Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Tôi bị móc túi ở ‘Kinh Thành Ánh Sáng’

Tôi bị móc túi ở ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ 
Hà Giang/Người Việt - Buổi sáng Thứ Sáu lướt báo, mẩu tin “Tháp Eiffel đóng cửa vì nhân viên phản đối nạn móc túi” làm tôi chú ý. Đọc chưa được mấy hàng, khi tim nhói lên, tôi mới biết dư âm của việc chính mình là nạn nhân của nạn móc túi tại thành phố này cách đây chưa hai tuần, vẫn chưa nguôi ngoai.
Tình trạng người chen chúc nhau đứng chờ xe điện ngầm tại Paris là cơ hội bằng vàng cho những tay móc túi chuyên nghiệp. Paris đứng hàng thứ 5 trong danh sách 10 thành phố có nạn móc túi cao nhất thế giới. (Hình: Miguel Medina/AFP/Getty Images)

Chưa thể nguôi ngoai thì cũng đúng thôi. Ai phải từng bị móc túi, mới hiểu được rằng việc bị kẻ gian móc túi, lấy mất đồ, không chỉ làm nạn nhân mất đi những đồ vật có thể mua lại được bằng tiền, nhưng còn bị lấy mất đi cảm giác hồn nhiên, an toàn, ở một thành phố hoàn toàn xa lạ.

Buổi trưa hôm ấy, tôi và Thao, cậu con trai đi cùng, hân hoan bước ra khỏi trạm Metro ở gần dòng sông Seine, gần chiếc cầu pont de Bir-Hakeim, xuất hiện trong phim “Inception” mà Thao rất mê, nên muốn đến xem cho bằng được. Vừa vui vì sau giấc ngủ vùi tiếp theo chuyến bay dài mười mấy tiếng, đây là buổi rong chơi đầu tiên của chúng tôi ở thành phố này. Vui vì được nơi mình muốn đến, và vui hơn nữa vì chúng tôi hãnh diện đã nhìn bản đồ metro, tự đưa mình đến đích, mà không phải tốn tiền leo lên những chuyến xe buýt hop-on hop-off lúc nào cũng chật đầy du khách.

Mẹ máy quay phim, con máy ảnh, chúng tôi vừa đi vừa trầm trồ vì trước cảnh đẹp trước mặt. Cầu pont de Bir-Hakeim dài hút mắt, dòng nước lững lờ, bầu trời trong xanh lấp lánh những sợi nắng nhẹ. Dưới cầu, một hàng thuyền bè đủ màu sắc neo dọc theo bờ. Chúng tôi dự định ngắm cảnh ở đây một lát rồi từ từ đi bộ đến chân tháp Eiffel.

Niềm vui chỉ kéo dài trong khoảng khắc. Đang bước đi, tôi bỗng giật mình nhận ra chiếc xách tay mình vẫn đeo ngang vai nhẹ đi một cách khác thường. Nhìn xuống, một ngăn của túi xách đã bị mở toang, chiếc samsung tablet với những bản đồ, sách hướng dẫn du lịch Paris mà tôi đã cẩn thận tải xuống máy trước chuyến đi, đã biến mất.

Tim đập loạn xạ. Tôi kêu lên:

“Thao! Thôi chết rồi, mẹ bị móc túi rồi. Mất cái tablet rồi.”

Thao từ xa chạy lại, nhìn tôi chưa tin:

“Mất cái gì, mẹ mất cái gì? Mẹ có chắc là mang đi không? Sao họ móc túi mẹ mà mẹ không biết?” Thao dồn dập hỏi.

Không trả lời, tôi nhìn xuống một ngăn khác. Chiếc zipper đã bị kéo toang ra, để lộ passport, vài thẻ tín dụng, và một ít tiền gấp nhỏ lại, giấu phía sau các vé đi metro.

May quá, passport, tiền và thẻ tín dụng vẫn còn nguyên đây. Tôi bớt hốt hoảng, nhưng tim vẫn cứ đập thình thịch trong lồng ngực. Đưa chiếc túi xách cho Thao, tôi đứng vịn vào một thành cầu, không đi nổi nữa.


Hình chụp một cảnh móc túi đang diễn ra, đăng trên website của
một blogger chuyên viết về du lịch. (Hình: www.clevertravelcompanion.com)

“Nếu mẹ mang tablet đi thì mất thật rồi.” Thao lật qua lật lại chiếc túi sách, rồi chép miệng.

“Mà bị móc túi từ lúc nào, sao mẹ lại không biết?” Thao hỏi đi hỏi lại như chưa chấp nhận được thực tại. Như nếu Thao biết được chính xác là tài sản của tôi đã bị đánh cắp từ lúc nào, thì sẽ cảm thấy an toàn hơn ở thành phố mà chúng tôi đã háo hức muốn đến thăm, khám phá.

“Nếu biết lúc nào bị, thì đâu có ai gọi là móc túi.” Tôi đáp.

“Chắc mẹ bị lúc mình ở trên metro rồi. Lúc đó đông quá. Thôi mình về lại khách sạn đi, biết đâu mẹ sẽ thấy là tablet còn nằm ở phòng,” Thao đề nghị.

“Chắc 100% là đã mất rồi. Lúc nãy ngồi trong metro mẹ còn lấy nó ra xem bản đồ mà.” Tôi cả quyết, rồi suy nghĩ thật nhanh. Từ khách sạn chúng tôi đã phải chuyển metro mấy lần mới đến được đây. Về ngay bây giờ thì uổng quá. Trời hôm nay đẹp, không mưa lướt thướt như hôm qua, lúc máy bay chúng tôi đáp cánh.

“Thôi mình cứ đi tiếp đi, về khách sạn thì cái gì mất, cũng đã mất rồi.” Tôi thẫn thờ.

Nhìn tôi, Thao ái ngại, “Are you sure? Thôi mình về khách sạn đi mẹ. You don't look OK. Con thì mất hứng đi rồi.”

Ừ, mà chắc phải về khách sạn thật. Tôi chợt nghĩ đến cái app chứa đầy passwords của mọi tài khoản, nhà băng, thẻ tín dụng, email, tất cả những dữ liệu quan trọng, nằm trong tablet vừa bị đánh cắp đó mà lạnh người.

Nếu kẻ cắp mà phá được password của tablet và mở được cái app này, thì cái tôi sẽ bị đánh cắp là danh tánh, và chuyện mất tablet suy ra, sẽ là chuyện rất nhỏ.

“Ừ mình về lẹ đi. Mình đàng nào cũng phải cất passports đi, và mẹ phải thay một số passwords.” Tôi đồng ý.

Chúng tôi thiểu não theo nhau đi trở lại hướng vào metro. Thao bảo, “Từ giờ mẹ luôn luôn phải đi trước con nhe!” Tôi đi trong tâm trạng hốt hoảng tận cùng mà chỉ trước đây ít phút khó hình dung ra được. Tim đập mạnh theo từng bậc thang đưa xuống chỗ đón xe, với tôi giờ đây metro là nơi đồng nghĩa với sự mai phục đầy nguy hiểm.

Lên được metro rồi, chúng tôi ngồi dựa vào nhau trên băng ghế như hai kẻ bại trận. Tôi suy nghĩ miên man. Tâm trạng an vui, thanh thản của một người du lịch hoàn toàn biến mất. Từ đây về khách sạn mất một tiếng hai mươi phút. Nếu kẻ cắp phá được password trên tablet của tôi trong vòng thời gian này, thì nguy cơ bị đánh cắp danh tánh của tôi sẽ tăng lên. Cuộc chạy đua của người tự vệ và kẻ tấn công bắt đầu.


Bảng cảnh cáo coi chừng móc túi treo ở một cánh cổng
tòa nhà gần tháp Eiffel. (Hình: www.clevertravelcompanion.com)

Xe lao đi vun vút. Tại mỗi trạm ngừng, khi có hành khách lên, xuống, đi gần đến ghế của mình, tôi lại đưa tay ôm khư khư lấy chiếc túi xách giờ luôn đeo trước mặt, nhìn những người bước qua bằng đôi mắt e dè.

Tại một trạm ngừng, một đám đông kéo nhau lên xe. Một chàng nhạc sĩ lang thang leo lên xe vừa đánh đàn vừa hát, đi đến từng hàng ghế chào hỏi. Nhạc hay mà giọng hát thì khá ấm. Nhưng tôi không còn tâm trí nào để thưởng thức. Tôi ôm chặt thêm lấy chiếc túi xách của mình khi chàng ta bước ngang qua. Hình như có một người nào đó vừa cố tình đụng vào tôi? Tôi nhìn người bước qua bằng cặp mắt nghi kỵ. Đúng là một mất mười ngờ. Giờ này người nào quanh mình cũng có thể là người móc túi.

I hate Paris. Tôi nói thầm, rồi lại nghĩ đến cái tablet đã là người bạn đồng hành của mình trong một thời gian dài, những chuyến đi chơi, và nhiều chuyến đi công tác. Điều oái oăm là trong mọi sách du lịch Âu Châu mà tôi tải xuống, cuốn nào cũng cảnh cáo là du khách đến Paris phải hết sức cảnh giác để khỏi bị móc túi, vì dân móc túi ở đây thuộc vào hạng chuyên nghiệp nhất thế giới.

Một tài liệu cẩn thận liệt ra danh sách 10 thành phố mà nạn móc túi hoành hành nhất thế giới. Trong đó, Barcelona, nơi tôi sẽ đi kế tiếp. đứng hàng đầu, Paris đứng hàng thứ 5, và Hà Nội đứng thứ 10. Tài liệu khác đưa ra con số đáng ngại: Một ngày tại Paris có đến hàng ngàn vụ móc túi. Tệ hơn thế, cảnh sát Paris như bất lực trước tệ nạn này, không giúp gì được du khách ngoài việc treo những tấm bảng với hàng chữ “coi chừng móc túi!”

Vẫn biết như thế, nhưng tôi, những cũng giống như nhiều người vô tư khác, không ngờ mình sẽ có ngày trở thành một con số trong thống kê này.

Về đến khách sạn, Thao mở safe bỏ passport của chúng tôi vào khóa lại. Thật đúng là mất bò mới lo làm chuồng. Trong khi tôi mở lab top lo đổi password, Thao xem lại tất cả những khúc phim do chiếc Gopro tôi đeo trên người tự động thu.

Chỉ vào một khúc phim, Thao nói, “Đây, chỗ này, thấy có một người thoáng đi gần vào người mẹ, rồi vượt qua, nhưng không thấy rõ mặt, mà cũng không thấy tay ông ta cầm gì hết. Để con xem lại xem.”

“Thôi chắc là bị lúc ở trên metro rồi. Lúc đó chen chúc ghê quá!” Xem hết những khúc phim, Thao kết luận.

Tôi hiểu nhu cầu cần phải tìm ra lúc nào mình bị mất cắp của Thao. Tìm ra được thì có lẽ thể rút kinh nghiệm, có thể ngăn ngừa được. Còn nếu mất mà không biết mình bị lúc nào thì sẽ cứ hoang mang mãi, và không biết phải phòng ngừa làm sao.

Nhưng tôi đang có việc cấp bách hơn phải lo. Vừa nhìn đồng hồ vừa đổi passwords, vừa lo ghi chú. Tôi đang gấp rút chạy đua với thời gian, không thể để cho kẻ cắp kia làm mình bị tổn hại gì thêm nữa.

Khi tôi vừa xong việc thì cũng là lúc Thao, nãy giờ lúi húi với trang Google, ngẩng lên nói, “Theo thống kê thì kẻ gian phải mất trung bình khoảng hai tiếng mới crack được password của cell phôn hay tablet, nhưng đa số họ tìm cách reset trước khi đem đi bán. Và nếu họ reset thì sẽ không đọc được gì của mẹ.”

Sửa xong được password của email và tài khoản Samsung, tôi vào để đọc email, thì nhận ngay được một thông báo từ tài khoản Samsung, cho biết samsung tablet của mình vừa được cài đặt một app mới, cả tên app lẫn những hàng chữ giới thiệu app toàn bằng tiếng Tàu. Tôi và con đọc không hiểu gì cả.

“Ghê thật, tụi nó đã vào được tablet của mẹ rồi.” Thao nói.

Tôi nhìn đồng hồ. Gần hai giờ đồng hồ sau khi bị móc túi. Nhưng cũng may, việc đổi passwords tạm xong rồi. Tôi thấy tạm yên tâm, đề nghị, “Mẹ xong việc rồi, mình đi tiếp nhé!”

“Thôi, chắc hôm nay mình ở nhà đi quanh quẩn ở quanh đây. Con vẫn đang bị 'traumatized' lắm. Mà mẹ chắc cũng chưa OK đâu!” Thao nói.

Traumatize! Bị tổn thương. Đúng rồi. Thao dùng chữ chính xác lắm. Sự tổn thương vượt qua mọi giá trị vật chất của những thứ bị đánh cắp. Cái tôi mất đi là mất cái cảm giác an toàn, là sứt mẻ chút thiện cảm trước giờ vẫn dành cho một thành phố nguy nga tráng lệ, nơi được mệnh danh là “Kinh Thành Ánh Sáng.”

Nắng chiều, qua rèm cửa sổ của khách sạn, đang len lỏi vào phòng. Buổi tối thứ hai ở Paris sắp trôi đi.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207807&zoneid=1#.VWQuM9Kqqkp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét