Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Những 'chú em', 'cô em' của các 'ông lớn'

Những 'chú em', 'cô em' của các 'ông lớn'
Một đời công tác mà vớ được một vài “cô em kết nghĩa” như thế, thì con cháu mấy đời ăn không hết của, ở không hết nhà.
Nguyên tổng Thanh tra Chính phủ nói về vụ biệt thự khủng
Chuyện “một ông anh” của Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT, được Dũng biếu đến 510.000 USD và chuyển 1 triệu USD của một “cô em xã hội” khác đến “kính biếu” chưa kịp khiến dư luận hết bàng hoàng, thì nay, dư luận lại càng bàng hoàng hơn, bởi lòng thơm thảo của một “cô em kết nghĩa” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Số là ông Truyền đã xây một ngôi biệt thự tại ấp 3 xã Sơn Đông, TP Bến Tre, trên diện tích 16.000 m2 đất. Một biệt thự vô cùng hoành tráng. Về giá trị ngôi biệt thự của ông Truyền, theo người dân địa phương, thì chỉ riêng mảnh đất đã có giá 24 tỷ (1,5 triệu/m2).

Tiền xây ngôi biệt thự chính cỡ hơn chục tỷ. Đó là chưa kể ngoài ngôi biệt thự chính, quanh nó còn 4 ngôi nhà làm bằng loại gỗ cực quý, để phục vụ cho những việc như uống trà, tiếp khách, và nội thất bên trong…

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 3 héc-ta tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Dinh thự của ông Trần Văn Truyền trong khuôn viên 30.000 m2 tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Báo Người cao tuổi

Bị báo chí đặt câu hỏi về nguồn gốc tài sản, ông Truyền và gia đình lên tiếng phân bua. Ông Truyền bảo rằng ông khổ lắm. Tuy làm tới Tổng Thanh tra Chính phủ, nhưng khi về hưu, ông chẳng có tài sản gì, phải làm vườn đến “thối cả móng tay” ra mới có miếng mà ăn.

Thấy ông khổ quá, một “cô em kết nghĩa” đã cho ông tiền để làm ngôi biệt thự đó, lại còn mang cả số gỗ cực quý mà cô đã mua từ Quảng Nam, định để làm nhà vườn cho mình vào, để ông làm thêm mấy cái nhà gỗ, cho biệt thự thêm phần hoành tráng.

Và chính ông cũng “không ngờ ngôi biệt thự lại lớn đến thế, vì anh em thiết kế rồi thi công luôn”. Con gái ông Truyền cho biết thêm, rằng chính “cô em kết nghĩa” của ba cô đã từng làm cho ông một cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh, nhưng ba cô không ở mà cho cô con dâu làm đại lý phân phối bia, còn ông về Bến Tre. Thấy vậy, cô em lại về Bến Tre cho ông tiền để xây ngôi biệt thự đó…

Tục ngữ có câu “Một năm làm nhà, ba năm trả nợ”, để nói rằng với mỗi người dân Việt Nam, thì dù chắt chiu cả đời nhưng không mấy ai có đủ tiền để làm ngay cho mình một ngôi nhà, mà thường để có được một chỗ chui ra chui vào, không mấy ai là không phải chịu nợ nần ngập cổ.

Thế mà một người nghèo khổ, phải lao động, phải làm thêm đến “thối cả ngón tay” ra mới có miếng ăn như ông nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, khi làm một cái biệt thự giá mấy chục tỷ đồng, lại không thèm để ý, cứ mặc cho “anh em thiết kế rồi thi công luôn”, thì chỉ có hai cách giải thích: Thứ nhất, ông là người mất hoàn toàn trí nhớ. Và thứ hai, việc làm cái biệt thự đó đối với ông, chỉ là việc “nhỏ như con thỏ” hay là “bình thường như cân đường hộp sữa”, khiến ông chẳng thèm bận tâm, bởi cô em cho ông nhiều tiền lắm, có thể gấp nhiều lần số tiền xây ngôi biệt thự đó.

Việc "cô em" tặng ông số tiền khổng lồ để xây biệt thự có na ná như những việc mà Dương Chí Dũng và “cô em xã hội” mang tiền đến cho “ông anh” kia không? Ông Truyền không nói.

Nhưng thôi, rồi đây chắc chắn thiên hạ sẽ tìm ra. Có điều trước mắt, ta hãy mừng cho ông Truyền. Một đời công tác mà vớ được một vài “cô em kết nghĩa” như thế, thì con cháu mấy đời ăn không hết của, ở không hết nhà.

(Nông nghiệp VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét