Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Đồng đô la Mỹ tham gia chiến tranh tiền tệ

Đồng đô la Mỹ tham gia chiến tranh tiền tệ
Trong một thế giới nơi nhu cầu nội địa ở nhiều nền kinh tế tiên tiến và các thị trường mới nổi suy yếu, các nhà hoạch định chính sách đã bị cám dỗ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm thông qua xuất khẩu. Điều này đòi hỏi một đồng tiền yếu cũng như các chính sách tiền tệ thông thường lẫn trái lệ (unconventional) nhằm đạt được mức giảm giá đồng tiền cần thiết.

Từ đầu năm đến nay, hơn 20 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ, theo sau động thái tương tự của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), các nước ở ngoại vi cần đồng nội tệ yếu để giảm thâm hụt cán cân thương mại và châm mồi tăng trưởng.

Nhưng đồng euro yếu do chính sách nới lỏng định lượng đã đẩy mạnh hơn nữa thặng dư tài khoản vãng lai của Đức, vốn đã là một con số khổng lồ chiếm 8% GDP hồi năm ngoái. Với việc thặng dư thương mại cũng tăng ở các nước khác thuộc vùng lõi eurozone, sự mất cân bằng tổng thể của liên minh tiền tệ đang lớn và ngày càng gia tăng.

Tại Nhật Bản, nới lỏng định lượng là “mũi tên” đầu tiên của “Abenomics,” chương trình cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính sách này ra đời đã làm đồng yên yếu đi một cách đột ngột và hiện đang dẫn đến thặng dư thương mại tăng cao.

Áp lực tăng giá lên đồng đô la Mỹ xuất phát từ việc ECB và BOJ áp dụng chính sách nới lỏng định lượng đã bất ngờ dấy lên. Đồng đô la Mỹ cũng đã tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia phát triển xuất khẩu hàng hóa cơ bản, như Úc và Canada, và các đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi. Đối với các quốc gia này, giá dầu lửa và giá hàng hóa cơ bản đang giảm đã châm ngòi cho việc phá giá đồng tiền, thứ đang giúp bảo vệ tăng trưởng và việc làm khỏi những tác động của việc xuất khẩu giảm.

Đồng đô la Mỹ cũng đã tăng giá tương đối so với đồng tiền của các thị trường mới nổi vốn đang đối mặt với sự dễ đổ vỡ về mặt kinh tế và tài chính: thâm hụt kép cả ngân sách lẫn tài khoản vãng lai, lạm phát tăng và tăng trưởng chậm, nợ trong nước và nước ngoài lớn, và bất ổn chính trị. Ngay cả Trung Quốc cũng cho phép đồng tiền của mình yếu đi so với đồng đô la Mỹ trong một thời gian ngắn vào năm ngoái, và thậm chí tăng trưởng chậm có thể sẽ thúc đẩy chính phủ Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa. Trong khi đó, thặng dư thương mại một lần nữa đang tăng lên, một phần vì Trung Quốc đang bán phá giá nguồn hàng hóa dư thừa của nó – chẳng hạn như thép – trên thị trường toàn cầu.

Cho đến gần đây, những nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn không quá lo lắng về sức mạnh của đồng đô la Mỹ, bởi triển vọng tăng trưởng của Mỹ mạnh hơn so với châu Âu và Nhật Bản. Thật vậy, vào đầu năm nay, người ta hi vọng rằng nhu cầu nội địa của Mỹ trong năm nay sẽ đủ mạnh để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức gần 3%, bất chấp đồng đô la Mỹ mạnh hơn. Giá dầu lửa thấp hơn và lượng việc làm mới được cho là sẽ tăng thu nhập sau thuế và tiêu dùng. Chi tiêu cho hạ tầng sản xuất (ngoài ngành năng lượng) và đầu tư nhà đất sẽ được tăng cường khi tăng trưởng gia tăng.

Nhưng hiện nay mọi chuyện có vẻ đã khác, và cảm giác lo lắng của quan chức Mỹ về tỉ giá hối đoái đang ngày càng rõ nét. Đồng đô la Mỹ tăng giá nhanh hơn rất nhiều so với kỳ vọng của bất cứ ai; và như số liệu của quý I năm 2015 cho thấy, tác động lên xuất khẩu ròng, lạm phát, và tăng trưởng đã lớn hơn và nhanh hơn so với dự đoán trong những mô hình thống kê của giới hoạch định chính sách. Hơn nữa, nhu cầu nội địa mạnh đã không trở thành hiện thực; tăng trưởng tiêu dùng yếu trong quý I, và chi tiêu cho hạ tầng sản xuất (capital spending) và đầu tư nhà đất thậm chí còn yếu hơn.

Kết quả là Mỹ đã thực sự tham gia vào cuộc “chiến tranh tiền tệ” để ngăn đồng đô la Mỹ tăng giá hơn nữa. Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu thẳng thừng nhắc đến đồng đô la Mỹ như một yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu ròng, lạm phát, và tăng trưởng. Và các nhà chức trách Mỹ ngày càng chỉ trích Đức và eurozone vì đã áp dụng các chính sách làm suy yếu đồng euro trong khi tránh các chính sách – ví dụ như kích thích tài khóa tạm thời và tăng lương nhanh hơn – nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Hơn nữa, sự can thiệp bằng lời nói sẽ kéo theo hành động chính sách, bởi tăng trưởng chậm và lạm phát thấp – một phần được kích hoạt bởi đồng đô la Mỹ mạnh – sẽ khiến Fed thoát ra khỏi các lãi suất chính sách bằng 0 trễ hơn và chậm hơn nhiều so với dự kiến. Điều đó sẽ đảo ngược một phần mức tăng giá gần đây của đồng đô la Mỹ và ngăn tăng trưởng và lạm phát khỏi những rủi ro suy giảm.

Những bất đồng tiền tệ rốt cuộc có thể dẫn đến những bất đồng thương mại, và các cuộc chiến tranh tiền tệ có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại. Và điều đó có thể gây khó khăn cho Mỹ khi nó đang cố gắng kết thúc Hiệp định siêu khu vực về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự không chắc chắn về việc liệu chính quyền Obama có thể đạt được đủ số phiếu trong Quốc hội để phê chuẩn TPP hay không hiện đã trở nên phức tạp hơn do dự luật nhằm áp thuế quan đối với các nước tham gia “thao túng tiền tệ.” Nếu một liên kết giữa thương mại và chính sách tiền tệ như vậy bị buộc đưa vào TPP, các thành viên châu Á sẽ từ chối tham gia.

Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu hầu hết các chính phủ theo đuổi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng thông qua nhu cầu nội địa, thay vì các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu lợi mình hại người. Nhưng điều đó đòi hỏi họ phải dựa ít hơn vào chính sách tiền tệ và nhiều hơn vào các chính sách tài khóa phù hợp (ví dụ như chi tiêu cao hơn cho cơ sở hạ tầng sản xuất). Ngay cả các chính sách thu nhập nhằm nâng mức lương và kéo theo là tăng thu nhập lao động và tiêu dùng cũng là một nguồn tốt hơn cho tăng trưởng trong nước so với phá giá tiền tệ (điều làm giảm tiền lương thực tế).

Tổng của mọi cán cân thương mại trên thế giới là bằng 0, có nghĩa là không phải tất cả các nước đều có thể là nhà xuất khẩu ròng – và các cuộc chiến tranh tiền tệ rốt cuộc chỉ là các trò chơi có tổng bằng 0. Đó là lý do tại sao sự gia nhập của Mỹ vào cuộc chiến chỉ là vấn đề thời gian.

Nouriel Roubini, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và Chủ tịch của Roubini Global Economics, từng là Kinh tế gia Cao cấp về Các vấn đề Quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Chính quyền Clinton. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Nguồn: Nouriel Roubini, “The Dollar Joins the Currency Wars,” Project Syndicate, 01/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

http://nghiencuuquocte.net/2015/05/20/dong-do-la-my-tham-gia-chien-tranh-tien-te/#sthash.WLz0LVRG.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét