Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Thêm một chứng từ không hay

Thêm một chứng từ không hay
GS Nguyễn Văn Tuấn 08-05-2015 - Chúng ta, người Việt, gọi tên Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này thì ai cũng biết. Nhưng bạn nghĩ sao nếu chính phủ VN gọi theo người Tàu là “Tây Sa” và “Nam Sa”? Ấy thế mà đó là cách gọi trên giấy trắng mực đen của Bộ Ngoại giao VNDCCH!
Tôi mới đọc trên fb của bác Hoàng Dzũng viết về một tài liệu được trưng bài trong buổi hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của học giả – nhà văn Nguyễn Đổng Chi. Tài liệu là một văn bản của Bộ Ngoại giao VNDCCH gửi cho học giả Nguyễn Đổng Chi vào ngày 22/1/1974. Nhưng cái tên trong văn bản đó mới là đáng nói. Nguyên văn như sau:

“BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
 Độc lập Tự do Hạnh phúc
Số LS/BG
Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1974

Kính gửi: Đ/c Giám đốc Thư viện nhà nước
Đ/c Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội
Đ/c Cục trưởng Cục Lưu trữ
Đ/c Viện trưởng Viện Sử học

Thủ tướng Chính phủ cần tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây sa và Nam sa.

Đề nghị đồng chí bố trí cán bộ làm việc trong mấy ngày tết sưu tầm gấp các tư liệu, bản đồ về vấn đề này để trong vài ba ngày kịp trình lên đồng chí Thủ tướng. Chúng tôi xin cử cán bộ đến trực tiếp trình bày với các đồng chí để nói rõ thêm vấn đề này.

KT/BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Thứ trưởng
Hoàng Văn Tiến”


Để đặt cái công văn này trong bối cảnh, chúng ta cần phải nhớ rằng Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa từ VNCH vào ngày 19/1/1974. Trận hải chiến đó (do VNCH nổ súng trước) làm cho 75 lính hải quân hi sinh.

Ba ngày sau, Bộ Ngoại giao VNDCCH mới gửi công văn này đến học giả Nguyễn Đổng Chi để … “sưu tầm tài liệu” trình Thủ tướng. Nói cách khác, VNDCCH có vẻ chẳng biết chủ quyền hai quần đảo đó là thuộc Việt Nam! Chuyện khó tin nhưng có thật. Chuyện càng khó tin khi Bộ Ngoại giao VNDCCH mà dùng danh xưng của Tàu cộng để chỉ 2 quần đảo của Việt Nam! Nhưng nhìn chung, cái công văn đó cho thấy khi Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH, phía VNDCCH … không biết nói gì. Nói cách khác, họ mù mờ về sự thật lịch sử.

Trước đây, tôi vẫn bán tín bán nghi khi Tàu cộng chúng rêu rao rằng VNDCCH từng tuyên bố rằng Hoàng Sa thuộc về Tàu. Chúng tung tài liệu nói rằng “Ngày 15/6/1956, trong khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói với ông rằng: ‘Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc’” (1). Tuyên bố này có thật, vì cuốn sách “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của ông Lưu Văn Lợi do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, xác nhận.

Trong một bài viết mới đây, Gs Vũ Cao Đàm (ĐHQG Hà Nội) có nói đến quan điểm của ông Lê Duẩn lúc Tàu cộng đám chiếm Hoàng Sa từ VNCH như sau:

“Còn khi Tàu Cộng chiếm Hoàng Sa thì mấy ông tuyên huấn của Bác Duẩn lại báo tin mừng cho chúng tôi biết, là ‘bạn’ đã giúp ta lấy lại Hoàng Sa ‘từ tay quân ngụy’. […] Hỏi quân ngụy là ai mà dám chiếm đóng Hoàng Sa, thì mới tá hỏa ra là bọn họ cũng là người Việt Nam, đang cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo của nước ta” (2).

Câu chuyện trên đây do bác Vũ Cao Đàm kể lại, cùng với chứng từ “Tây Sa, Nam Sa” của Bộ Ngoại giao VNDCCH, và phát biểu của ông Ung Văn Khiêm tiết lộ một cách khá nhất quán rằng thời đó mấy quan chức và lãnh đạo cao cấp ngoài Bắc rất mơ hồ về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa. Do đó, ngày nay khi những người nối nghiệp họ phải gặp khó khăn lớn khi đương đầu với những chứng từ do chính họ sản sinh.

___

(1) Miền Bắc có tuyên bố Hoàng Sa của TQ? (BBC).

(2) Bác Trọng làm theo lời dạy của Bác Hồ hay lời dạy của các bác khác? (BVN/ Ba Sàm).

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

____

Lam Điền

Công văn Mật ở hội thảo Nguyễn Đổng Chi

08-05-2015

Hôm qua hội thảo 100 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi. Ngoài phần tham luận của học giới các chuyên ngành, phía gia đình đem đến một triển lãm nho nhỏ, bao gồm hình chụp các tư liệu, bản thảo, giấy tờ công tác hồi GS Nguyễn Đổng Chi còn sinh thời và còn làm việc.

Trong số hình ảnh triển lãm ấy có 1 bản công văn của Bộ Ngoại giao, chữ đánh máy, có đóng dấu Mật và Hỏa tốc, đề ngày 22-1-1974, gửi cho các nơi như này: – Đ/c Giám đốc Thư viện Nhà nước; Đ/c Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội; Đ/c Cục trưởng cục Lưu trữ; Đ/c Viện trưởng Viện Sử học.

Nội dung là:

Thủ tướng Chính phủ cần tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

Đề nghị đồng chí bố trí cán bộ làm việc trong mấy ngày Tết sưu tầm gấp các tư liệu, bản đồ về vấn đề này để trong vài ba ngày kịp trình lên đồng chí Thủ tướng.

Chúng tôi xin cử cán bộ đến trực tiếp trình bày với các đồng chí để nói rõ thêm về vấn đề này.

Công văn có dấu Bộ Ngoại giao, chữ ký của Thứ trưởng Hoàng Văn Tiến.

Ngoài ra, bên cạnh còn có bút tích ghi bằng mực màu đen: Đề nghị anh Chi tích cực thực hiện giúp. Chữ ký bên dưới đọc có lẽ là “Văn Tạo
”.

Đây là công văn ra đời 3 ngày sau khi Hoàng Sa bị Trung Quốc tiến chiếm (19-1-1974). Nội dung thể hiện không khí gấp gáp của Chính phủ thông qua ý muốn của Thủ tướng cần có tư liệu, bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nên đã chỉ thị các cơ quan liên quan tìm ngay trong mấy ngày tết.

Ảnh chụp công văn này khi đưa triển lãm được chú thích là: “Chỉ thị mật của Bộ Ngoại giao yêu cầu khảo sát tài liệu về Hoàng Sa và Trường Sa trong những ngày tết năm 1974”.

Vấn đề là, mình chưa tra ra được vào thời điểm công văn này phát ra, thì GS Nguyễn Đổng Chi giữ chức vụ/ nhiệm vụ gì cụ thể. Tương tự, mình cũng chưa biết vào lúc đó GS Văn Tạo giữ chức vụ/ nhiệm vụ gì. Nhiều khả năng bút phê kia là của Văn Tạo, nếu vậy, công văn này từ chỗ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến chỗ GS Văn Tạo, rồi mới đến GS Nguyễn Đổng Chi. Và quan trọng hơn, kết quả của chuyến làm việc gấp rút trong mấy ngày tết 1974 ấy là gì? Rồi sau đó Chính phủ đã làm gì tiếp theo.

Tuy nhiên, cách dùng chữ Tây Sa và Nam Sa trong công văn này gợi cho mình một ý muốn tìm hiểu là cụm từ Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là vào lúc nào, ở đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét