Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Trong TPA có TAA – và nhiều thứ lẩm cẩm khác

Trong TPA có TAA – và nhiều thứ lẩm cẩm khác
Hoa Kỳ có nền kinh tế mạnh, với thị trường tiêu thụ lớn, trong đó chỉ có 13% hàng tiêu thụ là nhập cảng mà có khi là nhập cảng hàng hóa do các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào xứ khác mà bán ngược về Mỹ. Tác động của việc trợ giá xuất cảng hàng nhập vào Mỹ chỉ giới hạn trong tỷ lệ 13% này, và thực tế còn thấp hơn.
* Hai vòng cương tỏa TPP và RCEP - Đài Loan ngồi ngoài * 
Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 quốc gia Thái bình dương Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình dương (gọi tắt là TPP) và với 28 nước của Liên hiệp Âu châu Hiệp ước Xuyên Đại Tây dương về Thương mại và Đầu tư (gọi tắt là T-TIP).

Vì Liên Âu đã là một khối tự do mậu dịch và Hoa Kỳ đã có thỏa ước song phương với nhiều nước trong khối, việc đàm phán hiệp ước T-TIP không gặp nhiều trở ngại và ít được chú ý bằng hiệp ước TPP.

Về kinh tế thì hai hiệp ước có tầm quan trọng gần tương tự, với sản lượng tổng cộng của nhóm T-TIP là 40% sản lượng toàn cầu và của nhóm TPP là khoảng 37%. Về chính trị và an ninh, là hai yếu tố chiến lược khác ngoài kinh tế, hiệp ước TPP lại quan trọng hơn vì bao gồm Nhật Bản mà không có Trung Quốc. Một yếu tố cũng đáng kể là từ năm 2011, Trung Quốc đàm phán với 16 nước Á Châu hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) là 10 nước của Hiệp hội ASEAN và Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan (New Zealand), một khối kinh tế không có Hoa Kỳ.

Kỳ này, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu riêng về những ngoắt ngoéo bên trong Hiệp ước TPP.

Bối Cảnh Toàn Cầu

Hoa Kỳ đang đàm phán về TPP với 11 quốc gia trong vành cung Thái Bình dương và Trung Quốc đang đàm phán về RCEP với 15 nước châu Á. Các yếu tố kinh tế lẫn chiến lược cho thấy tầm quan trọng của cuộc đua. Đã vậy, Trung Quốc lại đang chiêu dụ các nước với nhiều sáng kiến khác như 1) Tân Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS với 100 tỷ đô la, 2) Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB với sự tham gia của 57 nước (không có Hoa Kỳ và Nhật Bản) cũng với 100 tỷ và 3) Con đường Tơ lụa mới, trên biển và trong đất liền, với rất nhiều quốc gia từ Á sang Âu và dự trù nhiều trăm tỷ đô la…

Đấy là bối cảnh toàn cầu và toàn diện của các hiệp ước, sáng kiến hay dự án đang được đàm phán.

Trong khung cảnh đó, tầm quan trọng của hiệp ước TPP là hiển nhiên, và Hoa Kỳ ở vào chặng cuối để có thể hoàn thành hiệp ước sau 20 vòng đàm phán đa quốc và những cuộc đàm phán song phương với từng nước.

Vì sức nặng kinh tế của mình, nước Mỹ giữ vai chủ yếu trong việc đàm phán với các nước. Nhưng vì những lắt léo về luật lệ bên trong, nước Mỹ chỉ hoàn tất việc thương thuyết nếu Hành pháp được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh (gọi là “fast track”) qua đạo luật Trade Promotion Authority, viết tắt là TPA. Trở ngại xảy ra khi đạo luật đó không được phe Dân Chủ trong Quốc hội tái tục từ năm 2012. Trong Tháng Tư và mấy tháng tới, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại lưỡng viện Quốc hội phải khai thông trở ngại để biểu quyết dự luật TPA, hầu dự án TPP có thể thành hình năm nay, như Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu và thúc đẩy từ năm 2012.

Những Ngón Võ Nghị Trường

Chuyện rắc rối là các dân biểu nghị sĩ lại gài vào dự luật TPA nhiều điều kiện khác để thỏa mãn những đòi hỏi trái ngược khiến cho nếu được thông qua, đạo luật TPA lại gây ra trở ngại khác vì có thể xóa bỏ những cam kết của nước Mỹ với các nước qua nhiều vòng đàm phán trước đây.

Các dân biểu nghị sĩ đều phải thỏa mãn đòi hỏi của cử tri đế có thể tái đắc cử nên mới cài đặt các điều kiện trong từng bước làm luật. Đây là những ngón võ nghị trường rất lắt léo khó hiểu.

Về thủ tục làm luật bên Lập pháp, xin được trình bày ngắn gọn rằng một sáng kiến được đề nghị để biểu quyết thì nên gọi là đề luật (proposition). Qua được chặng đó rồi thì người ta mới có một dự luật (truyền thông hay viết là Bill), rồi nếu dự luật được đa số thông qua thì mới thành một đạo luật (Act) - có giá trị cưỡng hành hay không và có được Tổng thống ban hành hay không thì còn tùy.

Dự luật TPA đã trải qua tiến trình đàm phán hay mặc cả tại Thượng viện qua nhiều đề luật và dự luật rắc rối đi kèm dự luật TPA. Trong tuần này, người ta hy vọng là Thượng viện sẽ thông qua dự luật với đa số là 51 phiếu của 100 nghị sĩ rồi mới đến lượt Hạ viện. Tại viện dưới có 435 dân biểu, người ta sẽ còn nhiều chặng đàm phán hay trả giá khác để thống nhất dự luật của hai viện và đưa ra biểu quyết với đa số là 218 phiếu. Trận đánh sắp tới tại Hạ viện sẽ còn khó khăn hơn trận đánh vừa qua tại Thượng viện.

Nhưng Tổng thống vẫn có quyền phủ quyết nếu Đạo luật thành hình lại có những khoản mà ông cho là không chấp nhận được. Gặp trường hợp đó, Quốc hội phải biểu quyết lại và hội đủ hai phần ba số phiếu thì mới vượt qua rào cản của Hành pháp và Đạo luật TPA mới có giá trị. Khi ấy, nó là cơ sở cho Hành pháp xúc tiến việc thương thuyết với các nước đối tác, nhiều khi là thương thuyết lại những gì đã được đồng ý qua các vòng đàm phán trước.

Sau khi đạt được sự thống nhất quan điểm và cam kết của ngần ấy quốc qua, Hiệp ước TPP mới thành hình và đưa qua Quốc hội biểu quyết. Nếu được sự phê chuẩn của đa số trên 50% thì văn kiện này mới được Tổng thống chính thức ban hành. Từ nay đến đó, ngón võ nghị trường vẫn tiếp tục. Song song, 11 quốc gia còn lại trong nhóm TPP cũng phải được Quốc hội của mình phê chuẩn thì thế giới mới có khối TPP với những quy định chi tiết về việc giao dịch trong tương lai.

Sau phần bối cảnh đó, Hồ Sơ Người-Việt xin nói riêng về một điều kiện mới được cài trong dự luật TPA để tiến tới TPP. Trong một kỳ sau, ta sẽ xét đến một vụ cài đặt khác, là đạo luận trợ cấp cho các công nhân Mỹ bị thiệt hại khi cạnh tranh trong một hiệp ước tự do thương mại. Luật TAA hay Trade Adjustment Assistance cũng là một điều kiện chính trị mị dân, mà vô hiệu, nhưng vẫn được đưa vào dự luật TPA.

Lũng Đoạn Hối Đoái

Tuần qua, tại Thượng viện, Nghị sĩ Dân Chủ Charles Shummer của New York đã đưa ra đề luật về lũng đoạn hối đoái (currency manipulation) được thông qua với tỷ số 78-20. Tổng thống Obama nói trước rằng nếu đề luật này được cài vào dự luật TPA thì ông sẽ phủ quyết.

Chuyện này là gì?

Từ đã lâu, đa số dân cử bên Dân Chủ và vài người bên Cộng Hòa vẫn kết án Bắc Kinh lũng đoạn hối đoái để xuất cảng cho rẻ bằng cách ấn định hối suất đồng bạc quá thấp so với Mỹ kim. Đồng bạc Trung Quốc, là đồng Nguyên, Yuan (cũng gọi là Nhân dân tệ Renminbi với ký hiệu RMB) được Bắc Kinh giàng giá vào Mỹ kim theo tỷ giá thời ấy là tám đồng mới ăn một đô la, và cho giao dịch buôn bán trong biên độ 1% cao hay thấp hơn giá chính thức mà họ ấn định.

Vì vậy Quốc hội Mỹ mới ra luật lệ về nạn lũng đoạn đối đoái theo đó nếu có doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì hàng Trung Quốc (hay bất kỳ xứ nào khác) nhập vào quá rẻ thì có quyền khiếu nại lên Bộ Thương Mại để điều tra xem quốc gia đó có hay không can thiệp vào hối đoái nhằm nâng đỡ hàng xuất cảng của mình và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Nếu việc điều tra xác nhận là có thì Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt, như tăng hối suất nhập nội đánh trên các món hàng đó.

Sự thật kinh tế bên dưới chuyện này là những gì?

Hoa Kỳ có nền kinh tế mạnh, với thị trường tiêu thụ lớn, trong đó chỉ có 13% hàng tiêu thụ là nhập cảng mà có khi là nhập cảng hàng hóa do các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào xứ khác mà bán ngược về Mỹ. Tác động của việc trợ giá xuất cảng hàng nhập vào Mỹ chỉ giới hạn trong tỷ lệ 13% này, và thực tế còn thấp hơn.

Những người chủ trương việc trừng phạt tội lũng đoạn cho rằng hàng Trung Quốc làm nước Mỹ mất hai triệu việc làm kể từ năm 2000. Số dân lao động tại Hoa Kỳ là 150 triệu người, nếu quả thật là vì hàng Trung Quốc mà mất hai triệu việc làm, chủ yếu là trong khu vực chế biến, thì tỷ lệ thiệt hại ấy là 1,3% trong 10 năm. Trong khi đó, nhờ tự do thương mại và sức cạnh tranh của nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm khác trong khu vực siêu kỹ thuật và dịch vụ. Tỷ lệ “thêm” và “bớt” này không được các chính trị gia để ý tới mà chỉ tung ra lập luận là vì Trung Quốc mà ta mất hai triệu việc làm.

Đấy là điều cần cứu xét lại!

Thứ hai, trong bảy năm liền, Hoa Kỳ ồ ạt bơm tiền vào kinh tế qua biện pháp quantitative easing khiến tiền nhiều và rẻ đã đánh sụt hối suất Mỹ kim cho tới năm ngoái. Khi đó, nhiều quốc gia kết án Hoa Kỳ là cố tính phá giá và mở ra cuộc chiến về ngoại tệ, tức là cũng bơm tiền để đồng bạc của mình giảm giá. Nghĩa là nhìn từ quan điểm của nhiều xứ khác, Mỹ cũng gián tiếp lũng đoạn hối đoái!

Nhưng từ năm ngoái, Mỹ kim lại lên giá vì kinh tế Hoa Kỳ vẫn có triển vọng cao nhất trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật. Khi đó chẳng còn ai than là Mỹ lũng đoạn hối đoái nữa.

Chuyện thứ ba, từ năm năm nay, Bắc Kinh đã thay đổi chính sách hối đoái và lặng lẽ nâng tỷ giá đồng Nguyên từ tám đồng lên sáu đồng một Mỹ kim – chỉ cần sáu đồng là đổi được một đô la. Nếu đồng nguyên lên giá gần một phần ba như vậy thì ta khó nói đến nạn lũng đoạn. Huống chi là tuần qua, đúng ngày Nghị sĩ Schummer cài thêm dự luật trừng phạt tội lũng đoạn ngoại tệ, Bắc Kinh lại còn nâng hối suất đồng bạc và mở rộng biên độ giao dịch từ 1% lên 2%.

Nói các khác, gán cho Bắc Kinh tội lũng đoạn hối đoái là chuyện lỗi thời!

Trong khi ấy, Nhật Bản mới đang ráo riết bơm tiền theo phương pháp quantitative easing để kích thích kinh tế nên đồng Yen tuột giá mạnh và có thể bị Quốc hội Hoa Kỳ kết tội là lũng đoạn hối đoái, trong khi Mỹ với Nhật mới là hai trụ cột của TPP đối diện với Trung Quốc!

Kết luận ở đây là gì?
Chính trường Mỹ có dấu hiệu bảo thủ và lỗi thời khi tạo khó khăn cho hiệp ước TPP.
Mà dân Mỹ không biết!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207565&zoneid=403

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét