Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Hưởng ứng Thông điệp 2014 của Thủ tướng: Cải cách thể chế

Hoan nghênh TS Lê Đăng Doanh đã có lời kêu gọi "Hưởng ứng Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng: Cải cách thể chế"; đặc biệt "không nên mất thời giờ khoanh tay chờ đợi sự chuyển biến của bộ máy nhà nước, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hãy căn cứ vào Thông điệp của Thủ Tướng mà lên tiếng, phát hiện ra những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân". Tuy nhiên, Thông điệp của Thủ Tướng viết quá chung chung, dùng toàn những từ đao to búa lớn, không cụ thể nên rất khó cho các doanh nghiệp và người dân căn cứ vào đó, lấy đó làm chỗ dựa để lên tiếng về những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân; khi đó những lên tiếng có khi lại bị quy chụp là phản động, phá hoại an ninh trật tự xã hội... Mặt khác, hiện nay đang có nhiều người lên tiếng, nhưng việc sửa chữa, cải cách chưa thấy tiến triển trong khi họ bị trù dập, đến mức đang phải vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt Nam".
Hưởng ứng Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng: Cải cách thể chế
Lê Đăng Doanh
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”  đã chỉ ra những định hướng hành động và nhiệm vụ quan trọng cho công cuộc cải cách và tái cấu trúc kinh tế năm 2014 và những năm tiếp theo. Cách thiết thực nhất để hưởng ứng và ủng hộ các tư tưởng đổi mới mạnh dạn đó là nhanh chóng biến những định hướng đó thành hành động thiết thực, cụ thể và thực tiễn sinh động trong cuộc sống, đem lại những cải thiện có thể cân, đong, đo đếm được cho người dân chứ không thể những định hướng đó chỉ là những mệnh đề trừu tượng trên giấy.

Thủ tướng đã bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và  phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” đã đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng lòng mong mói của người dân đang bức xúc với rất nhiều yếu kém của bộ máy và vi phạm quyền dân chủ hiến định của người dân. Thủ tướng đòi hỏi: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. “

Thủ tướng cũng đề ra yêu cầu rất đúng đắn về yêu cầu:  phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.”
Cải cách thể chế là nhiệm vụ đã được Đại Hội XI đề ra, song cho đến nay chưa được triển khai có hệ thống và đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả mong đợi. Hy vọng Thông điệp của Thủ Tướng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện định hướng chiến lược quan trọng này.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được Đại Hội XI của Đảng thông qua (1.2011) đã khẳng định:
Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”[1]
Chiến lược cũng xác định “ Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.” là khâu độc phá chiến lược số 1
Chiến lược nhấn mạnh:  “Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” và : “Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. “
Điều này hoàn toàn phù hợp với những nhận thức mới của khoa học kinh tế của các học giả quốc tế.
Cuốn sách của Acemoglu và Robinson “ Vì sao các quốc gia thất bại - Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh Vượng và Nghèo khó”[2] năm 2012 đã tạo ra tiếng vang lớn trong công luận vì đã chứng minh chính thể chế là nguồn gốc dẫn đến quốc gia này phồn thịnh và quốc gia khác nghèo khổ
Tác giả đã chứng minh rằng cách mạng khoa học-công nghệ và vốn con người đã không thể đem lại sự thịnh vượng nếu như không có cải cách thể chế vì không có luật pháp về sở hữu trí tuệ , không có quyền tự do cho sáng tạo, không có sự kết nối với thị trường, không có sự kiểm soát quyền lực thì cách mạng khoa học-công nghệ cũng bất lực. 
Tác giả cũng chứng minh rằng thể chế yếu sẽ không ngăn cản được giới ưu tú cầm quyền cuớp bóc, một đội ngũ cầm quyền ăn bám sẽ không khuyến khích đầu tư và sáng tạo vì không ai bảo đảm rằng họ sẽ không dùng quyền lực để lấy cắp kết quả của đầu tư và sáng tạo của các cá nhân khác. Đó là những thể chế khai thác hay bóc lột (extractive institutions). Điều tệ hại là những thể chế này có xu thế tự lặp lại chính nó nếu không có thay đổi căn bản nào diễn ra. 
Những thể chế bao dung (inclusive institutions) bảo đảm các quyền tự do của cá nhân, khuyến khích mọi người nỗ lực vươn lên, đầu tư, làm giàu. Tại các thể chế này, quyền lực được kiểm soát, giới cầm quyền không thể tự tung, tự tác tước đoạt tài nguyên và làm giàu bất chính.
Acemoglu nhận định: “Những xã hội [bao dung] thật sự có sự phân chia quyền lực chính trị hợp lý hơn, trong khi những xã hội khác lại không có.”
Acemoglu và Robinson lập luận rằng, nếu một chế độ tước đoạt lên nắm quyền,  tức là quyền lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ thì không có sự thịnh vượng hay quyền tư hữu nào có thể cứu đất nước đó khỏi kết cục suy tàn vì quyền sở hữu có thể bị thao túng. Nếu quyền lực chính trị có sự tham gia rộng rãi của quần chúng thì thể chế chính trị và kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng và phúc lợi cho đông đảo quần chúng.
Lập luận của họ là mức thịnh vượng hiện đại đó dựa trên những nền tảng chính trị. Sự thịnh vượng gần như do đầu tư và sáng tạo tạo ra, nhưng đây là những hành vi của niềm tin: các nhà đầu tư và nhà sáng tạo phải có những lý do tin cậy để nghĩ rằng, nếu thành công, họ sẽ không bị những kẻ quyền thế cướp bóc
Để chính thể cung cấp bảo đảm như vậy, phải có hai điều kiện: phải giữ quyền lực phải được tập trung và các thiết chế quyền lực phải dân chủ. Nếu không có quyền lực tập trung, sẽ sinh rối loạn và không tạo điều kiện cho đầu tư và kinh doanh. Đồng thời, nếu không dân chủ thì một nhóm nhỏ sẽ chiếm đoạt quyền lực, lạm dụng quyền lực, làm giàu cho bản thân họ và xã hội sẽ mất ổn định.
So sánh với thực trạng của thể chế hiện nay ở nước ta với rất nhiều hạn chế, bất cập đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, chắc chắn rằng cần một chương trình cải cách thể chế toàn diện, cơ bản, có hệ thống để thực hiện Nghị Quyết của Đại hội XI của Đảng và Thông điệp của Thủ Tướng, làm thay đổi hệ thống pháp luật cũng như phương thức ứng xử của công chức với người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi rất nhiều và đang tiếp tục thay đổi, yêu cầu của người dân về một cuộc sống an toàn, về môi trường sống trong sạch, về các quyền tự do, dân chủ phải được thực hiện để mưu cầu hạnh phúc đã thay đổi và ngày càng tăng lên. Thể chế phải đáp ứng các yêu cầu đó, nếu không, cần phải yêu cầu thay đổi.
Song, không nên mất thời giờ khoanh tay chờ đợi sự chuyển biến của bộ máy nhà nước, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hãy căn cứ vào Thông điệp của Thủ Tướng mà lên tiếng, phát hiện ra những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân. Có thể yêu cầu bộ máy nhà nước các cấp bắt đầu thực hiện ngay một số hành động không tốn kém tiền bạc nhưng có thể đáp ứng những mong đợi của quần chúng và doanh nghiệp. 
Trước hết là thực hiện đầy đủ nhất chế độ công khai, minh bạch về hoạt động của bộ máy nhà nước như lịch công tác, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (e.mail) của các công chức, những việc họ đang giải quyết, thông tin về chi tiêu của cơ quan, chi phí hội nghị, đi công tác nước ngoài bao nhiêu v.v. để người dân có thể giám sát, góp ý kiến, chất vấn trực tiếp, một cách có hiệu quả bộ máy nhà nước. Qua đó, người dân và doanh nghiệp biết ai chịu trách nhiệm về ô nhiễm, ai chịu trách nhiệm và trật tự, an toàn cuộc sống và cần yêu cầu ai giải quyết. Các chế độ sử dụng xe cộ, lịch đi công tác, chi phí hội nghị, hội thảo cần được công khai để dân biết tiền được chi tiêu cho dân bao nhiêu và cho bộ máy bao nhiêu v.v. Quyền lực phải được giám sát để bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng bởi những nhóm lợi ích mà quyền lực phải được thực hiện vì dân, bởi chính người dân.
Cũng cần thiết lập ngay và công bố rộng rãi đường dây nóng, hòm thư góp ý để người dân có thể góp ý kiến, phát hiện những vướng mắc trong công việc. Những ý kiến đó cần được công bố công khai cho báo chí, Hội Đồng Nhân Dân biết để giám sát.
Công khai quy trình bổ nhiệm công chức thông qua quá trình lựa chọn cac ứng cử viên, đưa ra Hội đồng Nhân Dân, Mặt Trận Tổ Quốc xem xét chương trình hành động, bỏ phiếu tín nhiệm là những biện pháp có thể thực hiện sớm để nâng cao sự giám sát độc lập trong quá trình bổ nhiệm cán bộ. Những ứng cử viên đó phải công bố công khai chương trình hành động, mục tiêu họ đặt ra cho công việc để người dân góp ý kiến và giám sát. Việc bổ nhiệm cần có thời hạn, có mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt được.
Báo chí nên mở ra Diễn Đàn như Tuổi Trẻ đang tiến hành để mọi người có thể hiến kế, tham gia rộng rãi vào việc thực hiện những định hướng của Thông điệp.
Thực hiện Thông điệp của Thủ Tướng phải trở thành phong trào hành động rộng rãi của quần chúng tích cực tham gia những cải cách vì lợi ích của chính mình, thúc đẩy sự thay đổi thể chế, thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân. 

[2] Daron Acemoglu và Jemes Robinson, Why Nations fail, Crown Publishers, N.Y. 2012, bản tiếng Việt do Nguyễn Quang A dịch.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-1-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét