Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chuyện... con CÒ

Chuyện... con CÒ
'Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuông ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Chớ sáo nước đục đau lòng cò con'
(Ca dao) 
Hình ảnh quê hương Việt Nam thường được biểu tượng bằng những rạng tre, bụi chuối, cùng với những cánh ruộng lúa 'thẳng cánh cò bay. Cò được xem là một loài chim quen thuộc với đồng ruộng..Hình ảnh của cò được nhắc nhở trong nhiều câu ca (dao) bài hò, bài thơ, bản nhạc.

Nhiều tác giả đã bàn về Cò : từ những bài viết về những kỷ niệm của thời thơ ấu : bẫy cò, bắt cò đến những bài biên khảo thơ văn dùng Cò làm chủ đề . Những 'triết gia' Cộng sản còn đi xa hơn, dùng Cò để luận bàn về 'đấu tranh giai cấp' khác hẳn cái nhìn 'ướt át' của giới bình dân, xem Cò như ẩn dụ cho chuyện 'trai-gái' theo kiểu thơ Hồ Xuân Hương..

Văn hóa tại nhiều nơi trên thế giơi, nhất là Âu-Mỹ, cũng dùng Cò làm biểu tượng đẹp đẽ nhất để 'báo hiệu' cho biết một em bé sắp đến trong gia đình.



     Với 'cao trào' ăn nhậu tại Việt Nam..thì Cò dĩ nhiên là mồi.. không kém hấp dẫn..để các 'con Ngọc Hoàng' dzô vài chai ba-xi-đế..Nhiều món ăn độc đáo đã được chế biến từ thịt Cò.
     Cò trong Văn hóa Việt :
     Kho tàng ca dao Việt Nam có khá nhiều câu, nhiều bài về Cò : từ những câu đơn giản (ruộng cò bay thẳng cánh) đến những bài thật dài ghi lại trong Sách Quốc văn Giáo khoa thư..Trong văn chương Việt Nam, cò có thể được xem là biểu tượng của người phụ nữ như :     
alt
   'Con cò lặn lội bờ ao ; Phất phơ hai dải yếm đào gió bay'
   Cò trở thành hình ảnh của một người phụ nữ đảm đang, cực nhọc làm việc nuôi chồng con như trong thơ Tú Xương
   'Lặn lội thân cò khi quãng vắng ; Eo sèo mặt nước buổi đò đông'
        BS Nguyễn Xuân Quang trong bài 'Con Cò lặn lội bờ ao' (trên trang mạng tvvm.org) đã viết rất lý thú về hình ảnh và biểu tượng của Cò trong rất nhiều bài ca dao...
     Tác giả Huy Phương trong 'Tạp ghi : Nói chuyện con Cò' (Tạp chi Nguồn Số 2 tháng 5-2004) đã có những nhận xét khá đặc biệt về cách nhìn 'méo mó', quái đản của những nhà phê bình văn học XHCN khi cố 'chứng minh' là bài ca dao 'Con cò mà đi ăn đêm..' có 'giai cấp tính'(?) liên hệ đến 'đấu tranh giai cấp' (?) :
        Các 'ông' nhà văn này đã..giàu óc tưởng tượng để phục vụ chế độ 'vô sản' khi viết :
         .'Văy cành mềm và ao ..cũng chỉ là những biểu tượng. Nó chính là lưới pháp luật của chinh quyền phong kiến quan liêu từ thượng đỉnh cung đình đến ngóc ngàch hương thôn xưa kia :nó là thứ luật pháp co giãn như cành mềm, như kiểu ao chuôm tù đọng, méo mó và bẩn thỉu-nó là đời sống xã hội phong kiến và bần cùng..
       Còn ông ở đây..đích thị là nhà nước phong kiến-những kẻ nắm giữ quyền bính và chịu trách nhiệm đời sống mọi mặt của xã hội ..'
     (Hoàng Cát : Một bài ca dao xưa đòi quyền sống tốt đẹp trong Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Số 18-1989)
      Những câu ca dao có tính cách ẩn dụ như :
alt
   ...' Con trai mày há miệng ra
 Con cò nó mổ, muốn tha thịt mày
 Con cò mày mổ cái trai
 Cái trai quặp lại muốn nhai cái cò..'
cũng bị các ông 'văn hóa' XHCN 'suy luận' như ' trả thù giai cấp dưới hình ảnh..trai chống lại cò' (Cao huy Đỉnh-Tìm hiểu tiến trình Văn học Dân gian VN-Nxb Xã Hội 1974)
     Điệu hát dân ca Cò lả trong Quan họ Bắc Ninh vẫn là một nét đặc biệt của âm nhạc Việt..
     Bẫy cò và bắt cò :
        Tác giả Võ Long Triều trong 'Miền Nam Quê hương tôi' viết :
   'Bẫy cò rât đơn giản. Một cần tre thật dịu, dài hai thước, một sơi dây chắc chừng một thước, khoản bẩy tấc dây, cột dính vào một thanh tre nhỏ chừng năm phân, giữa thanh tre cột một dây có lưỡi câu để móc cá con hay nhái làm mồi nhử cò; ba tấc dây cuối cùng còn lại làm vòng tròn như thòng lọng để siết cổ cò. Khi gài bẫy, người ta khoét lỗ tròn hoặc lợi dụng lỗ chân trâu có nước khá sâu. Cần bẫy cắm sâu vào đất, hai bên miệng lỗ cắm hai thanh tre xéo ở đầu miệng, gài cây ngang có cả mồi dính trong lưỡi câu. Cò mổ cá, cây ngang sụp, cần tre bật, vòng thòng lọng..thắt cổ cò..'
                                alt      
 Bẫy cò
        Tác giả Nguyển Đình Bùi Thi trong 'Đành cò' (Đặc san Hướng đi) dùng danh từ 'đánh cò' để mô tả cách bắt cò tại Thăng Bình, Quảng Nam . Dụng cụ để 'đánh cò' được gọi là 'bộ giò':
     ' Một bộ giò đánh cò thường có độ vài ba chục cây, dài nhất thì chừng 80 đến 100 cây. Cây giò được vót từ tre gốc dẻo, chắc. Nửa phần trên vót mỏng, có thể uốn cong được và có gu ở đầu để buộc dây vảo cho khỏi tuột; nửa phần dươi vót to hơn và ở phầ chân thì vót nhọn để dễ cắm xuống đất. Gần phần chân thì khứa một khứa vào để giữ cho dây buộc không tụt lên trên. Từng cây giò được cột với nhau để liên kết và tạo độ mạnh cho bộ giò..Ở phần cuối cùng của hai đầu bộ giò, mỗi đầu được để du ra một đoạn dây dài để cột vào những bụi cây bê bờ ruộng đễ giữ bộ giò không bị cò mắc bẫy..kéo đi..' ' Có nhiều cách cặm giò : có thể cặm theo hình chữ V hay chữ U, nhưng thường cặm theo vòng tròn. Khi cặm giò xong, người săn cò chuẩn bị vài ccn cá nhỏ còn sống, đào vài hộc nhỏ chứa nước xâm xấp và thả cá làm mổi, hay cột vài con nhái cho nhảy, nhảy để dụ cò, tốt nhất là cột cò mồi rồi thả vào giữa vòng..' Cò bị dụ bay xuống kiếm ăn sẽ bị mắc mắc dây..'
        Cách bắt cò khác hơn và thuận tiện hơn là cắm những que tre, dài chừng 40 cm, vót nhỏ hơn thân đũa, đầu có dính keo (một loại nhựa cây..Cứ 2 que tre thành một cặp, đem cắm ở bờ ruộng, que nọ cách que kia chừng 25 cm. Cứ 3-4 cặp tre được cắm trên khoảng đất 1 m vuông. Cò mồi được cột nơi bờ ruộng..: hai con cột như đậu trên bờ và hai con bị giật cánh như đang vẫy cánh.. Cò bị dụ đáp xuống sẽ bị dính nhựa..
        Ngày nay, các tay săn cò..dùng súng đủ loại (từ súng hơi đến súng bắn đạn ghém) để bắn cò..
Cò trong Phong tục Phương Tây :
alt
     Tại Âu-Mỹ, Cò trắng (Cigogne blanche-Ciconia) cũng là những biểu tượng văn hóa dân gian..
   Thần thoại Hy lạp và La Mã xem Cò như những biểu tượng cho sự hiếu thảo dành cho Cha mẹ : Cò chăm sóc Cha mẹ khi già yếu, không chỉ nuôi Cha mẹ mà còn giúp Cha mẹ di chuyển, mang Cha mẹ theo khi thay đổi chỗ sinh sống. Đạo luật Hy lạp Pelargonia đòi hỏi con cái phải chăm sóc Cha mẹ khi già yếu.
        Tại Âu châu, Sách giáo dục trẻ em đã ghi hình ảnh của con cò Stork mang trên lưng Cha mẹ già, cò già rụng hết lông không bay nổi, với những lời khuyên : các em cần yêu thương và nghe lời Cha mẹ..Cò trắng rất 'thân' với người : làm tổ trong thành phố; tại Đức , cò được bảo vệ vì được cho rằng có linh hồn như con người., sự hiện diện của tổ cò sẽ bảo vệ ngôi nhà khỏi bị hỏa hoạn..Năm 1007, Nhà Thờ Notre-Dame de Strasbourg, bị sét đánh trong khi đang xây cất và thợ xây chỉ làm việc lại sau khi một đôi cò đến làm tổ nơi giàn xây. Người Đức và Hòa Lan còn làm..tổ sẵn cho cò..mời cò đến để mang may mắn cho gia đình.   Tại Đông Âu, Cò được tin là đem an hòa cho gia đình, nơi chúng làm tổ (theo kiểu đất lành chim đậu của người Việt), Cò báo hiệu cho sự được mùa, báo hiệu thời tiết (cò bay loạn thì thời tiết xấu, cò đậu một chân thì trời trở lạnh, cò kêu thì trời nắng..)
   Hồi giáo và Do thái giáo cấm ăn thịt cò..
Nhiều quốc gia (Lithuania, Bielorussia) và Thành phố (Alsace, Hanovre) dùng cò làm biểu tượng . Không quân Pháp dùng Cò đặt tên cho những phi đội đặc biệt như Escadrille des Cigognes.. Có những loại phi cơ được đặt thêm biệt danh Cò như Fieseler Fi-156, Pazmany PL-9 'Stork'..
     Truyền thuyết Bắc Âu cho rằng Cò có nhiệm vụ 'đem' em bé sơ sinh' đến cho những đôi vợ chồng trẻ..Truyện thần thoại kể rằng : ' Cò tìm được các em bé sơ sinh trong các hang động hay đầm nước nên đem em đến tặng cho các đôi vợ chồng trẻ, bằng cách cõng các em trên vai hay đặt trong giỏ và tha giỏ đến nhà. Hang đá nơi các em ở được gọi là Aderbarsteine = pierre de cigogne; và đầm nước gọi là Kindelsbrunnen = fontaine aux enfants..
alt
         Bé sơ sinh được cò trao tận tay bà mẹ hay được thả vào nhà theo ống khói..Các đôi vợ chồng mong con thường để..kẹo nơi cửa sổ để..dụ cò.
        Bài thơ nổi tiếng của Jean Frederic Wentzel đã được chuyển sang Pháp ngữ :
             ' Cigogne, Cigogne cabre-toi
               Apporte à maman un joli marmot
               Un qui pleure, un qui rit
               Un qui fait bien dans le pot..'
    Phong tục Âu-Mỹ cắm một chú cò bằng nhựa hay tranh vẽ một chú cò tha trên mỏ một bọc vải.. nơi sân trước nhà để thông báo.. gia đình sắp có thêm một..em bé.
        Trong văn chương Pháp, Cò được xem là thông minh không kém Cáo, biết ăn miếng trả miếng, như trong bài ngụ ngôn Le Renard et la Cigogne của Jean de la Fontaine..
   Vài loài Cò trong Sinh vật học :
          Tại Việt Nam có đến 20 loài Cò như Cò lửa, cò sao, cò ruồi, cò ngà, cò quắm, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò sen, cò nhạn..Dân gian có câu :' Cò lửa bay cao, cò sao bay thấp, cò ruồi đứng nấp bụi tre..'
Do đặc tinh thiên di nên nhiều loài có Á châu thể gặp tại Âu châu, Phi châu và cả Mỹ châu.
   Bộ chim Ciconiformes (Hạc) có nhiều họ nhưng hai họ quan trọng nhất là Ardeidae và Ciconidae.
      alt  alt  alt
       alt  alt
Vài giống tiêu biểu Họ Ardeidae
Họ Ciconidae gồm nhiều loài cò thường gặp tại Âu châu, Mỹ châu, trong khi đó Ardeidae gồm nhiều loài cò tại Nam Á và Đông Nam Á
      alt  alt  alt
            alt  alt  alt
  vài giống tiêu biểu họ Ciconidae
Vài loài thường gặp :
     Cò bợ : còn được gọi là Cò luồng
         Tên khoa học : Ardeola bacchus thuộc họ sinh vật Ardeidae
         Tên Anh-Mỹ : Chinese Pond heron; Pháp : Crabier chinois ; Tây ban Nha :Garcilla china.
         Tên Hán-Việt : Tri lộ.
         (Chi Ardeola có khoảng 6 loài cò, được các nhà nghiên cứu gọi là pond heron)
         Cò bợ cao khoảng 47 cm; sải cánh 80-100 cm. Mỏ dài 50-60 mm
  alt
     altalt
       Cò bợ có bộ lông khá đặc biệt : Cầm và họng màu trắng, phần còn lại của đầu, cổ mầu nâu xậm. Lưng và vai màu đen, các lông dài nhất có vệt xám tro. Lông ở ngực màu nâu gụ. Phần còn lại của bộ lông màu trắng. Màu sắc của bộ lông thay đổi trong mùa Đông : đầu và cổ đen nhạt, giữa mỗi lông có vệt màu vàng nhạt ; lông ở vai và trên lưng màu hung nhạt; lông cánh, đuôi và bụng trắng; lông ngực trắng có vết vàng..
      Cò bợ có mắt vàng. Mỏ vàng, nơi gốc màu xanh lục nhạt, chóp mỏ đen nhạt. Chân màu xanh nhạt.         
     Chúng làm tổ trên cây cao và đẻ mỗi năm 2 lứa và mỗi lứa từ 3-6 trứng màu xanh lam-lục nhạt. Thời gian ấp từ 18-22 ngày
     Cò bợ sinh sống nơi nước ngọt, đầm lầy, ruộng lúa, bờ sông, ven suối. Chúng ăn côn trùng, giáp xác và cá..
       Cò bợ phân bố rộng rãi tại Nam Á từ Myanmar sang Thái Lan xuống Đông Nam Á (Việt-Miên-Lào), Đông nam Trung Hoa, Mã Lai và Borneo.. Tại Việt Nam, cò bợ gặp trên toàn quốc tại những vùng đồng bằng và trung du..Những tay săn cò cho rằng thịt cò bợ ngon hơn cò trắng và thịt ngon nhất là săn trong tháng tám
    Tháng 8-1997, một con cò bợ đã bay ..lạc đến tận đảo Saint Paul (Alaska), Hoa Kỳ và đây là lần đầu tiên loài cò này được ghi nhận là..có mặt tại USA.
   Cò bợ sinh sản khá mạnh và số lượng cò tương đối cao và ổn định nên không được xem là loài cần được bảo vệ và không cần giới hạn săn bắt.
 ruồi còn gọi là Cò trâu
Tên khoa học : Bubulcus ibis coromandus thuộc họ Ardeidae
Tên Anh-Mỹ : Cattle Egret
(Các nhà nghiên cứu chia Bulbucus làm 2 nhóm :Western và Eastern Cattle egret)
   Cò ruồi tương đối mập, cao 45-55 cm, sải cánh 85-95 cm, nặng 250-500 gram.
alt
 alt   alt
Màu sắc bộ lông của Cò ruồi cũng thay đổi theo mùa. Mùa hè, những lông ở đầu, cổ, ngực màu hung-vàng cam ; lông ở vai cùng màu và kéo dài phủ cả lưng đến tận đuôi; phần còn lại của bộ lông màu trắng. Mùa đông, bộ lông hoàn toàn trắng, các lông màu hung-vàng biến mất.
                                    Cò ruồi có mắt màu vàng cam, mỏ vàng. Da quanh mắt và mặt màu xanh lục nhạt. Chân đen, phần trên giò và phía dưới các ngón màu vàng nhạt..Cò đẻ mỗi lứa 1-5 trứng, thường là 3-4 trứng màu xanh nước biển-trắng nhạt. Thời gian ấp khoảng 23 ngày, do cả bố lẫn mẹ. Thực phẩm của cò thường là côn trùng như cào cào, dế, ruồi (cả trứng và dòi), mối và cả nhện, ếch nhái
   Cò ruồi phân bố rộng trong toàn khu vực Nam Châu Á. Cò xuất hiện tại Bắc Mỹ từ 1941, sinh sản tại Florida từ 1953, phát triển mạnh và sang đến Canada (1962), hiện gặp khá nhiều tại California..Cò được thuần hóa và trở thành thú nuôi tại nhiều nơi trên thế giới. Cò có thể sống cộng sinh với gia súc như trâu bò.. Cò thay đổi nơi sinh sống theo mùa (thiên di). Số lượng hiện nay được ước lượng khoảng4-8 triệu con nên không được xếp vào loài cần bảo vệ.
    Cò trắng = Cò ngàng
          Tên Anh Mỹ : Little egret
          Tên Hán-Việt : Bạch lộ, Lộ ty
          Tên khoa học : Egretta garzetta garzetta thuộc họ Ardeidae
        Cò trưởng thành lơn khoảng 55-65 cm. Sải cánh 80-110 cm. Nặng 350-600 gram.
alt
        alt alt
   Cò có bộ lông hoàn toàn trắng. Nơi cò trưởng thành sau gáy có hai lông dài và mảnh. Cổ và dưới ngực có nhiều lông dài và nhọn.
     Mắt vàng, da quanh mắt màu xanh lục nhạt (mùa sinh sản màu da chuyển sang đỏ, xanh da trời. Mỏ đen , mảnh; mép và gốc mỏ phía dưới màu vàng nhạt. Chân dài đen. Bàn chân và móng vàng.   Cò đẻ từ 3-5 trứng, thời gian ấp từ 21-25 ngày. Trứng hình bàu dục màu lam-lục nhạt. Thực phẩm chính gồm cá, côn trùng, ếch-nhái, tôm-tép và cả rắn nhỏ. Cò săn mồi tại những vùng nước cạn, thường chạy trên nước để quậy cá và có khi đứng yên rất lâu để chờ mồi.
alt
Cò trắng phân bố rộng từ Châu Âu, Châu Phi , Châu Á. Cò hiện đang phát triển mạnh qua Mỹ châu. Các tài liệu ghi nhận, cò đến Barnados (1954) và sinh sản mạnh từ 1994, rồi di nhập về phia Bắc, đến Quebec (Canada), và xuống phia Nam đến Brazil..
Tại Việt Nam, theo Tra cứu Động vật Rừng Việt Nam cò 2 loài Cò ngàng :
     Cò ngàng lớn (Egretta alba modesta) , phân bố từ Ấn độ, Myanmar, Mã Lai, Trung Hoa và thiên di đến VN vào mùa đông, gặp tại vùng đồng bằng Bắc và Trung VN. Sải cánh 340-390, đuôi 130-160, giò 152-175, mỏ 109-117 mm
        Cò ngàng nhỏ (Egretta intermedia intermedia), hình dạng tương tự như loài trên tuy nhỏ hơn. Cò ngàng nhỏ có thể gặp cả tại Nam VN. Sải cánh 295-333, đuôi 113- 129, giò110-130 và mỏ 73-85 mm.
alt
    Cò trắng Trung Hoa = Chinese Egret, Swinhoe Egret (Egretta eulophotes) , sinh sản tại Bắc Hàn, Đông-Nam Trung Hoa, Đông Nga Sô, thiên di xuống Nhật, Indonesia. Mã Lai và Việt Nam (có thể gặp tại các ruộng lúa ven biển Nam Định, Thái bình và đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mâu). Kich thước (56 cm) và màu sắc bộ lông giống cò trắng với vài điểm khác biệt như mùa đông, da mặt màu xanh nhạt, chân xanh nhạt, phần chính của mỏ màu đen; mùa sinh sản da mặt đổi sang màu xanh xậm, mỏ màu vàng. Giò màu đen, ngón chân màu vàng-xanh nhạt.. Số lượng chỉ còn khoảng 2500-3500 con nên được xếp vào loài cần được bảo vệ.               
                                   alt
  Cò trắng Trung Hoa
     Cò lửa :
      Ngoài Cò lửa 'thường' còn có thêm một loài Cò lửa nhỏ hơn, gặp tại Nam Trung Hoa và Việt Nam, được gọi là Cò lửa lùn.
     Tên khoa học : Ixobrychus cinnamomeus. Ixobrychus sinensis sinensis = Cò lửa lùn.(Yellow Bittern)
altalt
        Cò lửa thuộc nhóm cò nhỏ, dài khoảng 38 cm, sải cánh 53 cm; cổ ngắn và mỏ tương đối dài (45-48 mm). Cò trống trưởng thành có bộ lông màu nâu vàng trên toàn mặt lưng, bao cánh nhạt hơn; cằm, họng và phía trước cổ màu trắng với một dải dọc màu hung đậm ở giữa.Lông trước ngực nâu nhạt, hai bên có vệt xậm hơn..Đầu và cổ màu nâu hạt dẻ, có mão màu đen. Cò mái màu xậm hơn cò trống. Cò lửa có mắt vàng cam hay vàng đỏ; mỏ vàng, sống mỏ nâu xậm. Da quanh mắt màu hung xậm phớt đỏ nơi cò trống và màu vàng ở cò mái. Chân màu vàng-lục nhạt.
   Cò lửa phân bố tại Nam Á (từ Ấn độ sang Nam Trung Hoa, Việt Nam, xuống Mã Lai, Indonesia) qua Philippines. Gặp hầu như khắp nơi tại Việt Nam nơi vùng lau sậy, gần nước có bụi rậm. Cò đẻ mỗi lứa 4-6 trứng; ăn côn trùng, ếch- nhái.
Tại VN, loài Ixobrychus flavicollis ( Ardea flavicollis) được gọi là Cò hương hay Cò đen.
      altalt
     Cò nhạn hay Cò ốc Anastomus oscitans thuộc họ Ciconiidae
                                   alt                    
alt
          Cò nhạn có màu trắng với đôi cánh màu đen bóng, đuôi có ánh lục hay tía. Mỏ có khoảng hở hẹp (tạo thành do hàm dưới uốn ngược và hàm trên hình vòng cung). Màu của bộ lông cũng thay đổi theo mùa. Mỏ xám hơi xanh lục, phía dưới phớt hung. Chân màu hồng, vàng nhạt hay nâu nhạt.
          Cò nhạn phân bố tại Nam Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện tại một số vùng Tây Nam bộ và Tây Ninh như Cà Mâu (Cái Nước, Đần Dơi..) nơi vùng nước gập, hồ ao, kênh mương..ăn ốc và các động vật nhỏ thủy sinh như ếch nhái, cua, côn trùng.
     Vài loài hiếm gặp :
    Cò mỏ thìa (Spoonbill) : Platalea minor họ Threskiomithidae ( gọichung là họ Cò quắn)
alt
         Cò lạo : Mycteria leucocephala họ Ciconiidae. Cò rất đẹp, mỏ dài, chân hồng nhạt, cò trưởng thành, lông bao cánh ngoài 2 bên vai có màu sen hồng rất hấp dẫn. Tại Hoa Kỳ : Wood stork (Mycteria americana) được xếp vào loài cần bảo vệ.
alt
     Giá trị dinh dưỡng của thịt Cò
         Thịt cò không phải là một nguồn thực phẩm thông thường tại Âu-Mỹ, nhưng lại được 'tiêu thụ' tuy không phổ biến rộng tại Á châu. Thịt cò (Âu-Mỹ) được xem là một món 'thịt rừng', săn bắn để 'ăn chơi' (game bird). Rất ít tài liệu nghiên cứu về thịt cò. Tài liệu đáng chú ý nhất là một bản báo cáo từ ĐH Nông nghiệp Nigeria, công bố trên Journal of Food Technology Số 3 năm 2005
     Kết quả phân chất thịt của Cò ruồi (Bulbucus ibis) :
         Cò sau khi làm lông có trọng lượng 300 gram , trong đó đầu 19.3 g, tim 3.1 g, gan 5g, đùi 28g.
     Thịt cò (phần ăn được) chứa
               - Chất đạm thô                 76.7 %
               - Chất béo thô                 2.14 %
             - Carbohydrate                 9.83 %
             - Tro                                6.41 %
     Thành phần khoáng chất :
      100 gram thịt chứa : Sodium (518 mg) ; Potassium (555mg) ; Sắt (41mg) ; Calcium (407 mg) ; Manganese (4.29 mg) : Magnesium (481mg); Kẽm (3.32 mg)..
     Bản nghiên cứu cho rẳng : Thịt cò ruồi có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất đạm và khoáng chất. Thịt thuộc loại dễ tiêu hóa, ít mỡ, cung cấp nhiều năng lượng (365 kCal) và nên khai thác tại các quốc gia Phi châu như một nguồn thực phẩm..
          Vài nghiên cứu về Cò :
alt 
         Một số nghiên cứu tại Trung Hoa, Iran , Hoa Kỳ dùng cò để kiểm soát sự ô nhiễm môi trường :
         - Cò ngàng (Egretta garzetta) sống nơi môi trường ô nhiễm sẽ có nồng độ các kim loại nặng cao như Se (trong trứng), thủy ngân (trong lông vũ) (Environtmental Monitoring & Assessment Số 118-2006).
         - Nồng độ Thủy ngân trong lông vũ, gan, thận và thịt cò ruồi (Bulbucus ibis) và cò ngàng được phân tích để theo dõi sự ô nhiễm của vùng rừng ngập nước tại Iran. Mức độ ô nhiễm tương quan với mức độ Hg tìm thấy trong cò (Environtmental Monitoring & Assessment Số 166-2010).
         - Nồng độ perfluoroalkyl acids (PFAs) trong tròng đỏ trứng cò (Egretta gazetta) được dùng để đo mức ô nhiễm của nước thải công nghiệp tại Hồ Shihwa (Nam Hàn). Sự thay đổi nồng độ của các acids này có thể giúp báo hiệu mức độ ô nhiễm (Environtmental Sciences and Technology Số 42-2008)
alt 
     Cò trong Thuốc Nam
           Nam dược dùng thịt cò hay Lộ nhục làm thuốc. Thịt cò được xem là có vị mặn, tính bình, không độc với tác dụng 'bổ tỳ, ích khí', được dùng để trị các chứng 'tỳ hư, tiết tả', 'tiêu hóa bất lương', 'băng lậu, thoát giang'.
   Trong 'Nam dược thần hiệu' Tuệ Tĩnh ghi : 'Lộ trang=Con cò, vị ngọt, tinh bình không độc; thịt bổ hư, mạnh dạ dầy, đầu cò chữa được miệng lở, vết thương..'
          Sách 'Dược tinh chỉ nam' (Nguyễn văn Minh) liệt kê một số tên Hán-Việt của Cò như : lộ tư, ty cầm, tuyết khách, thung sứ..Tên lộ= sương mù dựa theo 'Sương phi tắc sương ; Lộ phi tắc lộ' .Thịt cò được xem là rất bổ chữa được các chứng phong thấp, bổ cho người ốm yếu, gầy mòn..giúp tiêu hóa. Sách ghi thêm : Người Nhật rất quý thịt cò , ăn ngon và bổ, giúp thân thể khỏe mạnh.. sống lâu, tăng tuổi thọ.
            Đầu cò hay Lộ tư đầu chữa được 'phá thương phong' (bị trúng thương, chân tay tê cứng), miệng không nói được. Dùng đầu cò, đốt thành than, nghiền thành bột, rắc vào vết thương..
   Cò trong ăn nhậu :       
alt
   Thịt cò tại Việt Nam được chế biến thành nhiều món ăn như cò nướng, cò rôti, cò sào xả ớt, cháo cò.Ngoài món truyền thống Cò xáo măng.. còn có Cò xúc bánh tráng, cò nấu giả cầy, trứng cò luộc..
          Một phương pháp làm thịt cò được ghi trên Phụ Nữ Online qua bài 'Món cò quê' như sau :
     ' Làm cò cũng phải biết cách, thịt mới không tanh. Vặt lông cò thật sạch, sau đó thui cò trên ngọn lửa rơm cho sạch hết các lông tơ còn sót lại, thịt cò sẽ thơm ngon hơn..Thui cò xong dùng tấm khăn khô lau sạch thân cò, tuyệt đối không được dùng nước; nếu đụng nước thịt cò sẽ rất tanh. Mổ bụng, bỏ hêt nội tạng, chỉ giữ lại phần tim gan, bao tử và mỡ. Dùng dao lọc tách lấy hai khối thịt bên ức cò, róc cánh lấy thịt nạc..'
       Thịt cò sau đó được ướp gia vị như gừng, hành, mẽ, lá lốt và chế biên..
alt
     Tại nhiều địa phương ở VN, cò 'sống' và thịt cò làm sẵn được bán dưới nhiều dạng từ cò còn lông cánh, đã vặt lông cánh. Tên Cò 'túm' là cò bị trói chân, dốc ngược, mắt bị xiên thủng để người mua không bị 'cò mổ mắt'..
        Thịt cò tại Âu-Mỹ được xếp vào loại' thịt rừng', săn bắn được và tự chế biến. Theo The Curiosities of Food (Peter Simmonds) thịt cò tương đối mềm, khá ngon và nạc; vị được xem là phối hợp giữa jambon heo, thịt bồ câu và đa đa. Thịt cò non tương tự như thịt chim cút. Thịt cò được chế biến dưới các dạng chiên, đút lò và kho mềm..Tại Ý, có món thịt cò nhồi hành tỏi và quay, được đánh giá là ngon như thịt thỏ..
Tài liệu sử dụng :
-        Complete Birds of North America (National Geogtaphic)
-        Từ điển Động vật và Khoàng vật làm thuốc tại Việt Nam (Vỏ văn Chi)
-        Tra cứu Động vật rừng Việt Nam
-        Chim Việt Nam, Tra cứu và phân loại (Võ Quí)
-        The Oxford Companion to Food (Alain Davidson)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét