Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

(2) Phan Thị Bích Hằng trong vụ tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên

Sự thật về “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng trong vụ tìm hài cốt tướng Phùng Chí Kiên
(Saobongda) - Ngồi ở Hà Nội, bà Phan Thị Bích Hằng hướng dẫn qua điện thoại “chính xác đến từng chi tiết” về nơi chôn cất phần thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên ở xã Vân Tùng (Ngân Sơn – Bắc Kạn). Điều này khiến cho mọi người hết sức ngỡ ngàng và tin tưởng vào khả năng “ngoại cảm” của Phan Thị Bích Hằng.
Một nhân chứng rất quan trọng mà bà Hằng cho biết chính là người thợ cắt tóc, tên Vẹo, đã cảm phục ý chí của Phùng Chí Kiên mà trong đêm tối, đã không quản hiểm nguy lấy trộm phần hài cốt còn lại của Tướng Phùng Chí Kiên đem đi chôn cất. Lập tức, một đoàn được thành lập để điều tra, tìm kiếm người thợ cắt tóc mà bà Hằng đã đề cập tới…

Điều kỳ vọng của những người tìm kiếm

Cuối buổi chiều 19/4/2008, Đại tá Nguyễn Huy Văn, anh Võ Điện Biên và Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng đã đến thắp hương trên mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang Mai Dịch. Chủ nhật, ngày 20/4/2008, đoàn xuất phát từ thủ đô tới Bắc Kạn. Đoàn được các đồng chí Mai Thế Dương - Bí thư Tỉnh ủy, Dương Đình Hân - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo huyện Ngân Sơn thịnh tình tiếp đón.

Đoàn rất vui mừng khi được nghe đồng chí Dương Đình Hân tâm sự đại ý rằng: "Những năm qua, địa phương cũng đã tổ chức một số đợt tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan đến phần hài cốt còn lại của bác Phùng Chí Kiên nhưng thực sự rất khó khăn, những người cùng thời với bác Kiên hầu như mất cả. Hôm nay, đoàn lên đây, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, làm hết sức mình, tạo điều kiện tốt nhất để Đoàn hoàn thành việc xác định thủ cấp bác Phùng Chí Kiên".

Bí thư huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí cũng xác định: "Coi đây là một nhiệm vụ của địa phương cho nên huyện đã thông tin rộng rãi, tìm một số bác lão thành biết được thông tin lịch sử có liên quan. Huyện sẽ làm hết sức mình vì công việc chung, vì tấm lòng đối với bác Phùng Chí Kiên".

Tối 20/4/2008, tại phòng họp giao ban Tỉnh ủy Bắc Kạn, trong buổi trao đổi ý kiến, anh Võ Điện Biên cũng báo cáo với đồng chí Dương Đình Hân - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, và Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí về những thông tin mà đoàn nắm được.

Hy vọng của đoàn tìm kiếm đã được nhen nhóm, khi sự hướng dẫn và mọi điều mô tả của bà Phan Thị Bích Hằng qua điện thoại từ Hà Nội về nơi chôn cất phần hài cốt còn lại Tướng Phùng Chí Kiên đều “chính xác đến bất ngờ”.

Một lần nữa, mọi người trong đoàn tìm kiếm đã phải thuyết phục trước khả năng của bà Hằng, khi bà nhắc tới một người đàn ông tên Vẹo, làm thợ cắt tóc ở huyện Ngân Sơn – Cao Bằng (nay là huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn) đã lấy cắp thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên trước sự canh chừng cẩn mật để đem đi chôn cất.

Đó là thông tin hết sức quan trọng để xác định vị trí bà Hằng hướng dẫn tìm kiếm có phải là nơi chôn cất phần hài cốt còn lại của Tướng Phùng Chí Kiên hay không. Chính quyền tỉnh Bắc Kạn lập tức điều lực lượng bảo vệ hiện trường nơi được xác định chôn một phần hài cốt của Tướng Phùng Chí Kiên, đồng thời thành lập một đoàn khác tìm người thợ cắt tóc tên Vẹo mà bà Hằng đã nhắc tới để khẳng định chắc chắn sự việc.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Từ lời kể của bà Bích Hằng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc tìm kiếm thân nhân của người thợ cắt tóc tên Vẹo. Thông tin từ một người tên Đồng Quang Huân – làm trong huyện ủy Ngân Sơn cho biết: Bố của anh Huân tên là Tuân, là cán bộ lão thành cách mạng. Hồi còn sống có lần cụ kể cho anh nghe, trước đây, thi thoảng cụ ra quán ông phó cạo để cắt tóc.
Hai người có vẻ hợp chuyện nên mau chóng thân quen và tin nhau. Một hôm nhân nói chuyện quá khứ, ông cụ cắt tóc có kể cho cụ Tuân nghe rằng, cái dạo địch bêu đầu cán bộ trên cầu Ngân Sơn ấy, cụ thương lắm, tuy rất sợ giặc phát hiện, nhưng cụ vẫn canh lúc đêm hôm mưa gió, lừa khi tụi địch không để ý, đã gỡ lấy cái đầu, giấu vào hang đá ven suối, rồi sau đấy đưa đi chôn trong đêm.

Kể xong, cụ cắt tóc còn dặn cụ Tuân phải giữ kín chuyện... Cho đến lúc sắp qua đời thì cụ Tuân mới kể lại chuyện đó cho anh Huân nghe. Vì không để ý tên ông cụ cắt tóc là gì và vì cụ cũng đã chuyển nhà đi đâu không rõ, nên đến nay anh Huân không biết ông cụ cắt tóc nhân từ ấy ở đâu, còn sống hay đã mất.

Nghe được lời kể của anh Huân, cả đoàn mừng rỡ, tỏa đi tìm dấu tích của cụ phó cạo. Chiều hôm đó, bà Hoàng Thị Thiềm ở xã Bằng Khẩu, huyện Ngân Sơn cho hay: Ngày trước có vợ chồng ông Bảo - bà Bạch, nhà ở cạnh trường mầm non thị trấn là bạn chơi với con trai ông phó cạo từ hồi nhỏ...

Chiều cùng ngày, Trương Văn Lĩnh -chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Ngân Sơn, dẫn đoàn tới gặp ông Bảo. Ông Bảo cho hay, đúng là ông có chơi với con trai cụ phó cạo. Ông cụ tên Vẹo, còn con trai tên là Vò. Nhưng ông Vò đã chuyển nhà lên thị xã Bắc Kạn (cách Ngân Sơn khoảng 60 km) đã lâu, mấy chục năm nay không gặp lại nhau nên không rõ nhà ở đâu.

Từ thông tin đó, chẳng bao lâu sau, đoàn đã tìm được thông tin về nhà ông Vũ Công Hùng (trước tên là Vò, nhưng sau khi chuyển chỗ ở lên thị xã Bắc Kạn thì đổi tên thành Hùng nên việc tìm kiếm mất khá nhiều thời gian – PV). Nhà ông Hùng cách thị trấn Ngân Sơn khoảng 60km, thuộc khu Chợ Mới – thị xã Bắc Kạn. Ông Hùng được cho là con của người thợ cắt tóc tên Vẹo mà bà Bích Hằng đã đề cập đến.

Cả đoàn mừng rỡ, lập tức lên xe đến nhà "cụ Vẹo, ông Vò". Tới nơi thì Đoàn gặp được bà Phạm Thị Hoàn, vợ ông Vò. Để khách quan, Đoàn mời một cụ tên Doanh giả vờ tới nói chuyện với bà Hoàn về Tướng Phùng Chí Kiên, còn mọi người trong đoàn thì chỉ đi theo để ghi chép.

Bà Hoàn kể rằng, bà về làm dâu từ năm 1974, sinh được bốn con, bố chồng tên là Vũ Công Vẹo, sinh năm 1910, có tham gia cách mạng và là Đảng viên; chồng bà hồi bé tên Vũ Công Vò sau đổi thành Vũ Công Hùng, sinh năm 1951, trước đây là cán bộ tiếp phẩm ở trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn.

Cụ Vẹo sinh được hai người con, chị gái ông Hùng lấy chồng ở Lạng Sơn. Cụ Vẹo đã mất năm 1976, còn ông Hùng cũng đã qua đời năm 2005... Về chuyện liên quan đến phần hài cốt đồng chí Phùng Chí Kiên trên cầu Ngân Sơn, bà Hoàn kể lại đại ý, từ khi về làm dâu, bà và bố chồng rất hợp tính nhau nên thường hay chuyện trò, tâm sự, hai bố con hầu như không giấu nhau điều gì. Đã nhiều lần, bố chồng kể lại cho bà nghe về chuyện đem phần hài cốt đó đi chôn.
Bà còn nhớ rằng, cụ bảo tuy làm nghề cắt tóc nhưng cụ cũng có tham gia hoạt động cách mạng. Một hôm đang cắt tóc thì cụ nghe tin địch đem cái đầu người Cộng sản cắm vào cọc tre bêu trên cầu Ngân Sơn, làm cho không ít người hoảng sợ không dám qua cầu. Cái đầu treo ở đó đến 2 - 3 ngày. Thấy thế, cụ thương xót lắm, liền nghĩ cách trèo lên lấy đầu đem chôn. Lần đầu, vừa ra gần tới nơi thì có động nên đành phải quay về.
Đêm hôm sau, nhân lúc trời mưa to gió lớn, các nhà đều đóng kín cửa, bọn địch cũng chui trong đồn, cụ lẻn ra, trèo lên lấy đầu bọc vào trong cái khăn cắt tóc rồi cho vào trong một cái hộp nhỏ, và thận trọng đem giấu vào một ngách hang đá cạnh suối chờ đến gần sáng thì đem đi chôn.

Bà Hoàn còn kể nhiều thông tin liên quan đến vị trí chôn cất phần hài cốt... Trong đó, bà Hoàn khẳng định chắc chắn nơi chôn cất một phần hài cốt người thanh niên cách mạng Phùng Chí Kiên chính là nơi bà Phan Thị Bích Hằng đã hướng dẫn đoàn tìm thấy trước đó.

Khấn vái xong, bà Hằng ra về vì “có việc gấp”
Tiếp tục, theo yêu cầu của bà Hằng, đoàn tìm kiếm phải quay về Hà Nội. Tại đây, bà Bích Hằng cùng với đoàn tìm kiếm đã có cuộc viếng mộ Tướng Phùng Chí Kiên ở nghĩa trang Mai Dịch, để “trò chuyện với vong linh của ông”. Nhớ lại quãng thời gian đó, bà Trương Thị Đông, 63 tuổi, trú tại làng Thổ Quan, xã Diễn Yên (Diễn Châu – Nghệ An) - cháu ruột của Tướng Phùng Chí Kiên, kể lại với đôi mắt ngấn lệ và giọng nghẹn ngào: “Khi mọi người có mặt đông đủ tại nghĩa trang Mai Dịch, bà Bích Hằng đã gọi vong chú Vỹ lên để trò chuyện.

Khi đang gọi vong chú Vỹ, thì điện thoại của Bích Hằng liên tục đổ chuông nhưng Bích Hằng không nhúc nhích mà tiếp tục lầm rầm khấn vái. Bà Hằng nói: “Bác (Tướng Phùng Chí Kiên – PV) cảm ơn đoàn cán bộ đã giúp Bác và gia đình. Còn việc tìm phần hài cốt còn lại của bác giống như việc mò kim đáy biển, không biết có hoàn thành được không.
Tuy nhiên, đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì dẫu đó có là một đám đất đen thì bác cũng vui lòng”. Sau đó, vong chú Vỹ yêu cầu được nói chuyện với tôi về gia đình, chia sẻ những điều trăn trở về gia đình thời gian hiện tại.

Cuối cùng, chú Vỹ có một yêu cầu khẩn thiết, đó là trong cuộc cất bốc phần hài cốt còn lại ở huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn phải có “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng lên tận nơi tham gia. Lúc đầu, Bích Hằng từ chối, với lý do bận nhưng sau rồi cũng đồng ý”, bà Đông kể lại (những lời được cho là vong của Tướng Phùng Chí Kiên nói đều thông qua miệng của bà Hằng – PV).
Ngày 7/5/2008, theo đúng như lịch đã lên, đoàn tìm kiếm quay trở lại bãi đồng hoang tại huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn để cất bốc phần còn lại của hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên. Trong đoàn tìm kiếm lần này có thêm “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng. Vào cuối ngày 7/5/2008, sau khi đến khu vực đã tìm kiếm trước đó, bà Bích Hằng có thắp hương khấn vái.

Lúc này, bà Bích Hằng tiếp tục nhận được cuộc điện thoại không rõ từ đâu gọi đến. Sau khi nghe xong cuộc điện thoại, bà Bích Hằng bất ngờ cho đoàn tìm kiếm biết mình có việc phải về gấp, không ở lại tham gia cất bốc cùng đoàn được. Tất cả những điều liên quan đến việc cất bốc, bà Bích Hằng hứa sẽ hướng dẫn qua… điện thoại.

Ảnh cuộc tìm kiếm thủ cấp tướng Phùng Chí Kiên vào tháng 5.2008

Việc bà Bích Hằng bỗng nhiên ra về vì “có việc gấp” khiến cho cả đoàn vô cùng ngỡ ngàng, nhưng lịch cất bốc đã lên, không thể hoãn. Chính vì thế, cuộc khai quật nơi bà Bích Hằng chỉ dẫn vẫn được diễn ra, với sự tham gia chứng kiến của đầy đủ ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Kạn. Vị trí khai quật thuộc địa bàn Tiểu khu 1, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn. 1h30 ngày 8/5, việc khai quật chính thức bắt đầu.

“Khi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, họ đã nói rõ tìm thấy đầu mà không thấy răng thì không phải đầu người. Vì thế, đến 4h sáng, việc tìm kiếm chưa thể kết thúc vì không thấy chiếc răng nào. Khi cuộc khai quật khu đất đang diễn ra trong đêm khuya thì đèn bất ngờ phụt tắt, điện mất khiến cho công cuộc tìm kiếm vô cùng khó khăn và lâm vào bế tắc.

Lúc này, bà Bích Hằng lại tiếp tục chỉ đạo từ xa bằng điện thoại, bà Bích Hằng bảo rằng do chú Vỹ không muốn anh em vất vả làm việc trong đêm khuya mà ảnh hưởng tới sức khỏe nên sáng mai đúng 7h sẽ tìm thấy. Đúng như lời bà Hằng, 7h sáng hôm sau thì tìm thấy mẩu xương được cho là răng của cụ nhà tôi. Việc tìm kiếm kết thúc.

Trong quá trình đi tìm thì đường đi như thế nào, bà Hằng miêu tả chính xác luôn. Tất cả các chi tiết, từ đường sá, địa hình và đặc điểm phần hài cốt đựng trong cái gì đều rất chuẩn xác...”, bà Đông nhớ lại và cho biết: “Chính tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc tìm kiếm, không những thế, tôi là người tận tay đào từng hòn đất, thu từng nắm bùn được cho là phần hài cốt còn lại của chú Vỹ, những mảnh xương được cho là răng và nhiều mảnh sành ở xung quanh cho vào túi cẩn thận. Một mình tôi đảm nhiệm việc bốc những phần được cho là liên quan tới chú Vỹ, mà không có ai khác tham gia cả”.
“Mẫu vật chỉ là răng lợn rừng, mảnh sành và bùn đất!”

Sau đó, biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là bà Trương Thị Đông, đại diện cho người thân của liệt sĩ ký vào biên bản.

Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh - đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm. Phần tìm kiếm đã được giao cho Viện Pháp y Quân đội tiến hành xét nghiệm ADN để xác định lần cuối cùng xem đó có phải là phần hài cốt còn lại của Tướng Phùng Chí Kiên hay không.

Nói về thân nhân của Tướng Phùng Chí Kiên, sau khi hoàn thành cuộc tìm kiếm dưới sự chỉ đạo của bà Phan Thị Bích Hằng trở về, mọi người trong gia tộc đã cảm thấy yên tâm khi hoàn thành tâm nguyện. Chỉ còn chờ đến khi Bộ Quốc phòng thông báo kết quả giám định ADN là người chú, người ông kiên trung, bất khuất trong gia đình sẽ toàn vẹn hài cốt, thỏa lòng tâm nguyện của gia đình mấy chục năm ròng.

Thế nhưng vào một ngày cuối tháng 9/2008, khi bà Trương Thị Đồng cùng người con trai nhận được giấy báo lên làm việc với đại diện Bộ Quốc phòng, đã không khỏi bất ngờ trước bản kết luận giám định ADN về phần được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm ở Bắc Kạn, đó chỉ là mảnh sành, đất vụn và xương lợn rừng!

Cụ thể, thông báo số 288, ngày 16/9/2008 của Viện Pháp y Quân đội – Bộ Quốc phòng nêu rõ: “Những mẫu vật mà Viện này nhận được, sau khi giám định đã xác định gồm: Đất lẫn đá vụn, 13 mảnh sành và 3 mảnh đá nhỏ, 1 răng lợn rừng. Theo kết quả đó, công văn này kết luận: Mẫu vật gửi tại Khoa giải phẫu Bệnh viện 108 không phải là một phần hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên”.

“Cầm bản thông báo kết quả giám định trên tay mà tôi và người con trai thấy sa sẩm mặt mày, mọi hy vọng, niềm vui bỗng chốc sụp đổ ngay trước mặt. Người con trai tôi đã không giữ được bình tĩnh… Trong suốt cuộc tìm kiếm, bà Phan Thị Bích Hằng miêu tả đúng đến từng chi tiết nhưng tại sao bản xét nghiệm lại sai?

Đó vẫn là một câu hỏi lớn mà gia đình tôi không thể nào giải thích được. Ngay sau đó, hai mẹ con tôi trở về quê nhà, triệu tập cuộc họp hội đồng gia tộc để thông báo về kết quả cuộc tìm kiếm. Thế là niềm trăn trở, sự mong mỏi của cả gia tộc lại rơi vào bế tắc. Từ khi biết được những thứ tìm thấy không phải là phần hài cốt còn lại của chú Vỹ, bà Bích Hằng cũng không có lần nào liên hệ lại với gia đình để bày tỏ lòng cảm thông hay chia sẻ với chúng tôi”, bà Đông nói trong nước mắt.

Như vậy, 72 năm sau ngày hi sinh, phần hài cốt của Tướng Phùng Chí Kiên tưởng như đã được tìm thấy thông qua sự vào cuộc nhiệt tình của đoàn tìm kiếm và sự hỗ trợ của lãnh đạo các ban, ngành tỉnh Bắc Kạn và nhất là sự “chỉ đạo” của Phan Thị Bích Hằng vẫn không thể thành công mặc dù trong cuộc tìm kiếm, bà Bích Hằng đã trổ hết tài năng cũng như những phương pháp áp vong tìm mộ của mình. (Còn nữa)

http://saobongda.vn/Ky-an/Ky-2-Chi-ra-su-that-ve-nha-ngoai-cam-Phan-Thi-Bich-Hang-trong-vu-tim-hai-cot-tuong-Phung-Chi-Kien.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét