Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội

Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội
Tình trạng văng tục, nói bậy vốn chỉ xuất hiện nơi chợ búa hay với những người ăn nói thô tục. Nhưng bây giờ việc văng tục, nói bậy lại trở thành cách nói chuyện và là cách thể hiện “chất chơi” của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ. Không chỉ có nói bậy, văng tục mà nhiều thanh niên còn có thái độ thách thức pháp luật…
Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội
Hình ảnh người vi phạm chống lại lực lượng chức năng
Câu cửa miệng

Có mặt tại quán nước đối diện Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào giờ tan học, từng tốp học sinh trong bộ quần áo đồng phục táp vào quán. Một nhóm cả nam lẫn nữ sành điệu ngồi uống nước, trên tay phì phèo điếu thuốc. Một nữ sinh gương mặt được trang điểm khá nổi bật, nhưng cái miệng lại hồn nhiên tuôn ra những lời thô tục kể về buổi đi chơi tối hôm trước. Đáp lời thiếu nữ này, một nam sinh khôi ngô, vung vẩy tay chân kể đệm thêm câu chuyện: “Chúng nó ngu vãi. Đ. biết gì lại thích chém…”. Tiếp lời cậu nam sinh này là một bạn nữ khác nói: “Kệ bà chúng nó, liên quan Đ. gì mà quan tâm”.

Nghe xong đoạn hội thoại, nếu không phải tuôn ra từ những cô cậu mặc đồng phục học sinh, có lẽ tôi sẽ nhầm với một nhóm bụi đời.

Chỉ cần một nhóm bạn đi ngoài đường rú ga hoặc nói cười hô hố, thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời nói tục tĩu. Và có lẽ, nơi phô bày sự thiếu văn hóa nhất vẫn là các quán game... Những lần có mặt tại quán game, tôi giật mình bởi rất nhiều bạn trẻ mắt cắm vào màn hình, nhưng miệng thì luôn vung những lời đệm, nói tục tĩu đến khó nghe.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phong cách sống thanh lịch, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, ăn mặc giản dị, kín đáo, tinh tế của người Hà Nội chỉ còn trong dĩ vãng. Văn hóa ứng xử ngoài đường của người Hà Nội xuống cấp một cách đáng báo động. Những người sống ở Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động, dễ gây gổ đánh nhau chỉ vì những lời lẽ thô tục.

Văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng là hiện tượng đáng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác.

Tưởng chừng chỉ có những người ít học, chợ búa mới văng tục, chửi bậy. Nhưng hiện nay, “văn hóa chửi” ăn sâu cả vào giới tri thức, người nổi tiếng. Điển hình, người mẫu, diễn viên Trang Trần gây bão trong dư luận khi chửi bới, hành hung lực lượng công an. Ngay cả khi được đưa về trụ sở công an để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ, cô người mẫu này vẫn cao giọng lăng mạ lực lượng thực thi công vụ. Nguyên nhân của câu chuyện Trang Trần chống người thi hành công vụ còn nực cười hơn, đó là việc cô này thích làm “người hùng” xen vào chuyện tài xế xe taxi đi ngược đường bị công an xử lý vi phạm hành chính.

Đây chẳng phải là lần đầu cô người mẫu này văng tục, chửi bậy. Trong một chương trình truyền hình thực tế của Đài Truyền hình Việt Nam, Trang Trần cũng hồn nhiên nói bậy. Để không bị đổ chương trình, những câu nói tục tĩu của Trang Trần được nhà đài thay bằng tiếng “BIP”. Cuối 2014, dư luận cũng thất kinh khi chứng kiến video ca sĩ Yanbi (tên thật là Tô Minh Vũ) cao giọng chửi bới lực lượng cảnh sát 141. Là một ca sĩ khá nổi danh, nhưng những lời nói mang đầy tính lưu manh của Yanbi khiến dư luận đặt cho một cái danh khá phù hợp “ca sĩ vô học”.

Nối tiếp Trang Trần, Yanbi với thói quen chửi bậy, thì Pha Lê, Vũ Hạnh Nguyên, rồi đến cả Tuấn Hưng cũng có những lần văng tục trên facebook thậm chí có người còn được phong là “vua chửi bậy”. Không chỉ nổi tiếng là một “yêu nữ hàng hiệu”, Vũ Hạnh Nguyên còn được dư luận chú ý bởi việc “chửi bậy như hát hay” trên trang cá nhân. Mỗi lần phát ngôn, Vũ Hạnh Nguyên lại khiến dư luận bàng hoàng bởi độ cá tính và mạnh bạo của mình.

Lời chửi bậy của những diễn viên, ca sĩ, người mẫu khiến nhiều người không tin rằng đó là lời lẽ người của công chúng. Nhiều người cho rằng, nếu có bức xúc, bực tức trong người thì có thể chửi bới, nhưng người văn hóa cũng phải chửi có văn hóa.

Coi trời bằng vung

Tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) Ðường bộ - Ðường sắt (C67, Bộ Công an), những tháng đầu năm 2015, các hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Ví dụ, đầu tháng 2/2015, một người phụ nữ vi phạm luật giao thông, bị lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, thay vì chấp hành, người này liên tục chửi bậy, lăng mạ, thậm chí rút dao dọa chém CSGT Công an Hà Nội. Trước tình huống này, lực lượng thực thi nhiệm vụ buộc phải khống chế đưa cô gái này về trụ sở công an phường sở tại để giải quyết. Đáng nói, tại trụ sở công an, cô gái không hề ăn năn mà tiếp tục có thái độ ngông cuồng, thách đố cơ quan chức năng.

Nói về hành vi chống người thi hành công vụ, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn - Đội phó Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết, rất nhiều người dân khi tham gia giao thông thay vì chấp hành lại tìm cách trốn tránh, đối phó. Khi bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt hành chính, người vi phạm đã chống đối không chấp hành yêu cầu, có những hành động kích động, xô đẩy, chửi bới người thực thi công vụ. Không dừng lại, nhiều đối tượng còn lôi “ông nọ, bà kia” ra để hăm dọa, nhằm được bỏ qua.
Liên quan đến những hành vi chửi bậy, lăng mạ, chống người thi hành công vụ, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển nhận xét: Tình trạng lớp trẻ không biết tôn trọng người khác đã xuất hiện từ lâu chứ không phải chỉ là bị các cơ quan chức năng xử phạt họ mới văng tục. Thực ra họ văng tục ở chỗ này lại chỗ khác rất nhiều. Điều này đang trở thành thói quen, nói tục là thiếu tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng.

Đây là hệ quả từ việc giáo dục không tốt, từ sự làm gương của người lớn, từ những căng thẳng trong đời sống và do bức xúc từ xã hội nên một bộ phận giới trẻ mới văng tục như là trò xả stress. Xã hội có mặt nào đó giả dối nên có thể thấy, việc giới trẻ nói tục tĩu, chửi bậy là để phản ứng lại cái giả dối của xã hội.

Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, với thủ đô Hà Nội thì không thể chấp nhận được việc một bộ phận giới trẻ nói tục, chửi bậy. Đó là hành động thiếu giáo dục, thiếu văn hóa.

“Hà Nội thanh lịch không còn, từ khi có người tứ xứ đổ về Hà Nội sinh sống và lập nghiệp thì những nét văn hóa xưa cũng dần bị mai một. Lớp người tinh túy về Hà Nội cũng có, người sống “dưới đáy” xã hội về đây cũng nhiều. Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng những người thất nghiệp, sinh viên, công nhân, lao động chân tay không phải ai cũng tốt. Những người này nhiều khi họ không ý thức về cái gọi là lịch sự. Tóm lại là do số lượng người tăng lên theo cách cơ học nên văn hóa ứng xử cũng bị kéo theo chiều hướng không tốt.
Thiên Minh - Xuân Hinh
(PetroTimes)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét