Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Việt Nam đang xây đảo nhân tạo tại Trường Sa

Việt Nam cũng đang xây đảo nhân tạo tại Trường Sa
WASHINGTON (NV) .- Việt Nam cũng làm hai đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa, tuy nhiên tầm vóc rất nhỏ cũng như thời gian thực hiện chậm chạp, khác xa quy mô và làm gấp rút như Trung Quốc.  7 bãi đá ngầm được Trung Quốc biến thành 7 đảo nhân tạo mà tin tức gần đây cho biết gồm cả phi trường cỡ lớn, cảng biển và các cơ sở, doanh trại rộng lớn. Riêng diện tích bồi đắp tại bãi đá Chữ Thập đã lên tới 900,000 mét vuông. 

Hình chụp từ vệ tinh bãi đá ngầm quanh đảo Sơn Ca được bồi đắp. (Hình: CSIS)
Theo các tài liệu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại Washington DC, những hình ảnh họ ghi nhận được cho thấy ít lâu nay Việt Nam cũng đang bồi đắp thêm ở đảo Sơn Ca (tên quốc tế là Sand Cay) và đảo Đá Tây (tên quốc tế là West London Reef) tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Hình ảnh ghi nhận hồi năm 2010 khác với hình ảnh họ ghi nhận được ngày 30/4/2015 thấy rằng một số tòa nhà đã được xây dựng thêm tại hai đảo vừa kể.

Hãng tin Reuters đưa tin này thuật lời bà Mira Rapp-Hooper của Trung Tâm Nguyên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho hay diện tích mà phía Việt Nam bồi đắp tại đảo Đá Tây nói trên khoảng khoảng 65,000 mét vuông và khoảng 21,000 mét vuông tại đảo Sơn Ca. Bà cho biết các việc bồi đắp này của Việt Nam gồm cả cơ sở quân sự tiến hành trước khi Trung Quốc mở chiến dịch bồi đắp quy mô tại 7 bãi đá ngầm từ hồi đầu năm nay.

“Tại một vị trí, họ đã xây dựng những khu mới mà trước đây vốn nằm dưới mặt nước. Trong khi tại một vị trí khác, họ đã bồi đắp (hút cá đá lòng biển) để nới rộng thêm diện tích đã có của đảo.” Bà Rapp-Hooper nói.


Một góc đảo Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam có tháp hải đăng. (Hình: Internet)

Thật ra từ cuối năm ngoái, khi tham dự một cuộc họp ở Quốc hội, ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN, từng cho báo chí hay là Việt Nam cũng có “cải tạo” tại một số đảo tại Trường Sa khi có tin cáo buộc, chứ không riêng gì Bắc Kinh. Lúc đó, ông không tiết lộ chi tiết cho biết phía Việt Nam đã làm những gì và tại đâu.

Trong khi đó, 7 bãi đá ngầm được Trung Quốc biến thành 7 đảo nhân tạo mà tin tức gần đây cho biết gồm cả phi trường cỡ lớn, cảng biển và các cơ sở, doanh trại rộng lớn. Đó là đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Gạc Ma (Johnson Souht Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief Reef), đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Xu Bi - Subi Reef). Trong đó, riêng diện tích bồi đắp tại bãi đá Chữ Thập đã lên tới 900,000 mét vuông.

Một số tướng lãnh cao cấp Hoa Kỳ những ngày gần đây đã báo động, khi các căn cứ quân sự qui mô của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa đã hoàn tất, Bắc Kinh có thể tiến đến thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) trên Biển Đông. Nếu việc này xảy đến sẽ gây xáo trộn về an ninh hàng hải ở khu vực.

Hôm Thứ Sáu 8/5/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN ông Lê Hải Bình cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại khu vực Trường Sa khi ồ ạt “bồi đắp lấn biển quy mô” tại các bãi đá ngầm họ cướp của Việt Nam từ năm 1988 đến nay.


Đảo Đá Tây của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. (Hình: Internet)

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.” Phát Ngôn viên Bộ Ngoại Gia nói trong cuộc họp báo. “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.”

Dịp này, ông cho hay đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc “đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ những quan điểm của phía Trung Quốc” khi đại diện Bắc Kinh gần đây đã gửi công hàm đến phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn.”

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng từng tố cáo cả Việt Nam cũng như Philippines đều có các hành động bồi đắp lấn biển như Trung Quốc đã từ lâu và đòi các nước này chấm dứt “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”.

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố 90% toàn khu vực Biển Đông nằm trong 9 vạch hình “Lưỡi Bò” là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nhiều khu vực thậm chí lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. (TN)

(Người Việt)

http://video.nguoi-viet.com/?p=25246

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét