Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Công bố tài sản cán bộ vẫn là bí mật

Công bố tài sản cán bộ vẫn là bí mật
Vì những bước đi vẫn còn hành chính, hình thức, chưa dựa vào quần chúng, chưa công khai minh bạch. Chuyện công bố tài sản của cán bộ vẫn là bí mật, thì kê khai cũng chỉ để kê khai, quần chúng không nắm được. Biệt thự công và chuyện quan chức vượt khuôn khổ / Chống tham nhũng từ quan chức... về hưu / "Vợ, con, cháu lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có"
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị TW 11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn cán bộ Trung ương khóa tới. Có thể nói đây là những tiêu chuẩn rất cụ thể, rất đúng và trúng. Ngoài những tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị về đạo đức lối sống cần xem xét và loại bỏ những cán bộ “giàu nhanh bất thường”.

Nguy cơ “chạy chức, chạy quyền

Cụm từ “giàu nhanh bất thường” dân ta đã nói từ rất lâu. Còn nhớ “Vụ Thái Bình” cách đây gần hai chục năm, một số cán bộ địa phương tham nhũng giàu nhanh được quần chúng mỉa mai “Đề nghị các ông cán bộ phổ biến kinh nghiệm làm giàu cho bà con”. Chả là mấy ông này, trước kia cũng nghèo như bà con thế mà chỉ mới làm một hai khóa đã giàu lên nhanh chóng.

Bác Hồ từng nói “Học để làm người, làm cán bộ” cơ mà. Nhưng cán bộ theo Bác là “tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), hay “Cán bộ là đầy tớ của dân”.

Nhưng ngày nay, một số người có suy nghĩ sai lạc là làm cán bộ dễ kiếm tiền nhất, vì vậy họ đầu tư cho bằng được và sau đó thu hồi vốn. Chính cái ý nghĩ lệch lạc đó làm cho xã hội xẩy ra nhiều hệ lụy và dẫn đến nhiều tệ nạn. Đảng ta đã báo động về tình trạng “chạy” này. Nhiều nghị quyết đã báo động nguy cơ “chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội”. Sau này còn nhiều thứ chạy được bổ sung, phản chiếu đạo đức xã hội suy đồi, đất nước chậm phát triển.

Đảng ta cũng đã có nhiều chế tài để kiểm tra và xử lý những cán bộ giàu bất thường. Kê khai tài sản là một giải pháp. Lúc đầu kê khai tài sản là một biện pháp tốt để quản lý, nhưng thật ra biện pháp này cũng chỉ có tác dụng đối với những cán bộ chân chính, những cán bộ trung thực. Mà những người chân chính, trung thực, những người vì dân, vì nước thì tài sản lại… không nhiều. Chỉ có những kẻ cơ hội những kẻ lợi dụng chức quyền mới nhiều tiền, nhiều nhà cửa và họ tìm đủ trăm phương ngàn kế để tẩu tán để “trở thành người cán bộ chân chính, người nghèo”.

Thật nực cười trong thực tế ông A, bà B là cán bộ cấp cao nhưng tài sản lại của con cái chứ mình chẳng có gì. Nhiều người con của họ chỉ làm doanh nghiệp bình thường, hoặc chỉ mới làm cán bộ quèn ở địa phương nhưng có đủ tiền sắm xe sang, mua đất đại để làm lâu đài hoành tráng, để mua cây hiếm quí khắp nơi mang về.

Lại có cả những cán bộ tuyên bố, bảo ban đủ điều, nào tài sản của họ có được là nhờ những mẹ nuôi, em nuôi có tấm lòng vàng không hề tiếc “con nuôi” hay “anh giai” bất cứ thứ gì…Vậy họ giàu có cũng là “lẽ đương nhiên”…

Dựa vào quần chúng


Trong thực tế có bao nhiêu những biến tướng của chuyện giàu nhanh mà chỉ có quần chúng nhân dân mới phát hiện ra? Chúng ta đã có nhiều luật, nhiều chế tài để quản lý về điều này nhưng vẫn là kêu gọi lòng trung thực tự giác, chưa có chế tài nào phát huy được sức mạnh của quần chúng. Vấn đề là quần chúng vào cuộc thế nào.

Không thể giấu được người dân ở địa bàn dân cư. Họ biết rất rõ nhà này, mảnh đất này của ai, của con ai. Có chuyện một cán bộ tài chính ở một đơn vị Hà Nội, khi tại chức ngoài việc được phân đất chỗ ngon anh ta còn mua được bao nhiêu nhà và nhờ anh, em đứng tên, quần chúng biết hết song chả có ai hỏi nên cũng chỉ biết để mà biết.

“Giàu nhanh bất thường” là phải đặt vào tổng thể của cả gia đình, con cái. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến “giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…” đó chính là đặt trong tổng thể. Nếu chúng ta tách rời thì không thể đánh giá đúng cán bộ.

Thật ra trong xã hội hiện nay con cái, những người trẻ tuổi cũng có thể phát huy được trí tuệ độc lập của mình để làm giàu. Chúng ta không vơ đũa cả nắm mà phải nhìn nhận trong tình hình cụ thể, điều kiện cụ thể. Có thể nói hiện nay một số những người giàu trẻ tuổi trong xã hội đều là tự mình, tự đôi chân mình. Họ bươn chải lăn lôn trên thương trường, họ không dựa vào cái bóng của bố mẹ.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp vẫn có chuyện nhờ cái ô của “ông bố bà mẹ” để làm giàu. Họ có thể dễ dàng trúng thầu, dễ dàng nhận dự án, dễ dàng quan hệ để nhận phần ngon chỉ vì mác “con ông cháu cha”. Câu “tiền tệ quan hệ, hậu duệ…” là vậy. Tổng bí thư nhấn đến lợi dụng chức quyền chính là muốn nhấn mạnh đến cả hai phía. Bản thân ông cán bộ đó lợi dụng chức quyền để tạo ra“nhóm lợi ích” sẵn sàng ban phát mưa móc để đổi lại tiền của, nhà cửa. Nhóm lợi ích ràng buộc nhau, quan hệ chằng chịt mật thiết và sự giàu lên nhanh chóng cũng vì thế. Và chính sự liên kết chính tri – kinh tế (những người lãnh đạo và doanh nhân) đã làm cho tham nhũng khó phát hiện, khó chống.

Mặt thứ hai nữa là phải xem xét kỹ càng trong gia đình anh em, con cái, bố mẹ. “Một người làm quan, cả họ được nhờ” chính là trong mối quan hệ ấy. Thật ra phát hiện đã khó nhưng chắc chắn quần chúng sẽ biết, vấn đề là làm sao để quần chúng nói.

Ta đề ra nhiều giải pháp rất đúng nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Xét thực tế, công tác cán bộ của ta rất chặt chẽ. Giới thiệu từ dưới lên, điều tra từ địa bàn v.v. nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì sao vậy? Vì những bước đi vẫn còn hành chính, hình thức, chưa dựa vào quần chúng, chưa công khai minh bạch. Chuyện công bố tài sản của cán bộ vẫn là bí mật, thì kê khai cũng chỉ để kê khai, quần chúng không nắm được.

Cần dựa vào công an khu vực, họ nắm địa bàn rất tốt. Ai có nhà cao cửa rộng, họ biết và quần chúng ở đấy đều biết. Đó chính là nơi để công tác cán bộ dựa vào. Chúng ta đã phối hợp chặt chẽ chưa?

Kỳ vọng với sức mạnh tổng hợp, công tác cán bộ trong nhiệm kỳ tới sẽ có khởi sắc, bầu được những người thực tài, liêm khiết, loại bỏ được những người không vì dân vì nước như Tổng Bí thư đã đặt ra.

Nguyễn Đăng Tấn
(Tuần Việt Nam)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/238241/cong-bo-tai-san-can-bo-van-la-bi-mat.html

1 nhận xét:

  1. Phát hiện, tố cáo tham nhũng theo tiéng gọi của lãnh đạo để mà chết như ông Bá Thanh à ?Để điêu đứng như ông Kim Quốc Hoa à ? Để bụ tù tội như một số nhà báo à ? Nhà cú sợ lắm, hổng dám đâu !

    Trả lờiXóa