Ông Dương Trung Quốc: Cha ông dạy ta hòa hiếu với nguyên tắc vững chủ quyền
Khi mà Trung Quốc đã có đầy đủ cơ sở về hậu cần, quân sự thì lúc đó Trung Quốc có thể thực hiện dã tâm mà họ đã chuẩn bị từ rất lâu...
Ông Dương Trung Quốc đánh giá, việc Trung Quốc xây dựng các đảo
nhân tạo nguy hiểm hơn nhiều với sự kiện giàn khoan 981. ảnh: Ngọc Quang.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành vi uy hiếp đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Họ ngang nhiên xây dựng trái phép đảo nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa rồi đến Trường Sa của Việt Nam; Cấm đánh bắt cá bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ... Trước những hành vi ngày càng leo thang của Trung Quốc, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định rằng, Trung Quốc luôn nói và làm rất khác nhau.
Ở kỳ họp Quốc hội trước, khi chia sẻ với độc giả Báo Giáo dục Việt Nam, ông đã phân tích về những nguy cơ có thể tiếp diễn khi Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ xâm chiếm biển đảo Việt Nam.
Và thực tế câu chuyện ấy đến nay đã quá rõ ràng, ông đánh giá thế nào khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta?
Ông Dương Trung Quốc: Trong nhận thức của cá nhân tôi, một người làm lịch sử thì sự kiện Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo ngay trong vùng biển đảo thuộc chủ quyền của chúng ta thì đó là việc làm vô cùng nghiêm trọng.
Chúng ta cũng biết rằng Trường Sa là địa danh mà người Việt Nam nào cũng biết, đó là nơi diễn ra cuộc thảm sát các chiến sĩ ở đảo Gạc Ma.
Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo nghiêm trọng hơn rất nhiều lần việc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta, bởi vì giàn khoan thì di động, đi ra đi vào tùy theo “thời tiết chính trị” ngoại giao giữa hai bên.
Chúng ta cũng thấy rằng không phải tự nhiên mà Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới có những phản ứng mạnh như thế.
Việt Nam thời gian gần đây đã thể hiện quan điểm bằng một số tuyên bố, nhưng tôi cho rằng như thế là chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng mà Trung Quốc gây ra.
Truyền thống của ông cha chúng ta luôn luôn đặt hòa hiếu làm mục tiêu, nhưng phương thức đạt được mục tiêu ấy chính là nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, chứ không phải là chúng ta cứ nhún nhường thì sẽ đạt được.
Việt Nam muốn thế giới biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng, nhưng nhân nhượng cũng phải có giới hạn của nó.
Nhân dân đang rất lo lắng khi Trung Quốc ngày càng lấn tới. Theo ông, cần có giải pháp gì vào lúc này để tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ giữa nhân dân với Đảng, Quốc hội và Chính phủ?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ việc cần thiết nhất lúc này là làm thế nào để người dân chia sẻ được với Chính phủ, mặc dù ai cũng biết rằng ngoại giao về mặt chính trị là rất khó khăn, là tế nhị, có rất nhiều yếu tố, nhưng cái quyết định chính là người dân tin tưởng vào phương sách của Chính phủ trong đối thoại.
Nhưng để người dân có thể chia sẻ được thì Chính phủ cũng phải tin dân, cung cấp cho người dân những thông tin gì cần thiết.
Vì vậy, tôi nghĩ Quốc hội chính là diễn đàn cần thiết, đại diện cho tiếng nói của người dân, thể hiện ý chí của mình bằng những việc làm hết sức cụ thể.
Theo ông thì Quốc hội có nên thảo luận sâu về tình hình Biển Đông hay không?
Ông Dương Trung Quốc: Lẽ thông thường thì nên thảo luận, đây là cách tiếp cận triệt để nhất, chính xác nhất, đồng thời cũng tạo ra sự đồng thuận của các Đại biểu Quốc hội với Chính phủ.
Nếu tham gia phiên thảo luận thì ông có bấm nút bày tỏ chính kiến của mình không?
Ông Dương Trung Quốc: Chắc chắn là tôi sẽ tham gia phát biểu với tư cách là một người làm lịch sử.
Nhưng thưa ông, có một vấn đề mà nhiều người dân hết sức quan tâm là lâu nay các báo cáo về tình hình Biển Đông và các cuộc họp cũng tổ chức kín chứ không thông tin ra ngoài, vì thế người dân không nắm rõ để có thể chia sẻ?
Ông Dương Trung Quốc: Đây là điều dễ hiểu vì hoạt động đối ngoại chứa đựng cả những thông tin bí mật và tế nhị.
Nhưng dù là bí mật hay tế nhị đi chăng nữa thì cũng phải được đặt trên nền tảng là người dân tin cậy và giao phó để Chính phủ có thể ứng biến được trong thực tế.
Như vậy, Chính phủ cũng phải có một cách làm như thế nào đó để người dân tin, mà tốt nhất là sự chia sẻ những thông tin cần thiết.
Đây là khu vực đang theo hướng quốc tế hóa rồi, thí dụ như sự có mặt của Mỹ và cách hành xử của Mỹ cũng là điều chúng ta phải đặt trong bối cảnh chung, cam kết chung và lợi ích chung.
Nhưng điều mà tôi luôn muốn nhấn mạnh ở đây chính là những gì Trung Quốc đang làm hoàn toàn vì lợi ích riêng, thiếu đi tinh thần trách nhiệm của một nước lớn trong khu vực.
Đã rất lâu rồi, tôi đã nói về những diễn biến xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta, nên đừng có ai ảo tưởng về mối quan hệ này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định): "Vừa rồi, tôi đi thăm Trường Sa, khi nhìn thấy tất cả những diễn biến, tôi còn lo lắng đến mức một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đẩy chúng ta vào thế rất khó khăn. Khi mà Trung Quốc đã có đầy đủ cơ sở về hậu cần, quân sự thì lúc đó Trung Quốc có thể thực hiện dã tâm mà họ đã chuẩn bị từ rất lâu. So với những gì mà Trung Quốc đã làm thì quả là rất lo lắng. Lúc bấy giờ Trung Quốc tận dụng được các đảo lớn như thế thì họ hành động sẽ dễ dàng. Tôi rất lo những kịch bản năm 1988 sẽ lặp lại. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Dù các nhà phân tích trên thế giới nói là khó có khả năng xảy ra va chạm quân sự lớn nhưng trong thâm tâm tôi rất lo.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP.HCM): "Hiện nay, người dân đang rất bất bình về tình hình Biển Đông. Năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào thì chúng ta đã tuyên truyền rất tốt để nhân dân nắm được tình hình. Nhưng bây giờ nó (Trung Quốc – PV) đã mở rộng các đảo, chiếm đảo như thế mà thông tin truyền thông còn hạn chế quá. Tôi nghĩ rằng thông tin hạn chế như vậy làm cho người dân không yên tâm. Cái đó không chỉ đơn giản là tâm tư tình cảm về chủ quyền lãnh thổ mà còn khiến người dân không yên tâm đầu tư làm ăn. Vì vậy, với vấn đề bảo vệ chủ quyền, tôi đề nghị Chính phủ phải thường xuyên cung cấp thông tin cho nhân dân hơn nữa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng đã ra tuyên bố nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng tôi thấy như vậy là chưa đủ".
Ngọc Quang (Thực hiện)
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ong-Duong-Trung-Quoc-Cha-ong-day-ta-hoa-hieu-voi-nguyen-tac-vung-chu-quyen-post158603.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét