Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Cận cảnh bức xúc của công nhân

Cận cảnh bức xúc của công nhân
Hồng Phúc (TBKTSG) - Tiếng loa nhắc hành khách trên chuyến bay “cài dây an toàn, gấp bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế sẵn sàng cho một hành trình” đã dứt từ lâu mà chị Diệu vẫn ôm khư khư chiếc túi giả da loại ít tiền, quai đã sờn, vào lòng.
Tôi nhắc chị xếp túi xuống dưới gầm ghế mà ngồi cho thoải mái vì còn hai giờ nữa chuyến bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất mới tới Hà Nội. Chị cười cười e ngại, vẫn chưa dám buông tay. Trò chuyện một hồi, mới hay chị Diệu là công nhân may tại một nhà máy ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Đã hơn ba năm qua, nay chị mới được về thăm nhà, thăm con gái và cha mẹ ở một làng quê gần chùa Hương.


Chị Diệu đã hơn 40 tuổi. Ở quê, vợ chồng chị có vài sào ruộng nhưng không đủ nuôi hai vợ chồng, một con gái mới sinh. Anh và chị vào Nam tìm việc từ năm 2001. Hơn 10 năm qua, chị đã làm công nhân qua 4-5 công ty ở khu vực Bình Dương. Vì thu nhập thấp, hai vợ chồng ở phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông, lại đi làm cả ngày, nên phải để con ở quê với ông bà. Tôi hỏi “chị nhớ con không, cháu có mong gặp cha mẹ?”. Chị đáp: “Cứ đuổi theo cái ăn cái mặc, nhiều năm liền bố mẹ và con, chẳng ai nhớ ai. Mười năm cha mẹ-con cái chỉ gặp nhau vài lần, mỗi lần hai tuần dịp năm mới”. Rồi chị chia sẻ, anh chồng làm thợ điện nước cho các công ty, nhưng rồi sinh tật cờ bạc, chỉ nhăm nhe lấy tiền lương của vợ đi chơi. Nay gia đình ba người này đang mỗi người một nơi. “Mỗi lần về nhà, cháu muốn gì em mua hết”, mắt chị đầy nước. À, có lẽ trong túi có tiền tích cóp bấy lâu nên chị lo ôm vào lòng, sợ bị mất.

Có lẽ không riêng gia đình chị Diệu đã và đang sống cuộc sống chia cách như vậy. Hiện cả nước có khoảng 1,9 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, 70% là người ngoại tỉnh. 11,4% công nhân phải gửi con cho người thân ở quê vì không có điều kiện chăm sóc, giáo dục tại nơi làm việc.

Đây là một trong những thống kê từ cuộc điều tra, khảo sát về những vấn đề bức xúc, cấp bách đối với công nhân sau năm năm triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW do PGS.TS. Vũ Quang Thọ, ThS. Nguyễn Mạnh Thắng (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện vào tháng 10-2013. Cuộc khảo sát này có quy mô rộng nhất và cập nhật nhất về thực trạng đời sống công nhân tại Việt Nam. Nó cũng đặt ra 12 vấn đề cơ bản liên quan đến nhóm lao động này và cho thấy, nhiều bức xúc đang chồng lên bức xúc.

Cuộc điều tra, khảo sát nói trên được tiến hành được thực hiện ở 12 tỉnh, thành phố, tại 72 doanh nghiệp đại diện cho ba miền. Câu trả lời từ 1.800 mẫu khảo sát với công nhân lao động thu về cho thấy, chỉ có 18,9% các gia đình công nhân gửi được con vào các cơ sở mầm non công lập. 81,1% công nhân khó khăn khi gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo khi không có hộ khẩu thường trú. Chỉ có một số khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà trẻ, mẫu giáo riêng cho con công nhân, giải quyết được 1-2% nhu cầu. Đa số công nhân phải gửi con cho chủ nhà không chuyên môn, thậm chí lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ.

Tới khoảng bốn phần năm công nhân cho biết họ không có nơi tập thể dục, thể thao, không có nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí; doanh nghiệp không tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn nghệ, giao lưu, đối thoại. Nếu có thì thời gian mở cửa không phù hợp và họ phải trả phí khi tham gia.

Điều kiện làm việc của công nhân cũng tệ hại. Kết quả cuộc điều tra, khảo sát về đời sống người lao động trong các khu công nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8-2013 (tại 10 tỉnh, thành, với 68 doanh nghiệp, 1.700 người lao động) cho thấy nhiều công nhân bức xúc với điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động.

Công nhân còn bị thiệt thòi vì tăng ca nhiều nhưng chế độ đãi ngộ thấp. Theo Nghị định số 45/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động thì người lao động không được làm thêm quá 300 giờ/năm. Kết quả khảo sát cho thấy, có 46% số người lao động làm thêm giờ với mức trung bình 20,5 giờ/tháng. Người lao động tại các doanh nghiệp dệt may, giày da, cơ khí, điện tử có số giờ làm thêm trong tháng cao hơn, trung bình 52 giờ/tháng. Không một người lao động nào cho biết họ muốn làm thêm giờ nhưng “vì lương quá thấp, tiền lương không đủ sống nên buộc lòng người ta phải chấp nhận việc làm tăng giờ, tăng ca”. Mức tiền lương trung bình hiện nay chỉ 3,667 triệu đồng/người/tháng.

Đã vậy, doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy, công nhân không được thanh toán chế độ kịp thời.

1 nhận xét:

  1. Giai cấp nắm quyền còn tồi tệ thế thì giai cấp bị trị sống làm sao ?

    Trả lờiXóa