Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Tự do trong học thuật

Tự do trong học thuật
Những cố gắng cải cách mô hình quản trị và tài chính của đại học hướng đến mục tiêu chính là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đó là một trong nhiều nội dung mà nhóm Đối thoại và giáo dục (VED) đưa ra khuyến nghị về đại học VN.
Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở đại học (ĐH) là một trong 5 đề mục cần phải cải cách trong lĩnh vực giáo dục ĐH ở VN mà nhóm Đối thoại và giáo dục (VED) đề xuất trong bản khuyến nghị. 

Lấy trình độ nghiên cứu khoa học làm ưu tiên

Theo VED, vấn đề nổi cộm nhất trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy ĐH ở VN là đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho số lượng thay vì chất lượng. Điều này thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau, gồm khả năng nghiên cứu khoa học, tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước, môi trường trao đổi và hợp tác, số môn học và số giờ lên lớp.

Sau khi phân tích hiện trạng, trong đó có đề cập khả năng nghiên cứu khoa học yếu kém của giảng viên ĐH ở VN như một “vấn đề lớn”, nhóm VED kiến nghị các trường ĐH khi tuyển chọn giảng viên cần lấy trình độ nghiên cứu khoa học làm ưu tiên hàng đầu, thiết lập một số vị trí với điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt để tạo ra những đầu tàu trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, đồng thời thiết lập cơ chế tài chính để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang VN làm việc. Về vấn đề giảng dạy, nhóm VED cho rằng cần phải giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp; tăng số giờ thực tập, thực hành, làm đề tài và làm bài tập; khuyến khích việc sử dụng trực tiếp học liệu do các trường ĐH tiên tiến cung cấp.

Nhóm cũng khuyến nghị nhà nước cần tập trung tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước về các quỹ hoạt động theo mô hình Nafosted, lấy thành tích khoa học và mức độ công nhận quốc tế làm chỉ tiêu hàng đầu trong việc xét duyệt đề tài, tăng cường sự tham vấn của các nhà khoa học quốc tế trong việc xét duyệt đề tài. Nhà nước cũng cần phải có các giải pháp tạo môi trường trao đổi và hợp tác như làm thông thoáng thị trường lao động khoa học, khuyến khích việc luân chuyển từ trường này sang trường khác, từ trường ĐH sang khối công nghiệp và ngược lại; hỗ trợ những đề tài có khả năng làm tiền đề cho việc hình thành các mạng lưới trong nghiên cứu khoa học; thể chế hóa sự liên kết giữa ĐH và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bản khuyến nghị viết: “Chúng tôi cho rằng sẽ rất khó có thể cải tổ về cơ bản chế độ tuyển dụng nhân lực khoa học, nhất là trong việc thiết lập các vị trí giáo sư đặc biệt nếu không có cải tổ về quản trị và tài chính ĐH”.

Công khai thông tin chất lượng giáo dục

Theo nhóm VED, dù VN hiện đã triển khai đủ 4 công cụ cơ bản mà thế giới đã sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng ĐH (gồm kiểm định chất lượng, công khai thông tin chất lượng, xếp hạng, đối sánh) nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được cải cách.

Chẳng hạn như về việc công khai chất lượng, VN đã có chương trình “3 công khai” nhưng chất lượng thông tin công khai chưa đạt độ tin cậy khả dĩ khi mà trường tự do và tự công bố báo cáo của mình. “Giao cho một tổ chức độc lập tiến hành việc thu thập thông tin chất lượng giáo dục ĐH và công bố hằng năm trong các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường ĐH, CĐ có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức nói trên trong quá trình thu thập dữ liệu”, nhóm VED khuyến nghị.

Tuy nhiên, theo nhóm VED, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, nhà nước nên tập trung vào 2 công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng hơn và nên xem là hoạt động bắt buộc, định kỳ đối với tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Kết quả kiểm định chất lượng độc lập cần được xem như tiêu chí trong việc phân bổ ngân sách, quyết định mở, đóng hay tạm ngừng các chương trình đào tạo, bổ nhiệm/tái bổ nhiệm các nhân sự cấp cao trong ĐH. Còn việc xếp hạng và đối sánh thì chỉ nên ở mức độ khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các trường ĐH tham gia các bảng xếp hạng và đối sánh quốc tế.

Tạo không gian biểu đạt ý kiến

Lĩnh vực cuối cùng mà bản khuyến nghị đề cập là dân chủ nội bộ và tự do học thuật. Theo nhóm VED, uy tín của các trường ĐH trong xã hội không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng tài chính và chất lượng nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà còn phụ thuộc vào các định chế dân chủ nội bộ, cũng như khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Bản thân chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng bị chi phối bởi khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Môi trường học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH có lành mạnh hay không phụ thuộc vào tính minh bạch của các định chế dân chủ nội bộ.

Nhóm đề xuất trong các trường ĐH, CĐ nên có các thiết chế như nghị trường giảng viên, nghị trường sinh viên, tạo không gian cho giảng viên - sinh viên biểu đạt ý kiến, quan điểm về các vấn đề giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo... của trường mình. Chẳng hạn, nghị trường giảng viên có thể đưa ra tiếng nói chung của giảng viên đối với hiện tượng vi phạm đạo đức khoa học hoặc tự do học thuật...

Theo nhóm VED, trường ĐH thiết lập các ủy ban như ủy ban kế hoạch, tuyển dụng, đề bạt, đánh giá thường niên... Thông qua đó, giảng viên có thể tham vấn trực tiếp cho ban giám hiệu.

Quý Hiên
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét