Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Nguy cơ khi công an cầm “thượng phương bảo kiếm"

Nguy cơ khi công an cầm “thượng phương bảo kiếm"
Khi anh cầm khẩu súng trong tay, nghĩa là anh đang mang nặng một trách nhiệm trên tay để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ người dân lương thiện. Anh không bao giờ được phép nghĩ rằng mình có quyền lực, có súng ống trong tay rồi muốn bắn ai thì bắn.
Vụ một bộ đội bắt cóc con tin tại Huế chiều tối ngày
16.1.1010 đã từng gây rung động dư luận một thời
Nghị định 208 của Chính phủ vừa ban hành ngày 17.12 quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi chống người thi hành công vụ. Theo đó, người thi hành công vụ được “rộng tay” hơn khi nghị định cho phép được quyền nổ súng vào các đối tượng chống đối, cố tình không chấp hành hiệu lệnh…

Nhìn dưới góc độ trấn áp tội phạm thì đây sẽ là động thái mạnh của chính quyền khi tuyên chiến với những kẻ côn đồ, những tổ chức tội phạm… để chúng phải chờn tay.

Nhưng ở đời cái gì cũng có hai mặt của nó. Khi anh có súng trong tay mà lạm quyền, vi phạm pháp luật thì đương nhiên, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc xử lý hình sự. Việc nghị định không nêu rõ các biện pháp chế tài đi kèm khi “nổ súng sai mục đích” khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Người thi hành công vụ có nhiều loại, nhưng gói gọn lại gần như chủ yếu chỉ có hai đối tượng được phép sử dụng súng và có quyền nổ súng, đó là lực lượng quân đội và công an.

Đương nhiên không phải tất cả ai trong hai lực lượng này cũng có súng và có quyền đem theo súng khi thi hành nhiệm vụ. Thế nhưng không ai học hết được chữ ngờ, nhất là những lúc nóng giận, không kiềm chế được mình, rất dễ khiến người được cấp súng bắn... bậy.

Khi nhà nước giao cho anh một khẩu súng trong tay, anh phải nhớ rằng anh đang thực hiện một sứ mệnh cao cả là bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ người dân lương thiện và trách nhiệm đó phải luôn nặng trĩu trên cánh tay của mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình có khẩu súng trong tay là mình đã “đứng trên thiên hạ, đứng trên pháp luật”. Bởi khi anh sử dụng súng không đúng quy định, không đúng mục đích thì ranh giới giữa người bảo vệ pháp luật và kẻ vi phạm pháp luật là sợi chỉ rất mong manh.

Nói như vậy không phải là võ đoán, bởi thực tế đã xảy ra nhiều vụ công an, bộ đội bắn bậy. Hẳn dư luận vẫn còn nhớ cách đây gần bốn năm, vụ dùng súng bắt cóc con tin đã gây rúng động cả nước mà đối tượng gây án lại là Nguyễn Văn Minh, giữ cấp bậc trung sĩ, Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (đóng quân ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Nạn nhân là một cô gái vô tình bị đối tượng này dùng súng bắt cóc đưa vào nhà nghỉ Như Phước tại tổ 6, phường An Tây, TP Huế. Trước đó, Minh đã lấy cắp súng đạn của đơn vị và vào Huế tìm đến nhà bạn gái vì bực tức do bị trả lễ dạm hỏi.

Sau 12 giờ cân não, cuộc giải cứu con tin đã thành công, rất may không có thiệt hại về người. Minh bị khởi tố với ba tội danh: chiếm đoạt vũ khí quân dụng, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép và bắt giữ người trái pháp luật.

Trường hợp lạm quyền khi sử dụng súng của thượng sĩ công an dưới đây làm dư luận còn đau lòng hơn vì một mạng người đã ra đi không bao giờ trở lại. Đó là lúc 16 giờ ngày 10.12.2012, lực lượng Công an huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức phá trường gà. Trong quá trình khám xét, một trong 30 người bị bắt giữ đã sợ hãi bỏ chạy.

Trong khi truy đuổi, thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng đã dùng súng quân dụng K54 bắn chỉ thiên nhưng không hiểu sao viên đạn đã găm trúng vai trái của người này. Tuy được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên người này đã tử vong. Ngày 13.12.2012, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tùng để xử lý về hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Tất nhiên, đây chỉ là hai trường hợp cá biệt về sử dụng, nổ súng sai mục đích và đã bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng một mạng người đã oan uổng ra đi thì lấy gì bù đắp nổi? Cô gái và gia đình cô ta chắc suốt đời này sẽ bị một vết thương tâm lý dày vò trong lòng thì ai sẽ bồi thường? Rồi chưa kể xã hội hoang mang, bất ổn khi không biết mình sẽ bị “văng đạn” bất cứ lúc nào.

Ngày xưa, câu chuyện Bao Công dù được hoàng đế trao “thượng phương bảo kiếm” có quyền "chém trước, tâu sau", nhưng với ý thức thượng tôn pháp luật, ông luôn hạn chế đến mức thấp nhất những lần “rút kiếm”. Mà đã “rút kiếm ra xử” thì luôn luôn phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Khẩu súng cũng vậy, nó chỉ là vật vô tri, nếu ở trong tay người có lương tri, nó sẽ được sử dụng đúng mục đích để trấn áp tội phạm. Nhưng nếu nó nằm trong tay “kẻ bất lương đội lốt người thi hành công vụ” mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì hậu quả sẽ khôn lường.

(Một thế giới)
Trọng Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét