Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Phố “Tây” ở Phnôm Pênh

Phố “Tây” ở Phnôm Pênh
Cách TP HCM 200km, như phố Tây ở quận 1 mà nhiều người quen gọi ngã tư quốc tế Đề Thám-Phạm Ngũ Lão, phố Tây ở thủ đô Phnôm Pênh có nhiều nét tương đồng phố Tây Sài Gòn. Cũng ngày ngủ đêm thức, cũng điện đèn bảng hiệu rực rỡ huy hoàng và bia rượu lai láng, đêm ở phố Tây Phnôm Pênh dập dìu bóng dáng tài tử giai nhân cùng những phận người sống về đêm đong đầy nước mắt!
Một góc im lìm của phố Tây lúc ban ngày… 
1. Nhiều lần đến Phnôm Pênh nhưng đây là lần đầu tiên tôi lưu trú tại phố Tây của thủ đô đất nước Chùa Tháp. Urussey, nơi tập trung đông du khách người Việt và khách quốc tế loại bụi bặm nhất, bụi bặm theo đúng nghĩa đen của cụm từ này bởi giá thuê phòng khá rẻ, loại thấp nhất chỉ 4 USD/ngày đêm cho 2 người.

Dù phòng bé xíu, chưa đến 8m², chỉ đủ kê cái giường đôi đã thấy chật, dùng quạt, toilet dùng chung, nhưng loại phòng này rất được dân Tây balô máu cái thú đi phượt xuyên lục địa ưa thích vì tiết kiệm chi phí, để được ở lâu, đi nhiều. Riêng tôi chọn Urussey cho mỗi lần đến Phnôm Pênh vì nhiều lẽ. Nơi đây chộn rộn đông vui với nhiều quán ăn đậm phong cách Việt-Hoa-Khmer, giá cả hợp lý. Nhưng thú nhất là để có được cơ hội tìm hiểu về các loại thảo dược kỳ thú của người bản xứ được bán sau lưng chợ Urussey, cách nhà nghỉ Hong Phan, nơi tôi lưu trú chưa đầy 300m.

Người Khmer chính gốc cùng người Campuchia gốc Hoa, gốc Việt ở thủ đô Phnôm Pênh dùng thảo dược như thế nào? Họ có giống như ở ta, mê như điếu đổ các loại cây thuốc được gắn với cụm từ "biệt dược chữa ung thư"? Lúc này, điều tôi quan tâm là sẽ dành thời khắc qua đêm ở khu phố Tây nằm dọc dòng chảy của con sông Mê Kông hùng vĩ, sát quảng trường sông 4 mặt, nơi tọa lạc Thành Vua, nơi có tượng Phật đen nổi tiếng Campuchia với huyền tích che chở một nhóm người Khmer thoát khỏi nạn cuồng sát của bọn diệt chủng Pôn Pốt hơn 30 năm trước.

... và càng về khuya càng sôi động với nhan nhản những đời gái phấn son.

Người gợi ý tôi qua đêm tại phố Tây Phnôm Pênh là chị Minh Diệp, bán cơm và cá nướng ở mặt tiền chợ Urussey, gần Hãng xe Phon Linh chuyên tuyến Phnôm Pênh - TP HCM và ngược lại. Chị Diệp năm nay 45 tuổi, nguyên quán ở quận 7, TP HCM, nhà chị ở hẻm 793 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, vì kế sinh nhai nên chọn Phnôm Pênh làm nơi sinh kế. Sống ở Campuchia được gần 10 năm nên chị Diệp rất rành rẽ mọi ngóc ngách ở thủ đô Vương quốc Chùa Tháp. Lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần sang Campuchia, chiều đến là tôi ghé quán cơm dã chiến trước ủng hộ chị, sau hỏi thăm chuyện này chuyện kia, chuyện sinh nhai của bà con người Việt mình, riết thành thân quen.

Chị Diệp cho biết hồi còn ở Việt Nam, chị kiếm sống bằng nghề phục vụ tại khu "ngã tư quốc tế" và khi sang Phnôm Pênh, chị có quãng thời gian hơn 3 năm la lết ở phố Tây Phnôm Pênh trước khi chuyển sang nghề bán cơm nên rất rành rẽ nhịp sống ở phố Tây nước bạn: "Phố Tây bên này với phố Tây bên mình na ná nhau, nhưng ở đây rộng lớn, sôi động hơn. Nói chung, đã là phố Tây thì ở đâu cũng sực nức mùi bia rượu, phấn son và những cuộc đời nhiều dấu lặng. Ở đây, dân Việt mình mưu sinh cũng nhiều nhưng họ chẳng mấy khi lộ cho em biết mình là dân Việt đâu, nhất là mấy cô gái. Vì sao thì em cứ ghé ở một đêm sẽ rõ".

2. Từ khu chợ Urussey, để đến được phố Tây Phnôm Pênh, tôi tốn 2 USD cho chuyến xe tuk tuk với lộ trình khoảng 2km. Bác tài xe tuk tuk chở tôi là người Campuchia gốc Việt, anh tên Hải, gần 40 tuổi, có mẹ và 2 em chết thảm vào năm 1979, khi quân diệt chủng Pôn Pốt tràn vào Phnôm Pênh. Hải cho tôi biết nhiều khả năng thân xác của mẹ và hai em anh bị vùi đâu đó trong những hố chôn tập thể tại cánh đồng diệt chủng được thế giới biết đến với tên gọi Killing field (Cánh đồng chết). Nơi này tôi đã từng đến viếng vong linh hàng ngàn con người tội nghiệp với tháp đầu lâu chứa hơn 8.000 sọ người mà không cái sọ nào còn nguyên vẹn, sọ nào cũng bị vỡ do các nạn nhân xấu số sau khi bị bỏ đói đã bị đội quân đồ tể hành hình bằng hình thức đập đầu man rợ…

Bỏ lại những chuyện quá khứ đau thương, biết chúng tôi lần đầu đến phố Tây Phnôm Pênh để "thưởng thức" cuộc sống về đêm, anh Hải cho biết kỳ thực Phnôm Pênh có 2 khu vực tập trung đông du khách quốc tế là khu Sicowath Quay và Boeng Kak Lake: "Boeng Kak Lake là khu phố Tây cũ và Sicowath Quay là khu mới. Trước đây giá phòng ở phố Tây cũ khá cao nhưng từ khi khu phố mới Sicowath Quay ra đời, Boeng Kak Lake không còn huy hoàng như trước, giá phòng rẻ hơn nhiều, chỉ với 8 USD có thể thuê được phòng máy lạnh thay vì phòng quạt ở khu phố mới" - anh Hải, cho biết.


Những đứa trẻ sống về đêm ở phố Tây - Phnôm Pênh.

Khu phố Sicowath Quay là nơi mà chiếc xe tuk tuk già nua Hải mua 7 năm trước với giá 500 USD, đưa tôi đến. Phố nằm trải dọc theo dòng chảy của dòng sông Tonle Sap, một nhánh rẽ của dòng Mê Kông hùng vĩ, còn được gọi là khu Riverside.

Tại đây, sau khi lấy phòng ở khách sạn Golden River Palace trên đường số 13, với giá 14 USD/ngày đêm ở tận tầng 4 nhưng không có thang máy, quẳng lại hành lý lỉnh kỉnh, vậy là tôi có thể ung dung rảo bước bên dòng Tonle Sap mát rười rượi chờ đêm đến. Có thể ví vỉa hè dọc con sông này tựa sông Sài Gòn. Nhưng trong khi ta để hàng quán mọc lố nhố với đủ thứ công trình lấn chiếm kinh doanh bề bộn thì ở đây trống trải, được lát đá hoa cương rộng thênh thang để người dân và du khách mặc sức dạo chơi, hóng gió, tập thể dục.

Gần 17 giờ, từ các nhà nghỉ, khách sạn nằm trên các con đường nhỏ hợp thành khu phố Tây, khách du lịch bắt đầu túa ra hóng gió sông, dạo chơi đông nghịt. Trong rất nhiều du khách mà tôi gặp, bên cạnh những đôi trai Tây gái Tây, thấy nhiều cặp là trai Tây gái châu Á, hỏi ra mới biết cánh má hồng cặp kè với mấy anh chàng mắt xanh kia là các cô gái người bản xứ, từ phố Tây Sài Gòn sang, có cả các cô gái là người Campuchia gốc Việt xuất thân từ các khu ổ chuột ở các quận ngoại thành của thủ đô Phnôm Pênh tráng lệ.

3.18 giờ, ánh đèn đường tỏa sáng, khu phố Tây Sicowath Quay sống động lạ thường với rừng panô, bảng hiệu của cả ngàn nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, bar, vũ trường, điểm massage, các khu phức hợp ăn chơi… tỏa sáng, đèn màu nhấp nháy như trêu ngươi. Lúc này, ngồi ở vỉa hè bar Best 136 uống chai bia Ăng-co giá 1,4 USD, tôi thấy phía dòng Ba-sắc vắng ngắt, trong khi đó khu phố Tây sung lên theo từng phút, hàng quán nào cũng tấp nập bóng dáng các ông bà Tây cùng các đôi trai Tây-gái Á vào ăn uống, nhảy nhót.

Lượn vài vòng phố Tây Phnôm Pênh, bắt gặp hình ảnh quen thuộc như ở phố Tây Sài Gòn, phía trước các quán bar và tiệm massage, có rất nhiều cô gái đỏm dáng ăn vận mát mẻ đứng ngồi ở các tư thế khêu gợi, thấy khách đi tới là gọi mời vào ăn uống, nhảy nhót vui chơi trong tiếng nhạc đập chát chúa…

Được chị Minh Điệp bỏ nhỏ trước đó nên tôi chọn bar Cavalry làm tâm điểm "thám hiểm". Nơi này theo chị Điệp có đông tiếp viên, vũ nữ là người Campuchia gốc Việt sống ở khu Đồng Nhà Cháy, khu ổ chuột của người Việt lớn nhất Phnôm Pênh với hơn 1.000 hộ gia đình. Để có thể bắt chuyện với cô gái nào đó trong bar này, tôi chơi chiêu boa trước, hỏi chuyện sau, vậy mà được việc. "Trời, anh mà không nói tiếng Việt, em tưởng anh người Nhật hay người Trung Quốc, đó chớ"- cô tiếp viên kiêm vũ nữ tên Mai, 23 tuổi, có khuôn mặt ưa nhìn, giọng thỏ thẻ.

- Anh ở Sài Gòn, hả? Sài Gòn chắc đông vui lắm hả anh? Ngoại em trước là người Sài Gòn, sau mắc kẹt bên này, rồi sinh má em, rồi má sinh ra em. Tính ra em gốc Sài Gòn nhưng hồi nào giờ chỉ biết Sài Gòn qua lời kể của ngoại và má!

- Phnôm Pênh với Sài Gòn 200km, gần mà, giá vé xe rẻ rề, chỉ 10 USD, sao em không về cho biết?

- Dạ, hồi trước do dính nạn Pôn Pốt, ngoại em mất hết giấy tờ nên bị kẹt lại. Sau do vất vả kiếm ăn, nuôi con nên… Đến đời má em, cũng lo kiếm ăn kiếm sống… Đến thời của em thì ngoại mất, má lớn tuổi, mà phía bà con họ hàng ở Sài Gòn bị thất lạc chẳng còn ai nên em hổng biết về gặp ai. Đi xa em sợ!

Lúc Mai trò chuyện, tôi thấy mắt em rơm rớm. Đời gái quán bar, ở phố Tây Phnôm Pênh, phố Tây ở Sài Gòn hay ở Xiêm Riệp (Campuchia), hoặc ở Nha Trang, Phan Thiết… cũng như nhau cả, đầy những cám dỗ và niềm đau. "Vào bar là chấp nhận cho người ta thế này thế nọ thôi anh ơi, đứa nào nói chuyện giữ mình là nói xạo. Nói thiệt cũng có nhiều khách Việt vào đây nhưng em giấu không cho họ biết tiếng Việt vì tủi thân, nhiều hoàn cảnh lắm!" - Mai tâm sự.

Đêm sâu, nhịp sống ở phố Tây mới tại Phnôm Pênh góc nhộn nhịp, mảng chênh vênh lắm. Tương phản với hình ảnh trong lúc nhiều vị khách tiêu tiền như rác với các màn ăn chơi quay cuồng thì có những bác tài tuk tuk mong đợi có khách đi xe, có những đứa trẻ bán hàng rong mời mọc khách mua kẹo, thuốc lá, có ánh mắt mệt mỏi của những người bán hủ tiếu đêm và có những bóng người lang thang hay nằm co ro trong những hóc tối chờ ai đó đoái thương bố thí cho ít tiền lẻ…

Đêm sâu, càng chạm gần những đời gái phấn son như Mai, nhất là lúc 3 giờ sáng, khi bar lụi tàn, tôi cùng Mai và nhóm 3 cô gái làm ở các bar gần đó đi ăn hủ tiếu khuya ở gần chợ Phsar Phsar Reatrey, nghe các cô gái cùng ở khu Đồng Nhà Cháy tâm tình, mới biết bên cạnh những tiếp viên ổ chuột bản xứ như Mai, phố Tây có không ít tiếp viên là các cô gái đua đòi ở Sài Gòn sang phố Tây Phnôm Pênh để tăng thu nhập, hoặc vì nợ nần do hút xách, ăn chơi sang nơi đây trốn nợ. "Cũng có đứa nghiện cờ bạc, từng cầm thân ở các sòng bài biên giới tại Bavet nay mất uy tín với nhà cái, mà ở Việt Nam thì gia đình, người yêu quá ngán ngẩm nên náu mình ở đây. Đám đó lầy lắm!" - cô bạn của Mai cho biết.

Một đêm ở phố Tây Phnôm Pênh hẳn không đủ để có thể phác họa bức tranh toàn cảnh cuộc sống về đêm ở thế giới này. Nhưng cũng ít nhiều để tôi biết phía sau những ánh đèn màu hào nhoáng và tiếng nhạc chát chúa thâu đêm suốt sáng kia, bên cạnh những bóng hồng lầy lội theo những cuộc vui trác táng, có những đời gái, những số phận phấn son đong đầy nỗi buồn cùng sự mặc cảm như Mai và 3 cô vũ nữ, tiếp viên lúc này đây. Nhìn từ xa cứ nghĩ họ khó gần nhưng khi tiếp cận mới biết phía sau lớp son phấn kiêu kỳ là những nỗi niềm đáng thương đến khôn tả!

N.Thành Dũng
http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Pho-Tay-o-Phnom-Penh-351207/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét