Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

(13) CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
     D) Dự báo cán cân thanh toán quốc tế:
1) Các điểm cần lưu ý trước khi dự báo
Dự báo cán cân thanh toán quốc tế là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi không chỉ phải sử dụng các kỹ thuật dự báo tinh vi mà còn phải có kiến thực rất tốt và khả năng phân tích chuyên sâu về lĩnh vực phức tạp này. mục tiêu của phần này là nghiên cứu một số phương pháp dự báo các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế.
Một cách chung nhất, có thể định nghĩa cân bằng cán cân thanh toán quốc tế theo phương trình sau:
            DAENt = Xbt - Mbt + SNt + TRNt + DKNt
trong đó:
DAENt là thay đổi của tài sản ngoại tệ ròng trong thời kỳ t;
Xbt là khối lượng xuất khẩu hàng hoá trong thời kỳ t;

Mbt là khối lượng nhập khẩu hàng hoá trong thời kỳ t;
SNt là xuất khẩu dịch vụ ròng trong thời kỳ t;
TRNt là chuyển tiền thường xuyên ròng trong thời kỳ t;
DKNt là chuyển vốn ròng trong thời kỳ t.
Dự báo cán cân thanh toán quốc tế chính là dự báo các biến bên vế phải của phương trình và từ đó tính ra thay đổi của tài sản ngoại tệ ròng trong kỳ. Các yếu tố làm cơ sở cho dự báo có thể là các quan hệ tỷ lệ, các hệ số co dãn hay các quan hệ hàm số toán học.
Quá trình dự báo này có thể xem như đi ngược với quá trình xây dựng các chương trình tài chính, vì theo phương pháp chuẩn, quá trình xây dựng các chương trình tài chính xuất phát từ các mục tiêu của cán cân thanh toán quốc tế, như thâm hụt hay bội chi của cán cân tổng thể là bao nhiêu, hoặc thâm hụt hay bội chi của cán cân vãng lai là bao nhiêu, rồi đi tiếp tới xác định giá trị cần thiết của các biến khác trong phương trình cân bằng cán cân thanh toán quốc tế để đạt được các mục tiêu đề ra. Việc xác định các biến cuối cùng này cần dựa trên các kịch bản về chính sách kinh tế cần triển khai thực hiện.
Để có thể dự báo cán cân thanh toán quốc tế, cần có một số yếu tố sau:
- Nguồn thông tin chi tiết và được cập nhật, cả về tình hình kinh tế quốc gia (sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, giá cả...) và tình hình kinh tế của các nước bạn hàng và các nước khác (cầu nội địa của các  nước bạn hàng, cầu tiềm năng của thị trường quốc tế, giá nguyên liệu đầu vào, lãi suất thế giới...);
- Các đánh giá về ảnh hưởng của các nhân tố tình hình trên tới các thành phần chính của cán cân thanh toán quốc tế để trên cơ sở đó có thể xây dựng được các quan hệ có ý nghĩa giữa các nhân tố này và các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế.
Ví dụ khi xây dựng quan hệ giữa nhập khẩu và cầu nội địa của một nước hoặc giữa nhập khẩu và giá hàng nhập khẩu, người ta phải cố gắng chọn quan hệ tốt nhất theo giá trị và theo khối lượng, với các chỉ tiêu được tính theo mức tuyệt đối hay mức thay đổi, có thời gian trễ hoặc không có thời gian trễ.
Dự báo các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế có thể được thực hiện theo nhiều cấp độ gộp khác nhau. Ví dụ người ta có thể chọn cách thực hiện các dự báo về tổng kim ngạch xuất khẩu hoặc dự báo chia ra cho từng thành phần của xuất khẩu, như xuất khẩu năng lượng, xuất khẩu nông sản, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến..., thậm chí có thể chi tiết hơn nữa.
Người ta cũng có thể chọn cách dự báo xuất khẩu dịch vụ ròng theo các mức độ gộp hoặc phân rã chi tiết hơn theo các thành phần, gồm dịch vụ có và dịch vụ nợ, bằng cách nhận dạng các nhân tố trong từng thành phần (thu nhập từ lãi tiền gửi nước ngoài, thu nhập từ du lịch...). Dự báo chuyển tiền cũng có thể được tách làm nhiều khoản nhỏ hơn như nguồn vào và nguồn ra, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Dự báo các tài khoản vốn cũng có thể được chia thành dự báo luồng vốn vào và dự báo luồng vốn ra, vốn ngắn hạn và vốn trung và dài hạn, vốn nhà nước và vốn tư nhân...
Việc chọn mức độ gộp hoặc mức độ phân chia trong dự báo các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế phụ thuộc vào:
- Tính sẵn có của số liệu và chất lượng các số liệu. Các chuỗi số chi tiết phải đủ dài và khớp nhau...
- Tính ổn định của các quan hệ được xây dựng giữa các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế và các nhân tố ảnh hưởng đến các thành phần này. Ở đây, cần phân tích kỹ xem các quan hệ đó có đủ ổn định để dùng trong dự báo cán cân thanh toán quốc tế không ?
- Đặc trưng của các thành phần cần dự báo của cán cân thanh toán quốc tế. Ví dụ có những thành phần biến động mạnh trong ngắn hạn, song ổn định về dài hạn, có những thành phần ngược lại...
Dự báo cán cân thanh toán quốc tế có thể được thực hiện theo các đồng tiền khác nhau, hoặc theo đơn vị tiền tệ quốc gia, hoặc bằng đô la Mỹ, hoặc bằng đơn vị tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Việc lựa chọn đồng tiền nào phụ thuộc vào các biến ảnh hưởng tới các thành phần của cán cân thanh toán quốc tế. Tại nhiều nước, kết quả dự báo cán cân thanh toán quốc tế được thể hiện qua hai đơn vị tiền tệ, chủ yếu là đồng nội tệ và đồng đô la Mỹ.
Dự báo một số thành phần của cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt là dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dự báo kim ngạch nhập khẩu hàng hoá, thường được tách ra làm 2 phần, gồm dự báo giá và dự báo khối lượng.
Chúng ta biết rằng:
                               Vt  =  qt . pt
trong đó Vt là giá trị danh nghĩa của biến nghiên cứu trong thời kỳ t;
qt là khối lượng của biến và pt là giá đơn vị của biến.
Khi đó:
                     Vt  =  qt . pt . pt-1 / pt-1
hay:
                     Vt  =  qt . pt-1 . pt / pt-1
                           =  Qt . pt / pt-1
trong đó Qt là khối lượng thời kỳ t tính theo giá thời kỳ trước (thời kỳ gốc); pt / pt-1 là mức độ tăng giá trong thời kỳ t.
Người ta cũng có thể phân rã một chỉ tiêu gộp dạng giá trị thành chỉ tiêu gộp dạng khối lượng (theo chỉ số hoặc theo giá cố định) và chỉ tiêu biến động của giá (hoặc chỉ số biến động). Việc phân rã này sẽ cho phép tính đến những dự báo thay đổi giá và những giả thuyết thay đổi về lượng. Các giả thuyết về giá quốc tế trong tương lai đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu chính thường có sẵn trong các sách của các tổ chức  tài chính quốc tế (ví dụ như sách triển vọng kinh tế thế giới công bố hàng năm của IMF, các tạp chí định kỳ về giá quốc tế...).
2) Dự báo xuất khẩu:
a) Giả thuyết về một nước nhỏ, mở cửa:
Dự báo xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có quan hệ mật thiết với giả thuyết về một nước nhỏ mở cửa. Về nhập khẩu, giả thuyết này cho rằng một quốc gia như vậy sẽ có vai trò đủ nhỏ trên thị trường thế giới đối với 1 sản phẩm nào đó nếu như mọi biến động của cầu của nước đó đối với sản phẩm này đều không ảnh hưởng đến giá của sản phẩm tính bằng ngoại tệ.
Nói cách khác, trong trường hợp này, cung sản phẩm này có hệ số co dãn vô hạn, tức là cầu không hề ảnh hưởng đến cung.
Trong trường hợp xuất khẩu, giả thuyết này cho rằng một quốc gia như vậy sẽ có vai trò đủ nhỏ trên thị trường thế giới đối với 1 sản phẩm xuất khẩu nào đó nếu như mọi biến động của cung của nước đó đối với sản phẩm này đều không ảnh hưởng đến giá của sản phẩm tính bằng ngoại tệ.
Nói cách khác, trong trường hợp này, dù nước đó có bán bao nhiêu hàng hoá này ra thị trường quốc tế thì cũng không làm thay đổi giá thị trường quốc tế. Như vậy, cầu sản phẩm này có hệ số co dãn vô hạn, tức là cung không hề ảnh hưởng đến cầu.
Khái niệm một nước nhỏ mở cửa chỉ có quan hệ rất ít với khái niệm quy mô hay sức mạnh kinh tế của một nước. Một nước dù quy mô kinh tế của nó được xem là lớn song cũng vẫn có thể bị xếp vào hàng nước nhỏ khi nói về nhập khẩu (hoặc xuất khẩu) một sản phẩm nào đó nếu nước đó chỉ nhập khẩu hoặc xuất khẩu rất ít so với quy mô của thị trường thế giới về sản phẩm đó.
b) Dự báo xuất khẩu:
Dự báo giá trị xuất khẩu thường được tách ra làm hai loại dự báo: dự báo khối lượng xuất khẩu và dự báo giá xuất khẩu. Dự báo giá xuất khẩu rất khó khăn vì phụ thuộc vào những biến động trên thị trường quốc tế mà chúng ta không có đủ thông tin. Do đó, việc này nên để dành cho những cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực ngoại thương. Trong mục này, chúng  ta chỉ xem xét một số mô hình dự báo khối lượng xuất khẩu.
(1) Dự báo theo quan hệ cung:
- Phương trình: Nói chung, người ta cho rằng khối lượng xuất khẩu của một nước đang phát triển phụ thuộc vào khả năng sản xuất của quốc gia đó và giá tương đối giữa sản phẩm trong nước và trên thị trường quốc tế, đại diện bằng tỷ lệ giữa giá trong nước so với giá xuất khẩu. Phương trình xác định như sau:
                     XQ = f (y, pr)
trong đó XQ là khối lượng xuất khẩu, y là khả năng sản xuất (giá cố định), pr là giá tương đối của giá trong nước (chỉ số giá GDP) và giá xuất khẩu ra nước ngoài (chỉ số giá xuất khẩu), tính theo cùng đơn vị tiền tệ. Dự kiến hệ số của y dương, của pr âm.
Cũng tồn tại một số biến giải thích liên quan tới cung hàng xuất khẩu như cầu nội địa đối với những sản phẩm xuất khẩu, sự phong phú của tín dụng ngân hàng...
Giả thuyết cơ bản trong cách tiếp cận này là một nước nhỏ, mở cửa, có thể xuất khẩu bao nhiêu sản phẩm cũng được theo giá trên thị trường quốc tế. Trong trường hợp này, người ta chú trọng phân tích những nhân tố ảnh hưởng tới cung xuất khẩu vì chính chúng tác động đến khả năng sản xuất, từ đó tác động đến khối lượng xuất khẩu.
- Dấu của các quan hệ:
+ Quan hệ giữa khối lượng xuất khẩu và khả năng sản xuất có dấu dương vì sản xuất một phần là để xuất khẩu; khả năng sản xuất càng cao thì khả năng xuất khẩu càng lớn.
+ Quan hệ giữa khối lượng xuất khẩu và giá tương đối có dấu âm vì khi giá nội địa tăng nhanh hơn giá xuất khẩu, người có hàng sẽ tập trung bán hàng trong nước mà ít quan tâm đến xuất khẩu; người xuất khẩu cũng sẽ không mua được hàng để xuất khẩu. Do đó tốc độ tăng trưởng khối lượng xuất khẩu sẽ giảm xuống.
- Ý nghĩa của quan hệ này trong xây dựng chính sách kinh tế:




- Những hạn chế của quan hệ này:
Độ tin cậy của quan hệ cung trong xuất khẩu phụ thuộc trước hết vào độ tin cậy của giả thuyết co dãn hoàn hảo của cầu các sản phẩm xuất khẩu. Nó cũng phụ thuộc vào các giới hạn ngẫu nhiên đối với xuất khẩu như hạn chế trong xuất khẩu gạo do phải đảm bảo an ninh lương thực, hoặc phụ thuộc và trợ cấp của chính phủ cho xuất khẩu.
Quan hệ cung cũng phải phản ánh đúng thực trạng là mọi thay đổi của giá xuất khẩu hoặc tỷ giá đều không được phản hồi tới giá trả cho người sản xuất, và do vậy không tạo ra các kích thích đối với người xuất khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu. Trường hợp này thường xảy ra khi trong nước có một quỹ bình ổn giá để hạn chế những biến động quá bất thường của giá cả trên thị trường thế giới. Ngoài ra, trong một số khu vực, thời gian phản ứng của cung cũng có thể dài, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian cần thiết để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ca cao khi chính phủ quyết định sẽ tăng xuất khẩu ca cao là 5 năm; điều này cũng tương đương với việc điều chỉnh tỷ giá chỉ làm cho xuất khẩu tăng từ năm thứ 5 trở đi.
(2) Dự báo theo quan hệ cầu:
Đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, trong khi sản xuất có thể đáp ứng dễ dàng thì việc xuất khẩu rất khó khăn do phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới. Khi đó, những biến chính giải thích khối lượng xuất khẩu sẽ là cầu thực của các nước bạn hàng và giá tương đối:
                               XQ = f (ye, pr)
trong đó ye là tổng GDP của các nước bạn hàng hay đối tác kinh tế lớn nhất tính theo giá cố định.
Cần ghi nhận là quan hệ này giả thiết xuất khẩu thay đổi theo sản phẩm và theo các nước khác nhau, do đó có tính đa dạng cao. Hiệu quả tăng trưởng trong mô hình có nghĩa là mọi việc tăng cầu thực của một nước bạn hàng sẽ kéo theo việc tăng khối lượng xuất khẩu đến nước này.
Hiệu quả cạnh tranh, được thể hiện qua ảnh hưởng của thay đổi giá tương đối tới khối lượng xuất khẩu, sẽ được đo bằng quan hệ giữa giá thị trường quốc tê (chứ không phải giá trên thị trường các nước bạn hàng) và giá quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu, và có khi tính cả những thay đổi của tỷ giá.
Khi giá thế giới một mặt hàng nào đó tăng lên so với giá quốc gia đối với mặt hàng xuất khẩu đó, khối lượng xuất khẩu mặt hàng đó sẽ tăng lên. Ngược lại, khi giá thế giới một mặt hàng nào đó giảm xuống so với giá quốc gia đối với mặt hàng xuất khẩu đó, khối lượng xuất khẩu mặt hàng đó sẽ giảm xuống.
Tương tự, phá giá tỷ giá cũng sẽ là tăng giá quốc tế so với giá quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu, do đó cũng sẽ có tác dụng làm tăng khối lượng xuất khẩu.
(3) Một số ví dụ:
Ví dụ trường hợp một nước xuất khẩu mặt hàng chính là phân bón và nơi xuất là sang châu Âu. Khả năng xuất khẩu rất lớn, giá rẻ do nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và việc khai thác dễ dàng... Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu phân bị hạn chế. Trong trường hợp này, chúng ta dự báo theo cầu: Cầu xuất khẩu phụ thuộc vào cầu nhập khẩu phân bón của nước bạn hàng, trong khi cầu nhập khẩu phân bón lại phụ thuộc vào thu nhập của người nông dân châu Âu. o thu nhập của người nông dân châu Âu lại phụ thuộc tiếp vào kết quả vụ thu hoạch năm trước...
Nếu các phân tích cho thấy khối lượng xuất khẩu được đặt hàng cao hơn sản xuất thì phải dự báo theo mô hình cung; trong đó các khả năng sản xuất là ràng buộc của khối lượng xuất khẩu.
....
Một số hàm xuất khẩu điển hình như sau:
- Phương trình thứ nhất:
            log(xreel) = 0,571 log(xreel(-1)) + 0,825 log(indwgdp)
                             (3,789)                     (2,754)
                               - 0,224 log(ipx/indgdpprice.tdc)  + 0,665
                               (-3,418)                                (1,478)
Tổng bình phương sai số: 0,3102
R2 = 0,971
DW = 1,783...
Phương pháp ước lượng: Bình phương cực tiểu nguyên gốc.
trong đó:
  - xreel là khối lượng xuất khẩu hàng hoá (xuất khẩu theo giá cố định);
  - indwgdp là chỉ số GDP thế giới;
  - ipx là chỉ số giá xuất;
  - indgdpprice chỉ số giá thế giới
  - tdc là tỷ giá giữa nội tệ và ngoại tệ
- Phương trình thứ hai:
  log(xnr) = 0,413 log(tdc.defcee/ipx) + 1,360 log(gdpceesr) - 1,832
                 (7,219)                               (6,547)                   (-1,211)
....                
trong đó:
  - xnr là xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ phi nhân tố theo giá cố định;
  - defcee là chỉ số giá GDP của Cộng đồng châu Âu;
  - gdpceesr là chỉ số GDP của Cộng đồng châu Âu theo giá cố định.
Nhận xét: Các phương trình trên đều có dấu mong đợi. Trong cả hai phương tình, hệ số co dãn xuất khẩu của biến cầu thế giới đều cao hơn 1 rõ rệt (0,83 đối với ngắn hạn, nhưng 1,9 đối với dài hạn trong phương trình 1 và 1,36 đối với dài hạn trong phương trình 2).
3) Dự báo nhập khẩu:
Tương tự như trong trường hợp dự báo xuất khẩu, trong dự báo nhập khẩu, chúng ta chỉ quan tâm tới dự báo khối lượng nhập khẩu; còn giá nhập khẩu sẽ được lấy từ dự báo của các tổ chức chuyên môn sâu khác.
- Phương trình dự báo:
Nhập khẩu hầu như đều được nhất trí là được dự báo theo quan hệ cầu. Các biến chính giải thích tăng khối lượng nhập khẩu là cầu nội địa hoặc quy mô nền kinh tế hoặc thu nhập, và giá tương đối, trong đó giá tương đối là tỷ lệ giữa giá bên ngoài và giá trong nước. Phương trình nhập khẩu cơ bản như sau:
                               MQ = f (Y, pr)
trong đó MQ là khối lượng nhập khẩu (nhập khẩu tính theo giá cố định), Y là khả năng sản xuất hay GDP (giá cố định) phản ảnh tác động của tăng trưởng; pr là giá tương đối hay tỷ lệ giữa giá nhập khẩu đối với hàng nhập từ nước ngoài (chỉ số giá nhập khẩu) và giá trong nước (chỉ số giá GDP), tính theo cùng đơn vị tiền tệ, tức là:
  pr = Giá hàng nhập tính theo ngoại tê * Tỷ giá danh nghĩa / Giá nội địa
Dự kiến hệ số của y dương, của pr âm.
Trong một số trường hợp, có thể bổ sung những biến giải thích khác như khối lượng đầu tư (khi chủ yếu nhập hàng hoá nhằm phục vụ đầu tư), nguồn tín dụng sẵn có, mức dự trữ ngoại tệ...
Ngoài ra, có thể tách GDP theo các thành phần và xem xét quan hệ giữa các thành phần của nhập khẩu với các thành phần của GDP tuỳ theo mục đích của các loại nhập khẩu.
Giả thuyết cơ bản trong mô hình này là giả thuyết một nước nhỏ mở cửa, trong đó cầu nhập khẩu của nước xem xét không đủ lớn để tác động tới giá các sản phẩm cần nhập (cung các sản phẩm nhập khẩu có hệ số co dãn vô hạn).
- Ý nghĩa của quan hệ:
Có thể minh hoạ hai biến giải thích chính trong phương trình xác định cầu nhập khẩu nêu trên như sau:
+ Tác động của tăng trưởng: Quan hệ giữa MQ và Y là dương; do vậy, nếu trình độ của cầu thực, của hoạt động và thu nhập thực (thường được thể hiện qua GDP thực) tăng lên, thì sẽ kéo theo tăng khối lượng nhập khẩu. Quan hệ này được gọi là tác động của tăng trưởng. Như vậy, việc tăng cầu cuối cùng có thể phản ánh tác động trực tiếp của tăng khối lượng sản phẩm nhập khẩu hoặc tác động gián tiếp của tăng sản xuất cuối cùng, tương ứng với hàng hoá trung gian được nhập khẩu.
+ Tác động của cạnh tranh: Quan hệ giữa MQ và pr là âm. Do vậy, khi giá tương đối thay đổi sẽ kéo theo khối lượng nhập khẩu cũng thay đổi. Ví dụ giá tương đối tăng lên (tức là giá nhập khẩu tăng nhanh hơn giá nội địa) sẽ kéo theo giảm nhập khẩu và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm sản xuất trong nước vì các sản phẩm này sẽ trở nên rẻ hơn so với hàng nhập khẩu. Tác động thay thế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước do giá tương đối thay đổi được gọi là tác động cạnh tranh.
Cần lưu ý là biến động của giá tương đối của một hàng hoá nhập khẩu  (được đo bằng cùng một đơn vị tiền tệ quốc gia) sẽ phản ánh đồng thời hai hiện tượng: (i) Biến động của giá các sản phẩm theo loại tiền tương ứng; (ii) Biến động của tỷ giá.
Ví dụ một người mua quyết định sẽ mua một sản phẩm có thể được sản xuất trong nước hoặc có thể được nhập khẩu; khi đó anh ta sẽ so sánh giá của hàng trong nước và hàng nhập cùng được tính bằng tiền trong nước. Nếu tỷ giá bị phá giá, giá hàng nhập sẽ tăng lên trong khi giá hàng sản xuất trong nước hầu như giữ nguyên. Điều này sẽ khuyến khích anh ta mua hàng sản xuất trong nước chứ không mua hàng nhập khẩu. Tình hình ngược lại khi giá trong nước tăng lên (lạm phát) trong khi tỷ giá ổn định hoặc nội tệ lên giá so với ngoại tệ.
Người ta có thể phân rã biến giá tương đối theo phương thức sau:
                               pr = pmn / pyn
và:                          pr = pm$ / (pyn . TCn/$)
trong đó pmn là giá nhập khẩu tính bằng nội tệ
            pm$  là giá nhập khẩu tính bằng đô la Mỹ;
            pyn là giá nội địa đo bằng chỉ số giá GDP tính theo tiền quốc gia
            TCn/$ tỷ giá của tiền quốc gia theo đô la Mỹ.
- Ý nghĩa của quan hệ này trong xây dựng chính sách kinh tế:
Thứ nhất, người ta có thể phân tích ảnh hưởng của từng thành phần của GDP hay tổng cầu tới nhập khẩu, từ đó tới thâm hụt các cân xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế để có biện pháp xử lý. Trong nhiều trường hợp, khi thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế quá lớn, việc phân tích trên sẽ cho thấy cần giảm bớt các thành phần nào của tổng cầu để giảm dần tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.
Thứ hai, quan hệ trên cũng chỉ ra ảnh hưởng của tỷ lệ lạm phát nội địa so với tỷ lệ lạm phát thế giới tới khối lượng nhập khẩu. Nếu tỷ lệ lạm phát nội địa thấp so với tỷ lệ lạm phát thế giới, chúng ta gọi là hiện tượng giảm phát cạnh tranh (competitive desinflation), tức là lạm phát trong nước thấp sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu và thay thế nhập khẩu của đất nước. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta thấy nền kinh tế sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Do vậy, về chính sách kinh tế, nên duy trì tỷ lệ lạm phát trong nước thấp hơn tỷ lệ lạm phát thế giới
Thứ ba, tỷ giá cũng có ảnh hưởng quan trọng tới khối lượng nhập khẩu. Khi tỷ giá bị đánh giá cao, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ giảm, làm cho xuất khẩu giảm đồng thời nhu cầu nhập khẩu tăng; hậu quả là cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế bị thâm hụt nghiêm trọng. Trong trường hợp ngược lại, khi tỷ giá được đánh giá thấp hoặc bị phá giá, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tăng, làm cho cán cân thanh toán quốc tế có xu hướng được cải thiện. Vì vậy, về mặt chính sách, nên nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của tỷ giá tới cân bằng cán cân thanh toán quốc tế để lựa chọn chính sách tỷ giá thích hợp.
- Hạn chế của quan hệ này:
Khi xây dựng quan hệ cầu để dự báo nhập khẩu, ngoài các nhân tố nêu trên như sản xuất, đầu tư, tín dụng, khả năng sẵn có ngoại tệ..., còn có một số nhân tố khác cũng rất quan trọng nhưng khó đưa vào mô hình như các ràng buộc định lượng (quota) đối với hàng nhập khẩu, thuế hải quan...
Ngoài ra, trong một số trường hợp, có thể cầu nhập khẩu không được thoả mãn ngay khi xuất hiện mà phải trễ một số tháng, quý... do việc đặt hàng, chuyên chở, thủ tục nhập cảnh mất thời gian. Vì vậy, có thể đưa vào yếu tố phản ánh chênh lệch về thời gian giữa cầu nhập khẩu xảy ra và thời điểm nó được thoả mãn.
Cuối cùng, trong mô hình trên chúng ta chỉ xem xét toàn bộ nhập khẩu chỉ là 1 sản phẩm chung, tức là chưa phân tách nhập khẩu làm nhiều thành phần. Do vậy, chúng ta chưa thể đưa thêm nhiều biến vào giải thích tiến triển của nhập khẩu. Để mô hình phản ánh đúng hơn và phân tích được ảnh hưởng của nhiều biến khác tới nhập khẩu, cần phải phân rã nhập khẩu theo các thành phần chi tiết hơn, như nhập khẩu lương thực thực phẩm, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, nhập khẩu máy móc thiết bị, nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhập khẩu năng lượng, trong đó riêng dầu mỏ...
Ví dự về một hàm nhập khẩu điển hình như sau:
            log(mreel) = 0,557 log(cr) + 0,544 log(fir)
                              (2,523)             (4,123)
                               - 0,299 log(diecu/defcee/gdpd)  - 5,565
                               (-2,418)                                  (-4,122)
                               + 0,535 log(xreel)
                                (6,082)
Phương pháp ước lượng: Bình phương cực tiểu nguyên gốc.
Nhập khẩu thực được xác định căn cứ vào cầu gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, ngoài ra còn có một biến khác là biến giá tương đối của nhập khẩu. Hệ số co dãn nhập khẩu đối với tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu lần lượt là 0,56 ; 0,54 và 0,54. Vì các hệ số co dãn này cơ bản không khác nhau nên có thể thay thế chúng bằng biến GDP là xấp xỉ tổng của chúng.
Việc đưa biến xuất khẩu vào phương trình giải thích nhập khẩu phản ánh hiện tượng một phần quan trọng nhập khẩu của nền kinh tế này đã được tái xuất sau khi đã qua khâu chế biến.
Trong các mô hình kinh tế lượng giống như phương trình 1 nêu trên, người ta đưa vào biến tự hồi quy để giải thích tính động. Ví dụ trong trường hợp xuất nhập khẩu, người ta có thể cho rằng tồn tại các hợp đồng có thời gian giao hàng hoặc thanh toán tiền trễ đáng kể so với dự kiến...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét