Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Những biểu tượng Sài Gòn sống mãi cùng năm tháng

Những biểu tượng Sài Gòn sống mãi cùng năm tháng
Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Chùa Vĩnh Nghiêm, Tòa nhà Tổng giám mục... gắn bó với người Sài Gòn hàng trăm năm nay. Những địa danh này đến nay vẫn còn lưu giữ và được nhắc mãi. Những biểu tượng của Sài Gòn ngày ấy - bây giờ
Chợ Bến Thành do một người Pháp chụp năm 1964 (ảnh trên) và năm 2014 (ảnh dưới), hình ảnh của cửa Nam chợ nhìn ra công viên Quách Thị Trang trên đường Lê Lợi. Nhắc đến Sài Gòn, nhiều người nghĩ ngay đến chợ Bến Thành như một biểu tượng riêng biệt và đáng nhớ.




Nhìn chung kiến trúc của chợ ngày nay không có nhiều thay đổi với diện tích hơn 13.000 m2, 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và 12 cửa phụ xen kẽ xung quanh. Song cách thức kinh doanh buôn bán của tiểu thương đã ngày càng hiện đại hơn. Chợ Bến Thành cũng là chợ đầu tiên ở Sài Gòn mà khách mua sắm có thể thanh toán trực tiếp bằng thẻ visa. Bà Trần Thị Bê, 67 tuổi, bán hàng may mặc nói: “Hai má con tôi buôn bán ở chợ Bến Thành từ năm tôi 12 tuổi. Ngày xưa tôi chở trái cây từ Củ Chi theo xe ngựa lên chợ ngồi bán, chợ tấp nập đông vui quanh năm”. Ảnh: Khánh Ly.





Địa danh thứ hai chắc chắn nhiều người sẽ nhớ tới khi nói về Sài Gòn là Nhà thờ Đức Bà, mô hình thu nhỏ của Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là nhà thờ cổ và kiến trúc tiêu biểu của thành phố với tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1877 đến 1880. Năm 1895 (ảnh trên) nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m. Đến năm 1958 thì tượng Đức Mẹ Hòa Bình được tạc thêm bằng đá cẩm thạch trắng Carrara của Italy, đặt ở cửa phía Đông nhìn sang tòa nhà Metropole đường Đồng Khởi hiện nay (ảnh dưới). Vào dịp Giáng sinh, nhà thờ là nơi cử hành lễ đón chúa Hài Đồng lớn nhất thành phố với hàng chục nghìn người tham gia, khu vực này chỉ có thể đi bộ. Ảnh: Khánh Ly.





Nằm kế Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn được xây dựng trong 5 năm, từ 1886 đến 1891 với thiết kế do kiến trúc sư người Pháp Villedieu vẽ. Kiến trúc bưu điện pha trộn lối kiến trúc cổ điển Châu Âu và kiến trúc truyền thống Châu Á, là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài. Kiến trúc bên ngoài Bưu điện trung tâm năm 1963 (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới) hầu như ít thay đổi. Ngày nay khách đến bưu điện vẫn có thể gặp một ông cụ đã hơn 80 tuổi cặm cụi viết thư thuê cho khách, công việc ông đã làm đến nửa đời người. Ảnh: Khánh Ly.




Tòa nhà Bảo tàng lịch sử TP HCM được xây dựng từ năm 1885 và hoàn thành năm 1890, theo đồ án của kiến trúc sư người Pháp là Alfred Foulhoux. Mục đích xây dựng ban đầu là làm nhà trưng bày sản phẩm Nam Kỳ nhưng xây xong Thống đốc Nam Kỳ lấy làm tư dinh. Sau năm 1975, tòa nhà được chọn làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM, nay được gọi là Bảo tàng lịch sử TP HCM. Xây dựng lúc đầu hai bên cửa chính tòa nhà là hai bức tượng nữ thần (ảnh trên), năm 1943 viên thống đốc Haeffel tháo gỡ tượng và xây cửa có mái che như hiện nay (ảnh dưới). Ảnh: Khánh Ly.




Tiền thân của Dinh Độc lập là Dinh Thống đốc Nam kỳ tên Norodom, do kiến trúc sư người Pháp Hermite thiết kế năm 1868. Sau nhiều lần bị ném bom và hư hại, năm 1962, dinh được san bằng rồi xây mới theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành năm 1966. Dinh cao 26 m, rộng 4.500 m2, với 100 phòng gồm 3 tầng chính và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp, hệ thống hầm ngầm kiên cố. Địa danh này chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử thăng trầm của thành phố từng được ví là Hòn ngọc phương Đông. Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng miền Nam đã húc đổ cánh cửa sắt Dinh Độc lập, đánh dấu thời khắc lịch sử của Sài Gòn. Quá trình chuyển giao và tiếp nhận chính thể mới cũng diễn ra tại đây. Sau 1975, Dinh Độc Lập đổi tên thành Dinh Thống Nhất, ngày nay trở thành địa điểm tham quan lịch sử của du khách khi đến với Sài Gòn. Ảnh: Khánh Ly.





Chùa Vĩnh Nghiêm trước đây (ảnh trên) và năm 2014 (dưới) không có thay đổi đáng kể về kiến trúc tòa pháp đường chính. Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 6.000 m2 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Chùa Vĩnh Nghiêm tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20. Từ dưới sân lên tòa nhà trung tâm có ba cầu thang rộng gồm 23 bậc thang. Những dịp lễ tết, rằm, đông đảo phật tử, người dân thành phố đến chùa để khấn vái, cầu bình an. Ảnh: Khánh Ly.





Nhà hát Thành phố được người Pháp khởi công năm 1898, khánh thành năm 1900 nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của giới thượng lưu Sài Gòn bấy giờ. Trải qua gần 100 năm chiến tranh với nhiều biến đổi về kiến trúc và mục đích sử dụng, nhân dịp kỷ niệm 300 năm khai sinh thành phố Sài Gòn, năm 1998 chính quyền thành phố đã đại tu bổ nhà hát với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu. Một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa... được phục chế. Ảnh: Khánh Ly.




Tòa nhà Tổng giám mục có ba tầng với những ô cửa sổ mái vòm và lợp ngói đỏ. Tòa nhà nằm ở số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, hiện nay (ảnh dưới) vẫn giữ nguyên nét kiến trúc so với hơn 100 năm trước (ảnh trên). Ảnh: Khánh Ly.

Khánh Ly (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét