Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Đừng chậm trễ nữa

GS Tụy (thủ trưởng cũ của tôi) có mong muốn rất đúng, nhưng có lẽ không hợp thời. Hợp với thời xưa của bác, khi ai cũng muốn cống hiến cho đất nước. Không hợp với thời nay vì bây giờ ai cũng chán quá rồi, chẳng muốn mất công làm trong bối cảnh cơ chế chung vẫn thế này. Theo tôi dục tốc bất đạt; chẳng ai nghiên cứu chi tiết về cải cách giáo dục như thế nào những vẫn cãi nhau như mổ bò (cho vui thôi), giờ có làm đổi mới thì sẽ như một mớ hỗn độn. Và đã làm là ngân sách sẽ phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng, sẽ có khối người mừng. Chính đám này mới mong đừng chậm trễ, không cải cách nhanh để kiếm thêm tý chút trước khi về hưu thì tiếc lắm.
Đừng chậm trễ nữa
TT - Đó là cụm từ GS Hoàng Tụy lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về đổi mới giáo dục.
Là người chủ trì tập hợp 24 học giả, trí thức xây dựng kiến nghị cho công cuộc chấn hưng giáo dục từ gần 10 năm trước, GS Hoàng Tụy cho rằng giáo dục không thể tiếp tục kiểu đổi mới “nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống” đã kéo dài nhiều năm. Ông chia sẻ: Phải thẳng thắn nhìn nhận sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: hoặc tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.

* Chương trình, sách giáo khoa, thi cử lâu nay vẫn được xem là vấn đề hệ trọng, nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng không thể vội vã vì đây là sự thay đổi ảnh hưởng đến cả hệ thống. Có lẽ ngành giáo dục cần thêm thời gian...
"Nếu không có đột phá để lay chuyển giáo dục thì tôi tin chắc các kỳ họp Quốc hội sau, số phiếu tín nhiệm dành cho tư lệnh ngành không thay đổi, thậm chí còn xấu hơn"
GS HOÀNG TỤY
- Việc đặt ra sự cần thiết đổi mới đã nói từ lâu, vậy kế hoạch đưa ra sau năm 2015 thì sẽ là năm nào? Đổi mới giáo dục cần thận trọng, nhưng không phải mất nhiều thời gian chờ đợi đến thế. Còn nhớ năm 1955, khi hòa bình lập lại, lúc đó chương trình phổ thông vùng bị Pháp chiếm học 12 năm, vùng kháng chiến chương trình chỉ có 9 năm và cần phải hợp nhất lại thành chương trình giáo dục phổ thông chung 10 năm. Khi đó tôi 27 tuổi, là giáo viên sư phạm trung cấp, được giao làm trưởng ban trù bị cải cách giáo dục. Tôi lên danh sách 70 người trên cả nước cùng tham gia, trong đó có cả những người là thầy giáo của mình, những người rất nổi tiếng. Dù điều kiện khó khăn, giao thông không thuận lợi, nhưng vì sự cấp thiết cải cách giáo dục, sau khi tôi đưa danh sách để bộ báo về địa phương, chỉ một tuần sau là tập hợp đủ. Riêng việc viết sách giáo khoa, in sách do ban tu thư đảm nhiệm hoàn tất cũng chỉ vỏn vẹn trong bảy tháng. Kết quả, chúng tôi đã có bộ sách giáo khoa thống nhất và bộ sách này dùng được ít nhất là 10 năm.

* GS từng khẳng định phải “xóa bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả”. Như vậy, nên có hình thức thi mới mẻ nào để thay thế?
- Không nên trì hoãn sự đổi mới khi đã thấy rõ nó quá cần thiết. Với đổi mới thi cử, cần bắt tay vào thực hiện ngay cho năm 2014, chứ đừng chôn chân đợi 2-3 năm nữa. Xin làm một phép so sánh: ở Pháp, kinh phí tổ chức một kỳ thi tú tài (cũng như thi THPT của ta) tốn kém đến 1,5 tỉ euro. Ở VN, có đến hai kỳ thi liên tiếp, số thí sinh đông hơn rất nhiều, dù chi phí của ta tiết kiệm hơn thì mức tốn phí cũng lên đến mấy chục nghìn tỉ đồng. Việc dồn tất cả sự kiểm tra vào một kỳ thi chỉ để loại vài phần trăm thí sinh là những em quá kém không cần thi cũng có thể loại được theo học bạ giống như một kiểu “thi vờ”.
Cũng có ý kiến cho rằng tuy “thi vờ” nhưng cần thiết vì tâm lý học sinh có thi thì mới học tử tế. Hóa ra là vậy, đất nước còn rất nghèo mà phải tốn kém hàng chục nghìn tỉ mỗi năm tổ chức thi chỉ để dọa và gây áp lực buộc học sinh phải học. Đổi mới giáo dục đã xác định việc chỉ còn lại một kỳ thi thì cũng nên có những bước chuyển tiếp rõ ràng, thực hiện ngay cho năm học tới. Cách làm rất đơn giản: phải tăng cường giám sát các trường kiểm tra học kỳ thật nghiêm túc, cuối năm thi cử giảm bớt căng thẳng, ít môn hơn, không đòi hỏi quá mức việc học thuộc lòng. Cứ duy trì thi cử nặng nề sẽ chỉ tạo áp lực tâm lý và tinh thần lớn, đặt thí sinh trước những thử thách vượt quá khả năng chịu đựng của các em. Điều quan trọng không kém: thi cử nhẹ nhàng sẽ giúp ngành giáo dục tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm. Số tiền đó có thể dùng để cải thiện đồng lương giáo viên bao lâu nay chỉ hứa mà chưa làm được.
* Để cải cách thi cử, hẳn không chỉ dựa vào việc thay đổi cách thi, thưa GS?
- Việc đổi mới thi cử sẽ có hiệu quả tốt khi tích hợp được với sự thay đổi của hệ thống giáo dục. Ở TP.HCM đã có trường nhận học sinh không đỗ THPT vào học nghề, và song song dạy các em chương trình bổ túc văn hóa. Như vậy sau ba năm, các em có thể vào đời bằng một nghề cụ thể, đồng thời vẫn mở đường nếu các em muốn học lên nữa vì có tấm bằng tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. Mô hình này cần mở rộng để đạt mục tiêu 60-70% tốt nghiệp THCS là vào học nghề. Số còn lại vào THPT là những em định hướng vào ĐH.
Phân luồng ngay từ đầu như thế, hệ thống ĐH, CĐ sẽ đủ chỗ tiếp nhận, không để tồn tại việc học xong lớp 12 mà không có chỗ học. Còn về mặt cốt lõi, phải chấm dứt cách giáo dục đồng loạt, quá nặng với số đông và lại quá nhẹ với số có khả năng. Giáo dục phải đề cao tính nhân văn, rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng như mọi nhà trường tiên tiến trên thế giới, tuyệt giao với lối dạy học chỉ chăm chăm đào tạo con người theo khuôn mẫu đúc sẵn...
Người ta sẽ không còn tin giáo dục nữa, nếu...
Khi đề án được thông qua, bộ trưởng Bộ GD-ĐT có gửi email báo kết quả và cảm ơn những góp ý của tôi. Tôi cũng nói với bộ trưởng vấn đề quan trọng là phải thực hiện, có một nghị quyết tốt chưa bảo đảm công cuộc chấn hưng giáo dục sẽ được thực hiện thắng lợi. Lấy ví dụ Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng cuối cùng nhiều anh em khoa học nói vui là “quốc sách đầu hàng”. Nếu lần này giáo dục không đổi mới được thì có lẽ không bao giờ người ta còn tin tưởng nền giáo dục này nữa...
Bài học về gia đình sẽ nhớ lâu, nhớ mãi
Xem lại sách giáo khoa từ thời Pháp thuộc, các sách luân lý, sách quốc văn, giáo khoa thư cũng đã bắt đầu giáo dục trẻ con phải biết yêu thương bố mẹ, ông bà, anh em trong gia đình, yêu quê hương, rồi dần dần mới nói chuyện đất nước. Thời tiểu học của chúng tôi đã có những bài nói về gắn bó gia đình. Bây giờ tôi vẫn nhớ bài học cậu bé phải rời gia đình trong tâm trạng: “Ôi, nay tôi mới biết cảnh biệt ly là một” hay bài về một người được ngao du mọi nơi nhưng khi được hỏi vẫn nói quê hương là nơi đẹp hơn cả. Thời chiến tranh, giáo dục yêu cầu không được đặt gia đình, làng mạc lên trên vì sợ người ta quên đi cái lớn hơn là đất nước. Nhưng nay đã hòa bình lâu rồi, mỗi người cần phải nghĩ đến gia đình mình, cá nhân mình, yêu quý, trân trọng những cái gần gũi với mình mới có thể chung tay xây dựng đất nước phát triển...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét