Hễ thấy "Tây" là tránh mặt
Tôi cũng từng chứng kiến ở một trường ĐH lớn tại Hà Nội, khi có đoàn nước ngoài sang làm việc, nhiều TS, GS của chúng ta nói ngoại ngữ "mỏi cả tay" mà phía bạn chỉ biết cười trừ. Đấy là chưa kể nhiều vị cứ thấy "Tây" là tránh mặt vì mình "nói họ chả hiểu" thì nói để làm gì?
Hồi đầu tháng, một cơ quan quản lý nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định về tiêu chuẩn với một số chức danh quản lí của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Dự thảo này đưa ra nhiều quy định với bậc thứ trưởng, trong đó có quy định khả năng ngoại ngữ phải đạt ở trình độ cao cấp bậc 6, tức là ở mức sử dụng thành thạo, hoàn toàn có thể chủ động làm việc bằng ngoại ngữ đó mà không cần phiên dịch.
Ngay khi vừa đưa ra thăm dò, quy định này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện. Trên cơ sở đó, đại diện của cơ quan soạn thảo đã thừa nhận quy định này là cao và sẽ sửa đổi. Đây là thái độ cầu thị, chúng ta sẽ chờ đợi các điều chỉnh tiếp theo tới đây. Nhưng xung quanh nó cũng gợi lên nhiều vấn đề đáng suy ngẫm cho người làm chính sách.
Bởi, cần hiểu rằng "Thứ trưởng" là cán bộ nhà nước ở bậc cao cấp, thường trợ giúp cho Bộ trưởng phụ trách một vài lĩnh vực cụ thể. Do đó, dù đi lên từ công tác chuyên môn, nhưng khi ở vị trí quản lý thì công việc của họ lại nặng về quản lí chứ không trực tiếp làm chuyên môn hay đi thương thảo các vấn đề quá chi tiết. Bởi những hoạt động này thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ, ban chuyên môn trực thuộc bộ. Đúng là đôi khi thứ trưởng có thể phải làm việc với khách nước ngoài, nhưng khi đó, mọi hoạt động chuẩn bị, tổ chức đã có Vụ Hợp tác Quốc tế đảm nhiệm, có phiên dịch hỗ trợ.
Còn trình độ ngoại ngữ cao cấp bậc 6 là một cách đánh giá mới, do Bộ GD&ĐT ban hành vào đầu năm 2014 qua Thông tư "Ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam".
Đây là bậc cao nhất và trình độ này nôm na tương đương với trình độ của một phiên dịch chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, có am hiểu rộng. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định chi tiết của thông tư này, theo đánh giá của cá nhân tôi, đại đa số cử nhân mới tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, học trong nước cũng khó lòng đáp ứng được.
Sau gần 10 năm học tập ở nước ngoài, tự đánh giá, soi mình vào từng yêu cầu của bậc 6, tôi thấy chắc chắn mình chưa đạt được. Nếu quy định này mà khả thi, vô hình chung là "trói chân" các Thứ trưởng.
Đọc yêu cầu về ngoại ngữ cho "người nhà nước" khiến tôi không khỏi nghĩ đến thực tế lâu nay trong khâu chọn lựa người nhà nước là căn bệnh sính bằng cấp, trọng hình thức.
Căn bệnh bằng cấp
Hồ sơ của tuyệt đại đa số cán bộ công chức từ cấp vụ, viện, hay trường CĐ, ĐH trở lên hiện có đủ từ các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chính trị, quản lí nhà nước... Sẽ chả ai có thể có ý kiến gì, nếu những bằng cấp, chứng chỉ đó phản ánh thực chất năng lực người sử dụng. Điều đó quá tốt.
Tục ngữ ta có câu "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" và trong tiếng Anh cũng có một câu mang hàm ý gần giống: clothes don't make the man (manh áo không làm nên thầy tu). Hãy chỉ nhìn vào tấm bằng ngoại ngữ thôi để thấy được thực tế buồn là "sơn" thì đẹp mà "gỗ" dường như chưa xứng.
Sẽ không phải là nhận định hồ đồ nếu ai đó giả định đa phần TS, GS, giảng viên ĐH, cao đẳng, công chức ở nước ta không có đủ trình độ ngoại ngữ theo đúng chuẩn quy định (huống chi là thứ trưởng). Giá có một đề tài cấp nhà nước, hay một luận án tiến sĩ đánh giá về thực trạng này để công luận được tỏ tường thì hay biết mấy!
Ở một hội thảo quốc tế, tôi từng chứng kiến có GS khả kính phát biểu khá hùng hồn. Ông đánh giá về quan điểm của một học giả nước ngoài cùng chuyên môn và tôi cứ há hốc mồm khi vị GS này nhắc đi nhắc lại rằng "ông đó nói thế này", "ông đó nói thế kia" trong khi giới tính của học giả đó rõ ràng là nữ giới.
Trong thời gian học ở nước ngoài, chúng tôi cũng nhiều lần đón các đoàn học giả, quan chức từ trong nước sang công tác. Bằng cấp đủ cả, lãnh đạo cấp vụ, trường không thiếu. Nhưng trong mọi hoạt động họ đều "tha thiết" nhờ chúng tôi phiên dịch giúp, thậm chí khi đi siêu thị, chỉ mỗi việc thanh toán tiền cũng "thảng thốt" nhờ giúp vì "họ nói gì anh không hiểu".
Tôi cũng từng chứng kiến ở một trường ĐH lớn tại Hà Nội, khi có đoàn nước ngoài sang làm việc, nhiều TS, GS của chúng ta nói ngoại ngữ "mỏi cả tay" mà phía bạn chỉ biết cười trừ. Đấy là chưa kể nhiều vị cứ thấy "Tây" là tránh mặt vì mình "nói họ chả hiểu" thì nói để làm gì?
Bệnh nhờn quy định
Bản chất của những quy định về bằng cấp là không sai. Vấn đề nằm ở việc thực hiện và giám sát.
Nhiều lãnh đạo QH, Chính phủ, Bộ từng thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có quá nhiều quy định mang tính hình thức và một khi bệnh hình thức trở nên "trầm kha", nó sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy.
Đầu tiên là nạn mua bằng cấp giả.
Vài năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã nhiều lần khám phá các đường dây làm bằng giả các loại. Điều đáng quan ngại là ban đầu tệ nạn này chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp là bằng ngoại ngữ và chứng chỉ tin học. Dần dần, nó biến tướng, mở rộng ra. Từ trung cấp, CĐ, ĐH đến TS, đủ cả từ kinh tế, luật, văn hóa. Quy mô những "lò" sản xuất này ngày càng lớn. Có trường hợp bị phát giác hàng nghìn bằng giả. Trong vài năm trở lại đây, không ít trường hợp cán bộ, thậm chí cán bộ quản lí, từ cấp xã đến cấp tỉnh đã bị phát giác sử dụng bằng giả!
Kế tiếp là tệ "gian dối", "khai man", "học hộ", "thi hộ". Rồi có cả thị trường viết luận án, luận văn thuê, rao bán công khai trên mạng. Dư luận đã từng biết đến vị giám đốc sở ở một tỉnh, ngoại ngữ chả biết chữ nào, chưa thấy xuất ngoại bao giờ, ấy thế mà có bằng thạc sĩ của một trường ĐH "đẳng cấp quốc tế' chỉ tồn tại trên giấy, chả được ai thừa nhận. Rồi thì có vị quan chức khác quanh năm bận họp hành, ấy thế mà đùng cái, một ngày đẹp trời cuối năm trưng ra 2 bằng ĐH được cấp cùng năm. Mà, tên người này đúng là có trong danh sách sinh viên tốt nghiệp của trường ĐH nọ. Nghe như có phép phân thân. Nghe tưởng như đùa mà ngẫm ra thì nước mắt chảy ngược vào trong, chát đắng.
Việc bằng giả dần dần trở nên…phổ cập, như báo chí đưa tin. “Cả làng toét mắt” cả, có phải “chỉ mình em đâu. Công khai nhờ nhau kiếm cho tấm bằng, giới thiệu chỗ giá rẻ, làm nhanh.
Thật giả lẫn lộn. Nhiều trường hợp phát hiện sử dụng bằng giả, khai man, gian dối trình độ học vấn nhưng chưa nhiều trường hợp bị đuổi việc, truy tố.
Đừng để hàm oan những tấm bằng...
Những tấm bằng chả có tội tình gì. Chúng luôn được in trên giấy tốt, mực đẹp, trang trí công phu. Chúng xứng đáng được nâng niu, đặt ở những nơi trang trọng. Hãy trả lại ý nghĩa, bản chất cho chúng thay vì đóng nhầm khung hay bó buộc chúng trong những chiếc phong bì lòe loẹt, quá khổ.
Nguyễn Công Thảo
Dân nói : Chế độ BẰNG CẤP là BẰNG lòng ( sếp ) thì lên CẤP hổng có sai đâu. Cái người đặt ra TIÊU CHUẨN cũng không có đủ trình độ đó nhưng họ có quyền CHUẨN hóa số tiền thích TIÊU . Ai dám cãi ???
Trả lờiXóa