Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Ngôi mộ khiến "trai tơ chết yểu, gái ngoan ngoại tình"

Ngôi mộ khiến "trai tơ chết yểu, gái ngoan ngoại tình"
Thôn Thuận Hoà từ lâu vốn dựa nhiều vào nguồn tài chính từ những người đi làm ăn xa gửi về. Nay trai tráng đang khoẻ mạnh đột nhiên chết yểu, gái nức tiếng ngoan hiền cũng tự nhiên đâm ra đổ đốn, ngoại tình. Rồi những ngày tháng 11, không biết từ đâu xuất hiện thông tin “vận hạn của làng là do có kẻ ngoại đạo dùng rùa vàng chôn dưới mộ để trấn yểm long mạch”. Thế là cả thôn “rồng rắn” kéo nhau ra nghĩa địa Cồn Bần phá cho bằng hết ngôi mộ to gan “mọc” nhầm chỗ kia…
Hàng trăm người dân đổ xô ra đào phá thanh thần ở Cồn Bân.
Từ ngôi mộ… đặt nhầm chỗ


Chuyện bắt đầu từ ngày ông sui gia huyện bên mang theo chai rượu với mâm cau trầu tới làng Thuận Hoà (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) xin một khoảnh đất ở nghĩa địa Cồn Bân xây thanh thần (có nơi gọi nền thần – là một huyệt mộ xây sẵn chuẩn bị cho con người khi chết – PV) để làm nơi yên nghỉ sau khi chết. Nghĩa địa Cồn Bân vốn chỉ dành riêng cho người dân trong làng, vậy nên khi có người nơi khác đến xin xây lăng mộ các chức sắc trong làng liền tổ chức họp dân lấy ý kiến rồi mới quyết định. Trong buổi họp đó, không biết từ đâu “rò rỉ” thông tin ông sui gia vốn là một ông thầy địa có tiếng ở thôn Ngọc Anh (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Vì vậy, người làng cực lực lên tiếng phản đối việc này.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà khoảng nửa năm sau trong nghĩa địa Cồn Bân xuất hiện một ngôi lăng mộ bề thế dài 12m, rộng 8m, cao 3m. Kết cấu gồm hai phần, thanh thần ở giữa và quách xây bốn phía. Người dân ở đây vốn hiền lành, chất phác. Vả lại đây là chuyện liên quan đến vấn đề thờ cúng tâm linh của người khác, ngại “*ng chạm”, nên khi phát hiện ngôi mộ khánh thành họ cũng làm ngơ cho qua chuyện. Chỉ đến khi trong làng liên tiếp xảy ra nhiều chuyện không hay, người dân trong làng mới chú ý đến sự hiện diện của ngôi mộ “ngoại đạo” ở nghĩa địa của làng.

Đầu tiên, là việc số người điên trong thôn Thuận Hoà tăng lên đột biến. Trước đây, trong thôn cũng có người mắc bệnh tâm thần, khi lên cơn hay phá làng, phá xóm, ảnh hưởng đến cuộc sống bà con, nhưng đó là trường hợp cá biệt, chỉ một đến hai người. Còn trong khoảng hai năm trở lại đây, số người điên trong thôn lên đến gần chục người. Những người này dở dở, ương ương suốt ngày lê la đầu làng cuối xóm phá phách lung tung…
Kế đến là chuyện trai làng tự dưng mất mạng một cách vô cùng tức tưởi. Người đang khoẻ mạnh bỗng dưng lăn đùng ra chết “bất đắc kỳ tử”. Người đi làm ăn xa bị tai nạn rồi cũng chết trẻ. Thậm chí, trẻ con mới 7 tuổi mà cũng chẳng thoát khỏi kiếp “phận mỏng”. 

Nhưng kể cũng lạ, khoảng thời gian của những cái chết cũng cách đều nhau y như có một sự sắp đặt trước. Người này chết trước người kia đúng 100 ngày. Cứ thế trong vòng một năm bốn người thanh niên trong làng đều phải chết yểu. Điều trùng hợp nữa là họ đều là những người đi làm ăn xa, có trình độ và khá thành đạt trong chuyện làm ăn.
Và cuối cùng là câu chuyện của những người con gái trong thôn. Từ trước đến nay, gái Thuận Hoà có nét đẹp mỹ miều, tính tình nết na có lẽ ở đất cố đô chỉ chịu thua kém mỗi “thiên hạ đệ nhất mỹ nhân” đất Kim Long (tỉnh Thừa Thiên Huế). Thế nhưng gái ngoan là thế nhưng tự nhiên lại thích… ngoại tình. Chuyện đánh ghen là chuyện xưa nay chưa từng có ở đất này nay cũng đã manh nha xuất hiện, khiến cuộc sống của bao nhiêu mái nhà bỗng nhiên “nổi sóng”…

Cả làng “hùa nhau” “giải cứu” long mạch

Bao nhiêu chuyện tang thương, đau khổ liên tiếp ập xuống mảnh đất Thuận Hoà khiến dư luận nơi này buộc phải đặt câu hỏi. Và ngôi mộ của kẻ ngoại đạo, có chân lăng hướng thẳng trước mặt đình làng chính là địa điểm bị “điểm mặt” đầu tiên. Thêm vào đó, một người trong làng có người thân “chết yểu” liền đi tìm thầy bói gieo quẻ xem giùm. Nghe ông thầy phán “khu nghĩa địa trong làng này có ai lạ đến xây lăng, đào nhầm huyệt mạch của làng, lại xây quách tứ phía, dưới quách có con rùa vàng đè long mạch nên bề trên quở phạt, làng ăn ở không yên, “trai tơ chết yểu, gái ngoan ngoại tình”… Nếu không sớm phá ngôi mộ này đi thì đại họa ắt sẽ ập xuống, dân làng sẽ khổ cực cả đời”.

Sau đó, người này về nói lại với những người trong gia đình. Từ đây, thông tin bắt đầu “xì” ra, một đồn mười, mười đồn trăm đến nỗi mọi người trong làng ai cũng tin chuyện “rùa vàng đè long mạch làng Thuận Hoà” là có thật. Đến ngày 4/11/2013, hàng trăm người dân chủ yếu là phụ nữ với trẻ em kéo nhau ra nghĩa địa Cồn Bân, mỗi người một tay dỡ từng viên gạch trên ngôi mộ xấu số. Liên tiếp trong 3 ngày, dòng người trong làng đổ ra cái thanh thần cuối thôn Thuận Hoà ngày càng đông. Dù trời đổ mưa nặng hạt, đến ngày 6/11, sau gần 3 ngày đào phá cật lực ngôi mộ bề thế đã bị san phẳng đến tận gốc. Thậm chí phần móng trụ ở dưới mặt đất cũng bị đào lên.

Chiều 6/11, khi dỡ bốn bao cát chôn sâu dưới lòng đất lên thì một dòng nước từ dưới đất đột nhiên phun lên. Mặt người nào người nấy cũng hoan hỉ như vừa dỡ được gánh nặng ngàn cân trên vai. Nhiều phụ nữ, các mẹ ở làng Thuận Hòa, tỏ ra rất vui sướng, hào hứng như đã làm được một chiến tích cho dân làng, họ reo hò, vỗ tay, hoan hô những gì mình đã làm được. Chưa hết, vừa kết thúc cuộc đào bới, phá phách thanh thần xong họ mua hương, giấy tiền, vàng bạc, mâm trái cây… đốt 3 nén nhang xong, lần lượt từng người lạy lục, khấn vái khắp tứ phương như thông báo với thần linh rằng, mình đã tìm ra long mạch cứu dân làng thoát khỏi “kiếp lầm than”.

Đang trong tâm trạng phấn khích như vừa lập được một chiến công lớn, chị Đặng Thị H., có đứa con tên Hoài, 7 tuổi bị chết, vừa đào thanh thần xong bàng hoàng kể lại: “Hình như ngài níu chân tui, tui định về rồi nhưng ngài cứ níu chân lại, tui làm đuối sức luôn. Tui quyết tâm làm, cuối cùng phát hiện ra cái long mạch ông thầy địa làm 4 cái bao cát đè lên, vừa khấn vái xong thì nước phun lên… rứa là dân làng thỏa mãn ra về sau 3 ngày đào tìm long mạch”. Sau đó, họ lấy cát, vôi phà xuống huyệt đó để trấn yểm và mua vàng mã để thả xuống. Tin rằng long mạch đã được “giải thoát” bà con mới hỉ hả kéo nhau về.

“Rùa vàng đè long mạch của làng” là… mấy tấm gạch men

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Quang Thảo, Trưởng công an xã Hương Phong, cho biết: “Vào ngày 6/11, đã có hơn 100 người dân đến đào phá mộ ở nghĩa địa Cồn Ban. Nguyên nhân là do có cái thanh thần của ông Long (tên ông thầy địa – PV) ở TP. Huế. Ông này có xin làng xây thanh thần nhưng làng không đồng ý, nhưng ông cũng xây cả thanh thần và cái quách. Vừa rồi trong thôn lại có 4 thanh niên đi làm ăn xa chết trùng hợp ngẫu nhiên do tai nạn, bệnh tật… nên nhiều người cho rằng, ông Long đã dùng thanh thần để trấn yểm long mạch và trong cái quách đó có chôn vật lạ nên một số bà con, đặc biệt phụ nữ… nghe theo tin đồn họ kéo nhau ra phá mộ từ ngày 4 – 6/11. Khi nhận được thông tin trên, lực lượng công an xã lập tức có mặt ở hiện trường, vận động họ về nhà. Sau đó xã mở cuộc họp dân thôn Thuận Hòa để giải thích”.

Ông Thảo cho biết thêm: “Công an cùng với chính quyền xã đã hòa giải hai bên, tránh phá mộ của người dân. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên, thậm chí vào tận trong nghĩa địa vận động người dân, nhưng họ vẫn không chịu. Đến 17h ngày 6/11, người dân đào lên không có gì cả, toàn đá và đất, chỉ có một dòng nước phun lên. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường vì đào sâu xuống đến 2,2m thì ở đâu cũng có mạch nước. Mà ở đó lại là vùng trũng nữa chứ. Còn rùa vàng như họ đồn hoàn toàn không có, chỉ có khoảng 20 tấm gạch men sứ. Sự thật về long mạch bị “trấn yểm” như họ nói chỉ là tin đồn”.

Chỉ là tin đồn nhảm nhí

Ông Trần Viết Chức, chủ tịch UBND xã Hương Phong khẳng định: “Hoàn toàn không có long mạch trấn yểm cuối làng ở nghĩa địa khiến con em trong làng chết oan ức, phụ nữ ngoại tình. Tất cả những cái chết gần đây cho thấy, những thanh niên đi làm ăn xa chết do tai nạn, bệnh tật đó chỉ là trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”.
Theo DSPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét