Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Không thể gọi là “tiểu ngạch”

Không thể gọi là “tiểu ngạch” 
(Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân, 9/6/2015)
Phan Minh Ngọc: Trong ngày họp Quốc hội hôm qua, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đã nêu chi tiết chênh lệch lớn về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố so với những con số tương ứng của Trung Quốc công bố trong mấy năm qua. Ông Tín kết luận rằng, đã có thể có sự xuất khẩu và nhập khẩu lậu lớn mà Tổng cục Thống kê và các cơ quan chức năng của Việt Nam không nắm được.
Điều trước tiên có thể nói về sự chênh lệch lớn trong thống kê thương mại của các cơ quan chức năng của 2 nước là khả năng Việt Nam đã bỏ sót, không thống kê đầy đủ thương mại tiểu ngạch trong khi phía Trung Quốc thì không. 

Ví dụ, trong việc xuất khẩu hoa quả tiểu ngạch sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam có nhiều đầu mối xuất, không chỉ là các thương lái, công ty, mà còn cá nhân tự có hàng, hoặc được thuê chở (và thường được bỏ qua ở phía Việt Nam do giá trị nhỏ, hoặc dễ lẩn trốn)… thì dường như phía Trung Quốc chỉ có một số lượng đầu mối hữu hạn, ít hơn thế. Do đó, có thể với phía cơ quan chức năng của Trung Quốc, việc “túm tóc” một số ít người để thống kê và đánh thuế sẽ dễ hơn là việc tương tự ở phía Việt Nam. Tình hình nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam cũng tương tự như vậy, và vì thế số liệu thống kê thương mại của phía Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ chính xác, đầy đủ và bao quát hơn.

Nếu đúng như trên thì sự chênh lệch sẽ giảm đi phần nào, và chuyện xuất khẩu, nhập khẩu lậu cũng không đến mức độ trầm trọng. Dẫu vậy, điều vẫn cần lo ngại ở đây là tình trạng trốn thuế, thất thu thuế từ con đường thương mại tiểu ngạch có thể lớn hơn nhiều so với hiện tại được biết. Nếu nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam được thông qua nhiều đầu mối, thương lái ở phía Việt Nam trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam chỉ có khả năng nắm được và đánh thuế một số trong đó thì quy mô nhập khẩu như thế khó còn được gọi là “tiểu ngạch” nữa, và Việt Nam cần thiết phải có giải pháp đưa hoạt động thương mại tiểu ngạch này vào vòng kiểm soát. Kiểm soát hữu hiệu thương mại tiểu ngạch không những tăng được nguồn thu thuế mà còn kiểm soát, hạn chế được những tác hại của việc để cho hàng hóa nhập khẩu chèn ép hàng nội địa, đồng thời hạn chế được việc chảy máu tài nguyên và tài sản của đất nước thông qua hành vi xuất khẩu gia tăng (vì trốn được thuế nên giá rẻ, hấp dẫn người mua ở Trung Quốc).

Nhưng nói gì thì nói, lo ngại của ông Tín về tình trạng xuất khẩu lậu, nhập khẩu lậu là xác đáng, vì “dù có trốn qua con đường tiểu ngạch như nói trên thì lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như vậy vẫn cần phải gọi đích danh là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lậu, và có tác động tiêu cực”. Để xảy ra tình trạng này rõ ràng là có phần lỗi của các cơ quan chức năng Việt Nam, trừ khi họ có lời giải thích thỏa đáng nào khác, hoặc chứng minh được rằng số liệu thống kê của phía Trung Quốc là không chính xác.

Trong khi đó, thực tế những vụ buôn lậu, hành vi gian dối trong các thương vụ xuất khẩu, nhập khẩu mà các cơ quan chức năng Việt Nam phát giác dường như chỉ là bề nổi của tảng băng, đồng thời củng cố thêm cho lập luận của ông Tín.

http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/2015/06/khong-goi-la-tieu-ngach-bai-ang-tren-ai.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+blogspot%2FpMpUg+%28Phan+Minh+Ngoc%29

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét