Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Thế trận 2014

Thế trận 2014
(TBKTSG) - Thế trận kinh doanh của năm 2014 và những năm tiếp theo đã rõ: hội nhập. Và cùng với đó là những áp lực từ dòng chảy hội nhập ngày càng mạnh, cũng như cơ hội tuyệt vời cho những ai biết nắm bắt.
Trên kệ hàng hóa ở siêu thị, hàng Việt Nam chiếm đến hơn 90%, nhưng đó là hàng của các tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Tao.
Chiến lược thỏ và rùa
Vinamit đang có những bước đi đáng chú ý. Trong nước, công ty bắt tay với siêu thị Co.opmart, và hàng hóa sản xuất ra mặt trước ghi tên Vinamit, mặt sau ghi tên Co.opmart.

Ngoài nước, Vinamit bắt tay với hai doanh nghiệp khác, một là Dole của Mỹ và một là “đại gia” gạo của Trung Quốc. Các chiến lược này được ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, ví là đi trên vai người khổng lồ, hay nói một cách khác hình tượng hơn là thỏ cõng rùa.

Nhưng vì sao phải liên kết? “Tình thế buộc ta phải khôn ngoan, đi mượn lực bên ngoài để cõng mình”, ông Viên giải thích. Chẳng hạn, với Co.opmart, ông Viên cho rằng đây là một nhà phân phối chuyên nghiệp, còn ông là nhà sản xuất sản phẩm mít sấy hàng đầu. Hai cái mạnh cùng kết hợp và bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh nhau, càng tạo ra sức mạnh. Kết quả, hàng vừa chất lên kệ siêu thị, doanh số bán ra đã bằng của Vinamit tự bán. Ông Viên rất vui vì doanh số tăng lên gấp đôi.

Còn với Dole, ông nghĩ, nếu không hợp tác, dù có cố lắm, doanh số chỉ lên tới vài ngàn tỉ đồng là hết sức. Nhưng nếu hợp tác, tham vọng vài tỉ đô la Mỹ cũng không phải là quá. Hiện Dole, chỉ bán chuối và mít, nhưng doanh số hàng năm đã lên tới 7 tỉ đô la Mỹ. Còn Vinamit, ở một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam, nhưng doanh số chỉ chừng vài trăm tỉ đồng. “Đó chính là mượn lưng thỏ cõng trên vai để mình tiến nhanh hơn. Nhưng thỏ cũng cần rùa trên những đoạn đường sông chẳng hạn”, ông Viên ví von.
Dĩ nhiên, hợp tác, nhưng phải thủ thế. Bài toán đặt ra là làm sao để hợp tác có lợi mà không bị nuốt chửng. “Chúng tôi cũng có những tính toán kỹ càng, để con thỏ cõng mình đi không biến thành con bò cạp quay lại cắn mình”, ông Viên nói.

Mượn lực cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện, từ chuyện liên doanh liên kết, tìm đối tác chiến lược đến bán cả công ty.

Như Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng quốc tế ICP đã bán đến 85% cổ phần cho một công ty Ấn Độ. Nhưng bù lại, trong lúc nhiều doanh nghiệp khó khăn, tốc độ tăng trưởng của ICP luôn hơn 30%/năm.

Dù bức tranh kinh tế vĩ mô chưa thật rõ ràng, buộc các doanh nghiệp phải thận trọng, thì liên doanh liên kết có lẽ là thế trận của năm 2014 và những năm tới. Tổng giám đốc ICP Phan Quốc Công nhận định, nếu không hợp tác mà chỉ giữ như ngày đầu, công ty của ông sẽ không khác với số phận của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn khác, và cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ mà thôi.

Thế trận nào cho năm 2014?

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng năm 2014 “cũng không có gì khác biệt nhiều so với năm 2013 khi sự phục hồi vẫn còn yếu”. Ông Thành cho hay Chính phủ sẽ có một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mở rộng các kênh đầu tư thông qua phát hành trái phiếu, nhưng nhìn chung khó khăn vẫn còn đeo đẳng. Vì thế, ông khuyên các doanh nghiệp trước mắt phải tiếp tục “sống sót” bằng cách tái cấu trúc, tiết giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới… Nhưng trong thời gian đó doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho một cái nhìn dài hơi hơn để có thể phát triển.

Có thể nhận thấy áp lực của dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế ngày một mạnh lên. Ở trong nước, chính sách của Chính phủ ngày một mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế, để có thể “sống sót và phát triển” như ông Thành nói, không còn con đường nào khác là cạnh tranh và tiến lên. “Hội nhập mang lại những rủi ro, nhưng kèm với đó là cơ hội có thêm thị trường, cạnh tranh và chuyển giao công nghệ”, ông Thành nói.

Vấn đề là phải biết cách tận dụng các lợi thế đó. Như trong chuyển giao công nghệ chẳng hạn, các chuyên gia cho rằng trong rất nhiều năm thu hút FDI, vấn đề này cho đến nay vẫn là một sự thất bại. Một phần lớn trong đó là do các doanh nghiệp Việt Nam dường như không muốn, mà nếu muốn cũng không có khả năng tiếp nhận công nghệ.

Trong khi đó, nhìn sang Trung Quốc, chính sách thu hút đầu tư FDI của nước này luôn kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ, và người Trung Quốc phải được nhận vào làm trong các khâu quan trọng. Từ đó, Trung Quốc, một mặt được chuyển giao, một mặt học được các công nghệ quan trọng và trở thành đối thủ cạnh tranh của các tập đoàn từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Đâu đó đã vang lên những lời cảnh báo về sự lệ thuộc của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc chơi mới là các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy được sức mạnh của các tập đoàn này. Những chiếc chốt cuối cùng của cánh cửa đang được tháo dần ra cũng là lúc lần lượt những cái tên nước ngoài thay thế dần những nhà sản xuất trong nước. Trên kệ hàng hóa ở siêu thị, hàng Việt Nam chiếm đến hơn 90%, nhưng đó là hàng của các tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam. Còn hàng Việt thực thụ, đang bị dồn vào các ngóc ngách, đang lên bờ xuống ruộng.

Thế trận của năm 2014 và những năm tới “nhìn phát bực”, như lời của một tổng giám đốc công ty. Theo ông này, các chính sách của Chính phủ dường như chưa gãi đúng chỗ ngứa, không giúp doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp cứ lo trong thì mất ngoài, lo ngoài thì mất trong. Tìm ra được một đại dương xanh không khó, nhưng bơi ra đến được đó mới hay đại dương thấm đỏ máu đào. Đến khi quay về sân nhà thì đã hụt chân. Thị trường ASEAN, rồi ASEAN + Trung Quốc dù rộng hóa ra vẫn không đủ chỗ. Chỉ hàng hóa Trung Quốc thôi đã tràn ngập thị trường. Thêm TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), rồi vài FTA (hiệp định thương mại tự do) nữa, tưởng thị trường lớn hơn, nhưng niềm vui vẫn không lấn át được nỗi lo vỡ trận.

Và vẫn còn đó những mối bận tâm khác về một chính sách ổn định, không thay đổi xoành xoạch để doanh nghiệp có một chiến lược làm ăn lâu dài.

Rất nhiều cảm xúc trong bức tranh năm 2014. Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam không thể đóng cửa hay bảo hộ mãi được. Đâu đó nhiều doanh nhân đã tin vào học thuyết tiến hóa của Darwin về sự thích nghi với môi trường mới có thể tồn tại và phát triển.

“Cái thú vị trên đường đời là không phải kẻ mạnh mới thắng mà kẻ thắng mới là kẻ mạnh. Hãy vững bước và đừng đổ thừa cho môi trường”, ông Đinh Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty Tsubaki Yamakyu ở Nhật Bản, nhận định trong lần về Việt Nam tuần trước. Ông Phước là người Việt Nam đầu tiên đảm nhận chức tổng giám đốc của một công ty lớn tại Nhật Bản.

Phi Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét