu quả tiếp theo là xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, do VND bị neo chặt vào USD, và do đó lên giá thực so với nhiều bản tệ khác. Chưa kể là VND còn lên giá thực ngay với chính USD, vì tuy lạm phát ở Việt Nam đã giảm mạnh nhưng vẫn còn cao hơn lạm phát ở Mỹ, trong khi tỷ giá danh nghĩa VND/USD đã thay đổi không đáng kể. Nhập siêu đã vì thế mà quay lại từ đầu năm nay và đã liên tục tăng lên cho đến hiện tại.

Nhập siêu ngày càng tăng đã tạo ra áp lực lớn lên tỷ giá VND, đòi hỏi NHNN phải có những điều chỉnh kịp thời. Nhưng NHNN đã không những bỏ lỡ cơ hội để chủ động điều chỉnh tỷ giá vào những thời điểm thuận lợi mà còn tự làm khó mình thêm bằng sự lặp đi lặp lại cam kết và quyết tâm không phá giá quá mức đã tuyên bố từ đầu năm 2014-15 (2-3%). Những lý do đằng sau chuyện cam kết này có thể là do NHNN không đánh giá đúng được sức mạnh của thị trường, hay quá tự tin vào khả năng của mình, và/hoặc xem thường tác động bất lợi gây ra bởi VND mạnh cho cả nền kinh tế. Dù là lý do nào chăng nữa thì kết cục thị trường vẫn luôn đúng, và NHNN đã phải dùng hết hạn mức phá giá 2% trong chưa hết nửa đầu năm.

Rồi một thay đổi bất lợi khác xảy đến bất ngờ, mà có thể coi là cú đấm bồi mang tính quyết định lên chính sách tỷ giá của NHNN là chuyện Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ (CNY), mà lại còn phá liên tiếp 3 lần trong 3 ngày kế tiếp nhau trong tháng 8 với cường độ lớn. Ngay sau đợt phá giá lần thứ nhất của Trung Quốc (11/8), NHNN đã phải tuyên bố nới rộng biên độ biến động tỷ giá quanh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1 điểm %, mà thực chất là việc chấp nhận cho VND mất giá thêm 1%. NHNN lý giải hành động này là để đối phó với hành động phá giá của Trung Quốc.

Nhưng có lẽ không chỉ NHNN mà còn rất nhiều người không thể ngờ được là Trung Quốc lại tiếp tục phá giá lần 2 và lần 3 trong 2 ngày kế tiếp sau đó. So với mức mất giá của CNY thì 1% mất giá của VND là quá nhỏ. Hơn nữa, các bản tệ khác trên thế giới lại tiếp tục mất giá thêm sau những hành động này của Trung Quốc, càng làm tăng áp lực lên VND. Kết cục là NHNN lại một lần nữa ngay trong tháng 8 phải không chỉ tăng thêm biên độ biến động tỷ giá thêm 1% mà còn nâng cả tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% nữa.

Điều đáng nói là trong lần phá giá VND lần 2 vừa qua (tuy vẫn quá nhỏ), NHNN lý giải là chủ động và linh hoạt đón trước việc Mỹ tăng lãi suất. Thế nhưng, lưu ý là trong suốt cả giai đoạn dài trước đó mặc dù có nhiều khuyến nghị NHNN phá giá VND do tác động của khả năng Mỹ tăng lãi suất làm các bản tệ khác mất giá so với VND, nhưng NHNN đã hầu như bỏ qua yếu tố này. Bởi vậy, có thể nói, cả 2 đợt điều chỉnh tỷ giá VND chẳng qua chỉ là phản ứng thụ động, đối phó với tình hình, đặc biệt xuất phát từ cái thế cố gắng không phải phá vỡ cam kết hạn mức phá giá mà tự NHNN đặt ra.

Điều quan trọng hơn ở trong bài này là bài học gì cho NHNN rút ra từ diễn biến mô tả bên trên. Trước áp lực xem ra vẫn còn rất lớn lên tỷ giá VND, với bằng chứng là tỷ giá trong ngân hàng đã luôn kịch trần, còn tỷ giá trên thị trường tự do thì lên đến gần 23.000 đồng/USD, NHNN lại một lần nữa lặp lại lập trường không phá giá thêm từ nay cho đến hết năm và sang cả đầu năm sau, rằng không có lý do gì để phá giá thêm nữa. Có lẽ NHNN vẫn tự tin cho rằng niềm tin của thị trường vào uy tín và khả năng của NHNN vẫn còn rất lớn. Hoặc NHNN cũng cho rằng điều kiện thị trường đang ủng hộ họ sau 2 đợt phá giá để đúng là sẽ không cần phải phá giá nữa chăng?

Nếu cho rằng uy tín vẫn còn lớn thì tự thân những sự kiện liên quan đến tỷ giá VND trong năm nay đã cho câu trả lời. Còn về khả năng can thiệp của NHNN, với quỹ dự trữ ngoại hối từ mức 37 tỷ USD (tương đương chưa đến 12 tuần nhập khẩu là mức an toàn tối thiểu) được tiết lộ tháng trước đã sụt giảm đáng kể sau một thời gian can thiệp đến hàng tỷ USD thì chắc chắn mức hiện nay đã tụt xuống hơn nữa so với mức an toàn tối thiểu.

Về điều kiện thị trường, sau khi Trung Quốc phá giá liên tục 3 ngày liền, nhiều chuyên gia đã cho rằng Trung Quốc sẽ không phá giá nữa, và đây có thể là cơ sở để NHNN tạm thời an tâm với mức phá giá VND của mình. Nhưng tiếc là Trung Quốc lại tiếp tục phá giá CNY trong mấy ngày qua, tuy ở mức nhỏ hơn so với 3 lần trước đây. Hành động của Trung Quốc đã gây lo ngại sâu sắc vì nguy cơ của một cuộc chiến tiền tệ, khi Nhật mới đây đã lên tiếng về tác động của CNY. Nếu Trung Quốc và những đối thủ của Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chơi phá giá, chắc chắn VND, vốn đang phải chịu áp lực mất giá, sẽ phải chịu thêm nữa áp lực mất giá.

Dù cuộc chiến tiền tệ mới chỉ là nguy cơ, nhưng tự thân nó cho thấy NHNN lại đang đánh cược một cách không cần thiết với một thị trường đầy biến động về chính sách tỷ giá của mình. Điều mà NHNN nên làm không phải là lặp lại một cam kết khác về hạn mức “cứng” (không phá giá thêm) để rồi rất có khả năng một lần nữa phải phá vỡ cam kết đó. Thay vào đó, hãy biết nương theo, lợi dụng tình hình biến động của thị trường thế giới để tuyên bố và thi hành một chính sách tỷ giá mềm dẻo, có đường tiến và có cả đường lùi theo điều kiện thị trường. NHNN cần nhận thức rõ một điều là không thể chiến thắng được thị trường để không có những hành động đi ngược thị trường, gây ra những tác hại không đáng có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét