Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Xúc động xem bộ ảnh trẻ em Việt Nam trên báo Mỹ

Xúc động xem bộ ảnh trẻ em Việt Nam trên báo Mỹ
Bắt nguồn từ câu hỏi thông thường mà bất kì đứa trẻ nào cũng được hỏi: “Sau này lớn lên em muốn làm gì?” Hồ Quang, chàng du học sinh người Việt đã thực hiện bộ ảnh đầy xúc động kể về ước mơ của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam và đã gửi những hình ảnh của mình đến cho tờ báo Mỹ nổi tiếng Huffingtonpost.
Đối với những em nhỏ mỗi ngày đều phải bươn chải bán vé số, đi ăn xin, đánh giày, nhặt ve chai, nhặt rác… thì mỗi ước mơ tuy khác nhau nhưng gần như đều là có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có em ước thành thợ xây nhà để xây lại căn nhà lụp xụp, có em thì ước được làm giáo viên để dạy học cho những trẻ em nghèo khó giống mình, hay có em chỉ đơn giản là làm thợ cắt tóc để hỗ trợ cho gia đình bớt cảnh khó khăn.
Quang chia sẻ: “Tôi gặp nhiều em nhỏ bán vé số, đi ăn xin, nhặt rác... Những hiện thực tôi và mọi người đều thấy mỗi ngày, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng đưa tay giúp đỡ các em. Có những người thì mua giúp vài tờ vé số, hay cho đại vài ba đồng. Cũng có những người thậm chí còn không để ý đến sự tồn tại của các em”. Và điều đó cũng thúc đẩy chàng sinh viên ngành nhiếp ảnh này thực hiện bộ ảnh này.
Nguyễn Ngọc Huy, đang học cấp 2. Cha của Huy là thương binh. Mỗi ngày, cha gói bánh tét để mẹ của Huy đi bán. Mẹ của Huy đã cao tuổi và bị đau chân nên việc đi lại buôn bán trở nên khó khăn. Huy nói: "Bố muốn có 1 xưởng sửa chữa xe máy. Khi lớn lên, em sẽ hoàn thành ước mơ của bố".


Nguyễn Hoàng Thông, 12 tuổi, mẹ là bảo mẫu, cha là thương binh không còn khả năng lao động. Thu nhập gia đình chỉ còn trông chờ vào mẹ. Với Thông, "ước mơ của em là xây được 1 căn nhà cho những người nghèo như em, để họ có được ngôi nhà của riêng mình “. 


Nguyễn Lâm Thảo Uyên, 10 tuổi, nhà có 15 người cùng ở trong một căn nhỏ nhỏ. Mẹ em bị mù và cha lái taxi không đủ để hỗ trợ cho cả gia đình. Uyên nói: "Em chỉ muốn làm mẹ vui, em muốn học cho tới khi em không còn nhìn thấy nữa".



Quyên và Ngân là 2 chị em sống cùng ông bà. Các em phải sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi, chỉ đủ bữa qua ngày. Việc học hành với 2 em quả là rất nhiều khó khăn.Quyên nói: "Gia đình em quá nghèo, em phải cố gắng học hết sức mình để có thể xây lại nhà khi em lớn". 


Chị em Trần Thị Mỹ Trinh và Trần Quốc Dũng đang học tiểu học. Hai em sống tạm bợ cùng mẹ tại 1 khu chợ, mỗi tối, cả nhà cùng ngủ trên những tấm gỗ dưới những chiếc lều dựng tạm. Mẹ của 2 em bị mắc bệnh huyết áp cao kinh niên nên không làm được việc nặng. Mỗi ngày, bà bán vé số để kiếm tiền ăn, thậm chí có những khi bà nhịn đói để 2 con có được miếng ăn. Dũng tâm sự : "Mẹ em phải đi bộ trên rất nhiều tuyến đường dù mưa hay gió. Em chỉ muốn bảo vệ mẹ khỏi những điều xấu khi mẹ phải đi bán vé kiếm tiền nuôi chúng em. Con yêu mẹ, Mẹ ơi!". 


Nguyễn Nhật Ánh đang học lớp 4 nhưng em chỉ nặng có 25kg vì bị suy dinh dưỡng. Hiện tại, em đang sống cùng bà và cuộc sống với 2 bà cháu rất vất vả khi bà đã 60 tuổi, sức khỏe lại yếu. Bà chỉ kiếm được ít tiền nhờ việc lau dọn thuê. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Ánh vẫn học rất chăm và đạt thành tích học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, em lại giúp bà nhiều công việc nhà. Ánh nói : "Ước mơ của em là trở thành 1 cô giáo để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh như em". 


Trần Văn Tài, 11 tuổi, sống cùng người mẹ ốm yếu vì đã phải phẫu thuật tới 3 lần. Cha Tài đã qua đời từ lâu. Hiện Tài và mẹ đang phải sống trong 1 căn phòng thuê nhỏ chật hẹp vì nhà cũ đã bị sập. Dù bị ốm đau nhưng mẹ Tài luôn cố gắng để nuôi Tài ăn học. Tài nói : "Em muốn học để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ".


Trương Trần Thủy Tiên đang học lớp 3. Cha mẹ em đã ly dị, em sống cùng mẹ và ông ngoại. Đồng lương ít ỏi của mẹ Tiên không đảm bảo cho việc học tập cũng như ăn uống của cả gia đình. Tiên nói em muốn trở thành 1 ca sĩ để hát những bài hát đồng quê

Mỗi bức ảnh là một ước mơ của các em. Đằng sau mỗi bức ảnh, là một câu chuyện về cuộc sống đầy cảm động. Và lí do để Quang chọn những trẻ em từ Việt Nam chính là “vì nơi đây là quê hương, là nơi Quang và gia đình cùng sinh sống trước khi chuyển đi. Và những ước mơ luôn luôn là những điều thuộc về những đứa trẻ”

Chân thực và sâu sắc - những ước mơ của các em thật giản đơn nhưng là cả một hành trình vượt khó gian nan khi cuộc sống của gia đình mỗi em đều chỉ trông chờ vào những công việc nặng nhọc mà lương thì ba cọc ba đồng của bà, của mẹ, của cha…

Không ai đánh thuế những ước mơ, và mỗi đứa trẻ đều có những mơ ước rất thực tế với gia cảnh nghèo khó của mình. Những ước mơ đẹp cùng tình cảm yêu thương gia đình sẽ là động lực để các em có thể vững vàng bước đi, và phấn đấu cho một tương lai tươi đẹp hơn của gia đình và của bản thân các em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét