Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Thủ tướng Yatseniuk đề nghị Mỹ ‘mua đứt’ Ukraine

Thủ tướng Yatseniuk đề nghị Mỹ ‘mua đứt’ Ukraine
Thủ tướng Ukraine đang vận động hành lang Washington thuyết phục các tập đoàn, công ty Mỹ “mua cho bằng hết” số tài sản là các cty quốc doanh của Ukraine. Webiste của chính phủ Ukraine ngày 25/5 đưa tin: Ông Yatseniuk đang hối thúc các đối tác Mỹ tận dụng các cơ hội đầu tư có được từ chiến dịch tư nhân hóa mà Kiev đang thực hiện, nhất là đối với ngành năng lượng.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk (đeo kính) trong cuộc gặp với TNS Mỹ Dick Durbin (đối diện) hôm 25/5. Ảnh: kmu.gov.ua



Thông báo được đưa ra chỉ sau ít giờ Thủ tướng Yatseniuk có cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Mỹ Dick Durbin tại Kiev, thảo luận về các chương trình cải cách sau khi Nhà Trắng cam kết bổ sung khoản viện trợ trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine.

Ukraine dường như liên tục bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn nhiều tầng nấc.

“Cách mạng Maidan” có thể làm quốc gia Đông Âu này nhích lại gần với Mỹ và châu Âu, xa cách nước Nga hơn. Thế nhưng không phải tất cả người dân Ukraine đều đồng lòng nhất trí về một “tình yêu” mới tìm thấy ở phương Tây.

Ở chiều ngược lại, dù ra sức kêu gọi Kiev tiến hành cải cách để hội nhập vào không gian tư bản châu Âu, thì Mỹ dường như chưa vẫn tỏ ra dửng dưng trước “vẻ hấp dẫn” của Ukraine xét trên góc độ kinh tế.

Lý do một phần là bởi các trung tâm công nghiệp lớn tập trung chủ yếu ở miền Đông và đa phần hiện do quân ly khai kiểm soát.

Tháng 3 vừa qua, chính phủ Ukraine đã thông qua bản danh sách các doanh nghiệp thuộc diện tư nhân hóa, chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz, công ty than UkrTorf, công ty phân phối điện Centrenergo nằm trong số này. Hồi đầu năm, Nội các nước này cũng đã đệ trình việc bán tài sản ở 164 doanh nghiệp theo hình thức đấu giá.

Ông Yatseniuk khi đó nói rằng 164 là con số quá nhỏ bé, ông muốn nâng lên thành 1.200 công ty. Nói cách khác, đó là một cách "bán tống bán tháo".

Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine phải đối mặt với một núi khó khăn. Tỉ lệ ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền nói chung và với cá nhân ông Yatseniuk và Tổng thống Petro Poroshenko nói riêng tụt xuống mức thê thảm.

Thăm dò dư luận mới nhất do kênh truyền hình TSN cho thấy 31% người dân được hỏi hoàn toàn thất vọng trước các các quyết sách mà chính phủ thi nhằm ổn định tình hình, 28% nói rằng nhìn chung chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ, 37% nhìn nhận chính phủ không hoạt động ở mức hết tiềm năng và chỉ có 1% ủng hộ chính phủ.

51% người Ukraine không ủng hộ/thất vọng trước hoạt động của Tổng thống, chỉ có 17% người được hỏi đánh giá tích cực về ông Poroshenko.

Thực trạng trên được cho là xuất phát từ những khó khăn về kinh tế, đi kèm với đó là nhiều chính sách kinh tế khắc khổ, nhất là những thay đổi liên quan đến thuế, trợ cấp xã hội theo yêu cầu của nước ngoài để đổi lấy gói hỗ trợ tín dụng.

GDP của Ukraine đã giảm tới 17,6% trong quý 1 vừa qua và được dự báo là sẽ giảm 7,5% trong cả năm nay, với tỉ lệ lạm phát có thể vượt mức 30%.

Ngoài 2 tỉ USD nhận được từ Mỹ, Ukraine hiện chủ yếu trông chờ vào gói hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, trong vòng 4 năm tới, Kiev sẽ nhận được tổng cộng khoản vay 40 tỉ USD từ cộng đồng quốc tế do IMF đứng đầu.

Thế nhưng, con số đó có thể sẽ không thấm vào đâu, khi mà Ukraine đang nằm trên bờ vực phá sản, với tổng số nước ngoài hiện vượt 50 tỉ USD và dự kiến sẽ chiếm hơn 90% GDP trong năm nay.

Hôm 19/5, Quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật, cho phép chính phủ được quyền hoãn trả nợ nước ngoài, trước hết là với các chủ nợ cá nhân - một hành động được xem là sự thừa nhận Ukraine vỡ nợ về mặt kĩ thuật.

Theo lịch, ngày 20/6 tới đây, Ukraine sẽ phải thanh toán cho Nga 3 tỷ USD - số tiền mà Kiev dưới thời của Tổng thống Viktor Yanukovych vay dưới hình thức phát hành trái phiếu hồi năm 2013.


http://soha.vn/quoc-te/thu-tuong-yatseniuk-de-nghi-my-mua-dut-ukraine-20150527071306488.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét