Những “hiệu may” trong lòng chung cư
TTCT - Cuối tuần, không ít bạn trẻ ghé vào các chung cư ở trung tâm Q.1, TP.HCM, bước trên những bậc thang cũ mòn, xôn xao ríu rít như có tiệc. Họ tìm gì trong những chung cư xưa như… phim trắng đen? Đó là các shop thời trang do chính chủ nhân thiết kế với phong cách riêng biệt, không “đụng hàng”.Chị Lê Hạnh Mai (bìa phải) giới thiệu các mẫu quần áo cho khách hàng tại shop Popbirdy, chung cư 42 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2013, nay xu hướng mua bán quần áo tự thiết kế đang trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký với các cửa hàng lớn nhỏ ở những khu phố thời trang Sài Gòn. Các tín đồ thời trang gọi vui là “hiệu may” trong lòng chung cư, như một cách đưa mình lạc về Sài Gòn của thế kỷ trước, thời của những cửa hàng may quần áo gắn biển nho nhỏ “Tailor” từng rất phổ biến.
“Đi tìm kho báu” ở chung cư
“Chung cư gì cũ quá vậy, lại phải leo cầu thang bộ nữa” - một nhóm bạn nữ vừa leo được hai tầng chung cư 42 Lê Lợi, Q.1, vừa thở hổn hển nói. Đến tầng bốn, họ rẽ trái rồi gõ cửa một căn phòng đề Popbirdy Studio. Trong khi hai cô bạn còn ngại ngần, tỏ ý chẳng có gì thú vị, cô bạn còn lại vẫn tự tin dẫn nhóm vào trong. Một không gian hoàn toàn khác mở ra.
Trong căn phòng rộng chừng 20m2 ấm áp dưới ánh sáng đèn vàng trắng, góc bên này là dãy áo hai màu trắng đen, bên kia là các thiết kế áo hoa, đầm và vài kiểu quần áo lạ lạ. Trên trần giăng một chùm đèn mảnh mai do chủ shop tự thiết kế. Sau chừng 20 phút chọn lựa, một cô chọn chiếc quần dáng suông sọc đứng cùng áo croptop trắng, một cô chọn chiếc áo hoa có thể vừa làm áo khoác vừa làm đầm ngắn. Cô còn lại đang băn khoăn trước chiếc áo sơmi free-size…
Nguyễn Ngọc Như, 25 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông, cho biết đây là lần đầu cô đi sắm đồ thiết kế kiểu này. “Tôi cũng thường xuyên đi mua quần áo, có cả hàng hiệu, tốn kém nhiều nhưng ít được đồ ưng ý vì họ sản xuất hàng loạt. Mua đồ ở đây thiết kế lạ mắt, dễ kết hợp đồ và chất liệu tốt, lại rất thời trang” - Như giải thích.
Ở một góc khác trong cùng chung cư, Nosbyn Studio được thiết kế với gam màu tối, diện tích nhỏ hơn nhưng sản phẩm không kém phần đa dạng. Shop ra đời từ một lý do khá ngộ nghĩnh: cô chủ rất hay làm mất quần áo, mà lại ngại đi tìm mua lại, thế là tự vẽ luôn mẫu áo cho mình, nào ngờ được bạn bè ủng hộ, đặt mua tới tấp, hàng bán không kịp may với những thiết kế 100% “made in Nosbyn”…
Tại Sài Gòn hiện nay, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, có đến hơn chục shop ra đời dưới hình thức “hiệu may” trong lòng chung cư. Lý do đầu tiên của lựa chọn này đơn giản vì giá thuê phòng chung cư dù sao cũng rẻ hơn shop ở mặt tiền. Họ còn bán qua online, lượng khách quen khá lớn nên cũng không cần trưng bày ở những nơi dễ tìm thấy.
Mặt khác, theo Tuýp Trần - chủ shop MayHem (136/10 Lê Thánh Tôn, Q.1), “shop trong những chung cư xưa cũ nhưng ở vị trí trung tâm thành phố cũng dễ cho khách hàng tìm đến, cảm giác thích thú vì khám phá nơi mới lạ, thay vì cứ tấp đại vào những cửa hàng mặt đường như trước đây”.
Hơn nữa, với những người thích chụp ảnh, hình ảnh của các chung cư cũ, đậm chất Sài Gòn này rất lý tưởng và làm nổi bật trang phục họ chọn ở shop. Nhiều người mua xong, mặc luôn và cứ vậy bước ra chụp ảnh. Một vài shop còn bài trí như một studio thu nhỏ để khách hàng có thể thoải mái chụp ảnh.
Vậy là nhiều shop đã ra đời trong lòng chung cư, đáp ứng nhu cầu mặc đẹp và ấn tượng của thị dân trẻ, cũng sành điệu không kém và mang đậm chất Sài Gòn.
Những chiếc áo “độc”, lạ ở MayHem - Ảnh: Yến Trinh |
Những “thợ may” hàng hiệu
Popbirdy của Lê Hạnh Mai mở từ tháng 5-2012. Trước đó, Mai bán hàng online ở Hà Nội, sau chuyển vào TP.HCM thuê chung cư ở 42 Nguyễn Huệ, Q.1. Từ niềm yêu thích thời trang, với phong cách đơn giản hai màu trắng đen, Mai nghĩ rằng tại sao không tự thiết kế các kiểu áo quần mình yêu thích mà phải đi mua ở các shop không ưng ý.
Mai khởi đầu bằng chiếc áo waterfall gồm hai màu trắng đen có giá bán 550.000 đồng, không ngờ trở thành áo đặc trưng của shop cho đến giờ. Mai cho rằng xu thế của người mặc hiện đại là ngày càng phóng khoáng, không tuân theo chuẩn nhất định nào, miễn là tôn được nét đẹp và cá tính bản thân. Không cần thiết phải bám sát các model tạp chí, sàn catwalk…
“Thời trang cũng không có bức tường nào với thế giới phẳng nên việc bán hàng tự thiết kế giờ không còn là đặc quyền của những nhà thiết kế chuyên nghiệp nữa” - cô lập luận.
Theo những “thợ may” này, ưu điểm của quần áo tự thiết kế là kiểu dáng khác biệt, không kén người mặc và dễ trở thành món đồ “đinh” trong tủ áo vì dễ mặc, dễ phối đồ. Mặt khác, giá cả tính ra cũng không quá đắt, trung bình 200.000 - 500.000 đồng tùy loại và chất liệu.
“Giá này tương đương đồ bán sẵn ở các shop thời trang trên các con đường như Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sỹ… nhưng phong cách riêng hơn, lạ hơn” - nhân viên Nosbyn cho biết. Thêm nữa, đồ tự thiết kế sẽ không tốn công lấy hàng, chọn lựa nguồn hàng, đồng thời người chủ có thể chăm chút từng đường kim mũi chỉ khi trực tiếp làm việc với những xưởng may riêng cho mình.
Chủ các shop quần áo tự thiết kế này đa số còn rất trẻ (8X, 9X), yêu thích thời trang và muốn tạo thương hiệu cá nhân. Có người học chuyên ngành thiết kế thời trang, nhưng cũng có những “tay ngang làm được hàng độc”. Hạnh Mai cho biết học xong đại học là cô nàng bắt tay vào kế hoạch thiết kế và kinh doanh của mình, thường xuyên lên mạng tìm đọc các tạp chí nước ngoài để cập nhật xu hướng và “đánh liều” vừa may vừa mở shop luôn.
Các chủ shop thường thiết kế, đặt may rồi post ảnh trang phục lên website hoặc Facebook cho khách hàng lựa chọn, nhưng cũng có shop đặt may theo thiết kế của khách hàng như Zinnia (lầu 5, chung cư 14 Nguyễn Huệ, Q.1). Shop này là chi nhánh của Hà Nội nên toàn bộ quần áo đặt may từ Hà Nội chuyển vào. Phương tiện quảng cáo chủ yếu qua website và Facebook, khách có thể đến shop mua trực tiếp hoặc đặt hàng qua mạng. Chính sự tiện lợi này cũng góp phần mở rộng đối tượng khách hàng.
Về lợi nhuận, các chủ shop cho rằng nếu chịu khó sáng tạo và chiều lòng khách hàng, họ có thể “vi vu” được vì khách hàng, nhất là trong độ tuổi 16-25, rất chuộng gu ăn mặc này.
Từ một vài shop ban đầu, hiện nay con số shop thời trang tự thiết kế đã lên đến hàng chục hoặc hơn. Dù chất lượng mặt hàng quyết định có đông khách hay không, nhưng điều không thể tránh khỏi đó là cạnh tranh. Cạnh tranh của các chủ shop là siêng năng tung ra các mẫu mới “không giống ai”, chăm chút hình ảnh, cập nhật thông tin giá cả trên Facebook và website để khách không thấy nhàm chán.
Một số shop cũng thường giảm 10-20% vào ngày cuối tuần hoặc khi bày bán tại các chợ phiên, hoặc đặt cho từng mẫu thiết kế của mình những cái tên rất lạ, mỹ miều như váy midnight mix skirt, collar shirt, lookbook, beach calling… Một vài shop còn có những chiêu thu hút khách thú vị như Tuýp Trần của MayHem giảm giá 15% cho khách đang mua hàng mà trời bỗng nhiên… đổ mưa!
“Kinh doanh mà, đặc biệt là kinh doanh mặt hàng mang đậm phong cách cá nhân thì quảng cáo cũng phải khác” - Tuýp Trần vui vẻ cho biết.
YẾN TRINH - ĐOÀN BẢO CHÂU
“Theo tôi, sự phát triển các shop quần áo do chủ tiệm tự thiết kế là việc tất yếu sẽ xảy ra, khi một bộ phận giới trẻ thành thị có nhu cầu mặc đẹp, độc đáo, nhưng túi tiền còn hạn chế, chưa thể với tới các thương hiệu đẳng cấp. Xu hướng này từng xảy ra vào những năm 1960, 1970, khi trào lưu Pop Art xuất hiện ở Mỹ và lan rộng ra khắp châu Âu, gắn liền với giới trẻ ở các đô thị lớn, đặc biệt thông qua các hình thức truyền thông đại chúng như truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, truyện tranh…
Tuy nhiên, tính bền vững của nó cần được đánh giá lại một cách kỹ lưỡng hơn. Hầu hết trang phục tự thiết kế hiện nay đều được tối thiểu hóa về kinh phí để nhanh chóng tới tay các bạn trẻ.
Trong khi đó, để hình thành một thương hiệu đúng nghĩa, có đủ sức đứng vững và tạo được vị thế lâu dài trong cơn bão cạnh tranh, người ta còn cần nhiều hơn thế, đặc biệt là về mặt chất xám, sáng tạo, quảng bá, những thứ tiêu tốn chi phí rất lớn. Lúc đó, tất nhiên giá phải tăng lên nhiều và đây sẽ là bài toán khó cho các bạn”.
Nhà thiết kế thời trang ĐÔNG NGUYÊN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét