Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Số liệu thống kê xuất nhập khẩu lại “xô” nhau

Đọc để biết chứ thực ra nội dung các chỉ tiêu xuất nhập khẩu, thời điểm kết thúc để điều tra, thống kê... giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê có sự khác nhau nên chuyện "xô" nhau là bình thường. Có điều hai cơ quan này thường xuyên gặp nhau thì nên bàn cách giải quyết để không xảy ra tình trạng "xô" nhau nữa.
Số liệu thống kê xuất nhập khẩu lại “xô” nhau
Một lần nữa, số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê lại có độ vênh đến chóng mặt. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 11 có mức thặng dư hơn 1 tỷ USD, trong khi với số liệu của Tổng cục Thống kê, thì mức thặng dư chỉ đạt 0,1 tỷ USD, tức là nhỏ hơn đến 10 lần.
Ảnh minh họa: Diễn đàn doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 11/2013 đạt 22,98 tỷ USD, giảm 8,5% so với kết quả thực hiện của tháng 10 trước đó; trong đó, xuất khẩu đạt 11,99 tỷ USD, giảm 4,9% và nhập khẩu là gần 10,99 tỷ USD, giảm 12,2%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 11 có mức thặng dư hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, chiếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thì cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều cao hơn, tốc độ giảm so với tháng 10 cũng theo đó mà cao hơn nhiều. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2013 ước tính đạt 12,3 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, còn kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2013 ước tính đạt 12,2 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, tương ứng cán cân thương mại chỉ đạt thặng dư 0,1 tỷ USD, hay 100 triệu USD (dù một điều khá khó hiểu là cũng chính trong cùng một báo cáo, Tổng cục Thống kê lại đề xuất siêu ước tính 50 triệu USD). Điều này cho thấy, tốc độ giảm xuất khẩu theo số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ bằng khoảng 50% so với Tổng cục Hải quan, trong khi tốc độ nhập khẩu giảm lại chỉ tương đương 1/6. Điều đó đồng nghĩa với việc số liệu của các tháng trước cũng trong tình trạng vênh nhau như thế này, và nhìn chung, con số của Tổng cục Hải quan thường thấp hơn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố trên website.

Con số tổng đã chênh thì số liệu cụ thể càng khó lòng khớp nhau, nhưng có một xu hướng chung không thể chối bỏ: khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục xuất siêu, trong khi khối doanh nghiệp nội địa trong tháng 11 lại tiếp tục trạng thái thâm hụt thương mại. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD trong tháng 11. Theo đó, trị giá xuất khẩu của khối này đạt 7,53 tỷ USD (Tổng cục Thống kê: 9,1 tỷ USD), giảm 6,6% và nhập khẩu là 6,13 tỷ USD (Tổng cục Thống kê: 6,9), giảm 14,2% so với tháng trước đó. Hoạt động xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước trong tháng 11/2013 tiếp tục trạng thái thâm hụt thương mại với mức nhập siêu 396 triệu USD. Theo đó, trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này trong tháng là 4,46 tỷ USD (Tổng cục Thống kê: 4) giảm 2% và nhập khẩu là gần 4,86 tỷ USD (Tổng cục Thống kê: 6 tỷ USD), giảm 9,5% so với tháng trước.

Có thể thấy, khối doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục trở thành bệ đỡ, làm giảm nhẹ cú sốc tâm lý khi kéo giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức xuất siêu thần kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước tiếp tục tiêu điều, bất chấp mức trần quảng cáo được nới thêm một chút (thực tế vẫn làm khó doanh nghiệp), ưu đãi tín dụng được đánh bóng rầm rộ hay các tranh cãi về thuế suất tiếp tục dang dở. Nhưng chung quy, có đỡ thế nào thì không thể phủ nhận thực tế: cả xuất và nhập đều giảm so với tháng trước. Xuất khẩu giảm cho thấy các doanh nghiệp hoặc không mặn mà sản xuất, hoặc thất bại trong việc giành hợp đồng… trong khi nhập giảm cho thấy sức mua đã yếu đi nhiều. Một bức tranh nhốn nháo hoàn toàn tương ứng với với các nhận định mà tổ chức Ngân hàng Thế giới nêu trong Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013: “Cầu trong nước ở Việt Nam vẫn còn yếu ớt do lòng tin của khu vực tư nhân còn ở mức thấp, do khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực ngân hàng có tỷ suất vay nợ quá cao (và khu vực ngân hàng bị thiếu vốn), và một lý do nữa là do ngân sách nhà nước đang suy giảm. Về phía cung, các đánh giá so sánh khả năng cạnh tranh của các nước cho thấy rằng Việt Nam hiện đang bị suy giảm khả năng cạnh tranh so với các nền kinh tế có trình độ tương đương. Việc tiếp thêm sức lực cho tăng trưởng trong trung hạn đòi hỏi phải tiếp tục và tăng cường quan tâm tới một số cải cách cơ cấu - trong đó chú trọng vào các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.”

Chuyện xuất nhập khẩu giảm có thể được biện hộ là do các doanh nghiệp đang tập trung vào thị trường nội địa mùa Tết. Nhưng điều này nếu đúng thì chỉ càng thêm phần hiểm nguy và rủi ro. Bởi Việt Nam đang tiếp tục thâm hụt thương mại lớn nhất với thị trường Trung Quốc với mức thâm hụt lên tới hơn 2 tỷ USD trong tháng 11. Thế nên mới có cảnh chưa đến Tết mà bánh, mứt, kẹo Trung Quốc đã đầy chợ, trong khi chất lượng thì đến cả người dân Trung Quốc cũng phải e ngại. Trung tâm đánh giá an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban quốc gia về Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thừa nhận trong năm vừa qua, có tới 1/6 người dân Trung Quốc đã từng phải chịu những cơn đau đớn do ăn phải thức ăn nhiễm “độc”. Trong khi đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường mà Việt Nam đạt được thặng dư thương mại lớn nhất với 1,73 tỷ USD, chứng tỏ những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ vẫn chưa được du nhập nhiều vào Việt Nam, ngay kể cả nho Mỹ, táo Mỹ… được bán đầy ngoài sạp cũng có thể chỉ là cái vỏ bên ngoài.

Lục Dương
http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/so-lieu-thong-ke-xuat-nhap-khau-lai-%E2%80%9Cxo%E2%80%9D-nhau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét