Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Phá thai

Phá thai
     Chẳng có người phụ nữ nào lại mong muốn hủy hoại một sinh linh đang hình thành trong cơ thể mình và cũng chẳng có người thầy thuốc nào lại làm dịch vụ y tế ấy một cách vô cảm. Tuy vậy có rất nhiều phụ nữ có thai ngoài sự mong muốn của họ, họ có thể là những cô gái trẻ chưa chồng, họ có thể bị cưỡng ép tình dục, họ có thể mang thai những đứa trẻ tật nguyền, họ có thể đang mắc những chứng bệnh không cho phép sinh con, và họ có thể không có đủ điều kiện để nuôi con...

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Kể cả khi một cặp vợ chồng áp dụng  biện pháp tránh thai, người phụ nữ vẫn có nguy cơ có thai ngoài ý muốn bởi không có một biện pháp tránh thai nào hiệu quả 100%. Ở Việt nam, đa số phụ nữ được tiếp cận dịch vụ phá phai an toàn khi họ có nhu cầu nhưng phá thai không an toàn ở rất nhiều nước, đặc biệt là châu Phi và châu Á đã cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu phụ nữ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 38.000 phụ nữ châu Á chết do các tai biến của những thủ thuật phá thai không an toàn. Điều này có nghĩa là mỗi ngày châu Á mất đi trên 100 phụ nữ trẻ, khỏe mạnh. Nhằm giảm thiểu số phụ nữ chết và mang bệnh do tai biến của phá thai không an toàn, Hiệp hội Phá thai An toàn Châu Á (Asia Safe Abortion Partnership, gọi tắt là ASAP) được thành lập vào tháng 3/2008 với sự tham gia của 13 nước Châu Á. Bác sỹ Bích Thủy – người kể câu chuyện dưới đây là một trong 7 thành viên BCH của Hiệp hội này.  Đây là câu chuyện có thật xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Phá thai đâu phải là tội lỗi!
Câu chuyện tôi chia sẻ cùng các bạn liên quan đến một người phụ nữ châu Á. Tôi xin phép được gọi em là Em và không tiết lộ tên và địa chỉ để đảm bảo tính riêng tư kín đáo của em. Em sinh ra và lớn lên trên một đất nước chịu ảnh hưởng lớn của Thiên Chúa Giáo. Trên đất nước này những người đã từng lấy vợ, lấy chồng hầu như không có cơ hội li dị, họ cũng không được phép sử dụng các biện pháp tránh thai và đặc biệt không được phá thai.

Em đã có gia đình và có con nhưng Em làm việc ở nước ngoài không đi cùng chồng con. Đất nước mà Em làm việc là một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Hồi Giáo, nơi phụ nữ ngoại tình có thể bị ném đá cho đến chết. Vậy mà Em đã yêu một người đàn ông có gia đình trên đất nước khắc nghiệt ấy. Còn nghiêm trọng hơn thế, cô đã mang thai đến tam cá nguyệt thứ hai với người đàn ông này mà cái thai lại là thai sinh đôi. Em tìm kiếm trên mạng và mong muốn được đến Việt nam để nhận dịch vụ phá thai nên cô đã viết email cho ASAP.

Ngày 10/7/2012,  tôi nhận được email của Suchitra, điều phối viên của Ban Chấp Hành ASAP, cô nhờ tôi giúp Em tiếp cận dịch vụ phá thai ở Việt Nam. Tôi đã nhận lời giúp Em và kể từ ngày đó tôi và Em đã viết rất nhiều email cho nhau. Em hỏi những chi tiết về dịch vụ phá thai ở Việt Nam và tất nhiên tôi đã không quên tư vấn cho Em những tai biến có thể gặp phải của phá thai tam cá nguyệt thứ hai, đó là băng huyết, thủng tử cung, nhiễm trùng và shock. Tôi cũng đã liên lạc với các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về trường hợp của Em và được các bác sĩ nhận lời giúp.

Sáng chủ nhật 22/7, Em đến Hà Nội sau 12 giờ bay. Tôi nhờ cậu tài xế taxi quen đón Em ở sân bay rồi đưa em về khách sạn tôi đã đặt trước. Chiều hôm đó tôi đến khách sạn gặp Em. Đó là một phụ nữ trung niên, khá đẹp nhưng buồn và không dấu nổi vẻ căng thẳng, mệt mỏi trên nét mặt. Để giúp Em thư giãn đôi chút trước khi bước vào một tuần lễ căng thẳng, tôi chở Em đi lòng vòng quanh Hồ Tây rồi hai chị em cùng ăn phở trên đường Ngọc Hà.

Sáng thứ hai 23/7, tôi đã rất hy vọng trường hợp của Em là một ca phá thai bình thường nhưng tôi đã thực sự shock trước màn hình siêu âm. Đó là một ca sinh đôi rau tiền đạo. Tôi xin dừng lại để giải thích cụm từ chuyên môn này: Bình thường bánh rau bám ở đáy hoặc mặt bên của tử cung. Trong trường hợp rau tiền đạo, bánh rau bám ngay ở cổ tử cung nên sau khi bệnh nhân uống thuốc gây chuyển dạ nhân tạo, cổ tử cung sẽ mềm và mở ra, bánh rau sẽ bị bong đột xuất gây chảy máu ồ ạt. Đây là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp trong sản khoa.

Nhìn vị trí rau bám trong tử cung của E, cả ba bác sĩ phòng siêu âm và Phó Giám Đốc BV Phụ sản Hà nội đều ái ngại. Vì vậy E được gửi lên phòng Giám Đốc để hội chẩn. Tôi cùng E đến gặp TS. BS. Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc bệnh viện. Sau khi xem xét hồ sơ của Em, Bs. Bạo nói “Đây là một trường hợp có nguy cơ chảy máu rất cao. Trong trường hợp cần thiết có thể phải mổ cấp cứu và khả năng xấu nhất là phải cắt tử cung để cầm máu”. Dù đã nghĩ trước như vậy khi nhìn hình ảnh siêu âm, tôi vẫn choáng khi nghe Bs. Bạo khẳng định lại một lần nữa. Tôi dịch lại cho Em nghe nhưng cô không thể quyết định được gì ngay lúc ấy. Tôi đề nghị với Bs. Bạo cho Em một thời gian suy nghĩ rồi tôi sẽ gọi điện báo với bác sĩ quyết định của cô ấy.

Lâu lắm rồi tôi mới rơi vào một ngày thật sự căng thẳng như thế. Thực lòng tôi đã rất mong Em từ chối dịch vụ phá thai để đẻ. Chiều hôm ấy tôi gọi điện cho Em, tôi nói “Nếu em là em gái chị, chị sẽ khuyên em giữ thai lại bởi trường hợp của em có nguy cơ quá cao và chị không muốn em phải đối mặt với một mối nguy hiểm lớn đến thế!” E trả lời tôi “Chị cho em suy nghĩ thêm rồi em sẽ liên lạc lại với chị!”

Tôi nghe tiếng E khóc trên điện thoại và hình ảnh người phụ nữ ngoại tình bị ném đá cho đến chết cứ ám ảnh tôi. Tôi không dám chia sẻ chuyện này với ai, kể cả chồng tôi vì tôi biết anh không muốn tôi phải dấn thân vào một mối nguy hiểm như vậy. Mối nguy hiểm với tôi càng trở nên nặng nề hơn khi E đến Việt Nam chỉ có một mình mặc dù tôi đã cố gắng thuyết phục cô đi cùng một người thân – cô muốn chuyện riêng của mình được hoàn toàn bí mật. Vậy là tất cả trách nhiệm về sức khỏe và cả tính mạng của E đều ở trên vai tôi. Những giấc ngủ của tôi trở nên chập chờn và tôi trở thành một người ít nói hẳn.

Tối thứ hai, E nhắn tin cho tôi “Em chấp nhận tất cả mọi rủi ro để được phá thai vì em không thể trở về như thế này được. Nếu có chuyện không may xảy ra, em xin đón nhận bởi đây là lỗi của em!” Sau tin nhắn đó, tôi gọi điện thoại báo tin cho Bs. Bạo. Anh khuyên tôi giúp Em làm xét nghiệm máu và hoàn thành các thủ tục hành chính vào thứ ba. Anh cũng hứa với tôi sẽ đích thân tiến hành ca thủ thuật này.

Sáng thứ ba 24/7, tôi hoãn một cuộc họp với Plan International để cùng E làm xét nghiệm máu và các thủ tục nhập viện. Tối hôm ấy gia đình tôi ăn cơm tối cùng Theresa Shaver, sếp cũ của tôi ở CARE Inernational nay đã là Chủ tịch White Ribbon Alliance for Safe Motherhood, một liên hiệp các tổ chức vì sức khỏe bà mẹ. Nhân nói về cuộc sống của những người phụ nữ, tôi kể cho Theresa nghe câu chuyện của E. Theresa nắm chặt tay tôi, chị nói “Cả E và em dũng cảm lắm nhưng em đang đối mặt với một mối nguy hiểm rất lớn, em có biết không?” Tôi muốn òa khóc khi nghe chị nói nhưng tôi đã cố gắng mỉm cười và gật đầu “Em biết là như thế nhưng em không thể quay lưng lại được!” Trước khi chia tay, Theresa ôm tôi rất chặt, chị nói “Chị sẽ cầu nguyện cho cả em và cô ấy! Ngày mai chị sẽ gọi điện cho em để biết tình hình của cô ấy”.

Sáng thứ tư 25/7, E nhắn tin cho tôi “Trời mưa, chị hãy đi taxi, em chờ chị đến đón em!” Vậy là tôi qua khách sạn đón E đến bệnh viện. Trong kế hoạch của mình, tôi định để E ở bệnh viện một mình để về làm việc, khi nào E bắt đầu ra máu sẽ gọi điện cho tôi và tôi sẽ đến ngay lập tức nhưng đêm hôm trước tôi đã thay đổi kế hoạch. Tôi nói với E “Hôm nay chị sẽ ở lại bệnh viện cùng em cả ngày!” E quay người sang ôm chầm lấy tôi, mắt cô rơm rớm nước “Ôi chị, em là người may mắn nhất trên đời này! Có chị ở bên, chắc chắn em sẽ vượt qua được thủ thuật này!”

Chúng tôi chờ Bs. Bạo ở khoa Kế hoạch hóa gia đình. Tan cuộc giao ban, anh bước vào phòng tư vấn, nơi tôi và Em đang ngồi chờ anh. Vẻ mặt anh thật tự tin và vui vẻ. Xem lại hồ sơ một lần nữa, anh nói với Bs. Minh, Trưởng khoa KHHGĐ và tôi “Ca thủ thuật này sẽ làm tại phòng mổ, ngay trên bàn mổ. Khoa KHHGĐ sẽ chuẩn bị dụng cụ thủ thuật và mang sang bên đó. Nhớ đặt trong phòng mổ một máy siêu âm và chuẩn bị máu để truyền trong trường hợp cần thiết!” Sự bình tĩnh và tự tin của Bs. Bạo hình như đã ít nhiều lây sang tôi. Tôi cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều. Đêm hôm trước tôi đã rất lo sợ khi nghĩ đến ca thủ thuật đang làm ở Khoa KHHGĐ thì cần mổ cấp cứu, đường sang phòng mổ xa có thể làm cho tình trạng mất máu trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Anh thật sáng suốt khi quyết định làm thủ thuật ngay trên bàn mổ.

10 giờ 30 E mới phải uống thuốc làm mềm cổ tử cung, vậy là chị em tôi có một tiếng đồng hồ ngồi tâm sự tại một quán nước ở cổng bệnh viện (chúng tôi tránh quán cà phê vì sợ mùi thuốc lá). Trong một giờ ấy E đã kể cho tôi nghe mối tình ngang trái nhưng đẹp tuyệt vời của em. Tôi cố tình đặt những câu hỏi để E kể lại những kỉ niệm đẹp nhất của em với M, người yêu của em. Trước khi làm thủ thuật tôi không muốn E phải nghĩ đến bất cứ một chuyện buồn nào, em cần phải có một tâm lý thật vững vàng và tự tin. E hiểu ý tôi nên chỉ nói đến những chuyện vui, những khoảng khắc hạnh phúc của em.

Sau một giờ hàn huyên, tôi và E trở về khoa KHHGĐ và E bắt đầu ngậm thuốc. Trong suốt buổi sáng cho đến tận 2 giờ chiều, E chỉ nhâm nhẩm đau bụng. E nằm trên giường bệnh nhìn tôi ôm cuốn sách như một đứa em gái thật hiền, thật ngoan. Còn tôi chốc chốc lại hỏi E “Em có đau bụng không?” và “Em đã thấy ra máu chưa?”

Khoảng 2 giờ chiều, mọi người nói chúng tôi sang phòng mổ. Vẫn với vẻ mặt đầy tự tin và thân thiện, Bs. Bạo tự tay điều chỉnh bàn mổ và hướng dẫn nhân viên bố trí các trang thiết bị sao cho thuận tiện nhất. E nằm lên bàn mổ và các nhân viên nhóm gây mê bắt đầu truyền dịch và tiêm thuốc tiền mê cho E nhưng em vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

Thật là may mắn, đúng lúc sát trùng xong, bước gây tê cổ tử cung còn chưa kịp tiến hành thì cổ tử cung đã mở và bắt đầu chảy máu. Bỏ qua thì gây tê, Bs. Bạo nhanh chóng tiến hành thủ thuật. Tất cả những thao tác của anh đều chuẩn xác và rất nhẹ nhàng. Tôi đặt một bàn tay mình vào bàn tay E và em đã nắm chặt tay tôi trong suốt thời gian thủ thuật. Những giây phút căng thẳng nhất đã trôi qua như thế. Ca thủ thuật kết thúc, không có một tai biến nào. E nằm lại khoa KHKGĐ đến 5 giờ chiều thì trở về khách sạn cùng tôi. Trước khi chia tay, chị em tôi ôm chặt trong vòng tay nhau và tôi dặn em đừng ngại gọi điện cho tôi nếu có bất cứ triệu chứng gì khác thường nhưng đêm ấy đã trôi qua rất êm đềm.

Sáng thứ năm 26/7, tôi gọi điện cho E, em hoàn toàn ổn và tôi đi làm. Buổi chiều tôi nhận được tin nhắn của E “Chị có đến chỗ em được không? Bất kì lúc nào tiện chị qua em nhé, em muốn đi hóng gió!” Tôi đã qua thăm E vào cuối giờ chiều bởi tôi cần biết sức khỏe của em ra sao.

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy E đi từ sảnh khách sạn về phía tôi. E đã trở thành một con người hoàn toàn khác, rất đẹp và rất… sexy. Có lẽ E đoán được ý nghĩ của tôi, em nói “Chị thấy em khác lắm phải không? Bây giờ em lại được trở lại chính mình rồi!” Chúng tôi bắt taxi ra Bờ Hồ rồi vào đền Ngọc Sơn. Chúng tôi chụp ảnh kỉ niệm ven hồ và trên cầu Thê Húc nhưng tôi không thể post những tấm ảnh này lên đây để đảm bảo tính bí mật của E.

Sáng nay thứ sáu 27/7, E lên máy bay về nước, tôi muốn E mang theo một bịch thuốc tránh thai nhưng E nói “Em không thể mang thứ này ra khỏi sân bay, người ta sẽ bỏ tù em vì em không đi cùng chồng mà lại có biện pháp tránh thai, người ta sẽ nghĩ rằng em là gái điếm!”. Ôi những người phụ nữ sống trên những đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tôn giáo, sao họ khốn khổ đến thế!
Tác giả bài viết: ThS.BS Phan Bích Thủy
http://tacphammoi.net/pha-thai_n964.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét