Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Quyết liệt là... tan vỡ

Có lẽ ý của người gần đây tái phát minh ra từ "Quyết liệt" là từ ghép hai cụm từ "Kiên quyết" và "Mãnh liệt". Trước đây đã có một số người dùng: "Bất cứ một cuộc chuyên chính nào cũng phải là một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt" (Trường Chinh). "Những câu nói quyết liệt của những đại biểu" (Nguyên Hồng). Quả thực người ấy hiểu "Quyết liệt" là "kiên quyết và mãnh liệt giữ chức theo sự phân công của Đảng" để đất nước tiếp tục "Liệt".
Quyết liệt là... tan vỡ
LTD: Gần đây hai chữ này có tần suất sử dụng hơi bị cao. Hình như được dùng trong trạng thái tinh thần của người nói đang… bí, có vẻ hơi… cuống, nhất là trong việc giải quyết tệ nạn xã hội. Làm không được thì quyết tâm, quyết tâm vẫn chưa được thì phải… quyết liệt. Và tự nhiên người ta thấy thực tế là….. đúng như thế, nghĩa là cái gì quyết liệt là sắp …. liệt.

Chả hiểu ai phát minh ra cái từ này mà bây giờ thành thương hiệu “sáng giá” và… nhàm chán của một người. Đó là từ chữ hán chăng? Chả phải. Chữ hán chỉ có một từ QUYẾT LIỆT mang nghĩa hoàn toàn khác, đó là sự tan vỡ (khi nói về đàm phán, về mối quan hệ, về tình cảm…).


Riêng chữ Quyết ở trong cụm từ này có nghĩa là thủng (gần nghĩa với chữ khuyết); chữ Liệt có nghĩa là nứt, rách ( thuộc bộ Y, là áo) hàm nghĩa rạn nứt, chia tách ra (phân liệt, sự phân liệt của tế bào, bệnh thần kinh phân liệt…).

Vậy QUYẾT LIỆT là gì thì rõ rồi, là tan vỡ, là nứt toác, là ai đi đường nấy, là … thôi rồi Lượm ơi.

“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là phải được thực hiện một cách QUYẾT LIỆT“. Không hiểu người nói muốn nói theo nghĩa nào, chỉ thấy so với lời nói thì thực tế xã hội trật lấc cả .


Thôi thì ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Vì suy cho cùng cái người ta cần là một thực tế sáng sủa, một xã hội tử tế chứ những ngôn từ, nhất là ngôn từ vừa sai vừa rỗng tuếch mà làm gì.

“Rượu nhạt uống lắm cũng say
Lời khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm…”

Huống hồ, lời chả khôn, chả hay, mà lại… nói lắm thì chả… ra làm sao.
Nguồn: Blog Nguyễn Trọng Tạo



1 nhận xét: