Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Những loại tên lửa đắt tiền nhất thế giới

Những loại tên lửa đắt tiền nhất thế giới
Trang mạng The Richest đã bình chọn 8 loại tên lửa có giá đắt nhất thế giới.
8. Stinger (38.000 USD)
Stinger là loại tên lửa phòng không vác vai có chiều dài 1,52m, đường kính 70mm và nặng 10,1kg. Stringer có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 - 3.800m.
Tên lửa được phóng ra nhờ một động cơ nhỏ để tạo khoảng cách an toàn cho xạ thủ trước khi hệ thống cung cấp nhiên liệu rắn 2 tầng được kích hoạt, giúp Stinger đạt tốc độ Mach 2,2. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.

Đây là loại tên lửa từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Afghanistan. Nó phổ biến vì có trọng lượng tương đối nhẹ và dễ sử dụng.

7. Dragon (51.000 USD)

Dragon là tên lửa chống tăng vác vai từng được sử dụng trong cuộc chiến giữa Iran – Iraq và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Dragon có khả năng phá hủy các phương tiện bọc thép, lô cốt, các xe tăng chiến đấu chủ lực và những mục tiêu kiên cố khác. Tên lửa có tầm bắn hiệu quả từ 75-1.000m, mặc dù tầm bắn tối đa của nó lên tới 1.500m.

Dragon được đưa vào trang bị trong quân đội Mỹ từ năm 1975. Tới năm 2001, Mỹ ngừng sử dụng loại tên lửa này.

6. Hellfire (68.000 USD)

Tên lửa Hellfire được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau như: xe bọc thép, tổ hợp phòng ngự của đối phương trang bị trên các xe chiến đấu với chỉ một loại đầu đạn.

Hellfire có tầm bắn tới 8km. Mặc dù được xếp vào loại tên lửa không đối đất nhưng trên thực thế, tên lửa Hellfire có thể được phóng từ biển và trên bộ.

5. Javelin (147.000 USD)

FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng vác vai được quân đội Mỹ sử dụng để thay thế cho các tên lửa Dragon.

Javelin được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi xe tăng, xe bọc thép và kể cả công sự phòng ngự trên mặt đất của đối phương.

Tên lửa đạt tầm bắn hiệu quả 75m tới 2.500m, tầm bắn tối đa gần 5km.

4. AGM-88 HARM (284.000 USD)

Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM được thiết kế để tiêu diệt radar cảnh báo sớm, radar phòng không và radar pháo binh.

Tên lửa có tầm bắn 48 km ở chế độ tự dẫn (tầm bắn 150 km đối với mục tiêu biết trước), trọng lượng đầu đạn gần 66 kg, trọng lượng tên lửa 363 kg, tốc độ bay hơn Mach 2.

3. Tomahawk (1,5 triệu USD)

BGM-109 Tomahawk có chiều dài 5,56m (hoặc 6,25m với động cơ tăng cường nhiên liệu rắn), đường kính 0,51m, sải cánh 2,67m. Tên lửa được bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 (trên tàu chiến Aegis) bằng động cơ nhiên liệu rắn, sau đó động cơ phản lực cánh quạt sẽ được kích hoạt để bay đến mục tiêu.

Tầm bắn của Tomhawk từ 1.300-2.500km tùy biến thể, có thể nhắm trúng các mục tiêu cố định hoặc bán cố định với bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ 3-5m. Tên lửa được trang bị đầu đạn thuốc nổ nặng 450kg đủ sức công phá mọi công sự phòng ngự kiên cố nhất (hoặc có thể lắp đầu đạn hạt nhân khi cần).

2. Tên lửa Patriot (3 triệu USD)

Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng (tầm bắn xa nhất từ 70 đến 160 km), có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24 km.

Hệ thống có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi nó rời bệ phóng 10 giây, nhằm giúp các tên lửa đánh chặn khai hỏa kịp thời và cùng vạch ra hành trình đạn đạo dựa trên dữ liệu từ tên lửa đối phương để tiêu diệt nó sớm, ngay cả trên phần đất của đối phương.

1. Tên lửa Trident (65 triệu USD)

Trident được đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ năm 1979 nhằm thay thế cho tên lửa UGM-73 Poseidon. Trident được phát triển với 2 biến thể, biến thể Trident I và Trident II. Trident I có tầm bắn 7.400km và Trident II có tầm bắn 11.000km.

Ngoài tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ, Trident-II còn được sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp HMS Vigilant của Hải quân Hoàng gia Anh.

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét