Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Nghẹn ở 'phố cơm trắng' Sài Thành

Nghẹn ở 'phố cơm trắng' Sài Thành
Giữa thành phố giàu sang hoa lệ đầy những nhà hàng đặc sản, sơn hào hải vị, quán nhậu ngập đường, vẫn có những người suốt đời chỉ biết độc món cơm trắng ngày này qua tháng khác.
Từ lúc sinh ra đến nay, cơm trắng là 
món "đặc sản" của ông Ngô Văn Dũng
Cô bán hàng vừa nhanh tay xới cơm đưa cho khách vừa vui vẻ: “Hôm nay chú giàu dữ hen. Lấy những nửa kí cơm luôn”. Thầy giáo già cười đáp lại: “Lấy cho mấy sắp nhỏ gần đấy cùng ăn. Ăn một mình buồn quá”. Xong đâu đấy, ông lại lặng lẽ lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng mất hút vào một con ngõ nhỏ.

Những cuộc đời chỉ dám ăn cơm không

Theo lời cô Nguyễn Thị Thanh Nga – chủ cửa hàng cơm trắng trên đường Nguyễn Thông, Q.3, đó là ông giáo già 72 tuổi đã về hưu. Sáng nào ông cũng từ Q.5 lên đây mua cơm không về để ăn. Không vợ con, không người thân thích nên món cơm trắng đã trở thành “đặc sản” đồng hành cùng ông suốt hơn một chục năm qua.

Quán cơm không của chị Nga là nổi tiếng nhất phố ga tàu

Ông Ngô Văn Dũng, 59 tuổi, bán vé số trên đường Nguyễn Thông là một người như vậy. Ông kể, ông sinh ra ở Hà Nội nhưng theo mẹ vào Sài Gòn mưu sinh từ ngày mới lên 5. Tuổi thơ của ông gắn liền với những ngày cơm độn ngô, khoai, rau cỏ. Hôm nào may mắn lắm mới có món cơm trắng nóng hổi để ăn.

Đến năm 1983, ông lấy vợ nhưng cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cuộc sống quá cơ cực, người vợ bỏ đi để lại cho ông một đứa con gái. Ông chạy xạc cả chân, hết chỗ này đến chỗ nọ bán vé số mà cũng không có đủ tiền nuôi con. Nhất là năm con bé bị ốm nặng, "có đồng nào cũng hết sạch nhưng tội nhất là chả bao giờ tôi cho nó được miếng thức ăn ngon, chỉ có cơm trắng cho đến khi nó lấy chồng. Chồng nó cũng nghèo và đi làm suốt nên giờ nó vẫn thường về ở với tôi”, ông Dũng run run nói.

Khách của họ chủ yếu là những người lao động nghèo

Hiện sức khỏe đã yếu, mắt không thấy rõ đường, ông Dũng làm một chiếc bàn gỗ nhỏ đặt trên đường Nguyễn Thông và bán vé số tại chỗ. Hàng ngày, ông thuê xe ôm từ Q. Phú Nhuận lên đây bán rồi lại bắt xe ôm đi về. Ngày nào bán đắt nhất, ông cũng chỉ bán được khoảng 100 tờ vé số nhưng ông để tiết kiệm còn nuôi mẹ già 78 tuổi.

Cứ 11h trưa, ông Dũng lại mua 2.000 đồng cơm ra đây ngồi ăn. "Tối thì ăn bậy ăn bạ thôi, còn để nuôi mẹ. Tôi cũng chỉ mong đến cuối đời mẹ tôi được ăn no, mặc đủ" và Tết này "mua được cho mẹ một cái áo mới".


Buổi trưa ở đây đông khách nhưng sao tôi bỗng thấy chạnh lòng. Hết người này đến người kia lại lần lượt tới trước biển “bán cơm không” trên đường Nguyễn Thông (Q.3), nghĩa là tất thảy chừng ấy người chỉ có cơm không trong bữa trưa nay, những nắm cơm 2.000 đồng hoặc nhiều lắm cũng chỉ 5.000 đồng.

Lãi ít, vất vả nhưng vẫn làm vì lo người nghèo đói bụng

Thấy những cảnh đó, nhiều người qua đường không khỏi lạ lùng cho rằng, thời buổi này ăn cơm không ai mà ăn!? Riêng chị Nga thì biết lý do vì sao: “Đừng nghĩ thời buổi này ăn cơm vỉa hè, cơm bình dân mà đã than nghèo, than khổ. Có những người ngày nào cũng đến đây ăn cơm trắng không à. Họa hoằn lắm mới có một hôm thêm được chút rau dưa cho đỡ lạt miệng”.

Họ thường chỉ mua 2.000 đồng cơm mỗi ngày, 
nhiều lắm cũng chỉ đến 5.000 đồng.

Phố cơm trắng nơi chúng tôi ghé nằm trên đường Nguyễn Thông, Q.3 và một con hẻm nhỏ 240 đường Cách mạng tháng Tám, cách ga Sài Gòn độ chừng chưa đến 100m. Gọi là “phố” cho oai chứ thực ra chỉ có 5 – 6 quán cơm nằm rải rác với những chiếc nồi cơm điện to ngoại cỡ. Quán của chị Nga trên đường Nguyễn Thông là quán lớn nhất vì có mặt bằng vừa bán vừa nấu tại chỗ. Còn lại đều là các quán vỉa hè được chất lên những chiếc xe đẩy tự chế cùng một chiếc dù cũ mòn.

Chị Nga mở quán cơm này đến nay là được 14 năm. Mỗi ngày, chị phải dậy từ 4h30 sáng. “Mỗi ngày tôi bán cũng được 500 – 600kg gạo. Bán chạy nhất vào khoảng 10 – 12h trưa, ít nhất là vào buổi sáng vì người nghèo ít khi có chuyện ăn sáng”.


Phần lớn, khách ghé lại là những người bán ve chai, vé số, công nhân, sinh viên, họa lắm một vài hôm mới có những người khá giả chạy xe ga tới hỏi mua cơm vì nhà mất điện. Giá mỗi ký cơm ngon chỉ có 10.000 đồng, loại cơm thường có giá 8.000 đồng/kg. Chị Nga cũng cho biết thêm, khách ghé lại chủ yếu mua loại cơm thường, người nào phải lao động cật lực thì ngày ăn 2 bữa hết 8.000 đồng, còn người những người già cả thì 5.000 đồng.

Vào những ngày giáp Tết, nhiều người đi tàu về quê thường ra đường Nguyễn Thông tranh thủ mua chừng 10.000 – 15.000 đồng cơm trắng để mang lên tàu. “Họ thường mang sẵn thức ăn ở nhà đi rồi ăn kèm với cơm trắng phố ga tàu, chứ ăn trên tàu những 30.000 – 40.000 đồng/suất, không mua nổi”, chị Nga cho hay.


Chị Bích, bán đối diện cửa hàng chị Nga cũng cho biết, những người bán cơm trắng như chị chẳng bao giờ mong ước giàu lên từ việc này. Bởi mỗi ký cơm trắng, người bán chỉ lãi được từ 500 – 1.000 đồng. Đa số, người bán cơm ở đây chỉ lấy công làm lời. Giá gạo, giá gas mỗi lần biến động là mỗi lần họ xót ruột xót gan. “Lúc đó chỉ lo mình không cố mà bán được nữa, hay phải tăng giá thì người nghèo lại đói cái bụng”, chị Bích thở dài.

Thúy Ngà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét