Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Tăng trưởng và lạm phát: Lựa chọn mục tiêu nào?

Tăng trưởng và lạm phát: Lựa chọn mục tiêu nào?
(Chinhphu.vn) - Muốn tăng trưởng cao, nền kinh tế Việt Nam cần phải được bơm một lượng vốn lớn, nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao quay trở lại.
Hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”",
 ngày 21/5. Ảnh: chinhphu.vn
Đây là vấn đề trăn trở của không ít đại biểu tại Hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” diễn ra hôm nay (21/5), tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2013-2015, do nền kinh tế Việt Nam vẫn trong thời kỳ bắt đầu cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chưa có sự phát triển đột biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả so với giai đoạn trước. Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm theo mục tiêu kế hoạch 5 năm 2010-2015 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XI 7-7,5%/năm và Nghị quyết số 10/2011/QH là 6,5-7%/năm thì lạm phát mục tiêu tối ưu của giai đoạn 2013-2015 nên kiểm soát ở mức 7-7,5%.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng nền kinh tế trong ngắn hạn nhưng nghiên cứu mới nhất của Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy: Dù tín dụng đã tăng trở lại trong 2 tháng trở lại đây, đạt 1,4% tính đến cuối tháng 4/2013, song tăng trưởng tín dụng đã suy giảm mạnh 2 năm 5 tháng liên tiếp từ năm 2011-5/2013 và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới. Cụ thể, theo thống kê, tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2000-2010 là 32,39%, tới giai đoạn 2011-2012, con số này chỉ còn 11,36%, giảm gần 2,8 lần. Nếu tín dụng năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tổng số tăng trưởng tín dụng 3 năm 2011-2013 cộng lại là 35,3%, xấp xỉ bằng tăng trưởng tín dụng bình quân của 11 năm trước đó (32,39%).

“Với độ trễ tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế là từ 6 tháng đến 1 năm, dù tăng trưởng tín dụng 7 tháng còn lại năm 2013 đạt được mục tiêu 12%, thì tác động tăng trưởng tín dụng đến tăng trưởng GDP năm 2013 cũng không đáng kể. Sự tích tụ suy giảm liên tục tín dụng và đầu tư toàn xã hội từ 2011-2013 sẽ làm giảm sút rất lớn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 và những năm tới”, PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính-Tiền tệ Quốc gia khuyến cáo.

Lạm phát do hiệu quả đầu tư thấp

Các yếu tố tiền tệ được các chuyên gia cho là nguồn gốc gây lạm phát cao trong thời gian qua của Việt Nam. Đó là sự thâm hụt ngân sách kéo dài mà nguyên nhân chính không phải do chi tiêu thường xuyên mà do đầu tư không hiệu quả; tiếp đó, góp phần vào lạm phát là tăng trưởng tín dụng quá mức kéo theo sự tăng cao của tổng phương tiện thanh toán, từ đó, tạo ra áp lực tăng giá và thổi bùng lạm phát lên cao.

Thêm vào đó, thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh chóng nhưng chưa thực hiện tốt chức năng phân bổ, sàng lọc và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng được phân bổ vào khu vực hiệu quả thấp, rủi ro cao, hoặc đầu cơ vào chứng khoán và bất động sản. Đây là một trong những nhân tố quan trọng gây ra lạm phát cơ cấu, lạm phát tiền tệ ở nước ta trong thời gian qua.

Theo PGS.TS. Đào Văn Hùng, chính sách chiến lược để kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là phải đảm bảo giữ tỷ lệ thâm hụt ngân sách hợp lý, khuyến khích tăng cung ở các khu vực cung còn yếu kém. Đồng thời, phải có sự kết hợp hiệu quả giữa các chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách cơ cấu và chính sách xuất nhập khẩu. Trong đó, chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ có thể tạm thời ngăn chặn được lạm phát nhưng sẽ không loại bỏ được sự mất cân bằng cơ cấu, do đó, nguy cơ lạm phát vẫn rất cao.

TS. Nguyễn Thạc Hoát khuyến nghị: Cần tái cơ cấu chức năng phân bổ vốn, cho phép linh hoạt về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng lên tối đa 49%, nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, khắc phục yếu kém trong khả năng phân bổ vốn. Cần hướng dòng chảy vốn xã hội từ chính sách kích thích đầu tư tài chính (vàng, cổ phiếu, ngoại tệ…) sang đầu tư sản xuất kinh doanh mà muốn vậy thì lãi suất tiền gửi các tổ chức kinh tế phải thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng chính sách “phi lãi suất” đối với các nguồn vốn gửi vào ngân hàng để thực hiện các chức năng phương tiện thanh toán, ký quỹ, bảo lãnh, giữ hộ. Các ngân hàng phải đóng vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế mà cụ thể, các tổ chức tín dụng cần có sự kiểm soát chặt chẽ các chi phí đầu vào như chi phí quảng cáo, tài trợ quản lý… để giảm lãi suất đầu ra cho nền kinh tế.

Huy Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét