Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

(15) CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
 E) Dự báo nợ nước ngoài:
Nợ nước ngoài (phát sinh trong kỳ hay tổng tích luỹ) được hình thành từ các khoản vay hàng năm ròng (nếu như không tính đến đánh giá lại nợ). Phương trình cơ bản để xác định nợ nước ngoài tại năm t là:
                               RNDBt  - At  =  CAt  = - Set 
trong đó Set là tiết kiệm nước ngoài hay còn được gọi là dòng vốn nước ngoài ròng trong thời kỳ t (thường là năm). Nếu gọi Dt là nợ nước ngoài vào cuối thời kỳ t, thì ta có:
                               Dt  =  å Set                    (t = 0 đến k)
Vay nợ nước ngoài thường được dùng để tài chính cho thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, trả nợ đã vay trước đó, hoặc làm tăng dự trữ ngoại hối.
Vì thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai phản ánh thu nhập quốc gia sẵn có không đủ để đáp ứng hấp thụ trong nước nên người ta có thể xem vốn ròng vay nước ngoài là phương tiện tài chính cho việc tiêu dùng và đầu tư trong nước quá cao so với khả năng; trong đó vốn ròng vay nước ngoài gồm các khoản vay mới trừ đi phần trả nợ các khoản vay đã thực hiện từ trước.
Do vậy, quy mô và tiến triển của nợ nước ngoài có quan hệ chặt chẽ đồng thời với cán cân thanh toán quốc tế và cân bằng giữa nguồn và sử dụng hàng hoá và dịch vụ. Từ đây, người ta thấy phải có một sự phối hợp tốt giữa chính sách quản lý nợ nước ngoài và các chính sách kinh tế khác.
Nợ nước ngoài là một khoản bổ sung cho tiết kiệm nội địa, do đó quy mô của nó phải được xác định để đảm bảo tương thích giữa các dòng tài chính trong và ngoài nước với quy mô của tổng cầu, từ đó đảm bảo các cân bằng bên trong và bên ngoài. Mặt khác, sử dụng nợ nước ngoài phải làm sao để có hiệu quả cao nhất, tức là về dài hạn phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đồng thời không gây ra những vấn đề nghiêm trọng, khó khăn đối với cân đối cán cân thanh toán quốc tế.
Trong mục này, chúng ta sẽ nhắc lại một số khái niệm, định nghĩa hữu ích để phân tích và dự báo nợ nước ngoài, đồng thời sẽ phân tích một số chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu nợ nước ngoài, nhất là trong nghiên cứu tính bền vững của nợ, khả năng tái cơ cấu nợ và dự báo nợ nước ngoài.
1) Một số khái niệm, định nghĩa
a) Khái niệm nợ nước ngoài
Nợ nước ngoài được định nghĩa là những cam kết của các đơn vị, người thường trú đối với những đơn vị, người không thường trú, có thể và phải được thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng hàng hoá và dịch vụ.
Nợ nước ngoài có thể được chia theo nợ ngắn hạn và nợ trung và dài hạn, trong đó nợ ngắn hạn là các khoản nợ có kỳ hạn thanh toán bằng hoặc dưới 1 năm, nợ trung và dài hạn có kỳ hạn thanh toán trên 1 năm.
Trong thực tế, người ta thường nói về nợ nước ngoài của chính phủ theo nghĩa chỉ gồm các khoản nợ trung và dài hạn, tức là nợ nước ngoài không bao gồm nợ tính bằng tiền quốc gia, không tính đến nợ do đầu tư trực tiếp nước ngoài và không tính các khoản nợ có kỳ hạn thanh toán bằng hoặc dưới 1 năm.
Nợ nước ngoài của chính phủ có thể bao gồm hoặc không bao gồm các khoản giao dịch với Quỹ Tiền tệ quốc tế. Phần lớn các hoạt động trao đổi của các nước với Quỹ đều là mua hoặc bán dự trữ. Một khoản mua dự trữ quốc tế của một quốc gia là việc đem nội tệ trao cho Quỹ để được Quỹ tăng dự trữ ngoài tệ cho nước đó. Ngược lại, một khoản mua lại được hiểu là nước đó đem dữ trữ quốc tế bán cho Quỹ và thu lại nội tệ của mình.
Dưới góc độ người cho vay, có thể chia ra người cho vay chính thức và người cho vay tư nhân. Nợ chính thức gồm các khoản nợ vay từ các tổ chức (tài chính) quốc tế hoặc các ngân hàng phát triển vùng, được gọi là nợ đa phương, và các khoản nợ vay từ các chính phủ nước ngoài và các tổ chức công tự quản, được gọi là nợ song phương. Nợ vay từ các nhà cho vay tư nhân gồm các khoản nợ vay từ các ngân hàng và thể chế tài chính tư nhân khác.
Dưới góc độ người vay, có thể phân chia thành nợ chính phủ (nợ công), nợ của khu vực tư nhân nhưng được các tổ chức công đứng ra bảo lãnh (nợ được bảo lãnh) và nợ thuần tuý của khu vực tư nhân, không được một tổ chức công nào bảo lãnh (nợ tư nhân).
b) Bản chất của nợ nước ngoài:
Các khái niệm được sử dụng để phân tích nợ nước ngoài bao gồm đồng thời tổng nợ (nợ tích luỹ) và nợ phát sinh trong kỳ.
Tổng số nợ (tích luỹ) tại thời điểm t có thể được hiểu theo hai cách:
+ Hoặc gồm toàn bộ số nợ nước ngoài tại thời điểm đó, tức là toàn bộ số cam kết đã ký kết với nước ngoài, kể cả số nợ đã cam kết nhưng chưa được giải ngân.
+ Hoặc chỉ gồm các khoản nợ nước ngoài đã được giải ngân, nhưng chưa được thanh toán.
Khái niệm được sử dụng phổ biến là khái niệm thứ hai.
- Khái niệm dòng vốn vay trong thời kỳ t thường gồm các yếu tố sau:
+ Các cam kết, tức là tổng các khoản vay mà người thường trú đã ký với người không thường trú, trong thời kỳ t.
+ Các khoản giải ngân, tức là tổng các khoản vay đã giải ngân nhưng chưa được thanh toán trong thời kỳ t.
Dịch vụ nợ là số tiền phải trả trong thời kỳ t cho số nợ gốc (khấu hao) đã vay trước đó và lãi phát sinh trong kỳ.
+ Số nợ ròng gồm giá trị của tất cả các khoản giải ngân trừ đi số tiền đã bỏ ra để thanh toán cho nợ gốc.
Chuyển nợ ròng, gồm giá trị của tất cả các khoản giải ngân trừ đi số tiền đã bỏ ra để thanh toán cho nợ gốc và trả lãi (tương đương với số nợ ròng trừ đi phần thanh toán lãi).
Nguồn ròng gồm giá trị của tất cả các khoản giải ngân trừ đi số tiền đã bỏ ra để thanh toán cho nợ gốc và trả lãi, cộng với chuyển nợ công và đầu tư nước ngoài trực tiếp (tương đương với chuyển nợ ròng cộng với chuyển nợ công và đầu tư nước ngoài trực tiếp).
Nợ nước ngoài đến hạn đều phải được thể hiện trong bảng cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Chúng bao gồm dịch vụ nợ và khấu hao, trong đó dịch vụ nợ gồm cả trả lãi và được thể hiện trong ô thu nhập trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế, khấu hao được thể hiện trong mục giao dịch vốn của tài khoản vốn trong bảng cân đối cán cân thanh toán quốc tế.
- Vào thời điểm cuối kỳ, nếu khối lượng thanh toán cho dịch vụ nợ đạt dưới mức cần phải thực hiện thì sẽ phát sinh thêm nợ mới và hiện tượng chậm thanh toán, nếu như không có các đàm phán thu xếp lại kỳ hạn trả nợ hoặc đàm phán giảm nhẹ gánh nặng nợ (xoá bớt nợ).
Để thu xếp nợ (tài chính đặc biệt), có thể có một số cách sau đây:
+ Giãn thời gian trả nợ hoặc xoá các khoản nợ cần phải trả trong kỳ (xoá số nợ ghi trong dịch vụ nợ).
+ Giãn thời gian trả nợ hoặc xoá các khoản nợ chưa trả được trong kỳ.
+ Tìm cách tăng viện trợ không hoàn lại hoặc vay nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế để có thêm tiền trả nợ. Ví dụ mua lại một khoản nợ thương mại. Đối với một Nhà nước, mua lại một khoản nợ tương đương với giảm số nợ đồng thời với giảm phần góp vốn hay giảm uy tín của nước đó. Hoạt động này có thể được thực hiện trên thị trường và được tài chính bằng vốn tự có của nước đó hoặc do người khác tài trợ hoặc cho vay.
c) Các điều kiện vay
Quy mô và tiến triển của dịch vụ nợ phản ánh các điều kiện vay, bao gồm số tiền được vay, lãi suất phải trả, thời hạn thanh toán và các quy định chi tiết về thanh toán nợ gốc theo từng năm (khấu hao). Khi nghiên cứu các quy định chi tiết về thanh toán nợ gốc theo từng năm, cần chú ý thời kỳ chậm trả hay thời kỳ ân hạn, tức là thời kỳ trong đó nước đi vay chỉ phải trả lãi đối với khoản vay.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các nước nợ nước ngoài nặng nề thường phải thực hiện một chương trình điều chỉnh kinh tế với viện trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong đó có điều khoản chỉ được ký các hợp đồng vay với các điều kiện ưu đãi, trong đó phần viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% giá trị khoản vay.
Phần viện trợ không hoàn lại của một khoản vay phụ thuộc vào các điều kiện vay và là cơ sở để tính mức độ ưu đãi của khoản cho vay. Nó được tính bằng cách lấy giá trị danh nghĩa của khoản vay trừ đi giá trị hiện tại hoá của số tiền sẽ phải thanh toán trong dịch vụ nợ rồi chia cho giá trị danh nghĩa của khoản vay.
Do đặc điểm trên, phần viện trợ không hoàn lại có một vị trí rất quan trọng trong chính sách vay nước ngoài của một nước vì nó cho phép so sánh các khoản vay khác nhau và chọn được các khoản vay có thể giảm gánh nặng thanh toán nợ trong tương lai tới mức cao nhất.
Theo quy ước, tỷ lệ hiện tại hoá được sử dụng trong tính toán nợ là 10% (do Uỷ ban viện trợ phát triển của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra và áp dụng để so sánh tình hình cho vay ưu đãi đối với các nước khác nhau). Tuy nhiên, đối với một số nước, tỷ lệ này có thể thay đổi; ví dụ ở Nhật do tỷ lệ lạm phát rất thấp nên giá trị đồng yên giảm không đáng kể; trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ hiện tại hoá có thể thấp dưới 10% rất đáng kể, ví dụ chỉ 4%.
Phương pháp hiện tại hoá các khoản vay được mô tả tóm tắt như sau:
Hiện tại hoá là quy số tiền phải trả trong tương lai tính theo giá trị của đồng tiền tại thời điểm tương lai, về giá trị tương ứng với giá trị của đồng tiền tại thời điểm hiện tại.
Gọi Yt là dịch vụ nợ năm t, gồm tiền trả lãi và trả nợ gốc đến hạn; r là tỷ lệ hiện tại hoá (r=10%); khi đó ta có công thức tính giá trị hiện tại hoá của khoản vay như sau:


Từ đây tính được số tiền viện trợ không hoàn lại là:
                     VAgrant  =   I0  -  VA0
trong đó VAgrant là phần viện trợ không hoàn lại của một khoản cho vay I0. Nếu phần cho vay này chiếm tỷ trọng 25% hoặc hơn trong I0 thì khoản cho vay này được gọi cho cho vay viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Bảng dưới đây minh hoạ cách tính phần viện trợ không hoàn lại đối với một khoản cho vay theo các điều kiện: (i) Tổng số tiền cho vay là 1500 USD; (ii) Lãi suất 5%; (iii) Thời kỳ trả vốn kéo dài 20 năm, trong đó có 5 năm ân hạn.
Bảng 26: Tính toán thành phần không hoàn lại của một khoản cho vay
Năm
Số còn nợ
Lãi
Trả vốn
Tổng dịch vụ
Giá trị hiện tại hoá
1
1500
75
0
75
68,18
2
1500
75
0
75
61,98
3
1500
75
0
75
56,35
4
1500
75
0
75
51,23
5
1500
75
0
75
46,57
6
1500
75
100
175
98,78
7
1400
70
100
170
84,24
8
1300
65
100
165
76,97
9
1200
60
100
160
67,86
10
1100
55
100
155
59,76
11
1000
50
100
150
52,57
12
900
45
100
145
46,20
13
800
40
100
140
40,55
14
700
35
100
135
35,55
15
600
30
100
130
31,12
16
500
25
100
125
27,20
17
400
20
100
120
23,74
18
300
15
100
115
20,68
19
200
10
100
110
17,99
20
100
5
100
105
15,61




Tổng:
986,14

Trong ví dụ trên, thành phần cho vay không hoàn lại được tính bằng cách lấy giá trị danh nghĩa của khoản cho vay (1500 USD) trừ đi giá trị hiện tại hoá của các thanh toán tương lai thể hiện bằng các dịch vụ nợ (986,14 USD), rồi tính phần trăm theo giá trị danh nghĩa của khoản cho vay (1500 USD), khi đó ta thu được tỷ lệ cho vay không hoàn lại là 34,26%.
Công thức tổng quát để tính thành phần viện trợ không hoàn lại trong tổng giá trị khoản cho vay như sau:
            
trong đó ED% là tỷ lệ phần trăm của thành phần viện trợ không hoàn lại trong tổng giá trị khoản cho vay; i là lãi suất; ra là tỷ lệ hiện tại hoá; GA là độ dài của thời kỳ ân hạn; PA là độ dài của thời kỳ trả vốn (khấu hao).
2) Các chỉ tiêu đánh giá nợ và khả năng thanh toán nợ
Phân tích và dự báo nợ nước ngoài thường tập trung vào các chỉ tiêu đo lường khả năng thanh toán nợ nước ngoài của một quốc gia. Các chỉ tiêu này gồm chỉ tiêu liên quan tổng nợ tích luỹ và các chỉ tiêu liên quan đến số nợ phát sinh và dịch vụ nợ trong năm.
Các chỉ tiêu gắn với nợ tích luỹ đo lường tổng số nợ tích luỹ từ nhiều năm đến nay và sẽ phải thanh toán trong tương lai, do đó chúng cho phép xây dựng các chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán nợ của đất nước, tức là khả năng tạo ra thặng dư cán  cân thanh toán quốc tế vãng lai trong tương lai đủ để thanh toán toàn bộ số nợ này.
Các chỉ tiêu gắn với số nợ tăng thêm trong năm cho phép đánh giá khả năng thanh toán dịch vụ nợ bằng cách so sánh dịch vụ nợ với các nguồn ngoại tệ tạo ra trong năm để thanh toán nó.
Thông thường, các chỉ tiêu về nợ được tính toán một mặt qua thu nhập từ xuất khẩu và thu nhập qua cán cân thanh toán vãng lai, và mặt khác qua chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay thu nhập quốc gia thô (RNB). Các chỉ tiêu này cho thấy phần ngoại tệ hay thu nhập nước đó phải bỏ ra để thanh toán nợ nước ngoài trong năm hoặc trọng thời kỳ dài hơn.
Việc sử dụng chỉ tiêu cụ thể nào là tuỳ vào tình hình mỗi nước. Đối với các nước trong đó tiết kiệm chủ yếu do kiều bào hay lao động ở nước ngoài gửi về thì việc sử dụng chỉ tiêu GDP để tính toán các chỉ tiêu nợ có thể sẽ đánh giá thấp khả năng trả nợ của nước đó. Trong đa số các trường hợp, chỉ tiêu thu nhập từ xuất khẩu được xem là cơ sở tốt nhất vì nó đáng tin cậy hơn chỉ tiêu GDP và ít nhạy cảm hơn trước thay đổi tỷ giá thực. Thu nhập xuất khẩu có thể chỉ gồm phần xuất khẩu hàng hoá, nhưng cũng có thể gồm cả xuất khẩu dịch vụ phi nhân tố và các chuyển tiền thường xuyên.
Mặc dù các chỉ tiêu lựa chọn nêu trên có thể phản ánh khá tốt tình hình quản lý nợ nước ngoài, song đôi khi điều đó vẫn chưa đảm bảo vì vẫn có thể xuất hiện những vấn đề khó giải thích, do đó, khi sử dụng chúng trong phân tích kinh tế, vẫn cần phải kết hợp với những thông tin liên quan đến các biến kinh tế vĩ mô khác và triển vọng trung hạn của cân đối cán cân thanh toán quốc tế tổng thể của đất nước. Ví dụ các chỉ tiêu nợ nước ngoài thường tăng lên trong giai đoạn đầu phát triển; chúng cũng bị ảnh hưởng khá lớn trước thay đổi tỷ giá, biến động giá cả hay hệ số thương mại.
Các chỉ tiêu thường được sử dụng nhất là:
- Tỷ lệ giữa tổng số nợ và xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; chỉ tiêu này cho phép đánh giá trọng lượng của nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các chỉ tiêu đánh giá nợ chỉ dựa trên tổng số nợ thường có yếu điểm là không tính đến các điều kiện vay, đặc biệt là quy mô của phần viện trợ không hoàn lại.
- Tỷ lệ giữa tổng số nợ và tổng sản phẩm nội địa (GDP), được gọi là tỷ lệ nợ; chỉ tiêu này cho phép đánh giá tầm quan trọng của nợ so với quy mô của nền kinh tế
- Tỷ lệ giữa giá trị hiện tại hoá của các khoản thanh toán trong tương lai đối với các khoản nay nợ đã thực hiện và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Như vậy, ngược với tỷ lệ nợ, tỷ lệ này phản ánh được đặc trưng không hoàn lại của nợ, thể hiện ở cả tổng số nợ, lãi suất và tiến độ trả nợ.
- Tỷ lệ giữa dịch vụ nợ phải thực hiện và tổng sản phẩm trong nước (GDP).
- Tỷ lệ giữa dịch vụ nợ phải thực hiện và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, tức là tỷ lệ dịch vụ nợ. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá phần thu nhập ngoại tệ phải được dành để trả nợ nước ngoài trong năm.
- Tỷ lệ giữa các khoản lãi phải trả và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Chỉ tiêu này cho phép đánh giá chi phí cho các khoản nợ trong quá khứ.
- Tỷ lệ giữa dịch vụ nợ thực tế có thể thanh toán được và kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Sự khác nhau giữa tỷ lệ này và tỷ lệ dịch vụ nợ phản ánh khó khăn của một nước trong việc đảm bảo dịch vụ nợ và nhu cầu của nước đó phải có khoản tài chính bổ sung cho mục tiêu thanh toán nợ, hoặc cần thu xếp, cơ cấu lại nợ, hoặc chuyển số không thể thanh toán thành nợ mới. Do vậy, việc giảm sự khác nhau này được xem là cố gắng của nước con nợ để bình thường hoá quan hệ với các nhà tài trợ nhằm mục đích có được các khoản vay mới.
Trong số các chỉ tiêu trên, hai chỉ tiêu quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất trong phân tích và dự báo trung hạn là tỷ lệ nợ và tỷ lệ dịch vụ nợ.
Chỉ tiêu tỷ lệ nợ được xem là chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ dài hạn, trong khi chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ nợ phản ánh khả năng trả nợ ngắn hạn, cho phép đánh giá khả năng của nền kinh tế sẽ tạo ra đủ ngoại tệ để thanh toán nợ nước ngoài.
Khi tỷ lệ nợ đạt tới giá trị cao khoảng 100-200%, có thể coi nước đó đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nợ nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đủ; tình hình chỉ trở lên trầm trọng khi nước đó không thể đảm bảo được dịch vụ nợ.
Việc đảm bảo dịch vụ nợ phụ thuộc vào nhiều nhân tố như tổng số nợ, lãi suất, thời gian khấu hao, thời gian ân hạn. Ví dụ một nước có tỷ lệ nợ cao (150%) nhưng với những điều kiện rất ưu đãi (kỳ hạn 50 năm trong đó có 10 năm đầu ân hạn, lãi suất 1%/năm...) thì thường không có vấn đề về khả năng trả nợ. Ngược lại, nếu một nước khác có cùng tỷ lệ nợ như trên nhưng vay theo các điều kiện thương mại (ví dụ kỳ hạn 6 năm không có ân hạn, lãi suất 10% theo cơ chế thị trường) thì sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng.
Nhìn chung, tiêu chuẩn nợ thế giới như sau: Nếu một nước có tỷ lệ nợ nước ngoài cao hơn 200% thì đó có thể là một báo động về nợ nước ngoài, còn nếu tỷ lệ dịch vụ nợ nước ngoài cao hơn 20% thì thường là dấu hiệu nguy hiểm. Chú ý sự khác nhau giữa có thể là và thường là trong các tiêu chuẩn trên.
Khái niệm vững (viability) của nợ nước ngoài gắn liền với khái niệm vững của cân đối trong quan hệ đối ngoại. Hai khái niệm này là những nhân tố chỉ yếu được sử dụng trong đánh giá triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế.
Người ta cho rằng nợ nước ngoài của một nước là vững hay bền vững ở tầm trung và dài hạn nếu nước này có khả năng thanh toán được tất cả các khoản nợ nước ngoài tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai mà không cần đến những nguồn tài chính đặc biệt hay nguồn vốn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Điều này cũng tương đương với ở tầm trung và dài hạn, cán cân thanh toán vãn lai sẽ dần dần được cải thiện.
Tính bền vững của nợ nước ngoài được đánh giá trên cơ sở các dự báo trung và dài hạn của cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Nợ nước ngoài được xem là bền vững nếu trong thời kỳ dự báo cân đối cán cân thanh toán quốc tế luôn luôn được đảm bảo mà không cần đến những nguồn tài chính đặc biệt, và nếu tổng số nợ vào thời điểm cuối kỳ đủ thấp để không chuyển những khó khăn về nợ nước ngoài trong thời kỳ dự báo sang những năm tiếp theo.
Điều kiện thứ hai có thể được lượng hoá thông qua các chỉ tiêu nợ nêu trên tính toán cho thời kỳ dự báo, và chỉ tiêu tỷ lệ giữa giá trị hiện tại hoá của dịch vụ nợ và xuất khẩu.
Các nghiên cứu thực nghiệm đối với các nước nghèo nợ lớn đã cho thấy một số ngưỡng báo hiệu bước chuyển từ nợ bền vững sang không bền vững, như 20-25% đối với tỷ lệ dịch vụ nợ, 200-250% đối với tỷ lệ giữa giá trị hiện tại hoá của dịch vụ nợ và xuất khẩu.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý trường hợp các nước được hưởng nhiều khoản vay rất ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, khi đó tỷ lệ dịch vụ nợ có thể sẽ đánh giá thấp khả năng trả nợ của nước đó. Do đó, cần rất chú ý đến tính đặc thù của từng nước, đồng thời cần đánh giá chi tiết ảnh hưởng của các biến ngoại sinh quan trọng như giá xuất khẩu các sản phẩm quan trọng tới cân đối cán cân thanh toán quốc tế.
3) Dự báo nợ nước ngoài
Dự báo nợ nước ngoài được xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với dự báo cân đối cán cân thanh toán quốc tế, nhất là các thay đổi trong năm của  cán cân thanh toán quốc tế. Thực vậy, như đã đề cập ở trên, đối với một thời kỳ đã cho, các khoản vay mới có thể quan hệ với các thành phần sau của cán cân thanh toán quốc tế:
- Tài chính cho các giao dịch vãng lai;
- Khấu hao nợ nước ngoài;
- Làm tăng dự trữ quốc tế;
- Tài chính cho đầu tư nước ngoài.
Dưới đây sẽ trình bày hai phương pháp dự báo nợ nước ngoài. Tuy nhiên các phương pháp này không tính đến tác động của đánh giá lại tổng nợ tồn đọng. Nếu loại trừ ảnh hưởng của việc đánh giá lại nợ do các biến động của tỷ giá (giữa các đồng tiền nhận nợ), biến động hàng năm của nợ nước ngoài sẽ là thành phần quan trọng trong cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Do vậy có thể dự báo nợ nước ngoài xuất phát từ phương trình kế toán sau:
            CA  +  DKN  =  DAEN
hay:
CA + DD + DKC  +  IDE  = DAEN
trong đó:
CA là thặng dự hay thâm hụt cán cân vãng lai;
DKN là lượng vốn ròng đưa vào trong năm;
D là tổng số nợ nước ngoài cuối kỳ;
DAEN là biến động của dự trữ quốc tế;
DKC là lượng vốn ngắn hạn ròng đưa vào trong năm;
IDE là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng
AEN là tổng dự trữ nước ngoài hay còn được gọi là tài sản ngoại tệ ròng.
Trên cơ sở của cân đối này và căn cứ vào các dự báo thu được trong dự báo cán cân thanh toán quốc tế, có thể xác định thay đổi nợ nước ngoài trong năm như sau:
DD =  - CA - DKC  -  IDE  +  DAEN
 Do đó, tổng số nợ vào thời kỳ t+1 sẽ là:
                     Dt+1   =  Dt   +  DDt+1
                              =  Dt  - CA t+1 - DKC t+1  -  IDE t+1  +  DAEN t+1
Trong trường hợp các thành phần của cán cân thanh toán vãng lai không được dự báo, có thể dự báo trực tiếp tổng số nợ trong kỳ căn cứ vào nguồn vốn huy động dự kiến và khấu hao phải trả theo công thức sau:
                     DDt+1   =  Bt+1  -  AMDt+1
 trong đó:
Bt là tổng các khoản vay mới trong thời kỳ t;
AMDt là thanh toán khấu hao nợ nước ngoài trong thời kỳ t;
Trong quan hệ này, biến động hàng kỳ của nợ được tính toán từ nguồn vốn vào dự kiến và khấu hao:
                     Dt+1   =  Dt   + Bt+1  -  AMDt+1
Tuy nhiên, cần phải ghi nhận là các phương pháp dự báo này giả định các thâm hụt của cán cân thanh toán quốc tế được bù đắp nhờ thay đổi dự trữ quốc tế và tất cả các nghĩa vụ nợ nước ngoài đều được đảm bảo.
Trong trường hợp số trả thực cho lãi và khấu hao không đủ so với yêu cầu, cần phải có các khoản tài chính đặc biệt dưới dạng xin giảm nợ, hoặc tăng thêm nợ quá hạn, tức làm làm tăng tích luỹ nợ trong kỳ t+1.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét