Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Nhân chuyện lãnh đạo VN nói tiếng Anh

Nhân chuyện lãnh đạo VN nói tiếng Anh
Nhiều trang mạng trong và ngoài Việt Nam đang chia sẻ chuyện 'lãnh đạo biết ngoại ngữ', sau khi video Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn chương trình nổi tiếng của ABC bằng tiếng Anh về hang Sơn Đoòng lan tỏa. Đây chắc chắn là điểm son cho chính phủ Việt Nam và bản thân ông Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông thạo tiếng Anh
Tại BBC Tiếng Việt, chúng tôi cũng điểm lại các video ghi hình một số vị lãnh đạo Việt Nam thuyết trình hoặc giao tiếp bằng ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, thì cảm thấy có nhiều ấn tượng tích cực ( xem tại đây).

Chẳng hạn, Tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, cựu Phó Thủ tướng, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đã có bài thuyết trình bằng Anh ngữ ở New York.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có buổi trả lời hoàn toàn bằng tiếng Anh tại World Economic Forum ở Đại Liên, Trung Quốc.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các thứ trưởng trong Bộ Ngoại giao cũng thông thạo tiếng Anh nhưng đây là điều bình thường vì ngành này luôn phải biết ngoại ngữ và được đầu tư du học, tập huấn.

Vì sao cần tiếng Anh?

Thực ra, trên thế giới, không phải lãnh đạo nào cũng biết ngoại ngữ.

Ở các nước tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Singapore...nhà lãnh đạo 'có quyền' không biết ngoại ngữ vì báo chí, sách vở trong ngôn ngữ của họ đã có đầy đủ thông tin, kiến thức cần thiết để không bị lạc hậu.

Ở Đức, Pháp, Ý và nhiều nước Đông Âu cũng thế, sách báo của họ chẳng thiếu gì để phải biết ngoại ngữ mới nắm được.

Tuy thế, các nhà lãnh đạo thế hệ sau Chiến tranh Lạnh đều rành tiếng Anh ở mức giao tiếp và công việc.

Vì làm thủ tướng nước lớn nhất châu Âu và chắc là do tự hào dân tộc, bà Angela Merkel thường phát biểu tiếng Đức trên các diễn đàn EU.

Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi xem đoạn YouTube bà phát biểu tiếng Anh trước Nghị viện tại London trong một lần thăm viếng.

Không những thế, bà Merkel còn biết tiếng Nga rất rành vì đã học ở Đông Đức, điều khiến bà có 'uy lực' hơn hẳn lãnh đạo Anh, Pháp và Mỹ trong đối thoại với ông Vladimir Putin.

Nhìn ra thế giới, với các nước đang phát triển thì biết một ngoại ngữ chính, như tiếng Anh, còn là dấu hiệu chứng tỏ nhà lãnh đạo:

Có kiến thức mới mẻ, hiện đại vì có thể tự thân tiếp cận thông tin không qua bộ lọc gây nhiễu

Có khả năng giao tiếp quốc tế kể cả qua mạng xã hội để nâng uy tín cho bản thân và quốc gia

Trong bối cảnh chung đó, biết hay không biết tiếng Anh vẫn đang là một tiêu chuẩn để dư luận đánh giá lãnh đạo, khiến Việt Nam tiếp tục là ngoại lệ trong ASEAN.


Trang FB của Thủ tướng Lý Hiển Long có trên 700 nghìn fan

Cũng có thể vì thiếu ngoại ngữ, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam còn e ngại dùng mạng xã hội, khác hẳn các ông Lý Hiển Long, Joko Widodo, Najib Razak thường xuyên dùng Facebook, Twitter kết nối với công chúng bằng tiếng Anh.

Trong tuần Singapore vĩnh biệt cố thủ tướng Lý Quang Diệu, trang Facebook của ông Lý Hiển Long là nơi ông kết hợp rất khéo vai trò con để tang cha và vị trí thủ tướng để dẫn dắt dư luận qua các post khác nhau, khi cảm ơn, khi tải video, lúc là bình luận riêng.

Biến động ngôn ngữ

Lý do yếu kém ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh thì có nhiều, nhưng ta không nên quên yếu tố chính trị.

Sự chao đảo, lúc theo bên này, lúc ngả bên kia, khiến chuyện học ngoại ngữ ở Hà Nội từ 1954 biến thiên như sau: bỏ Pháp học Trung, sau lại bài Trung học Nga, rồi chán Nga học Anh, Pháp, cuối cùng lại học Trung trở lại, cộng thêm cả Nhật, Hàn.

Việt Nam đã mất vài thế hệ không ngoại ngữ nào thông thạo đến nơi đến chốn và hàng vạn người đã học tiếng Nga, tiếng Đức và các ngôn ngữ ở Đông Âu về thì không sử dụng nên quên dần đi.

Ngày nay thì xã hội lại có quá nhiều ham muốn nên tiếng gì cũng được dạy ở Việt Nam.

Một số văn bản nhà nước vẫn còn yêu cầu làm quan chức ở cấp trung cao trở lên biết một trong mấy ngoại ngữ chính: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc...

Cũng có ý định đưa tiếng Trung vào lại trường học, không hiểu để làm gì trong khi chính Trung Quốc đang thúc đẩy phổ cập tiếng Anh bằng mọi giá.

Các tiêu chí tham lam này chắc chỉ có ở Việt Nam, một lần nữa phản ánh sự bối rối, theo gì, học ai.
Trong khi đó, trừ một số ví dụ ở cấp cao như nói trên đa phần quan chức Việt Nam vẫn vất vả trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh.


Việt Nam đã trải qua nhiều 'biến động ngoại ngữ'

Cùng lúc, giới nghiên cứu người nước ngoài, các cây viết, blogger, các quan chức ngoại giao đến Việt Nam lại ngày càng giỏi tiếng Việt.

Dù giọng có thể chưa chuẩn, họ đã suốt ngày giao lưu, trả lời phỏng vấn, viết blog, toàn bằng tiếng Việt cả và cứ thế, đem cách nhìn riêng chia sẻ với công chúng Việt Nam.

Không chỉ kém tiếng Anh, bộ máy tại Việt Nam có nguy cơ 'thua ngay trên sân nhà' bằng tiếng Việt.

Dân chủ hóa tiếng Anh


Theo tôi, để phổ biến tiếng Anh, người Việt Nam cần đổi tư duy 'học ngoại ngữ' để chấp nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ bình thường của chính mình, dùng trong thảo luận, tranh cãi, thuyết trình, trong chơi thể thao ở trường học.

Ngôn ngữ chỉ hấp dẫn khi nó chuyển tải các ý tưởng mới nên Nhà nước cần bỏ rào cản trong báo chí, in ấn, xuất nhập sách báo, cho các tờ báo lớn trên thế giới được cho phổ biến trên cả nước, và vào các trường học.

Tôi đến trường cấp hai của cậu con trai ở vùng Kent, Anh Quốc thấy phòng đọc có đầy đủ các tạp chí như The Economist, National Geographic, các báo Financial Times, The Guardian, The Times, Newsweek...

Vì họ quan niệm những thứ hay cần được biết đến càng sớm càng tốt và học sinh từ tuổi 14-15 hoàn toàn có thể đọc ngay những ấn bản có trình độ, không phải đợi đến khi về già mới biết.


Người ta xem các kênh truyền hình nước ngoài để biết thông tin không bị thanh lọc

Việt Nam cũng nên cho truyền trực tiếp các kênh BBC, CNN, ABC nguyên bản ra ngoài xã hội. Hiện nay, các kênh này bị hạn chế trong khách sạn cho ngoại kiều hoặc nối cable phục vụ một nhóm cư dân giàu sang.

Tiếng Anh cũng chỉ phổ biến được khi nó không còn sự phân biệt: giới giàu có cho con học trường quốc tế hoặc dự các lớp ngoại ngữ ở nơi đô thị, còn khu vực nông thôn hay vùng xa bị bỏ trống.

TV ở Việt Nam vẫn phát ra các bản tin khô khan bằng tiếng Anh 'phục vụ thông tin đối ngoại' chứ chưa coi tiếng Anh là ngôn ngữ cho đại chúng ở Việt Nam.

Đây là một hoạt động phí tiền nên ngưng.

Và cũng cần thay đổi quan niệm hay mặc cảm về giọng nói, cách đặt câu.

Sẽ là chuyện không tưởng và hơi phản khoa học nếu đòi Việt Nam đến một ngày nào đó có hàng vạn người nói tiếng Anh giọng London, New York.

Đây chỉ là giọng đặc trưng của các thành phố đó và người dân Anh, Mỹ ở những vùng khác không nói như thế.

Dân các nước châu Á, châu Phi đều nói tiếng Anh theo giọng riêng, và chỉ có vài ba trường hợp, như cựu thủ tướng Thái Lan, Abhisit Vejjajiva do sinh ra ở Anh (Newcastle) và học từ nhỏ bên này mới nói giọng Anh thuần tuý.

Học tiếng Anh không nhất thiết phải để giao tiếp với người Anh

Khác tiếng La Tinh đã là tử ngữ, tiếng Anh sống động, biến đổi liên tục và chấp nhận nhiều giọng nói, dung nạp nhiều từ mới khá thoải mái.

Tóm lại là trừ lĩnh vực văn bản cần các chuyên gia phiên dịch cẩn thận, còn trong dân chúng và cán bộ, cứ nói thoải mái đi, sai thì sửa và không cần mặc cảm trong giao tiếp tiếng Anh.

Người Việt từng kháng cự trước Hán ngữ, Pháp ngữ nhưng khi đã nhận thức ra rằng dùng chúng có lợi cho quốc gia, nâng tầm văn minh cho dân tộc thì họ đều thành chủ nhân sáng tác thơ ca, viết nghị luận chính trị, ngoại giao, triết học bằng chữ Hán, tiếng Pháp.

Người gốc Việt nhập cư vào Mỹ, Úc từ hồi nhỏ mà khi lớn lên đã có tác phẩm văn học được giải thưởng nên chuyện biết tiếng Anh cao siêu là điều không phải lo lắng.

Cái rất cần là khả năng nói, viết, diễn đạt thực dụng thông qua sử dụng thường xuyên.

Coi tiếng Anh là tiếng của mình thì đến một ngày chúng ta mới làm chủ được nó.

Cứ thế, đến một ngày Vietnamese English có vị trí quốc tế và chuyện lãnh đạo nói tiếng Anh không còn là hiện tượng để cả nước trầm trồ nữa.

Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét