Chỉ số nào đo quốc gia thịnh vượng?
Thế giới và Việt Nam đều đang tìm câu trả lời: Chỉ số nào sẽ thay thế GDP khi tính toán sự thịnh vượng của một đất nước? Tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) cùng Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 3-5 đã tọa đàm về vấn đề này với chủ đề "Từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến các chỉ số đo thịnh vượng mới”.
Nụ cười rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt những em bé Bhutan
Mới chỉ có Butan dùng chỉ số đo hạnh phúc quốc gia thay cho chỉ số GDP
GDP không lý giải được những chuyện xảy raMơ ước về sự thịnh vượng luôn là mục tiêu chung của con người. Thước đo mang tính thông tin về sự thành công và thịnh vượng của các nền kinh tế phát triển là GDP bình quân đầu người - một thước đo đơn giản từng được sử dụng khá rộng rãi. Nhưng đây đơn thuần là chỉ tiêu phản ánh tổng sản phẩm và dịch vụ của quốc gia đó, mang tính chất "sức mạnh kinh tế” một chiều, khó có thể đánh giá đầy đủ sự thịnh vượng của một quốc gia.
GDP không đưa ra bất kỳ chỉ tiêu nào phản ánh sự tiến bộ của xã hội, sự lành mạnh của môi trường sống, sự thỏa mãn về tinh thần của các công dân, không đo lường được sức khỏe cộng đồng, v.v… Nó cũng chưa tính đến nguồn vốn tự nhiên, không chỉ ra hoạt động kinh tế nào đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia đó và ngược lại. Sử dụng chỉ tiêu GDP để đánh giá quốc gia thịnh vượng vì vậy không chính xác.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đến từ Bỉ, UNDP, Liên minh châu Âu, và một số bộ, ngành nước ta ghi nhận xu hướng thế giới mới khi đo sự thịnh vượng, bổ sung hoặc thay thế nhiều chỉ số mới thay vì chỉ sử dụng GDP. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng nhắc nhân loại một thực tế rằng: Sự thừa mứa vật chất sẽ không kéo dài bởi tài nguyên trên trái đất không phải là vô tận. Các nhà hoạch định chiến lược vẫn đang đi tìm một thước đo mới cho sự thịnh vượng không chỉ dựa vào công thức GDP.
Dù mới chỉ có Butan dùng chỉ số đo hạnh phúc quốc gia thay cho chỉ số GDP, song quan điểm về sự thịnh vượng của quốc gia này cũng đã lan tỏa ra thế giới, khiến nhiều nước giàu như Mỹ, Anh, Canada… phải ngước nhìn nể phục.
Chỉ số nào chính xác hơn GDP?
"Phát triển bền vững bao gồm các yếu tố bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường và phải tuân theo nguyên tắc kinh tế là cốt lõi và môi trường là bao quát. Sự thỏa mãn cuộc sống cần tính cả chất lượng cuộc sống, chất lượng công việc và chất lượng nghỉ ngơi” - GS. Isabelle Cassiers, chuyên gia kinh tế ĐH Louvain, Vương quốc Bỉ lưu ý tại tọa đàm.
Phát biểu này khiến ta liên tưởng tới ý kiến của một cán bộ cấp cao thuộc Bộ Giáo dục Bhutan trước đây - Thakur S. Powdyel. Ông cho rằng "mục tiêu sống của con người không nên chỉ khuôn hẹp trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đi theo nguyên lý sản xuất càng nhiều, tiêu dùng càng tăng”. Bởi thực tế "giữa mức độ sở hữu và mức độ hạnh phúc chẳng có mối dây liên hệ nào cả”. Do đó, Hiến pháp Bhutan quy định mọi chương trình của Nhà nước Bhutan từ nông nghiệp, giao thông vận tải cho đến ngoại thương… sẽ không dựa trên tiêu chí lợi nhuận kinh tế để đánh giá mà đánh giá bằng hạnh phúc nó mang lại cho toàn thể nhân dân.
Đối với Việt Nam, hiện nay chỉ số về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học ở mức khá cao so với chỉ số GDP, nhưng so với thế giới vẫn dưới trung bình. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú ý đến 3 yếu tố bền vững, bình đẳng và các yếu tố xã hội khi đo sự thịnh vượng.
Tiến trình phát triển xã hội, cuộc sống đầy đủ và môi trường trong lành là điều cần được nhấn mạnh khi đo sự thịnh vượng của quốc gia. Hiện nay việc tìm kiếm chỉ tiêu khác thay thế cho GDP đang được thế giới rất quan tâm. Đã có nhiều nỗ lực đánh giá và điều chỉnh lại những khiếm khuyết của GDP, dù chưa chỉ số nào thay thế đáp ứng được hoàn toàn việc đánh giá tăng trưởng, thịnh vượng. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên hợp quốc và Dấu chân Sinh thái của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) là hai trong số các biện pháp đã được đề xuất thay thế để đánh giá sự phát triển.
Phương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét