Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

(4) Hệ thống tài khoản quốc gia và tính GDP ở Việt Nam

Xem thêm: Các cân đối và quan hệ vĩ mô chủ yếu của nền KTQD,
Hệ thống tài khoản quốc gia và tính GDP ở Việt Nam
PHẦN IV
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÍNH CÁC CHỈ TIÊU
TÀI KHOẢN QUỐC GIA Ở CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ
 
I. Thực trạng áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia tại các Cục Thống kê tỉnh, thành phố
Để phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế vĩ mô ở cấp tỉnh, thành phố từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, ngành Thống kê đã tổ chức và hướng dẫn các cơ quan thống kê tỉnh, thành phố tính một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chủ yếu thuộc hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dân (gọi tắt là MPS) như: Chỉ tiêu tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân, quỹ tích luỹ, quỹ tiêu dùng và một số bảng cân đối sản phẩm chủ yếu. Những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp của hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dẫn đã phục vụ cho việc nghiên cứu và phân tích kinh tế vĩ mô của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

Bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa, Tổng cục Thống kê đã áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia trên phạm vi cả nước và tổ chức hướng dẫn các Cục Thống kê tỉnh, thành phố tính các chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất, tổng sản phẩm thực hiện trên địa bàn (GDP), tổng tích luỹ tài sản và tiêu dùng cuối cùng thực hiện trên lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố.
Qua 10 năm áp dụng, hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) ở Việt Nam đã trở thành là một công cụ không thể thiếu trong nghiên cứu và phân tích kinh tế vĩ mô của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Số liệu thống kê về các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương trong việc đánh giá kết quả sản xuất, tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thành phố. Đồng thời, việc tính những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp theo lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố cũng cung cấp nguồn thông tin quan trọng cho việc biên soạn hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước.
 Tuy nhiên, việc tính một số chỉ tiêu chủ yếu của tài khoản quốc gia ở cấp tỉnh, thành phố cũng đã bộc lộ một số hạn chế và thiếu sót. Đó là chất lượng số liệu chưa cao, rõ nét nhất là giữa số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố với số liệu của cả nước có sự sai lệch nhiều trên hai góc độ trái ngược như sau:
Một là, tổng GDP tính theo giá thực tế của 64 tỉnh, thành phố thường thấp hơn và chỉ bằng khoảng từ 92% – 98% GDP tính theo giá thực tế của cả nước.
Hai là, do các tỉnh, thành phố tính giảm phát GDP thấp hơn so với cả nước nên tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh, thành phố tính cao hơn cả nước khoảng 2,6% - 4,2 %, thậm chí có tỉnh, thành phố tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của cả nước.
Những tồn tại trên là do các nguyên nhân sau:
        1. Qui trình thu thập thông tin, phương pháp tính các chỉ tiêu của TKQG ở cấp tỉnh, thành phố chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế tổ chức, quản lý kinh tế và hạch toán thống kê - kế toán của cơ sở ở nước ta. Một số hoạt động kinh tế mới xuất hiện trong thực tế chưa được hướng dẫn phương pháp tính thống nhất và kịp thời, đặc biệt với hai vấn đề:
- Xác định đơn vị thường trú cho tỉnh, thành phố;
- Tính giảm phát GDP ở một tỉnh, thành phố.
2. Các phương pháp đã hướng dẫn có nơi không đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt, vận dụng không đúng. Trong khi đó việc kiểm tra, uốn nắn của Tổng cục chưa được thường xuyên, chưa kịp thời.
3. Trình độ cán bộ hạn chế, nhất là cán bộ chuyên sâu về TKQG ở các tỉnh, thành phố.
4. Tư tưởng thành tích ở nơi này, nơi khác có tác động nhất định đến kết quả tính toán, làm cho số liệu thiếu độ tin cậy, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Một số biểu hiện cụ thể của các nguyên nhân trên như sau:
- Xác định đơn vị thường trú ở một số nơi chưa đúng, cụ thể là:
+ Các doanh nghiệp do tỉnh, thành phố thành lập, có các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc hoạt động ngoài tỉnh, thành phố (không phải là đơn vị thường trú của tỉnh, thành phố) nhưng tỉnh, thành phố vẫn tính toàn bộ theo doanh nghiệp mẹ vào GDP của mình.
+ Các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc có doanh thu riêng hoạt động trong tỉnh, thành phố (là đơn vị thường trú của tỉnh, thành phố) nhưng doanh nghiệp mẹ là của trung ương hoặc tỉnh, thành phố khác thì lại không tính vào GDP của mình.
+ Có một số đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc có doanh thu riêng là thường trú của tỉnh, thành phố song doanh nghiệp mẹ nằm ngoài tỉnh, thành phố thì cả tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp mẹ đóng, cũng như tỉnh, thành phố có doanh nghiệp thành viên đóng đều tính kết quả sản xuất của đơn vị thành viên này vào GDP của tỉnh, thành phố mình.
+ Đối với các đơn vị thành viên hạch toán độc lập, hạch toán phụ thuộc của các Tổng công ty 90, 91 (kể cả các Tổng công ty hạch toán toàn ngành), các doanh nghiệp sản xuất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm rải rác trong cả nước chưa chấp hành tốt chế độ báo cáo cho cơ quan thống kê sở tại, nên nhiều tỉnh, thành phố không thu thập được đầy đủ loại thông tin này để tính vào GDP của tỉnh, thành phố.
+ Các tỉnh và thành phố còn tính thiếu kết quả sản xuất của các lĩnh vực quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng do trung ương quản lý đóng trên lãnh thổ tỉnh, thành phố; các cơ quan sứ quán, lãnh sự quán của Việt Nam hoạt động ở nước ngoài...; trong khi đó GDP của cả nước đã bao gồm cả các hoạt động này.
+ Một số Cục Thống kê chỉ thu thập được thuế nhập khẩu thực tế nộp cho Hải quan của tỉnh, thành phố mình, không thu thập được thuế nhập khẩu của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất là thường trú có hoạt động xuất nhập khẩu và phải nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước qua các cửa khẩu trong cả nước. (Qua điều tra vùng đồng bằng sông Hồng năm 2001, thuế nhập khẩu của các tỉnh, thành phố thuộc vùng báo cáo theo chế độ chỉ bằng 58,2% số thuế nhập khẩu thực hiện của vùng lấy từ Tổng cục Hải quan...).
Tình hình trên chủ yếu xảy ra đối với các đơn vị kinh tế do trung ương quản lý, các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, các Tổng công ty 90, 91 nhất là các Tổng công ty hạch toán toàn ngành. Nếu xét trên phạm vi cả nước thì khó khăn và phức tạp hơn cả là đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,
- Giảm phát GDP của các tỉnh, thành phố thấp:
Chỉ tiêu giảm phát GDP của các tỉnh, thành phố tính thường thấp hơn so với cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố tính giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp theo giá cố định 1994 và coi đó là giá so sánh năm 1994. Bản thân bảng giá này đã bộc lộ nhiều bất cập ngay từ khi xây dựng. Hơn nữa, giá cố định là giá bình quân cho cả nước, không mang tính đại diện cho các tỉnh, thành phố và các vùng khác nhau, nên khi áp dụng cho tỉnh, thành phố đã đánh giá sai lệch kết quả sản xuất của tỉnh, thành phố theo giá so sánh. Những ngành không có giá cố định các tỉnh, thành phố áp dụng chỉ số giá, song do chưa được hướng dẫn cụ thể nên việc tính toán còn tuỳ tiện và không thống nhất. Do đó giảm phát GDP của các tỉnh, thành phố chỉ bằng 82% – 85% so với giảm phát GDP của cả nước làm cho tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh, thành phố cao hơn GDP của cả nước.

II. Phương hướng củng cố và hoàn thiện công tác thống kê tài khoản quốc gia ở cấp tỉnh, thành phố
1.    Những nguyên tắc chung
- Triển khai thực hiện chủ trương mở rộng việc áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia theo phương pháp luận của hệ thống tài khoản quốc gia của Liên hợp quốc đã được nêu trong “Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010”
- Hoàn thiện các thống kê chuyên ngành từ trung ương đến địa phương cho phù hợp với yêu cầu tính các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp của tài khoản quốc gia trên phạm vi cả nước và ở phạm vi tỉnh, thành phố.
- Việc tính một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chủ yếu ở cấp tỉnh, thành phố được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, giảm thiểu mâu thuẫn và tiến tới thống nhất kết quả tính toán chung cả nước và các địa phương. Chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng và tích luỹ tài sản không tính ở cấp tỉnh, thành phố.
- Cấp quận, huyện, thị thuộc tỉnh, thành phố, trong điều kiện hiện nay chưa tính các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp của hệ thống tài khoản quốc gia.
- Đối với những chỉ tiêu thuộc hệ thống tài khoản quốc gia, từ năm 2005, các Cục Thống kê chỉ công bố những số liệu ước tính để phục vụ kịp thời cho các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương, số liệu báo cáo chính thức do Tổng cục Thống kê thống nhất công bố.

2. Việc tính GDP ở tỉnh, thành phố thực hiện theo hướng sau:
- Các chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA) của các hoạt động quản lý nhà nước, ngoại giao, an ninh quốc phòng theo ngành dọc hoặc hoạt động ở phạm vi quốc gia, không phân định rõ được ranh giới hoạt động thuộc tỉnh, thành phố nào; các hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty 90, 91 do Chính phủ và các Bộ, ngành thành lập, trong đó có 11 Tổng công ty hạch toán toàn ngành và thuế nhập khẩu của Tổng cục Hải quan do Tổng cục Thống kê thu thập, tính toán và phân bổ cho các tỉnh, thành phố.
- Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực tiếp thu thập thông tin và tính các chỉ tiêu GO, IC, VA của các hoạt động còn lại nằm trên lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố. Về cơ bản, đơn vị thường trú của các hoạt động này được xác định như sau:
+ Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn của tỉnh, thành phố (doanh nghiệp mẹ), có một số đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc hoạt động ở ngoài tỉnh, thành phố đó, nếu ở các đơn vị này không tổng hợp được những thông tin về giá trị sản xuất, chi phí sản xuất hoặc có thu được những thông tin này nhưng giá trị sản xuất tính được quá nhỏ so với tổng giá trị sản xuất của toàn doanh nghiệp (dưới 10%) thì vẫn tính vào doanh nghiệp mẹ. Các tỉnh, thành phố nơi có địa điểm của các chi nhánh này không tính vào đơn vị thường trú của mình.
+ Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ của tỉnh, thành phố nào thì coi là thường trú của tỉnh, thành phố đó.
+ Tất cả các hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc tỉnh, thành phố đều là thường trú của tỉnh, thành phố.

3. Lộ trình thực hiện phương hướng trên như sau:
- Năm 2004, Tổng cục Thống kê thí điểm thực hiện việc thu thập, tính toán và phân bổ cho các Cục Thống kê các chỉ tiêu GO, IC, VA của 11 Tổng công ty hạch toán toàn ngành và chỉ tiêu thuế nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố vẫn tiến hành tính toán các chỉ tiêu của TKQG như cũ (kể cả phần Tổng cục sẽ phân bổ, nhưng báo cáo riêng phần này theo biểu mẫu hướng dẫn của Vụ Hệ thống TKQG).
- Năm 2005, các chỉ tiêu GO, IC, VA của 11 Tổng công ty hạch toán toàn ngành và chỉ tiêu thuế nhập khẩu của Tổng cục Hải quan do Tổng cục thu thập thông tin, tính toán và phân bổ cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố. Thí điểm thực hiện việc thu thập, tính toán và phân bổ cho các cục Thống kê tỉnh, thành phố các chỉ tiêu GO, IC, VA của các Tổng công ty 90, 91 còn lại và của các hoạt động quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, ngoại giao có quản lý ngành dọc hoặc hoạt động ở phạm vi quốc gia. Các Cục Thống kê chỉ tính các chỉ tiêu GO, IC, VA thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố theo sự phân công của Tổng cục (không bao gồm các đơn vị do Tổng cục trực tiếp tính và phân bổ). Không tính các chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản.

III. Một số giải pháp nhằm thực hiện phương hướng củng cố và hoàn thiện công tác tài khoản quốc gia ở cấp tỉnh, thành phố
1. Để khắc phục những tồn tại hiện nay và từng bước củng cố, hoàn thiện công tác thống kê tài khoản quốc gia ở cấp tỉnh, thành phố cần phải thực hiện các giải pháp sau:
1.1. Xây dựng một qui trình thu thập thông tin và phương pháp tính các chỉ tiêu của TKQG ở cấp tỉnh, thành phố phù hợp với tổ chức, cơ chế quản lý kinh tế và hạch toán thống kê - kế toán của nước ta. Đặc biệt phải phù hợp với Luật Thống kê, Nghị định số: 101/NĐ-CP và Chương trình hành động thực hiện định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010. Giải quyết dứt điểm các vấn đề chưa thống nhất giữa thống kê TKQG và thống kê chuyên ngành liên quan đến xác định nguyên tắc thường trú và phương pháp tính giảm phát GDP ở cấp tỉnh, thành phố.
 1.2. Hướng dẫn thống nhất và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát qui trình thu thập thông tin và phương pháp tính các chỉ tiêu thuộc hệ thống TKQG tại các Cục Thống kê tỉnh, thành phố (đặc biệt là đối với các lĩnh vực, hoạt động mới xuất hiện).
  1.3. Nâng cao trình độ cán bộ thống kê từ trung ương đến cơ sở về nghiệp vụ thống kê - kế toán nói chung và về thống kê TKQG nói riêng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn về TKQG.
  1.4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và của người cung cấp, sử dụng thông tin thống kê TKQG để các đối tượng trên thấy được trách nhiệm và lợi ích trong việc củng cố, phát triển công tác này ở Việt Nam.

2. Phân công trách nhiệm thực hiện thí điểm việc thu thập, tính toán và phân bổ một số chỉ tiêu của hệ thống TKQG ở cấp tỉnh, thành phố như sau:
2.1. Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng
Thu thập thông tin, tính toán và phân bổ chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá thực tế và giá so sánh của các Tổng công ty 90, 91 khác thuộc ngành công nghiệp và xây dựng cho các tỉnh, thành phố.
2.2.   Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản
Thu thập thông tin, tính toán và phân bổ chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá thực tế  và giá so sánh của các Tổng công ty 90, 91 thuộc ngành Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản cho các tỉnh, thành phố.
2.3.   Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả
Thu thập thông tin của các Tổng công ty hạch toán toàn ngành như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam… và các Tổng công ty 90, 91 khác thuộc ngành Thương mại và Dịch vụ cho các tỉnh, thành phố.
Xây dựng hệ thống chỉ số giá phù hợp cho việc tính chuyển một số chỉ tiêu GO, IC, VA ở cấp tỉnh, thành phố từ giá thực tế về giá so sánh.
2.4.   Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia
Thu thập thông tin, tính toán và phân bổ chỉ tiêu giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị tăng thêm theo giá thực tế và giá so sánh của các hoạt động thuộc các đơn vị và Tổng công ty hạch toán toàn ngành như: Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng hoạt động theo ngành dọc và hoạt động ở phạm vi quốc gia và chỉ tiêu thuế nhập khẩu cho các tỉnh, thành phố. Tính toán và phân bổ chỉ tiêu IC, VA theo giá thực tế và giá so sánh của các Tổng công ty 90,91 thuộc ngành Công nghiệp, Xây dựng, Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản. Tính toán và phân bổ các chỉ tiêu GO, IC, VA theo giá thực tế và giá so sánh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam… và các hoạt động của các Tổng công ty 90, 91 khác thuộc ngành Thương mại và Dịch vụ.
    2.5. Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố
Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố thu thập thông tin và tính toán các chỉ tiêu GO, IC, VA theo giá thực tế và giá so sánh của các ngành, loại hình kinh tế còn lại theo sự phân công của Tổng cục.
      2.6. Vụ Phương pháp  Chế độ Thống kê
Hướng dẫn các Cục Thống kê tỉnh, thành phố cập nhật các chỉ tiêu định danh, doanh thu thuần, lao động, tài sản, nguồn vốn, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu của các  đơn vị thành viên hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc của các doanh nghiệp là đơn vị thường trú theo từng tỉnh, thành phố và cập nhật thường xuyên hàng năm các đơn vị thường trú còn lại (các đơn vị thường trú không phải là doanh nghiệp và các đơn vị thành viên của doanh nghiệp) của tỉnh, thành phố.
Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi chế độ báo cáo thống kê định kỳ áp dụng cho các Tổng công ty Nhà nước ban hành theo Quyết định số: 373/TCTK/PPCĐ ngày 10/9/1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong đó quy định cụ thể các đơn vị thành viên hạch toán độc lập, hạch toán phụ thuộc, Văn phòng Tổng công ty của các Tổng công ty Nhà nước phải gửi báo cáo tài chính quí, năm và các báo cáo thống kê tháng, quí, năm cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố sở tại.

PHẦN PHỤ LỤC
Phụ lục 1
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ ĐƠN VỊ THƯỜNG TRÚ TRONG VÙNG LÃNH THỔ
HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ
Đơn vị thường trú là bộ phận cấu thành của lãnh thổ kinh tế. Theo định nghĩa của hệ thống tài khoản quốc gia năm 1993 thì nền kinh tế là tập hợp toàn bộ các đơn vị thể chế thường trú. Vì vậy, kinh tế theo vùng lãnh thổ cũng là tập hợp toàn bộ các đơn vị thể chế thường trú trong vùng lãnh thổ.
a. Khái niệm chung về đơn vị thường trú
a.1. Khái niệm thường trú:
Một đơn vị được coi là một đơn vị thường trú khi có một trung tâm lợi ích kinh tế trong phạm vi vùng lãnh thổ kinh tế mà chúng ta đang nghiên cứu
a.2. Khái niệm Trung tâm lợi ích kinh tế:
 Một đơn vị được gọi là có trung tâm lợi ích kinh tế và được coi là đơn vị thường trú trong vùng (vùng lãnh thổ kinh tế hành chính tỉnh, thành phố hoặc vùng liên tỉnh, thành phố) nếu đơn vị đó có các điều kiện sau:
1.  Đơn vị cơ sở đang thực hiện các hoạt động kinh tế trong lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố hoặc vùng lãnh thổ liên tỉnh, thành phố từ một năm trở lên.
2.  Đơn vị có địa điểm hoạt động sản xuất hoặc nơi giao dịch cố định tại vùng lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố hoặc vùng liên tỉnh, thành phố để tiến hành các hoạt động sản xuất, giao dịch kinh tế và văn hoá.
3.  Đơn vị có chủ thể quản lý các hoạt động kinh tế (có tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động kinh tế), các hoạt động văn hoá, xã hội.
4.  Đơn vị cơ sở: đơn vị cơ sở ở đây phải hiểu là một chủ thể kinh tế nhỏ nhất, có thể là 1 đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, hoặc phụ thuộc nhưng có khả năng thống kê được lao động, sản lượng sản phẩm sản xuất hoặc xác định được giá trị sản xuất hoặc doanh thu. Vì vậy đơn vị cơ sở có thể là một doanh nghiệp, một công ty, thậm trí một Tổng công ty, một cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân hoặc có một phần tư cách pháp nhân, một hộ sản xuất kinh doanh cá thể; thí dụ đối với loại hình doanh nghiệp như sau:
·      Doanh nghiệp, công ty, tổng công ty hạch toán kinh tế độc lập mà dưới doanh nghiệp, công ty, tổng công ty đó không có bất cứ một cơ sở kinh tế nào hạch toán kinh tế độc lập phụ thuộc trực thuộc (hoặc nếu có đơn vị hạch toán phụ thuộc nhưng không có cơ sở thông tin để thông kê lao động, sản lượng sản phẩm, hoặc doanh thu) thì chính doanh nghiệp, công ty, tổng công ty đó là đơn vị cơ sở;
·  Doanh nghiệp, công ty, tổng công ty hạch toán kinh tế độc lập nhưng dưới các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty lại có các đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập hay hạch toán kinh tế phụ thuộc mà có cơ sở để xác định được lao động, thống kê được sản lượng sản phẩm, hoặc doanh thu, chi phí sản xuất thì các đơn vị này đều là đơn vị cơ sở.
5. Một đơn vị cơ sở kinh tế chỉ được coi là thường trú duy nhất ở một nơi (ở một vùng lãnh thổ tỉnh, thành phố)
b. Một số quy định cụ thể đối với đơn vị thường trú của vùng trong vùng lãnh thổ hành chính tỉnh, thành phố:
1.1. Thường trú của hộ gia đình và cá nhân dân cư:
Một hộ gia đình có một trung tâm lợi ích kinh tế khi hộ không rời khỏi chỗ ở hoặc liên tục có chỗ cư trú trong vùng mà các thành viên trong hộ gia đình sử dụng làm nơi ở chính của họ. Tất cả các cá nhân thuộc cùng một hộ gia đình đều là thường trú trong cùng một vùng. Nếu như một thành viên của hộ gia đình đang sinh sống rời khỏi vùng trong một thời gian nhất định (dưới một năm) rồi lại trở về tiếp tục cùng sống với gia đình thì vẫn là thường trú của gia đình đó. Căn cứ vào thực tế của Việt Nam quy ước tất cả các hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc tỉnh, thành phố đều coi là thường trú của tỉnh, thành phố đó.

Trong từng trường hợp cụ thể, những dân cư và người lao động làm việc một phần thời gian hay suốt cả thời gian trong năm theo các hình thức sau đây, ở nước ngoài, ở vùng khác hoặc ở tỉnh, thành phố khác vẫn được coi là dân cư thường trú của vùng, hoặc tỉnh, thành phố:

(1) Những người lao động làm việc một phần thời gian trong năm ở nước ngoài, ở vùng, tỉnh, thành phố khác theo mùa vụ hoặc theo nhu cầu lao động nào đó dưới 1 năm sau đó lại trở về gia đình của họ trong tỉnh, thành phố hoặc trong vùng.
(2) Những lao động “biên giới” (biên giới quốc gia hay biên giới vùng, tỉnh, thành phố) thường xuyên qua lại “biên giới” làm việc song hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vẫn trở về nhà.
(3) Những nhân viên của tổ chức quốc tế được tuyển dụng tại vùng hoặc tại tỉnh, thành phố để làm việc trong khu vực riêng của tổ chức quốc tế đó.
(4) Những nhân viên trong vùng, tỉnh, thành phố được tuyển dụng vào các cơ quan sứ quán, lãnh sứ quán, các căn cứ quân sự nước ngoài đóng trong lãnh thổ ở vùng hoặc tỉnh, thành phố.
(5) Những thuyền viên, phi hành đoàn, hoặc các nhân viên điều hành các phương tiện giao thông hoạt động một phần hay phần lớn thời gian trong năm ở ngoài lãnh thổ vùng hay tỉnh, thành phố.
(6) Những người đi du lịch, thăm viếng vui chơi giải trí, công tác ở ngoài vùng hoặc tỉnh, thành phố (kể cả ở nước ngoài) dưới một năm.
(7) Những nhân viên và lao động phục vụ trong quân đội, ngoại giao mà Chính phủ tuyển dụng trong vùng hay trong tỉnh, thành phố và cử họ sang làm việc ở các đại sứ quán, lãnh sứ quán, căn cứ quân sự ở nước ngoài bất kể thời gian là bao nhiêu vẫn được coi là thường trú của vùng hay của tỉnh, thành phố;
(8) Những sinh viên, học sinh học tập ở nước ngoài, học tập ở vùng hoặc tỉnh, thành phố khác cho dù thời gian học tập bao nhiêu năm thì vẫn được coi là thường trú của vùng hoặc của tỉnh, thành phố trước khi họ đi ra ngoài vùng hoặc ngoài tỉnh, thành phố học tập. (Bởi vì tuy họ học tập nhiều năm ngoài vùng nhưng vẫn được gia đình cung cấp các điều kiện để sinh sống và học tập và vẫn là bộ phận cấu thành của gia đình. Trung tâm lợi ích kinh tế của những học sinh, sinh viên này vẫn là ở gia đình).
(9) Những bệnh nhân ra nước ngoài, vùng ngoài hoặc tỉnh, thành phố ngoài chữa bệnh và bồi dưỡng sức khoẻ dù có thời gian ở nước ngoài, vùng ngoài, tỉnh, thành phố ngoài trên một năm thì vẫn là dân cư thường trú của vùng, tỉnh, thành phố đang nghiên cứu.
10) Đối với những người làm công việc xây dựng tự do, đơn vị thường trú được tính theo quy ước: Công trình xây dựng ở đâu thì tính cho thường trú của tỉnh và thành phố đó.
(11) Các trường hợp hoạt động kinh tế cá thể làm một số nghề tự do như họp chợ lưu động trên sông, xay sát lưu động, xe ôm,... không có địa điểm cố định tại một số vùng, tỉnh, thành phố nhất định thì căn cứ vào nơi người đó hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều nhất, hoặc nơi đóng thuế để xác định nơi thường trú. Trường hợp đặc biệt lao động cá thể, tự do không xác định được địa điểm, thời gian hoạt động kinh tế,... thì coi nơi hộ gia đình của người đó đang sinh sống là nơi thường trú.
b.2. Thường trú của các doanh nghiệp (xí nghiệp, công ty, tổng công ty, hợp tác xã và các tổ chức kinh doanh... có tư cách pháp nhân và có một phần tư cách pháp nhân)
Các đơn vị xí nghiệp, công ty, tổng công ty, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân và có một phần tư cách pháp nhân được coi là trung tâm lợi ích kinh tế và thường trú của một vùng lãnh thổ kinh tế hành chính tỉnh, thành phố hay vùng liên tỉnh, thành phố là những đơn vị cụ thể sau:
(1) Các đơn vị thuộc quyền quản lý của tỉnh, thành phố (có hạch toán kinh tế độc lập hoặc không hạch toán kinh tế độc lập nhưng có thể xác định được lao động, sản lượng sản xuất, doanh thu hoặc chi phí) đang hoạt động kinh tế trong lãnh thổ hành chính của tỉnh và thành phố.
(2) Các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành, các công ty và doanh nghiệp của các vùng hoặc tỉnh khác đang hoạt động kinh tế trong vùng hoặc trong tỉnh, thành phố.
(3) Các đơn vị hạch toán kinh tế phụ thuộc của các bộ, ngành, các công ty và doanh nghiệp của các vùng hoặc tỉnh, thành phố khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh tế trong vùng, tỉnh, thành phố có hạch toán riêng (có thể xác định được một số chỉ tiêu cơ bản như lao động, sản lượng sản phẩm, giá trị sản xuất, doanh thu hoặc chi phí sản xuất).
(4) Đối với Văn phòng Tổng công ty, Công ty đóng ở đâu thì quy ước là thường trú của vùng hoặc tỉnh, thành phố đó.
(5) Nếu một tỉnh, thành phố có một bộ phận là văn phòng đại diện hoặc ban đại diện ở tại tỉnh, thành phố khác nhưng chỉ có chức năng giao dịch không có chức năng sản xuất kinh doanh, mọi nghĩa vụ và quyền lợi đều phụ thuộc vào công ty mẹ, quy ước bộ phận này vẫn là thường trú của vùng hay tỉnh, thành phố có công ty mẹ đóng.
(6) Đối với các doanh nghiệp hoạt động vận tải có nhiều bộ phận hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, hoạt động một phần hay đa phần thời gian nằm ở ngoài vùng, tỉnh, thành phố thì quy ước vẫn được tính là thường trú của vùng hay tỉnh, thành phố có doanh nghiệp vận tải mẹ quản lý trực tiếp đối với bộ phận đó
b.3. Thường trú của cơ quan Nhà nước (kể cả cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị quân đội, công an) theo vùng, tỉnh, thành phố
(1) Tất cả các cơ quan Nhà nước, các cơ quan tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội, như: các cơ quan của Quốc hội, của Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, các sở, ban ngành và các cơ quan thuộc chính quyền tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị xã; xã và phường, các cơ quan an ninh quốc phòng đang đóng và hoạt động trên lãnh thổ vùng, tỉnh, thành phố nào thì được coi là thường trú của vùng, tỉnh, thành phố đó. Song nếu một số cơ quan tổ chức và văn phòng đại diện của trung ương và địa phương khác đóng ở vùng hay tỉnh, thành phố đang nghiên cứu mà hoạt động không mang tính độc lập, không có báo cáo quyết toán thu chi riêng, không có tài khoản và con dấu riêng thì không coi là đơn vị thường trú của vùng, tỉnh, thành phố sở tại; Đối với cơ quan quản lý ngành dọc như Thống kê, Ngân hàng... thì các cơ quan này đóng ở vùng, tỉnh, thành phố nào coi là thường trú của vùng, tỉnh, thành phố đó.
(2) Đối với cơ quan sứ quán, lãnh sứ quán, các cơ quan quân sự và các cơ quan khác của chính phủ nước ngoài đóng trong lãnh thổ vùng, tỉnh, thành phố cho dù thời gian kéo dài nhiều năm cũng không được coi là thường trú của vùng, tỉnh, thành phố đó. Còn cũng các cơ quan đó của Việt Nam đóng ở nước ngoài thì là thường trú theo vùng (hoặc tỉnh, thành phố) có Bộ ngoại giao đóng.
b.4. Thường trú của tổ chức không vì mục đích kinh doanh lấy lời theo vùng, tỉnh, thành phố
Các tổ chức không vì mục đích kinh doanh lấy lời (gọi tắt là tổ chức không vì lợi) là các hiệp hội nghề nghiệp, hội từ thiện, các tổ chức tôn giáo… là các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận, được thành lập theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, là thường trú của một vùng, tỉnh, thành phố theo nơi đăng ký thành lập và chịu sự quản lý trực tiếp. Nếu một tổ chức không vì lợi có các chi nhánh hoạt động trên nhiều vùng, tỉnh, thành phố khác nhau thì căn cứ vào thời gian hoạt động ở vùng, tỉnh, thành phố nào lâu hơn thì tính là thường trú của vùng, tỉnh, thành phố đó. Trường hợp không xác định được theo độ dài thời gian thì qui ước là thường trú của tổ chức “mẹ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét