Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Đào mỏ ngân sách

Đào mỏ ngân sách
bởi Trần Vinh Dự
Kinh tế học của phương Tây có khái niệm rent-seeking (khái niệm được Anne Krueger đặt ra năm 1974). Rent-seeking được dùng để chỉ hành vi của các cá nhân, tổ chức, hay doanh nghiệp, dùng tiền bạc hay các loại lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc gián tiếp) để “vận động hành lang” (lobby) với các quan chức nhà nước nhằm trục lợi từ các chính sách của nhà nước. Hành vi của người đi lobby trong trường hợp đó được gọi là rent-seeking. Làm chính sách được tạo ra dưới ảnh hưởng của các hành vi rent-seeking này được gọi là rent-seeking policy making.
Thí dụ một doanh nghiệp lobby quan chức nhà nước để có được một giấy phép hoạt động trong một lĩnh vực nào đó và sau đó lobby để ngăn chặn các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường này. Cụ thể, vụ việc của EMG vừa qua ở Việt Nam có thể coi là một trường hợp rent-seeking trong giáo dục ở Việt Nam. Các hoạt động này ít nhiều đều có ở hầu hết các nền chính trị, kể cả các nền chính trị dân chủ như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các nền chính trị càng thiếu minh bạch và pháp quyền (rule of law) càng ít được tôn trọng thì các trường hợp rent-seeking càng phổ biến.

Khái niệm này không dùng được trong trường hợp các quan chức nhà nước (bị lobby hay không bị lobby) tìm cách xin thực hiện các dự án của nhà nước, bằng tiền ngân sách của nhà nước, nhưng với động cơ thuần tuý là để được chia phần trăm từ các dự án này. Tôi tạm gọi trường hợp này bằng cái tên đào mỏ ngân sách (budget-mining) dựa trên sự tương đồng nhất định giữa hoạt động xin ngân sách làm dự án (để trục lợi) với việc đào mỏ.

Khác với khái niệm rent-seeking, người làm chính sách trong trường hợp của budget-mining ngay từ đầu đã xác định vẽ ra dự án, xin ngân sách để làm dự án, với mục tiêu trục lợi cá nhân. Ở đây không quan trọng ai là người (đối tác, nhà thầu, contractors) triển khai, vì công thức chia phần trăm cho những người “chủ” của dự án đã có và đã được mặc định bằng các quy luật bất thành văn. Đương nhiên vẫn có những trường hợp theo kiểu crony, tức là doanh nghiệp câu kết với quan chức tạo thành một nhóm, quan chức đứng ra xin dự án, nếu thành công thì doanh nghiệp thân hữu này đứng ra triển khai, lợi nhuận cùng chia.

Đào mỏ ngân sách bản thân nó là một quá trình có rủi ro. Nó chỉ tồn tại và thịnh vượng trong các môi trường với những đặc điểm chính sau đây:

Thứ nhất, việc lại quả phải là một thông lệ (norm) mà bất cứ nhà thầu nào có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm dự án công cũng phải biết. Công thức lại quả trên thị trường càng rõ ràng thì kỳ vọng về lợi nhuận của quan chức khi xin được dự án càng rõ ràng, vì thế động cơ đào mỏ ngân sách càng mạnh;

Thứ hai, quy trình “xin” và “cho” dự án công càng lỏng lẻo bao nhiêu thì việc vẽ dự án rởm để đào mỏ càng dễ dàng bấy nhiêu. Nói cách khác, việc thẩm định tính cần thiết, yêu cầu kỹ thuật, chi phí... càng đơn giản và dễ lấp liếm bao nhiêu thì các nhà đào mỏ ngân sách càng phấn khích bấy nhiêu.

Thứ ba, việc thẩm định chất lượng, nghiệm thu dự án càng mù mờ, dễ bỏ qua bao nhiêu thì khả năng xảy ra “sự cố” khi phát hiện các vấn đề sau khi dự án triển khai xong càng thấp bấy nhiêu. Nói cách khác, tính an toàn của “mỏ” càng cao. Chính vì điểm thứ 3 này và điểm thứ 2 ở trên nên các dự án trong các lĩnh vực và công luận dễ nhìn thấy hiệu quả, chất lượng, chi phí… khó đào mỏ hơn các lĩnh vực mới mẻ, tiên phong, lạ lẫm, mang tính thử nghiệm, hoặc bí mật.

Thứ tư, việc xét xử và quy trách nhiệm quan chức bị phát hiện đã đào mỏ ngân sách càng khó, các chế tài áp dụng đối với người bị phát hiện càng nhẹ nhàng, thì hoạt động đào mỏ càng thuận lợi. Một môi trường của chế độ trách nhiệm tập thể đương nhiên là một môi trường thuận lợi hơn nhiều so với môi trường theo đó phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Thứ năm, muốn đào mỏ ngân sách thì mỏ ngân sách cũng phải đủ lớn để đào. Tức là không phải quan chức trong ngành nào cũng dễ đào mỏ ngân sách, và không phải thời điểm nào cũng thuận lợi như nhau cho việc đào mỏ. Vào những thời điểm khó khăn, ngân sách nhà nước bị thu hẹp, kỷ luật ngân sách được đề cao, thì việc đào mỏ ngân sách sẽ khó khăn hơn so với những thời kỳ kinh tế phát triển thuận lợi.

Các điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào mỏ ngân sách đều ít nhiều tồn tại ở Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều vụ việc tham nhũng trong các dự án đầu tư bằng ngân sách của nhà nước bị phát hiện (thí dụ như vụ PMU18 đình đám một thời), nhưng chưa có một nghiên cứu có tính hệ thống nào về cách tiếp cận của các quan chức nhà nước đối với việc làm dự án. Sẽ rất thú vị nếu có một nghiên cứu chỉ ra bao nhiêu các dự án (về số lượng dự án và về số tiền) được hình thành xuất phát từ các nhu cầu có thật, tính cấp thiết có thật, và hoàn toàn không mang tính tư lợi, và bao nhiêu dự án xuất phát từ hoạt động đào mỏ ngân sách (budget-mining).

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/content/dao-mo-ngan-sach/1963025.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét