Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Đơn xin... từ chối vinh quang!

Đơn xin... từ chối vinh quang!
(Dân trí) - Thế là giờ đây sau gần 10 năm sống “ngây ngất” trong niềm vinh quang thì niềm mơ ước lớn nhất của người dân làng Đường Lâm là được trở lại thành “làng bình thường”, “yên bình và tự do” như mọi làng quê ở đất nước Việt Nam này. 
Những hình ảnh bất ngờ, trớ trêu ở làng cổ Đường Lâm
Người Đường Lâm - đất 2 vua - đang nổi giận: Vì sao?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ở đời, cái danh cái lợi chẳng ai không ham. Người xưa nói “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Gần đây thì có câu: “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”.Thế đấy, cái phần thưởng nó danh giá lắm, mê hoặc con người ta lắm lắm!
Đến như Cụ Nguyễn Công Trứ, một nhà nho tài tử nổi tiếng bởi sự ‘ngông”, khi bị giáng chức vua hỏi đại để là có buồn không, ông cụ đã có câu trả lời nổi tiếng: “Khi thần được thăng chức, thần có mừng đâu mà giờ buồn cơ chứ”. Thế mà cũng có lúc từng thốt lên đầy… ham hố: “Phải có danh gì với núi sông”.
Thế nhưng có một nơi người dân lại làm đơn “từ chối vinh quang”, xin được trở lại bình thường như mọi nơi khác. Đó là làng cổ Đường Lâm, một di tích quốc gia nổi tiếng.

Lý do mà người làng Đường Lâm “từ chối vinh quang”, theo dân làng là bởi từ khi được công nhận là Di tích quốc gia đến giờ, cuộc sống người dân ở đây không còn bình thường nữa.

Không được như các công dân của làng bình thường, họ không được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất cha ông họ từ ngàn xưa để lại.
Trong khi dân số trong làng ngày càng tăng lên tức là diện tích sử dụng cho sinh hoạt tăng lên nhưng: “Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục xem có phát hiện thấy nhà ai chở gạch, ximăng là lập tức có giấy thông báo: cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng vì không theo thiết kế của ban quản lý”... 

Buồn hơn, trong đơn có đoạn đầy… ân hận: “Chúng tôi là những người dân hiền lành quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm kế sinh nhai. Khi nghe đài phát thanh của xã công bố “làng được công nhận là di tích quốc gia làng cổ”, chúng tôi đã vui mừng lắm vì nghĩ cả đất nước quan tâm đến xã mình. Cán bộ xã nói sẽ thu hút khách du lịch, nhân dân được hưởng lợi từ đó, đời sống sẽ nâng lên. Nhưng, thực tế từ đó đến nay chỉ có khoảng tám gia đình được đầu tư xây dựng, còn lại gần 400 hộ gia đình chẳng được hỗ trợ gì cả. Sự bức xúc này đã nung nấu từ gần 10 năm nay rồi và đến giờ không thể chịu nổi nữa”.

Cuối cùng, lá đơn chua chát viết: “Vì vậy chúng tôi cùng nhau làm đơn này xin trả lại danh hiệu “(Di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm”; (chúng tôi làm như thế với mong muốn) trả lại sự yên bình và “tự do” (trong sinh hoạt) vốn có của vùng nông thôn trung du này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nguyện vọng chính đáng, giản dị của nhân dân chúng tôi”.

Thế là giờ đây sau gần 10 năm sống “ngây ngất” trong niềm vinh quang thì niềm mơ ước lớn nhất của người dân làng Đường Lâm là được trở lại thành “làng bình thường”, “yên bình và tự do” như mọi làng quê ở đất nước Việt Nam này.

Tuy nhiên, niềm mơ ước của họ không thể thành hiện thực bởi như lời người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao - Du lịch Phan Đình Tân: “Di tích được xếp hạng cũng từ nguyện vọng của người dân. Vì thế, không thể cứ thích thì “vào hạng” mà không thích thì xin rút”.
Ôi! Làng Đường Lâm vĩ đại! Trong khi thiên hạ chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu thi đua khen thưởng thì Người lại từ chối vinh quang?!

Một làng “lạ” như thế mà không “bảo tồn” mới… lạ, phải không các bạn?

Lang Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét