Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

“Thoát Trung” nhưng cũng cần cẩn trọng

Tôi không đồng tình với hầu hết các nội dung trong bài này, đặc biệt là 3 "nhìn nhận" mà TS Ngọc chỉ ra. Thứ nhất, so sánh thâm hụt thương mại, đầu tư giữa Mỹ, Nhật và Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc có sai lầm về bản chất. Các nước trên phân tán cơ sở sản xuất của mình sang TQ để tận dụng nguồn lao động và tài nguyên rẻ mạt ở đó để sản xuất, sau đó nhập hàng hóa về nước mình để tiêu dùng hoặc tiếp tục chế tác tinh xảo làm tăng mạnh giá trị gia tăng. Phụ thuộc TQ ở đây là chủ động, vì cơ sở vật chất ở ngay tại Mỹ và Nhật đều rất mạnh, nếu cần họ có thể ngừng nhập hàng TQ, tự phát động guồng máy công nghiệp trong nước để làm hàng thay thế. VN thì khác hẳn, phụ thuộc bị động hoàn toàn vào TQ, không có khả năng làm hàng thay thế. Thứ hai, "TQ không dám dừng các quan hệ thương mại và đầu tư với VN vì con số vài chục tỷ đô la". Điều này không đúng, vài chục tỷ đô la đó đối với TQ không là cái gì, hoàn toàn xứng đáng bỏ ra để giành giật lãnh thổ; cũng giống như TQ đang không ngần ngại chi cho giàn khoan vài triệu đô la/ngày. Thứ ba, "quan hệ thương mại và đầu tư VN-TQ bất bình đẳng nhưng là do chính người dân VN tự nguyện, không ai bắt ép ai". Xin lỗi, nếu không có 16 chữ vàng và 4 tốt, không có chỉ đạo về chính sách ngầm thả lỏng hải quan, thả lỏng kiểm định, quy định chất lượng hàng nhập, ưu đãi thuế quan, cho phép nhập khẩu tiểu ngạch và chính quy bừa bãi từ cái kim, sợi chỉ... thì làm gì có chuyện hàng TQ tràn ngập như vậy... Thoát Trung không có nghĩa là đình chỉ mọi hoạt động làm ăn với TQ, mà chính là xác lập một quan hệ kinh tế bình đẳng, không bị áp đặt công khai hoặc ngầm ẩn bởi hệ thống chính trị. Những từ ngữ như tình hữu nghị, tình anh em... xin thôi cho.
“Thoát Trung” nhưng cũng cần cẩn trọng
(TBKTSG) Vào lúc này một chương trình “thoát Trung” (ít nhất là về mặt kinh tế) đang được rục rịch bàn thảo và chuẩn bị, nhưng nên tỉnh táo phân tích tình hình, tránh chạy từ thái cực nọ sang thái cực kia một cách cực đoan, cảm tính.

Mức thu nhập thấp của đại bộ phận người Việt Nam là một nguyên nhân để cho hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam, đáp ứng được những người có túi tiền eo hẹp. Ảnh: KINH LUÂN


Ngoài yếu tố chính trị và dân tộc chủ nghĩa, “thoát Trung” được đưa ra trong bối cảnh khi Việt Nam nhập siêu kinh niên với Trung Quốc ở quy mô ngày càng lớn, lên đến trên 20 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. 

Điều đáng nói hơn là hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam có chất lượng trung bình và thấp, nhiều mặt hàng độc hại cho sức khỏe và môi trường.

Công nghệ và máy móc của Trung Quốc cũng vậy, đa phần ở tầm “thường thường bậc trung” trở xuống, tiêu hao năng lượng lớn và ô nhiễm môi trường. Ưu điểm của hàng hóa và công nghệ Trung Quốc thường là giá rẻ và đa dạng, hầu như kiểu gì cũng có, cũng đáp ứng được.

Quan trọng hơn, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguyên vật liệu, công nghệ và máy móc của Trung Quốc khi mà chúng chiếm tỷ trọng lớn, mang tính chi phối trong các yếu tố đầu vào cho các hoạt động sản xuất và chế biến tại Việt Nam.

Trong bối cảnh trên, nhiều người cho rằng nếu không nhanh chóng “thoát Trung” thì có nguy cơ Trung Quốc sử dụng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc làm công cụ khống chế Việt Nam. Trước xu thế này, nên tỉnh táo phân tích tình hình, tránh chạy từ thái cực nọ sang thái cực kia một cách cực đoan, cảm tính.

Điều đầu tiên cần nhìn nhận rõ là Trung Quốc xấu chơi nhưng không có nghĩa là cần phải chấm dứt hoặc thu hẹp nhất có thể quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Ví dụ, với Nhật, đương nhiên Trung Quốc cũng chẳng tử tế gì hơn, nhưng thực tế là Nhật vẫn cứ phải duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc ở mức thậm chí rất lớn.

Theo số liệu của JETRO, nhập khẩu của Nhật từ Trung Quốc đã đạt 189 tỉ đô la, và xuất khẩu đạt 145 tỉ đô la năm 2012 (Nhật nhập siêu 44 tỉ đô la từ Trung Quốc). Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Nhật, chiếm tới 19,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật năm 2012, tuy có giảm nhẹ từ mức 20,6% năm 2011 (và năm 2012 là năm duy nhất có tỷ lệ này thấp hơn 20% kể từ năm 2008).

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy với một nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật cao như Nhật mà vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, điều này đủ để nhận ra rằng tự thân trình độ và chất lượng “thường thường bậc trung” hoặc thấp của hàng hóa Trung Quốc không phải là cái cớ để “nghỉ chơi” với Trung Quốc.

Nếu có làm một phân tích tương tự như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thấy Trung Quốc là một trong những bạn hàng và thị trường đầu tư quan trọng nhất của Mỹ. Bởi vậy, tuy Mỹ có ngày càng khó chịu với Trung Quốc về mặt nào đó (và ngược lại) thì ít nhất về mặt kinh tế cả hai quốc gia vẫn (biết rằng) phải gắn bó với nhau, phụ thuộc lẫn nhau dài dài.

Điều cần nhìn nhận thứ hai là trừ khi có xung đột quân sự ở quy mô lớn đương nhiên làm đóng băng mọi quan hệ giao thương giữa hai nước, Trung Quốc không dại gì mà tự bắn vào chân mình khi tìm cách dùng các quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam để kiềm tỏa Việt Nam, ví dụ bằng cách hạn chế xuất khẩu các nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành gia công, chế tạo tại Việt Nam.

Không nói làm gì đến những tư cách thành viên của các hiệp định đa phương (WTO, ASEAN+Trung Quốc) vốn không cho phép các thành viên muốn làm gì thì làm, Trung Quốc chắc chắn sẽ luôn phải nghĩ hai lần trước khi có ý định làm tổn hại đến dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, đơn giản vì con số vài chục tỉ đô la kim ngạch thương mại giữa hai nước, chưa kể đến hàng trăm dự án đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam, hoàn toàn không phải là con số vô nghĩa để có thể dễ dàng bỏ qua.

Ngược lại, quy mô đủ lớn của quan hệ kinh tế song phương này lại làm cho mọi mưu đồ dùng kinh tế để kiềm tỏa đối phương không dễ mà thực hiện được, đơn giản vì các chủ thể kinh tế ở hai nước sẽ tìm ra được con đường đi thích hợp để gặp được nhau, hoặc gây áp lực lên thế lực cầm quyền.

Điều cần nhìn nhận thứ ba, chính người Việt Nam là nguyên nhân chính làm cho hàng hóa, thiết bị và công nghệ chất lượng thấp, độc hại của Trung Quốc lọt vào và khuynh đảo thị trường như hiện nay. Trong thế giới phẳng này, rõ ràng nhà cung cấp Trung Quốc không thể ép buộc nhà nhập khẩu Việt Nam phải nhập hàng Trung Quốc. Ở đây hầu như chẳng có chuyện ai lừa/ép được ai cả, mà là trên cơ sở tự nguyện.

Mức thu nhập thấp của đại bộ phận người Việt Nam là một nguyên nhân để cho hàng hóa giá rẻ (đương nhiên chất lượng thấp, độc hại) tràn vào Việt Nam, đáp ứng được những người có túi tiền eo hẹp.

Trình độ và quy mô sản xuất của Việt Nam ở dạng thấp của thế giới, kèm với hạn chế về vốn và tiếp thị, thì thiết bị và công nghệ của Trung Quốc là phù hợp do có giá rẻ, chi phí bảo dưỡng và phụ tùng thấp, dễ tiếp cận, giá thành thấp, dễ cạnh tranh được về giá...

Bản thân các bất cập về pháp luật cũng như những yếu tố chính trị lại tạo điều kiện để cho công nghệ và thiết bị, cũng như nhà thầu Trung Quốc chi phối nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Ví dụ, quy định về đấu thầu thường “giúp” cho các nhà thầu (Trung Quốc) thắng thầu nhờ bỏ thầu giá rẻ nhất.

Ngoài ra, cũng có nghi ngờ về sự tiếp tay của một bộ phận quan chức với các doanh nghiệp Trung Quốc do các doanh nghiệp Trung Quốc không ngần ngại “đi đêm” để giành lấy công việc. Các dự án ODA của Trung Quốc, hay sự thỏa thuận giữa hai chính phủ tập trung trong một số lĩnh vực cũng là một lý do để sự hiện diện của (các yếu tố) Trung Quốc nhiều hơn mức bình thường trong những lĩnh vực này.

Quan trọng không kém là đặc tính của nền kinh tế Việt Nam, vốn có ngành công nghiệp chế tạo mang tính gia công lớn, hầu như chỉ có sức lao động trong công đoạn lắp ráp, chế biến là phần giá trị thặng dư được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam, với nguyên vật liệu và đầu vào, đầu ra được khống chế bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Mà nhà đầu tư nước ngoài luôn tính toán bài toán chi phí và lợi nhuận, nên luôn tìm các nguồn cung với chi phí hạ nhất, tất nhiên phần lớn là từ Trung Quốc.

Tóm lại, cần phải xác định rằng Việt Nam không hoàn toàn là “nạn nhân” về kinh tế của (hoặc dưới bàn tay) Trung Quốc. Có những yếu tố chủ quan và khách quan để dẫn đến tình trạng lệ thuộc (về kinh tế) vào Trung Quốc như hiện nay. Bởi vậy, việc “thoát Trung” trên cơ sở cực đoan, thành kiến sẽ chẳng mang lại mấy lợi ích, dù là trong dài hạn.

Điều quan trọng là phải biết “sống chung với lũ”, tìm cách khắc phục các mặt hại nảy sinh từ sự lệ thuộc này. Ví dụ như phải siết hàng rào về chất lượng hàng nhập khẩu, tăng cường kỷ cương pháp luật để hạn chế sự lũng đoạn của (doanh nghiệp) Trung Quốc trong những lĩnh vực đã nêu trên, tiếp tục tích cực hòa nhập với khu vực và thế giới qua các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương để đa dạng hóa thị trường, nguồn cung, nguồn đầu tư, qua đó biến cả Việt Nam và Trung Quốc thành những thực thể kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nhau và với các quốc gia khác trong một chuỗi mắt xích của phân công lao động toàn cầu không thể tách rời ra và/hoặc “ăn hiếp” nhau được.

Phan Minh Ngọc


Trần Tuấn Anh
Đừng bao giờ đặt vấn đề "bài Trung" hoặc "Thoát Trung", bởi vì nó không thực tế trong bối cảnh hội nhập, cũng như không có tính khả thi về mặt lịch sử. Chỉ có một con đường là chung sống một cách thông minh với láng giềng TQ. Hãy tự nhìn lại mình để thấy ta yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào, từ đó tìm ra cách chơi và luật chơi với người TQ. TQ có nhiều điểm mạnh, nhưng không phải không có điểm yếu, và ta phải tận dụng được lợi thế của mình để vươn lên. 
phạm thanh vũ
Nếu có nhiều người có ý kiến như tác giả thì Việt Nam sẽ sớm thành một tỉnh của Trung Quốc!  
Lê Trung
Nhìn lại những mặt hàng ta nhập hay các công trình mà Trung Quốc đã và đang thi công thì sẽ thấy việc thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc là một điều tất yếu nếu muốn phát triển. Tất nhiên sẽ có nhiều người nói có khó khăn này, khó khăn kia nhưng không loại trừ những lập luận vì sợ mất đi những món lợi hậu hĩnh cho bản thân họ, cho nhóm lợi ích của họ.
huy
Vấn đề an toàn thực phẩm từ lâu đã nóng bỏng, nhất là thực phẩm hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vấn đề bộc lộ sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, trước tiên là các căn bệnh nan y, ung thư ngày một nhiều, kéo theo nhiều di chứng đến thế hệ mai sau. Hậu quả rõ ràng người dân phải chịu trực tiếp, còn trách nhiệm thuộc về ai?
  
Thái
Có thể nói như hiện tại của "thái cực này", chúng ta có thể bị TQ khống chế bất cứ lúc nào. Bên "thái cực kia" có Mỹ, Nhật, EU... có nhiều thứ để học hỏi.
Muốn siết hàng rào về chất lượng hàng nhập khẩu, tăng cường kỷ cương pháp luật để hạn chế sự lũng đoạn? Nếu trước đây và hiện tại chúng ta làm tốt thì không có chuyện máy móc kém chất lượng như "rác thải", hàng thực phẩm độc hại... có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm.
Hãy nhìn vào các gói thầu EPC và những vụ như vụ 300 tấn hoa quả nhiễm chất độc để mà xác lập tư duy.
Trần Thanh Minh
Tác giả phân tích không sai nhưng có điều quan trọng là bao giờ cũng phải có đối trọng thì mới an toàn thì lại không thấy nhấn mạnh trong bài viết.
Nhật Bản khác ta quá nhiều, họ giàu mạnh, có đủ năng lực vượt qua khó khăn, họ có Mỹ và phường Tây ủng hộ nên dù nhập siêu với Trung quốc họ vẫn không sợ. Ta thì quá nghèo và ta dựa vào ai khi ta khó khăn nếu Trung Quốc trở mặt? Vụ Biên giới T2/1979 là ví dụ cụ thể. Tạm thời sống chung với lũ thì đúng nhưng sống lâu với lũ thì sai.
Tác giả cảnh báo việc quan chức bị mua chuộc, luật pháp có chỗ hở. Theo tôi, đây chính là thành công của Trung Quốc. Đây cũng là điều mà ta phải tự xem xét lại nội bộ của ta.  
Trần Văn Hạnh
Tôi không phải nhà kinh tế nhưng tôi tự nghĩ tại sao trong nhiều năm qua, kinh tế nước Việt Nam cứ phụ thuộc ngày càng sâu hơn vào Trung Quốc mà không phải là một nước khác? Tại đường lối chính sách hay tại Trung Quốc quá giỏi, quá hiểu ta và lừa được ta; hay họ quá mạnh, luôn đe dọa ta; hay họ có tay trong trong tham mưu chính sách?
Cái mà mọi người đều biết là không nên phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, ấy vậy mà ta cứ làm. Nay muốn thoát mà TPP chưa xong, với Châu Âu cũng chưa xong nên có lẽ sẽ còn phải phụ thuộc Trung Quốc ít ra là một thời gian nữa, nhưng hy vọng là sự phụ thuộc ấy ngày càng giảm chứ không phải lại tăng thêm.
Hữu Luận
Đã thấm thía và kịp thời nhận ra được bản chất của vấn đề trong mối quan hệ ràng buộc kinh tế với một Trung Quốc mưu mô, xảo quyệt và bất chấp đúng sai là một thắng lợi của tư duy. Nếu bây giờ mà còn chông chênh trong đường lối chủ trương do một vài ý kiến phản biện lỏng lẻo là sẽ mất đi cơ hội làm chủ kinh tế lâu dài và an toàn. Phải luôn luôn cảnh giác cao độ trong mọi quan hệ về kinh tế với một nước luôn có dã tâm, không trong sáng trong quan hệ với Việt Nam.
  
Đào Trọng An
Hàng Trung Quốc bất kể là hàng gì hầu như mang tính chất giá rẻ, chất lượng thấp kém, dư lượng hóa chất và độc tố cao hơn tiêu chuẩn quy định.
Bài viết còn mang nặng tính phụ thuộc vào Trung Quốc với lý do phù hợp với thu nhập của người Việt. Rồi thì phải kiểm soát cao chất lượng; cẩn thận không chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Như vậy là đánh bùn sang ao. Bởi vì cần ghi nhớ Trung Quốc không bao giờ từ bỏ mục đích của mình, từ bỏ chính sách nói một đằng làm một nẻo. Không bao giờ có giá rẻ mà chất lượng chuẩn.
Còn sự phụ thuộc về nguyên vật liệu? Đó là duy ý chí. Tại sao ta không vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ, sử dụng người tài, sử dụng nguyên liệu Việt và mở thị trường sang Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước khác? 
nguyen huu phan
Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, sự phụ thuộc lẫn nhau là điều đương nhiên.
Sự phụ thuộc của một nước vào một nước khác trong quan hệ kinh tế (khác với sự lệ thuộc vào Trung Quốc của Việt Nam như hiện nay) được đánh giá trên cơ sở tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu của trang thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu, tổng vốn đầu tư, chứ không phải trên cơ sở tổng nhập siêu hoặc xuất siêu (như Việt Nam). Nhật nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại là người nắm cuộc chơi. Việt Nam không những nhập siêu từ Trung Quốc mà còn lệ thuộc vào thiết bị, nguyên phụ liệu, thậm chí cả về năng lượng, cơ sở hạ tầng..., hình như chỉ trừ 3 lĩnh vực: cá biển, đất sản xuất nông nghiệp và gỗ tự nhiên.
  
Pham Hung
Bài viết phân tích rất chuẩn. Muốn thoát thì quan trọng và cơ bản nhất là "tự" từ phía người dân và thêm "trợ" từ phía Chính phủ Việt Nam.
minh
Nên thoát Trung Quốc. Nhiều nước khác cũng có các mặt hàng bình dân: quần áo, dày dép, xe đạp có thể thay thế để giảm dần tỷ trọng hàng Trung Quốc.
Riêng ngành chế tạo máy, vận tải, thiết bị công nghệ thì nên nói "không" với TQ vì tốn năng lượng (than, điện, dầu), hủy hoại môi trường, trình độ công nghệ kém nên sản xuất ra hàng hóa thiếu tính cạnh tranh.
  
Tùng
TQ nhập nguyên liệu thô rồi xuất cho ta thành phẩm, trong đó có hàng chất lượng kém, độc hại do những cơ sở địa phương sản xuất. Nhưng thử hỏi, chơi với Mỹ, Nhật, TQ có thể làm như đối với Việt Nam không? Tại sao? Phải chăng vì ta nghèo nên phải dựa vào họ?
Mai Yến
Người Việt nên dùng hàng Việt, đừng dùng hàng TQ nữa. Đành rằng "đóng cửa" chẳng ai có lợi nhưng đừng giúp thêm tiền cho TQ mua hay đóng những con tàu khổng lồ đâm vào tàu gỗ, tàu bé của ngư dân ta, đừng góp phần để TQ sắm những quả tên lửa đạn đạo hà hiếp, tấn công chúng ta và cả thế hệ con cháu sau này. 

3 nhận xét:

  1. Cháu cũng đồng tình với bác Mai. Dù là các nước đều có quan hệ phụ thuộc nhau, nhưng trong quan hệ Mỹ Nhật và Trung thì hai nước kia chủ động; trong quan hệ VN-TQ thì TQ chủ động. Nước chủ động bao giờ cũng thắng.
    Bác chê TS Ngọc thẳng thắn thế mà không ngại TS Ngọc mắng lại à ? Bác Ngọc cũng ghê lắm đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tớ đây, tớ đây. Tớ đã không định bình luận lại những điều bác Mai mắng tớ vì bác ấy thực ra là mắng "oan", do không đọc kỹ, hiểu kỹ bài của tớ (có thể là do tớ viết không "thẳng thắn" thế nên khó hiểu chăng?). Chỉ lưu ý rằng tớ đã viết rõ trong bài về chuyện chúng ta tự nguyện để cho (yếu tố) Tầu lũng đoạn VN. Đồng ý chuyện này đã rồi sẽ thấy tớ không vô lý như các đồng chí nghĩ (kể cả chuyện 4 tốt, 16 chữ vàng bác Mai vặn vẹo tớ, thì tớ đã chẳng nhắc đến trong bài sự thỏa thuận giữa 2 chính phủ đấy thôi?).

      Nhưng nhân tiện đồng chí Nặc danh nhắc đến tớ, tớ phải động lòng mà nhảy vào trả lời với đồng chí cũng như bác Mai rằng, theo cách phang vẫn như thông thường của tớ, thế có nghĩa là VN vì không thể chủ động trong quan hệ với Tầu thì phải thoát Tầu phải không? Nếu thế thì về logic là chỉ cần, và phải tìm cách lập thế chủ động với Tầu là được pahir không? Nhưng chắc là khó, không được phải không?

      Nếu khó quá, không làm được thế, thì phải hiểu rằng thoát Tầu thì sẽ lại lệ thuộc vào nước khác, kết quả cũng không khá gì hơn (như tớ có lần đã nói rằng lệ thuộc vào, ví dụ, Mỹ thì chắc chỉ được cái tiếng... văn minh hơn và đỡ sợ hơn). Và lại, cùng logic thế, tại sao Tầu không tìm cách thoát Mỹ, thoát Nhật, vì rõ ràng Mỹ và Nhật nắm thế chủ động trong quan hệ với Tầu chứ không phải ngược lại?

      Vậy cái gọi là chủ động thực ra là không có, không tồn tại, hoặc không có ý nghĩa trong các quan hệ kinh tế. Vì như tớ đã nói trong bài, đây là trên cơ sở tự nguyện.

      Xóa
  2. gần đây tôi thấy nhiều bài về thoát trung tôi bỏ qua không đọc. bài được đăng lại tại đây tôi cũng ko đọc. Nhưng lại muốn viết vài câu.

    Lý do tôi ko muốn đọc vì cảm giác Thoát Trung như vay mượn Thoát Á Luận của Nhật bản thế kỷ 19. Vào thế kỷ đó (thế kỹ 19) Nhật có lý do cân nhắc cẩn thận lựa chọn giữa văn minh Trung hoa và văn minh phương tây. Cơ sở việc lựa chọn rất căn bản và thâm sâu. Vì Nhật chịu ảnh hưởng của TQ về văn hóa thâm nhập vào đời sống rất lâu đời. Không đơn giản vì những lợi ích ngắn hạn. Họ thực hiện triệt để đến nỗi đến giờ họ không còn cả tết nguyên đán.

    Tuy nhiên đó là chuyện của thế kỷ 19. Ngày nay, toàn cầu hóa và nhiều nước đã ko còn quá khó khăn trong lựa chọn chiến lược cho đất nước. Như Hàn Quốc, nền kinh tế hiện đại. Nhìn nền điện ảnh, ca nhạc Hàn quốc, họ cho người sang phương tây học và về phát triển mạnh, chứ ko phải sang TQ. Công nghệ di động của samsung…

    Nhìn gần hơn là Myama, họ bị kẹp bởi ảnh hưởng nền văn hóa ấn độ và mối quan hệ của TQ. Nhưng họ lựa chọn mở ra với Phương tây, ko cần phải đứng sau Ân độ hay TQ. Nhưng chẳn bao giờ họ nói thoát ấn hay thoát trung. Gần đây là Ucraina, họ muốn được như châu âu nên muốn tham gia cùng châu âu chứ không đi với Nga. Dĩ nhiên họ bị Nga quấy rối.

    Điều tôi muốn nói là, giới trí thức VN vay mượn từ ngữ của thế kỷ 19, để nói chuyện hiện đại tôi thấy nó sáo mòn và thiếu thời sự, thiếu cái nhìn hiện đại. Cứ gì phải là thoát trung hay không.
    Mở rộng tay chơi với những nơi có khoa học kỹ thuật công nghệ, chơi với những nước có khả năng mua bán có quyền lợi kinh tế. Cứ nhìn Hàn Quốc thì thấy. Họ chẳng bao giờ nói thoát Trung mà họ vẫn có bản sắc riêng.
    Cứ nói thẳng, ngay TQ và Nga còn phải sang phương tây để học hỏi chứ VN. Các khái niệm kinh tế, kỹ thuật thì TQ sáng tạo được bao nhiêu, họ vẫn mong ước bay lên không trung, chế tàu sân bay, copy bản quyền vũ khí của Nga… TQ chỉ đem sang bán cho VN cái gọi là học viện khổng tử.

    Ngày nay là thế kỹ 21 (cách 2 TK) mà cứ lẫn quẩn cái từ mà người ta xài từ thế kỹ 19, nay các vấn đề ko còn đề cập như vậy nữa. Nhắc từ đó tôi cảm thấy chạnh lòng cho giới tri thức VN.

    Trả lờiXóa