Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Thi cử, mình không giống ai!

Thi cử, mình không giống ai!
images669688_a1_tr7

LTS: Ý tưởng hoặc bỏ kỳ thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi đại học và thực hiện kỳ thi duy nhất còn lại như thế nào ngay lập tức nhận được ý kiến của các chuyên gia giáo dục đầu ngành hiện nay.
“Đáng lẽ phải làm sớm hơn”. Đó là chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội với Một Thế Giới về việc bỏ kỳ thi ĐH và cho biết đây là chủ trương và đề án rất đáng làm. Đương nhiên, cần phải có sự lý giải rõ ràng với học sinh, cha mẹ học sinh.
“Đặc biệt là phải có sự đồng tình của toàn bộ bộ máy giáo dục từ Bộ đến Sở, đến giáo viên. Và hiệu quả cuối cùng của việc bỏ thi đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của việc triển khai cải cách, đổi mới và chấn chỉnh cách kiểm tra và thi phổ thông” – Bà Ninh nói.

Mình không giống ai

Thực tế ý kiến bỏ kỳ thi vào ĐH đã từng được đề cập ngay tại Quốc hội khóa 11, lúc đó tôi đang là đại biểu Quốc hội, cho nên vấn đề này không phải là vấn đề mới đối với tôi và đối với ngành giáo dục.

Tôi nhớ là trong lúc thảo luận, xu thế chung ủng hộ việc bỏ kỳ thi tuyển sinh. Cái tôi không hiểu là tại sao mãi cho đến bây giờ mới bắt đầu đề nghị chính thức trở lại như vậy.

Trong những nước tôi biết, tôi không thấy nước nào vừa thi tốt nghiệp phổ thông và cả thi đại trà vào ĐH. Thi tốt nghiệp phổ thông là việc tất nhiên nhưng nếu có thi vào ĐH thì chỉ thi vào một số trường rất cao cấp. Như ở bên Pháp nơi chính tôi có thi vào một trong các ĐH phải thi tuyển đầu vào, gọi là Grandes Ecoles. Vì các trường này chỉ lấy một số ít thôi nên họ mới tổ chức thi.

Nhưng tôi chưa thấy tình trạng ai muốn vào ĐH cũng phải thi cả. Điều này bất hợp lý và ở mình không giống ai. Nếu mình không giống ai nhưng cần thiết và phù hợp với Việt Nam thì cũng phải xem xét. Nhưng tôi ở trong nhóm cho rằng điều này không cần thiết và cũng không phù hợp. Và hơn nữa, nó có rất nhiều những hệ lụy bất lợi, thậm chí tiêu cực.

Thi tuyển sinh ĐH không cần thiết là vì sao? Đúng là giữa cái cung và cầu của giáo dục ĐH thì cầu luôn luôn lớn hơn cung, phải chọn lọc. Vấn đề duy nhất là phương pháp để chọn lọc, công cụ để chọn lọc.

Ở các nước họ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp một cách nghiêm túc cho nên tham khảo kết quả của kỳ thi phổ thông, điểm đậu thì đã là một thước đo tin cậy. Ở Việt Nam ta thì nói thật thước đo đó chưa thật sự đáng tin cậy.

Chính vì vậy, những người theo trường phái muốn giữ kỳ thi vào ĐH là vì họ cho rằng thước đo của kỳ thi phổ thông là một thước đo không đủ chính xác và đáng tin cậy. Nhưng không phải vì lẽ đó mà lại phải tổ chức một kỳ thi cho mọi người vào ĐH.

Bỏ kỳ thi vào ĐH thì sẽ được mấy cái lợi, một là bớt tốn kém cho Nhà nước. Thứ hai là đảm bảo sức khỏe cho con em mình.

Tôi đã từng so sánh thanh niên Việt Nam vào ĐH và thanh niên các nước vào ĐH thì học ở phổ thông một cách nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, có chú ý đến thể lực, mở mang tầm nhìn và trí tuệ, có chú ý đến hiểu biết văn hóa, xã hội và thưởng thức văn hóa, cho nên khi họ vào ĐH ở tư thế khỏe mạnh, vui khỏe, sẵn sàng cho một cuộc việt dã.

Còn thanh niên ta qua hai kỳ thi sít nhau như vậy thì phải nói rằng những em nào lọt được vào ĐH thì họ rất mệt mỏi. Cho nên tôi cũng có nghe phản ánh tình trạng là học gạo, học kinh khủng và bắt đầu vào ĐH thì năm thứ nhất, năm thứ hai là coi như xả hơi.

Trong khi hoc sinh phổ thông ở các nước, đặc biệt ở các nước phát triển đang “lái xe ở số một” thì khi vào ĐH họ bắt đầu chuyển qua số hai, số ba rất nhanh. Còn ở ta, thanh niên quá mệt mỏi. Và việc thi gần nhau như thế, căng thẳng như thế sẽ khuyến khích thói quen không hay là học gạo, ôn thi, luyện thi như máy và tất cả những hiện tượng mà chúng ta biết.

Thành thử những cái lợi của việc bỏ kỳ thi tuyển sinh là rất rõ ràng rồi. Bây giờ cái cần giải quyết là công cụ để các trường ĐH có thể tuyển sinh viên một cách tin cậy và chính xác.

Hiện nay có một thực trạng là vì có kỳ thi vào ĐH nên giá trị của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông bị hạ thấp. Cho nên có những vùng sâu vùng xa mà tỷ lệ tốt nghiệp là 98% là không tưởng. Giáo viên ở đó cũng thừa biết điều đó không phản ánh thực tế.

Vì vậy cái đầu tiên phải làm là siết chặt kỳ thi phổ thông, không có nghĩa là mình siết như siết kỳ thi vào ĐH. Kỳ thi phổ thông cũng phải đủ rộng rãi để đảm bảo đúng chức năng của loại kỳ thi này.

Chức năng rộng rãi của bằng tốt nghiệp phổ thông là xác nhận học sinh đã được trang bị một vốn kiến thức và kỹ năng nhất định. Ngoài ra kết quả về điểm cần có thang bậc đủ rộng để cho phép tuyển sinh không chỉ cho các trường ĐH, Cao đẳng mà cả cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề.

Không chỉ dựa vào kỳ thi tốt nghiệp

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là một kỳ thi toàn quốc. Ở các nước, kỳ thi này được tổ chức rất nghiêm chỉnh, nghiêm ngặt. Vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT là ở đó. Một vấn đề nữa là phải có thang bậc từ dễ đến khó. Đồng thời giám khảo phải chấm một cách nghiêm túc, không chạy theo thành tích, chạy theo việc làm hài lòng địa phương một cách thiếu trách nhiệm.

Nếu điểm thi tốt nghiệp phổ thông quá trái ngược với 7 năm học phổ thông thì người ta vẫn không thể chọn. Tôi mà là người của trường ĐH đi tuyển sinh viên thì tôi chắc chắn khôngthể chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp phổ thông vì ở Việt Nam độ tin cậy của kết quả kỳ thi này chưa cao.

Vậy thì để bổ khuyết phải dựa vào toàn bộ quá trình học tập, tức là kết quả các kỳ thi hàng năm phải chính xác. Các kỳ thi giữa các kỳ phải nhiều, không phải nhiều quá để quá căng thẳng, nhưng phải có chứ không nên chỉ có một kỳ thi cuối năm hoặc cuối học kỳ.

Đơn cử, như bên Mỹ họ tổ chức kiểm tra rất thường xuyên trong năm. Nếu mình làm một cách hợp lý, phải chăng thì kiểm tra thường xuyên không phải là công cụ để tạo sức ép mà là cơ hội để học sinh có thể thử sức liên tục. Nếu thấy mình thử sức đầu năm chưa ổn thì phải định hướng phấn đấu nâng kết quả trong các lần thử sức tiếp theo và không thể chỉ dùng kết quả đôi khi có thể “hên xui” của một kỳ thi mà đánh giá thí sinh được.

Do đó, về khoa học mà nói, khi mình đo sáu lần để kiểm nghiệm thì chắc chắn là chính xác hơn đo một lần. Thí sinh và học sinh được kiểm tra sáu lần thì phải coi đó là sáu thử thách và sáu cơ hội, luôn luôn phải thấy đó là cơ hội.

Những nước tiên tiến họ đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này và đã rút ra phương thức hiện đại để đánh giá học sinh được gọi là kiểm tra thường xuyên. Kiểm tra thường xuyên rồi thì cuối năm chỉ có tham khảo thêm, chứ không phải là định mệnh, được hay không được.

Tôi nghĩ nếu có thể xúc tiến và chuẩn bị kỹ, nói cách khác khi chuẩn bị bỏ kỳ thi ĐH thì phải chuẩn bị đề án về điều chỉnh và chấn chỉnh, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và toàn bộ quy trình thi, kiểm tra ở các bậc phổ thông, trước hết là cấp ba rồi sau đó là triển khai thêm ở cấp 2. Làm cùng lúc được thì quá tốt.

Ngành đặc thù cần đánh giá thêm

Để cho phép các trường ĐH tuyển sinh chính xác hơn, phù hợp với từng trường hơn thì nên cho phép từng trường có thể tổ chức kiểm tra thêm một vài môn hoặc kỹ năng cần thiết.. Chẳng hạn nếu là trường cần về ngoại ngữ thì có thể kiểm tra thêm về ngoại ngữ.

Một cách nữa là xét học bạ. Khi nộp hồ sơ tuyển sinh thì phải nộp cả học bạ chứ không phải chỉ có điểm thi. Trong giai đoạn đầu, khi mình chưa cải cách cách thi và kiểm tra phổ thông thì việc tham khảo học bạ cũng chỉ có giá trị tương đối.

Đoàn Quý ghi

(Một thế giới)

2 nhận xét:

  1. Tôi đề nghị bỏ thi trắc nghiệm mà chuyển sang thi tự luận như cũ cả hai kỳ thi TNPT và ĐH vào năm 2014 .Chắc chắn một điều tỷ lệ học sinh rớt tốt nghiệp sẽ cao lên và số lượng thí sinh đầu đại học sẽ ít đi. Hy vọng rằng nếu thực hiện được điều này chắc nhắn các trường trung cấp , cao đẳng,sơ cấp sẽ không bị giả thể nhiều.
    Năm 2013 có trên 700.000 thí sinh vào đại học là quá cao so với 1 triệu 3 học sinh đậu tốt nghiệp phổ thông . Hãy giảm bớt đào tạo thầy mà nên tập trung đào tạo thợ(theo tiêu chí 1 thầy 4 thợ mà các nước trên thế giới áp dụng.

    Trả lờiXóa