Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Campuchia: người Việt nhập cư với mưu đồ cướp đất?

Campuchia: người Việt nhập cư với mưu đồ cướp đất?
Cho đến nay người Việt đến Campuchia là để làm ăn sinh sống vì Campuchia có tài nguyên phong phú và nhiều triển vọng phát triển hơn, riêng việc họ đến để cướp đất Campuchia thì chúng tôi không dám kết luật là có hay không vì chúng tôi không có cơ sở để kết luận - Ông Sovanna Rith, đại diện Tổ chức Bảo vệ quyền người dân tộc thiểu số tại Campuchia gọi tắt là MIRO.
Hoàng thân Sisowath Thomico (phải), thành viên của Đảng Cứu quốc Campuchia, đang nói chuyện với những người biểu tình tại Công viên Tự do ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia năm 2013


Vấn đề đất đai giữa Việt Nam và Kampuchia lại được đề cập đến nhân dịp người Khmer Krom tại Xứ Chùa Tháp tổ chức 66 năm ngày mà họ cho là mất quyền quản lý vùng đất Nam Bộ.

Cũng như những năm trước, lễ kỷ niệm ngày Pháp cắt đất Kampuchea Krom cho Việt Nam quản lý được tổ chức vào ngày 4 tháng 6, với sự tham dự của gần 3000 người, trong đó có tu sĩ, học sinh sinh viên, thanh niên, đại diện các hội đoàn Khmer Krom, các đảng phái chính trị và hoàng gia Campuchia.

Âm mưu của người Việt Nam?

Phát biểu trong buổi lễ, Hoàng thân Sisovath Thomico nhắc lại các sự kiện lịch sử liên dẫn đến việc mất đất, ông còn cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bành trướng, thâu tóm Campuchia và người Việt tại Campuchia là một phần của chính sách này. Ông nói:

“Nếu chúng ta nghiên cứu các chiến lược mà họ sử dụng để chiếm đất Kampuchea Krom. Họ mượn đất để làm căn cứ huấn luyện binh lính trong thời hạn 5 năm, thế nhưng trong thời hạn 5 năm đó, họ đưa dân của họ vào sinh sống, sau đó họ thành lập bộ máy hành chính để quản lý dân của họ. Chúng ta hãy quay lại hiện tại, chúng ta thấy rõ rằng người nhập cư có mặt ở khắp đất nước. Rõ ràng là chính sách được thực hiện hồi thế kỷ thứ XVIII và chính sách ở thế kỷ XX, XXI là như nhau. Cho dân vào ở, bước tiếp theo là thành lập bộ máy quản lý hành chính. Bộ máy hành chính quản lý này chính là Hội người Việt, họ có mặt ở khắp 25 tỉnh thành. Hệ thống hội này chính là bộ máy hành chính quản lý người dân của họ”.

  Nếu chúng ta nghiên cứu các chiến lược mà họ sử dụng để chiếm đất Kampuchea Krom. Họ mượn đất để làm căn cứ huấn luyện binh lính trong thời hạn 5 năm, thế nhưng trong thời hạn 5 năm đó, họ đưa dân của họ vào sinh sống, sau đó họ thành lập bộ máy hành chính để quản lý dân của họ

Hoàng thân Sisovath Thomico
Hoàng thân Sisovath Thomico thuộc dòng họ Sisovath, cùng với họ Norodom là nhánh của hoàng gia theo Hiến pháp của Campuchia. Ông từng là trợ lý trực tiếp của cố hoàng Norodom Sihanouk, sau khi vua Sihanouk băng hà, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp chính trị, và hiện là một nhà hoạt động chính trị thuộc đảng Cứu quốc đối lập. Hồi cuối năm 2014, hoàng thân này từng tuyên bố rằng mọi hoạt động chính trị của ông đều thực hiện theo di chúc của cố hoàng Sihanouk.

Cũng theo Hoàng thân Thomico, ngoài hệ thống Hội người Campuchia gốc Việt là hệ thống quản lý dân sự, người Việt còn có cả hệ thống kinh tế, quân sự hoạt động ngầm trên lãnh thổ Campuchia. Ông cho rằng chính quyền Việt Nam âm thầm viện trợ tiền cho người Việt để sống được và chi phối xã hội Campuchia. Hoàng thân Thomico:

Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Tổng hội Việt kiều tại Campuchia.
“Kinh tế, họ cũng có mặt ở đây. Việt Nam thành lập nhiều ngân hàng, đưa hằng trăm triệu đô la Mỹ để giúp người Việt làm ăn sinh sống tốt. Họ đã có hệ thống hành chính, hệ thống kinh tế, và cả hệ thống quân sự nữa. Chúng ta có dám khẳng định rằng không có lực lượng quân sự của người Việt ở Vương quốc Campuchia?”

Cáo buộc không có cơ sở

Trước những cáo buộc trên, ông Châu Văn Chi, Tổng hội trưởng Hội Việt kiều tại Campuchia không đưa ra bình luận gì, nhưng ông khẳng định Hội người Việt tại Campuchia của ông là một tổ chức xã hội hoạt động bình thường như các tổ chức xã hội dân sự khác tại Campuchia. Ông Chi:

“Cái đó (phát biểu của hoàng thân Thomico) là việc của ổng, tôi không bình luận về vấn đề đó. Tôi chỉ nói là đa số cộng đồng người Việt ở Campuchia sống đã rất nhiều đời. Tổ chức hội chúng tôi cũng giống tất cả các hội, các cộng đồng khác ở Campuchia thôi”.

Riêng ông Sovanna Rith, đại diện Tổ chức Bảo vệ quyền người dân tộc thiểu số tại Campuchia gọi tắt là MIRO thì cho rằng phát biểu của Hoàng thân Sisovath Thomico là thể hiện quan điểm cá nhân của ông. Hơn nữa là một chính trị gia, rất có thể ông này phải có những hành động để tranh thủ lợi ích chính trị của mình. Riêng bản thân ông thì người Việt đến Campuchia chỉ đơn thuần là tìm một nơi để được tiếp tục sống, còn vấn đề người Việt nhập cư để thực hiện mưu đồ chiếm đất thì ông không có căn cứ khẳng định hay phủ nhận. Ông Sovanna Rith:

“Phát biểu của hoàng thân phần lớn là liên quan đến vấn đề chính trị. Ta phải thừa nhận rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có người nhập cư cả, quan trọng là biện pháp quản lý của chính quyền. Nếu theo kết quả điều tra của chúng tôi thì cho đến nay người Việt đến Campuchia là để làm ăn sinh sống vì Campuchia có tài nguyên phong phú và nhiều triển vọng phát triển hơn, riêng việc họ đến để cướp đất Campuchia thì chúng tôi không dám kết luật là có hay không vì chúng tôi không có cơ sở để kết luận và chúng tôi cũng chưa bao giờ hỏi họ”.

Cho đến nay, hội người Campuchia gốc Việt (trước đây là Hội người Việt tại Campuchia) là tổ chức lớn nhất của người Việt tại Campuchia với mạng lưới phân bố khắp các xã phường thuộc 25 tỉnh thành của Campuchia. Theo thông tin từ báo chí trong nước thì hội này cũng có nhiều hoạt động liên kết chặt chẽ với chính quyền đảng cộng sản Việt Nam như việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, mừng Quốc khánh 2 tháng 9. Hồi tháng 9 năm 2014, Ông Châu Văn Chi, Tổng hội trưởng Tổng hội người Campuchia gốc Việt cũng được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII.

Sơn Trung tường trình từ Campuchia.

Sơn Trung
phóng viên RFA
Theo RF
A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét