Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Khó huỷ hoặc sửa quyền có QT của người sinh ra ở Mỹ

Không dễ huỷ hoặc sửa quyền có quốc tịch của người sinh ra ở Mỹ
Một luật lệ ban hành cách nay gần 150 năm để cấp quốc tịch Mỹ cho những người nô lệ được giải phóng đã trở thành một đề tài nóng bỏng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016.
Miguel, 3 tuổi sinh ra ở Mỹ có cha mẹ là người 
nhập cư bất hợp pháp tại San Juan, Texas.
Ông Donald Trump, người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua để được đảng Cộng hoà đề cử làm ứng viên tổng thống, hồi tuần trước đã trình bày kế hoạch về cải cách di trú, trong đó có một đề nghị gây tranh cãi là chấm dứt việc tự động cấp quốc tịch cho tất cả những em bé chào đời trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Sau khi cuộc Nội chiến chấm dứt năm 1865, Quốc hội Mỹ đã thông qua, và các tiểu bang đã phê chuẩn, Tu chính án 14, với mục đích cấp quốc tịch cho những người nô lệ mới được giải phóng và bảo vệ các quyền tự do dân sự của họ.

Ông Trump, cùng với một số ứng viên khác của đảng Cộng hoà, không tán đồng việc cấp quốc tịch cho tất cả những em bé sinh ra trên đất Mỹ, nhất là những em bé có cha mẹ là những người cư ngụ bất hợp pháp ở Mỹ.
Ông Trump nói ông không tin là luật đó dành quốc tịch Mỹ cho những em bé như vậy, những em mà ông gọi là “anchor babies” hay “những em bé bị dùng làm cái neo”, một từ ngữ mà nhiều người xem là có tính chất xúc phạm.


​​Mất quá nhiều thời gian

Chính sách di trú của ông Trump bao gồm việc trục xuất hàng triệu di dân không có giấy tờ cư trú hợp pháp, và xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico – một bức tường mà ông nói ông sẽ buộc Mexico phải trả tiền để xây lên.

​​Văn bản chính sách của ông Trump cho rằng quyền có quốc tịch vì nơi sinh “tiếp tục là thỏi nam châm lớn nhất” đối với những người di dân bất hợp pháp. Ông cho biết vì việc tu chính hiến pháp phải mất rất nhiều thời gian, cho nên nếu đắc cử tổng thống ông sẽ yêu cầu toà án xem xét lại luật này.

Bà Suzanna Sherry, giáo sư luật của Đại học Luật khoa Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, nói ông Trump chỉ có hai chọn lựa liên quan tới Tu chính án 14: một là tu chính hiến pháp và hai là thuyết phục Tối cao Pháp viện là những sự giải thích trước đây về luật này là không chính xác.

Tu chính hiến pháp Mỹ là một tiến trình vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự chấp thuận với đa số hai phần ba của cả Thượng viện lẫn Hạ viện và sau đó là sự chấp thuận với đa số ba phần tư của các tiểu bang.

Giáo sư Sherry nói “Tối cao Pháp viện chưa hề minh thị phán quyết về vấn đề những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ có cha mẹ là những người không có giấy tờ hợp lệ có phải là công dân hay không, nhưng ngôn từ của tu chính án này là khá rõ ràng.”

Bà trích đọc câu đầu của Tu chính án 14: Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới sự quản hạt của Hoa Kỳ, là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang mà họ cư trú.

Bà cho biết mục đích của Tu chính án 14 là bảo đảm rằng những người Mỹ gốc Phi châu được xem là công dân của cả Hoa Kỳ lẫn của tiểu bang mà họ sinh sống.

Trong vụ kiện Dred Scott năm 1857 toà án đã ra phán quyết cho rằng người Mỹ gốc Phi châu không phải là công dân của một tiểu bang.

Không thể tước quyền của người dân
Tu chính án 14: Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới sự quản hạt của Hoa Kỳ, là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang mà họ cư trú.

​​Giáo sư Sherry nói “Quốc hội được phép dành quyền công dân cho bất cứ người nào mà họ muốn, nhưng họ không được phép tước quyền công dân từ những người mà hiến pháp đã trao quyền công dân.”

Bà nói thêm rằng “Trong tất cả các điều khoản tu chính hiến pháp có liên quan tới quyền của người dân, chỉ có một tu chính án duy nhất là thu hẹp quyền của người dân là Tu chính án 18, cấm rượu, nhưng nó đã bị huỷ bỏ 25 năm sau đó. Toàn bộ những tu chính án còn lại đều nới rộng quyền của người dân.”

Nhà luật học này cho rằng lịch sử đó cần được xét tới khi chúng ta nghĩ đến việc tu chính hiến pháp để thu hẹp quyền của người dân.

Bà Polly Price, giáo sư luật của Đại học Luật khoa Emory ở Atlanta, cho biết hầu hết các học giả tin rằng phải tu chính hiến pháp mới có thể tước quyền tự động có quốc tịch của những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Bà Price nói thêm rằng nhiều người không hiểu được là việc huỷ bỏ Tu chính án 18 sẽ tạo ra một cơn ác mộng như thế nào về mặt hành chánh.

Bà cho biết việc huỷ bỏ sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người, và bất cứ người nào ở Mỹ cần chứng minh quốc tịch của mình khi nộp đơn thi bằng lái xe hoặc xin số An sinh Xã hội đều phải chứng minh quốc tịch của cha mẹ mình.

Bà nói “Theo đề nghị đó, nếu chúng ta huỷ bỏ tu chính án đó, thì tôi sẽ phải chứng minh là cha tôi hoặc mẹ tôi” khi đó là công dân Mỹ hoặc là thường trú nhân.

Để chứng minh qui chế đó, “người ta phải cần có giấy khai sinh của cha mẹ và càng lùi xa chừng nào thì việc tìm ra giấy khai sanh càng khó chừng đó”, bà Price nói.

Vấn đề vô quốc tịch


Ông Jeb Bush nói cụm từ 'anchor baby không có tính chất xúc phạm và ông muốn nói một cách cụ thể về những trường hợp gian lận có tổ chức của những người Á Châu tới Mỹ để sinh con.

​​Giáo sư Price nói rằng việc huỷ bỏ tu chính án này cũng sẽ tạo ra những vấn đề về tình trạng vô quốc tịch cho những người di dân không có giấy tờ hợp lệ đã ở Mỹ rất lâu và cho con cái của họ sinh ra ở Mỹ.

Bà cho biết khi nói tới chuyện trục xuất, quốc gia nguyên quán có thể không chịu tiếp nhận những người di dân không có giấy tờ hợp lệ đã ở Mỹ rất lâu và có lẽ họ cũng không xem con cái của những người di dân đó là công dân của nước họ.

“Có rất nhiều vấn đề phát sinh từ tình trạng vô quốc tịch,” giáo sư Price nói.

Trong vài ngày qua, ông Trump và ông Jeb Bush đã bị chỉ trích vì dùng cụm từ “anchor baby.”

Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người di dân nói rằng từ ngữ đó có tính chất xúc phạm và được những người có chủ trương chống di dân dùng để mô tả những em bé sinh ra ở Mỹ có cha mẹ là người di dân không có giấy tờ hợp lệ, thường là những người đến từ các nước Mỹ châu La tinh.

Trong khi đi vận động hôm thứ hai vừa qua, ông Bush nói rằng cụm từ đó không có tính chất xúc phạm và ông muốn nói một cách cụ thể về những trường hợp gian lận có tổ chức của những người Á châu tới Mỹ để sinh con. Ông cho rằng những người đó “lợi dụng một khái niệm cao thượng là có quyền công dân dựa trên nơi sinh.”

Các nhân vật lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á đã lên tiếng yêu cầu ông Bush tạ lỗi về phát biểu đó.

Hồi đầu năm nay, giới hữu trách liên bang Mỹ đã nói tới những âm mưu gọi là “du lịch sinh nở”, của những người phụ nữ giàu có, nhất là phụ nữ Trung Quốc, đến Mỹ để sinh con ngõ hầu con của họ có được quốc tịch Mỹ.

Nhiều ứng viên khác của phe Cộng hoà đã tán đồng ý kiến của ông Trump về việc huỷ bỏ quyền công dân theo nơi sinh của những đứa con của những người di dân không có giấy tờ hợp lệ. Trong số đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina, Thống đốc Bobby Jindal của tiểu bang Lousiana, Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky và cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum của tiểu bang Pennsylvania.

Tuy nhiên, một số ứng viên Cộng hoà chống đối chủ trương đó, trong đó có bà Carly Fiorina. Tuần trước, nữ doanh gia nổi tiếng này nói “Cần thông qua một điều khoản tu chính hiến pháp mới có thể thay đổi điều đó… Chúng ta nên tập trung năng lực của mình để làm những việc mà chính phủ có trách nhiệm phải làm là bảo vệ biên giới và sửa chữa hệ thống di trú.”

Số trẻ em được quyền có quốc tịch

Ban vận động của ông Trump nói mỗi năm có hơn 400.000 di dân bất hợp pháp sinh ra ở Mỹ và có được quốc tịch.

​​​​Cuối tuần qua, ban vận động của ông Trump nói rằng mỗi năm có hơn 400.000 di dân bất hợp pháp sinh ra ở Mỹ và có được quốc tịch.

Ông Jefferey Passel, một chuyên gia cấp cao về dân số học của Trung tâm Nghiên cứu Pew, nói với PolitiFact.com, một website báo chí độc lập chuyên kiểm tra những phát biểu của những nhân vật công chúng có đúng sự thực hay không, rằng con số đó có thể chính xác vào khoảng 10 năm trước. Nhưng hiện nay, theo ước tính của ông, con số đó đã giảm còn khoảng 300.000.

Trung tâm Pew Mỹ châu La tinh, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, ước tính 340.000 em bé trong số 4 triệu 300.000 em bé chào đời ở Mỹ trong năm 2008 là hậu duệ của những di dân bất hợp lệ, dựa trên cuộc phân tích của tổ chức này về các số liệu của Cục Kiểm tra Dân số Mỹ. Họ kết luận là 8% trẻ em sinh ra ở Mỹ trong năm đó có cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ là di dân không có giấy tờ cư trú hợp pháp.

Chính sách di trú của ông Trump còn bao gồm việc huỷ bỏ những mệnh lệnh hành pháp về di trú của Tổng thống Barack Obama, trục xuất hàng triệu di dân không có giấy tờ cư trú hợp pháp, và xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico – một bức tường mà ông nói ông sẽ buộc Mexico phải chi trả để xây lên.

Cựu Thế giới đối kháng Tân Thế giới
Hoa Kỳ là một trong 30 nước dành quyền công dân cho những đứa trẻ sinh ra bên trong biên giới của mình.

​​Trong số gần 200 nước trên thế giới, Hoa Kỳ là một trong 30 nước dành quyền công dân cho những đứa trẻ sinh ra bên trong biên giới của mình, theo NumbersUSA, một tổ chức tự mô tả là một tổ chức bất vụ lợi, phi đảng đảng phái và có chủ trương giảm thiểu số người di dân tới Mỹ.

Giáo sư Price của Trường Emory cho biết các nước ở Tây bán cầu – trong đó có Mỹ, Canada và các nước Mỹ châu La tinh, có những luật lệ tương tự về quyền công dân dựa trên nơi sinh.

Bà nói rằng điều làm cho Hoa Kỳ trở nên độc đáo trong các nước đó là luật của Mỹ được ghi rõ trong hiến pháp.

Không có nước nào ở Âu châu và Á châu nằm trong danh sách của NumbersUSA về những nước dành quyền công dân vì nơi sinh.

Giáo sư Price nói trong lịch sử, những nước như Mỹ và Canada cần thu hút di dân “nên việc dành quyền công dân cho những người mới tới” là một việc làm thông thường. Bà mô tả sự khác biệt trong luật lệ giữa Tây bán cầu và Đông bán cầu là “giống như khái niệm Tân Thế giới đối kháng Cựu Thế giới.”

Mặc dầu vậy, cũng có một số nước, như Anh hoặc Đức, có một hình thức về quyền công dân vì nơi sinh với điều kiện là đứa trẻ phải có cha hoặc mẹ là thường trú nhân.

Một dự luật với ngôn từ tương tự đã được trình tại Hạ viện Mỹ năm 2009. Luật Quốc tịch vì nơi sinh năm 2009, nếu được thông qua, sẽ huỷ bỏ quyền có quốc tịch vì nơi sinh của những đứa trẻ có cha mẹ là di dân không có giấy tờ hợp lệ ở Mỹ.

Theo dự luật chưa được tiểu ban tư pháp thông qua này, chỉ có những em bé có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ, là thường trú nhân hợp pháp, hoặc là di dân không có giấy tờ hợp lệ phục vụ trong quân đội mới được xem là công dân Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét