Ði ăn cơm Bắc Hàn
Thời cuối thập niên 1990 khi có lần tới Phnôm Pênh làm phóng sự tôi được một cô bạn đồng nghiệp ở đài BBC đang làm phóng viên thường trú ở đó mời đi ăn cơm ở một quán ăn mà cô bảo độc nhất vô nhị: Quán Bình Nhưỡng chuyên nấu các món ăn Bắc Hàn.Nhưng quả như cô bạn của tôi đã giới thiệu không có quán nào kỳ lạ bằng Quán Bình Nhưỡng. Ðúng khoảng 7:30 tối, các cô bồi rất xinh bỏ khay chén xuống và bắt đầu trình diễn. Mặc bộ quốc phục màu sắc rực rỡ, họ nhảy múa trong một sự pha trộn giữa các bản nhạc pop Tây phương và nhạc “tuyên truyền cách mạng” của Bắc Hàn.
Cũng phải xin thêm ngay là cơm Bắc Hàn thực ra không có gì là đáng phải tìm đến thưởng thức cả. Món thịt chó hầm thua xa “rựa mận” của ta và thiếu gia vị nhưng quán đã dọn kèm mỗi món một đĩa kim chi đủ loại nên cũng là một cách thêm gia vị. Ðiều làm quán này hấp dẫn với đám “ngoại quốc” chúng tôi, bởi hôm đó kéo đi một bầy nhà báo, là nó cho một cơ hội hiếm có hé nhìn vào quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
Ở cái thời thập niên 1990, khi mà tôi còn nhớ là ở Luân Ðôn chương trình East Asia Today luôn gặp khó khăn tìm ai phỏng vấn về Bắc Hàn mỗi khi hữu sự, mà thường là thiên tai hay khi ông Kim nổi cơn lên quậy phá. Có lần tôi gọi liều điện thoại của Cơ Quan Thực Phẩm Liên Hiệp Quốc vì có tin về lụt gây nạn đói ở Bắc Hàn, thì đã bắt gặp một bà người Pháp gốc Việt, đại diện cho WFP ở Bình Nhưỡng. Mừng quá vì có thể nói tiếng Việt, ít có triển vọng là đám công an nghe lén hiểu mình nói gì, nhất là khi bà ta thích chêm rất nhiều tiếng Pháp vào câu chuyện, bà kể về tình hình đói kém ở ngoài Bình Nhưỡng: “Quả thật người ta ăn cọng cỏ chị ơi, hổng tin cũng phải tin khi mình chứng kiến.” Với giọng miền Nam chân thực, bà đột nhiên bảo, “Chị biết không, nghe đâu đoàn xe lửa của ổng mới bị tai nạn thì phải.” Giật mình tôi cố hỏi nhưng thấy bà bỏ lững luôn thì biết là chuyện quá giật gân nên đành bỏ qua. Sau đó, cả mấy tuần sau thì tin này quả được xác nhận qua ngả Trung Quốc, và cho đến bây giờ cũng không biết là tai nạn hay một âm mưu ám sát.
Kể chuyện dài dòng là để giải thích tại sao có những người hiếu kỳ tìm đến ăn cơm Bắc Hàn. Quán Bình Nhưỡng ở Phnôm Pênh là mở đầu của một loạt những quán tương tự mở ra ở nhiều quốc gia Á Châu, mặc dù trước đó đã có một số mở ở Trung Quốc.
Theo ông Bill Gertz, của blog Washington Free Beacon thì hiện có khoảng 60 nhà hàng như vậy ở Á Châu: 44 ở Trung Quốc (11 ở Bắc Kinh, 6 ở Thượng Hải và 6 ở Dandong sát biên giới), năm ở Việt Nam, năm ở Cambodia, và ở Bangladesh, Miến Ðiện, Malaysia, Nepal, Indonesia, và Lào mỗi nơi một. Nhưng ông Gertz bỏ sót một ở Dubai. Có lẽ hoạt động trong bầu không khí “cởi mở” của các quốc gia này dễ hơn là tìm vào thị trường Âu Châu. Tiệm đầu tiên mở ở Amsterdam, Hòa Lan, hồi năm 2012 đã bị đóng cửa vì đụng chạm vấn đề lao động với chủ nhân người Hòa Lan. Nghe đâu quán này mới mở lại đầu năm nay.
Lần chúng tôi tới ăn, quán khá đông đến vài trăm thực khách, đa số là các ông người Cambodia và Nam Hàn.
Ông bạn Bertil Lintner, ông nhà báo già nay đã dọn về ở Chiang Mai chuyên về hai chế độ độc tài khó hiểu nhất của Á Châu, Miến Ðiện và Bắc Hàn, thì hệ thống nhà hàng này có nhiều lợi ích tài chánh cho chế độ.
Ông giải thích, “Chính quyền Bắc Hàn tổ chức những nhà hàng này để 1) gây quỹ ngoại tệ cho chính quyền, 2) tài trợ cho các hoạt động của tòa đại sứ Bắc Hàn nơi mà các nhà hàng này được lập nên, và 3) rửa tiền cho các hoạt động khác.” Ông bảo những nhà hàng này là “một cơ chế toàn hảo” để rửa tiền.
Ðược thành lập bởi Phòng Tình Báo Chung hay là Phòng 39 thuộc công an, theo ông Gertz, hệ thống này không phải chỉ là một cố gắng kiếm ngoại tệ mà còn là một cố gắng của nhà nước Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy ngành tình báo hải ngoại tự tài trợ lấy cho mình. Tất cả các nguồn tin tình báo đều nhắc đến mục tiêu tình báo của các quán ăn này, vốn bao gồm cả tình báo thương mại đối với các doanh nghiệp Nam Hàn cũng như là các hoạt động bất hợp pháp khác, kể cả đổi chác những giấy bạc giả mà Bắc Hàn vẫn thường sản xuất.
Câu hỏi nữa là những quán này kiếm được bao nhiêu tiền cho chế độ. Nguồn tin của ông Gertz trong cộng đồng tình báo nghĩ là số tiền gửi về cho Bình Nhưỡng lên đến 1.8 triệu đô la mỗi tiệm. Tính ra thì con số này thật quá cao, với mỗi tiệm phải thu ít nhất 5,000 đô la một đêm, nghe ra khó tin quá, nhưng có lẽ nếu chúng ta cộng thêm với những hoạt động bất hợp pháp khác thì cũng có thể lắm.
Thành ra một địa điểm có vẻ chỉ là một trò chơi lạ cho du khách, nhưng như tờ Guardian ở Anh nhắc nhở, đã cung cấp những số tiền để củng cố cho một quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và đang bị cấm vận nữa.
Các cô bồi kiêm diễn viên làm việc cho các nhà hàng này không được phép tự tiện đi ra ngoài, sợ họ trốn. Giáo Sư James Hoare, chuyên gia về Bắc Hàn ở trường Ðông phương và Phi Châu học SOAS của Viện Ðại Học Luân Ðôn, vốn cũng từng là xử lý thường vụ tòa đại sứ Anh ở Bình Nhưỡng, giải thích là các cô bồi này được tuyển từ nhưng gia đình trung thành với lãnh tụ và thuộc hàng thế tộc. Họ sống trong các khu nhà “tập thể” ngay gần tiệm. Ông Hoare giải thích, “Họ hẳn là phải từ giai cấp lãnh đạo chính trị; loại người sống ở Bình Nhưỡng. Không ai khác được quyền đi ngoại quốc.” Và đó là lý do họ sẽ hiếm khi tìm cách bỏ trốn.
Bởi bỏ trốn từ là phải bỏ nước luôn. Nghe đâu mới đây có một cô đã bỏ trốn với một người đàn ông Nam Hàn, tạo căng thẳng cho hai miền Nam Bắc. Người ta cũng sợ là gia đình cô ở trong nước hẳn sẽ bị tù tội nếu không mất mạng vì cô.
Theo tờ Guardian, một trong những “viên chức” điều khiển quán ăn ở Phnôm Pênh, tuy ẩn danh, cho biết là các cô được phép rời khu nhà tập thể đi shopping, nhưng không ai bỏ trốn vì bỏ trốn tức là phải bỏ nước ra đi và chắc chắn nhà nước sẽ trừng phạt. Khi được hỏi liệu các cô có được cho phép đi ra ngoài và “vui vẻ” với những người không phải là người Hàn không thì ông ta ngạc nhiên hỏi ngược lại: “Tại sao họ lại muốn làm vậy? Họ đâu có muốn đi ra ngoài gặp người khác!”
Và vì vai trò của các nhà hàng này trong hệ thống kinh tài của chế độ, dĩ nhiên nó đã đụng phải các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Nhưng phải nói hiện nay khó có cách nào để bóp chặt nguồn ngoại tệ dồi dào này, trừ phi chúng ta có thể dựa vào việc đột nhập vào hệ thống tài chánh mà đồng tiền này được chuyển đi. Khổ một nỗi có lẽ đa số của hệ thống này bao gồm những người đưa thư cầm tiền mặt, sử dụng các túi ngoại giao và những hệ thống khác kể cả ngân hàng. Một blog của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế Peterson thì cho là dù sao chăng nữa cấm vận tài chánh phải được nêu lên cho những loại lợi tức từ dịch vụ nữa vì nay nó đã trở thành một cách kiếm ngoại tệ khá lớn.
Thành ra đối với một chế độ như Bắc Hàn, đến cả một nhà hàng cũng là một công cụ. Ði ăn cơm Bắc Hàn như vậy trở thành khó nuốt quá.
Lê Phan
(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190808&zoneid=97
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét