Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tàng trữ bao cao su là… có tội

Tàng trữ bao cao su là… có tội
Công an bắt quả tang một vụ mua bán dâm. Tang vật thu giữ là hàng ngàn chiếc bao cao su do chủ nhà nghỉ trang bị. Lẽ ra như nhiều vật dụng bình thường thì giờ đây bao cao su gồng mình gánh trách nhiệm pháp lý…
Câu chuyện về “bong bóng sung sướng”

Ngày 16.10, Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn khởi tố vụ án hình sự về môi giới, chứa gái mại dâm. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can với ông La Minh Vượng, chủ một nhà nghỉ tại địa phương về hành vi trên.

Trước đó, tại ba phòng nghỉ, cơ quan chức trách phát hiện ba đôi nam nữ đang mua bán dâm.
Bao cao su, vật dụng bình thường thì bây giờ 
phải gánh thêm trách nhiệm pháp lý trớ trêu

Như bao vụ môi giới mại dâm khác trên mọi miền đất nước, ông Vượng khai nhận gái mại dâm ở tại nhà nghỉ để phục vụ khách có nhu cầu. Mỗi lần bán dâm, các cô gái lấy 200.000 đồng, chi cho ông Vượng 90.000 đồng. Tiền thuê phòng do khách trả.

Ngay sau khi vụ việc được phát hiện quả tang, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà nghỉ do ông Vượng làm quản lý. Tại đây, ngoài những vật dụng có liên quan, cơ quan điều tra cũng thu giữ 1.600 chiếc bao cao su.

Theo thông tin từ nhiều tờ báo, công an cho rằng số bao cao su này là tang vật vì quản lý nhà nghỉ đã có hành vi tàng trữ…

Tang vật hay đồ vật?


Năm 2013, trong báo cáo về phòng chống mại dâm, HIV/AIDS, UBND TP.HCM đề xuất quy định về việc đặt bao cao su trong tất cả các nhà nghỉ, khách sạn.

Trước đó, tại nhiều địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang… việc này gần như không mới. Hầu hết các khách sạn tại huyện Tân Châu, tỉnh An Giang đều được trang bị bao cao su ngay quầy lễ tân hoặc giường ngủ trong phòng với hàng chữ rất đẹp và văn minh: “Xin mời lấy”.

Trong một lần trả lời báo chí, phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Đức Hiền cho rằng việc làm này là tân tiến, văn minh để đề phòng các loại bệnh lây qua tình dục. Theo ông Hiền, đây là giải pháp hay chứ không phải tạo điều kiện cho gái mại dâm.

Vậy việc có bao cao su, dù số lượng lớn trong nhà nghỉ có phạm pháp? Có bị coi là tàng trữ?

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Motthegioi.vn, luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng tang vật phạm tội phục vụ cho hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, không thể nói bao cao su là tình tiết của vụ án vì bản thân nó không phải là vật cấm mua bán, tàng trữ… “Trong vụ án mua bán dâm thì người môi giới và chứa mại dâm mới là đối tượng chịu trách nhiệm hình sự. Nếu thu bao cao su như tang vật thì tất cả các điểm bán bao cao su trên toàn quốc đều là tàng trữ. Suy nghĩ vậy là không đúng pháp luật và thiển cận”. Luật sư Trần Công Ly Tao nói.

Đồng quan điểm trên, luật sư Phan Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM ví von: “Chồng đi công tác, vợ còn bỏ bao cao su vào ba lô chồng. Bây giờ bao cao su như viên kẹo mà thôi”.

Theo luật sư Phan Minh, cơ quan điều tra không nên cứng nhắc vì đối với vụ án mua bán dâm thì nó không phải là tang vật. Xu hướng văn minh của thế giới là mọi người đều phải trang bị bao cao su cho mình để khi cần thiết thì phòng tránh thai hoặc phòng tránh các bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục.

“Đã đến lúc phải bắt buộc khách sạn, nhà nghỉ trang bị bao cao su cho khách. Xem bao cao su là tang vật, chứa nó là tàng trữ thì chẳng khác nào đi ngược lại sự tiến bộ, văn minh”, luật sư Minh nói.

Thanh Nhã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét