Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Kinh tế VN tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều nước ASEAN

TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế VN tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều nước ASEAN
Năm 2013 đã kết thúc. Nhìn lại thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm qua có nhiều cách đánh giá khác nhau. Từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Trần Quang Thành về kinh tế Việt Nam năm 2013 như sau:
Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Thưa TS Lê Đăng Doanh, những ngày đầu mới 2014 đã bắt đầu. Trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như nhiều quan chức chính phủ Việt Nam đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế xã hội năm 2013 về tăng trưởng kinh tế. Nhưng dư luận xã hội có những nhận xét hơi khác biệt. TS Lê Đăng Doanh có nhận xét gì về tình trạng kinh tế của đất nước ta trong năm qua ạ, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (LĐD): Trong năm 2013 thì nền kinh tế Việt Nam đã có một số tiến bộ đáng ghi nhận. Đáng ghi nhận thứ nhất tức là nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng 5,42%, như vậy cao hơn mức tăng trưởng 5,24% của năm 2012 như là Tổng cục Thống kê đã có công bố, trước đây thì có công bố là 5,03%, bây giờ mới có điều chỉnh lại là 5,42%. Tuy là tăng trưởng cao như vậy nhưng mà so với các nước ASEAN khác thì đây là một mức tăng trưởng thấp bởi vì cả Lào và Campuchia thì năm 2012 Lào tăng trưởng 7,9% và Campuchia tăng trưởng 7,2%. Và so với Indonesia và Malaysia thì họ cũng tăng trưởng cao hơn Việt Nam.

Cái thành tựu thứ hai đáng kể tức là kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được công bố là 6,04% là mức thấp nhất từ 10 năm nay. Tuy vậy thì cái mức 6,04% này cũng vẫn còn là cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thành tựu đáng kể thứ ba tức là Việt Nam đã có mức xuất khẩu cao là đạt đến 132 tỷ đô la, tăng 15,2% so với năm trước. Đấy là một mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao ở trong các nước ASEAN. Có lẽ là đấy là mức tăng trưởng cao nhất ở trong các nước ASEAN trong năm nay. Và Việt Nam cũng thu hút được đến 21 tỷ đô la đầu tư nước ngoài, đấy cũng là một cái mức tăng trưởng cao và là một cái thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy thì Việt Nam thực hiện cái vốn đầu tư cũng chỉ có 11,4 tỷ đô la, và như vậy cũng vẫn là cái mức không được cao lắm bởi vì cái mức này đã nằm ở cái mức 10,5 cho đến 11 tỷ đô la từ nhiều năm nay rồi. Cho nên mặc dầu là vốn đăng ký thì tăng lên nhưng vốn thực hiện thì không tăng lên được.

Một cái điều nữa cũng đáng ghi nhận tức là cùng với lại lạm phát của Việt Nam giảm thì lãi suất của ngân hàng cũng đã giảm thấp, giảm còn có tương đương với mức năm 2005, 2006 tức là vào khoảng 11% đến 9% một năm. Và đấy cũng là mức cao, rất cao so với các nước ASEAN khác.

Và cuối cùng thì tỷ giá của Việt Nam giữ được tương đối ổn định và so với đồng đô la chỉ có tăng khoảng 2%, tức là thấp hơn nhiều so với mức tăng lạm phát trong nền kinh tế ở trong nước. Và do là lãi suất và tỷ giá được giữ ổn định như vậy cho nên cái tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể coi như đã được tương đối ổn định. Và cũng có thể coi trong năm 2013 thì Việt Nam đã vượt qua được đáy của tăng trưởng thấp, tức là cái đáy của Việt Nam đã xuất hiện năm 2012, còn từ năm 2013 trở đi thì Việt Nam hy vọng là có thể tăng trưởng cao hơn.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, bên cạnh những điều đáng ghi nhận như vậy ông thấy bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam 2013 có biểu hiện gì đáng lo ngại không thưa ông?

LĐD: Cái tăng trưởng của kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào tăng trưởng của đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó xuất khẩu tăng trưởng cao như vậy cũng chủ yếu do đầu tư nước ngoài, thí dụ như là điện thoại di động Galaxy do Samsung lắp ráp ở Việt Nam thì đã được xuất khẩu đạt cái mức là 23 tỷ đô la. Đấy là một cái mức rất là cao so với tổng mức xuất khẩu của Việt Nam là 132 tỷ đô la trong năm nay. Và tổng cái tỷ lệ, tỷ trọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong toàn bộ xuất khẩu Việt Nam chiếm lên đến 65%, đấy là cái điều đáng chú ý. 

Và mặc dầu là tăng trưởng cao như vậy nhưng mà ngân sách của Việt Nam thì gặp khó khăn chưa từng thấy và các doanh nghiệp Việt Nam bị thua lỗ, bị phá sản vẫn tiếp tục tăng lên. Số doanh nghiệp bị phá sản và đóng cửa tăng 8,4% so với năm 2012, và như vậy là một mức tăng rất là cao. Mặc dầu Việt Nam có ghi nhận là có một số doanh nghiệp tư nhân đã có đăng ký trở lại nhưng số doanh nghiệp tư nhân đăng ký trở lại này thì chắc chắn không thể hoạt động được ngay và chưa đóng góp được ngay vào sản xuất.

Điều đáng chú ý mà tôi gọi là tình trạng “trầm cảm” của nền kinh tế Việt Nam là mặc dầu lãi suất tín dụng ngân hàng đã có giảm đáng kể so với trước đây là 21% thì nay chỉ còn có 11% đến 9%, nhưng mà tín dụng ngân hàng không tăng lên. Tín dụng ngân hàng theo thông báo mới nhất ngày hôm nay của ông Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình thì cũng vẫn chỉ có tăng 11%. Và như vậy là một mức tăng tương đối là thấp. Và điều đó có thể nói rằng là hiện nay Việt Nam là người dân ít đầu tư và tiền thì là bị giam hãm trong ngân hàng. Ngân hàng có tiền gửi tiết kiệm nhưng họ cũng không cho vay được. Và doanh nghiệp có muốn vay thì cũng phải được ngân hàng xem xét về các cái khoản nợ còn có nợ xấu hay không. 

Cho nên nền kinh tế Việt Nam chậm có sự chuyển biến trong khu vực kinh tế ở các khu vực kinh tế dân doanh. Khu vực kinh tế nhà nước trong năm thì báo cáo là lỗ và như vậy điện thì tăng giá, xăng dầu cũng tăng giá liên tục theo giá của thế giới. Nhưng đến cuối năm lại thấy công bố các tập đoàn kinh tế của nhà nước đều lãi to, báo chí đưa tin là lãi khủng và điều ấy làm cho thông tin giữa trong năm và cuối năm nó không được nhất quán với nhau. Điều đáng quý hơn cả là các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam đã được phát hiện từ lâu như là nợ xấu, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, như là sự đình trệ của hệ thống BĐS thì trong năm qua không tiến triển được cũng như là tái cấu trúc của các tập đoàn kinh tế của nhà nước Việt Nam cũng đang tiến triển rất chậm.

TQT: Thưa TS Nguyễn Đăng Doanh, khi đến dự Hội nghị tổng kết công tác của ngành ngân hàng 2013 cũng như là xu hướng phát triển năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nêu lên một vấn đề là khẳng định nhà nước vẫn tiếp tục độc quyền vàng và sẽ chỉ đạo cương quyết về vấn đề này. Thì như chúng ta đã gia nhập WTO, giờ chúng ta độc quyền như vậy thì có điều gì trái với những điều mà chúng ta đã ký kết không thưa tiến sĩ?
LĐD: Cái việc độc quyền vàng thì trong năm vừa qua thì được nhà nước đánh giá đã có đóng góp đáng kể vào cái việc chấm dứt tình trạng các ngân hàng huy động bằng vàng, rồi chấm dứt tình trạng người dân chạy theo vàng, mua vàng mỗi khi có biến động tỷ giá thì làm cho nền kinh tế ổn định hơn. Tuy vậy theo hội đồng vàng thế giới thì từ năm 1993 cho đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1000 tấn vàng. Và nếu trừ đi cái số vàng đã xuất khẩu thì ở trong dân Việt Nam hiện nay đang có khoảng từ 400 cho đến 500 tấn vàng, tương đương 22 đến 24 tỷ đô la tùy theo giá vàng ở trên thế giới biến động như thế nào. Và đó là một số tài sản rất là lớn. 

Như chúng ta đều biết Việt Nam là một nước có nhiều chiến tranh, có trải qua rất nhiều biến động thì tâm lý của người dân là muốn giữ vàng. Và khi nào còn lạm phát thì người dân cũng yên tâm giữ vàng hơn là giữ tiền. Cho nên ở Việt Nam dẫu có nghèo đi chăng nữa nhưng một cô dâu đi lấy chồng thì bố mẹ cũng cố gắng cho cô dâu 1 – 2 chỉ vàng làm của hồi môn, đó là truyền thống của người Việt Nam. Thế thì cái số vàng đó nếu như nhà nước độc quyền thì sẽ không huy động được ở trong dân và cái việc ông Thủ tướng có nói quả quyết rằng tiếp tục độc quyền xuất khẩu vàng, nhập khẩu vàng và độc quyền thị trường vàng, điều ấy làm cho nhà nước không thể huy động cái số 400 đến 500 tấn vàng ở trong dân. Và điều ấy cũng là một cái điều rất không bình thường vì Việt Nam đã cam kết sẽ thiết lập nền kinh tế thị trường và theo cơ chế thị trường. Nhưng cái việc độc quyền này thì nó không giống gì nền kinh tế thị trường khác.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, năm 2014 đã bắt đầu, tiến sĩ đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
LĐD: Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 thì được dự kiến sẽ tiếp tục coi trọng cái việc ổn định kinh tế vĩ mô. Và lạm phát thì dự kiến sẽ khoảng dưới 4% và dự báo tăng trưởng kinh tế có thể khá hơn so với năm 2013 một chút tức là vẫn ở dưới mức 6%, có thể vào khoảng 5,6% hay 5,8% gì đó. Điều quan trọng không phải rằng là năm 2013 hay năm 2014 mà điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam là có biện pháp gì để tái cấu trúc nền kinh tế, có biện pháp gì để cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ và có hiệu lực hay không? Nếu như mà Việt Nam không cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ, không tái cấu trúc, là hệ thống ngân hàng không giải quyết vấn đề nợ xấu, không giải quyết hệ thống BĐS thì những các cái thắt cổ chai đó sẽ vẫn còn tiếp tục làm tắc nghẽn mạch tăng trưởng, làm tắc nghẽn cái đồng vốn ở Việt Nam. Và vì vậy cho nên Việt Nam sẽ không thể tăng trưởng được.

Có cái điều tích cực, tức là Việt Nam hiện nay đang đàm phán vào tổ chức ký hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương và với viễn cảnh là sẽ vào được tổ chức đó thì Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi nhiều. Vì vậy cho nên hiện nay cái đầu tư nước ngoài có tăng lên đáng kể để đón nhận cơ hội Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản với lãi suất bằng 0. Và đó là lý do mà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tới cũng được dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

TQT: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh về cuộc trò chuyện.

LĐD: Dạ, xin cám ơn nhà báo!
http://www.tintuchangngayonline.com/2014/01/ts-le-ang-doanh-kinh-te-vn-nam-2013-tuy.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét