Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Sơn La động đất, đại thảm họa lơ lửng bên trên Hà Nội

Sơn La liên tục động đất, đại thảm họa lơ lửng bên trên Hà Nội
(NV) - Ba trận động đất liên tiếp xảy ra trong đêm 19 Tháng Bảy ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, khiến người ta nhớ đến cảnh báo về đại thảm họa cho Hà Nội cách nay khoảng 15 năm.
Vị trí tâm chấm động đất ở huyện Mường La, Sơn La, nơi có 
đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. (Hình: Viện Vật Lý Địa Cầu)
Trận động đất đầu tiên ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La xảy ra vào lúc 19 giờ 14 phút 57 giây tối 19 Tháng Bảy, với cường độ 4.3 độ richter. Trận động đất thứ hai xảy ra vào lúc 20 giờ 23 phút 46 giây, với cường độ 3.2 độ richter. Đến 21 giờ 42 phút 16 giây lại cóthêm một trận trận động đất nữa với cường độ 3.5 độ richter.

Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam xác nhận, trận động đất đầu tiên gây rung động cấp ba đến khu vực nội thành Hà Nội và cả ba trận động đất đều xảy ra trong đới đứt gãy Mường La – Bắc Yên đang hoạt động.

Từ năm 1999, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam có dự định xây dựng thủy điện Sơn La, giới khoa học trong và ngoài nước đã liên tục cảnh báo về “đại thảm họa” do dự định này tạo ra, tác động nghiêm trọng tới kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tương lai Việt Nam và kêu gọi chế độ Hà Nội gạt bỏ dự định đó.

Thủy điện Sơn La là một phần trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Ðà. Trước nữa, chính quyền Việt Nam từng cho chặn đoạn giữa của sông Ðà làm thủy điện Hòa Bình. Với dự án thủy điện Sơn La, sông Ðà sẽ tiếp tục bị chặn ở đoạn phía trên thủy điện Hòa Bình để lập nhà máy thủy điện Sơn La.

Về quy mô, thủy điện Sơn La được xem là nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á (hồ chứa nước có diện tích 224 km2, dung tích 9.26 tỉ khối nước, công suất 2400 MW, sản lượng điện 9.429 tỉ kWh/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.5 tỉ Mỹ kim). Ðể thực hiện công trình khổng lồ đó, có khoảng 20,000 gia đình, với trên 100,000 dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa số là người thiểu số) bị buộc phải chuyển đi nơi khác.

Dù được quảng bá rằng sẽ tăng thêm nguồn điện, giảm lũ trong mùa mưa, cấp thêm nước cho đồng bằng sông Hồng trong mùa khô nhưng dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La tạo ra nhiều âu lo hơn là sự vui mừng.


Bản vẽ phối cảnh đập thuỷ điện Sơn La. Công trình được dự báo là một “đại thảm hoạ” đang lơ lửng trên đầu dân chúng đồng bằng sông Hồng.(Hình: VNCold)

Theo giới chuyên viên, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La sẽ tạo ra vô số tác động bất lợi đến môi trường (thay đổi về vi khí hậu, hệ động vật, hệ thực vật, đất bị trượt, vận tải chất rắn, suy giảm chất lượng nước, cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn người sẽ bị xáo trộn hoàn toàn).

Họ còn cảnh báo rằng, vì những trung tâm đông dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng đều nằm dưới mực nước lũ, do rừng đã mất, biến đổi khí hậu khiến mưa bão càng ngày càng nhiều và càng lớn, Sơn La lại là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất Việt Nam (trên khu vực có bán kính 200 cây số quanh công trình thủy điện Sơn La đã xảy ra 1,089 vụ động đất), nên đập thủy điện Sơn La rất dễ vỡ.

Nếu đập thủy điện Sơn La vỡ, đập thủy điện Hòa Bình cũng sẽ vỡ theo và như thế hồ chứa nước của thủy điện Sơn La thực sự là một “đại thảm họa”, treo lơ lửng trên đầu châu thổ sông Hồng. Trên báo chí Việt Nam, người ta đã từng công bố những tính toán, theo đó: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng”.

Tuy nhiên Hà Nội đã phớt lờ tất cả. Dự án xây dựng thủy điện Sơn La vẫn được tiến hành.

Hồi tháng 9 năm 2008, người ta đã phát hiện vết nứt trên thân đập chính, đến tháng 2 năm 2009, người ta lại phát giác thêm một số vết nứt nữa chạy dọc các đập không tràn ở cả hai bên phải và trái (trong thủy điện, có hai loại đập quan trọng: đập chính để giữ nước, đập không tràn để dẫn nước vào hầm ngầm giúp chạy máy phát điện, các đập không tràn được ví như “trái tim của nhà máy phát điện”) của thủy điện Sơn La. Một số vết nứt trên đập không tràn dài gần 100m, sâu 6m.

Lúc đó, Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng có tầm vóc quốc gia cho biết, đã thành lập một tổ chuyên gia để thẩm tra báo cáo của chủ đầu tư (Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam) về việc xử lý những vết nứt tại đập chính thủy điện Sơn La nhưng kết quả thế nào thì từ đó đến nay vẫn chưa được công bố.

(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191985&zoneid=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét